GN - Đắk Bla là dòng sông mang nhiều câu chuyện huyền thoại ở đôi bờ. Nhưng tiếc thay, những năm gần đây, dòng sông đang “lịm dần” giữa mùa nước cạn.
Dòng sông huyền thoại
Dòng sông Đắk Bla như dải lụa vắt qua Kon Tum, được hợp lưu bởi nguồn nước từ các con suối và 3 nhánh sông nhỏ là Đăk A Kôi, Đăk Snghe và Đăk Pne bắt nguồn từ dãy Ngọk Linh hùng vĩ và chảy dài 139km. Và, cứ thế ngược về phía Tây trước khi gặp sông Krông Pô Cô ở huyện Sa Thầy nhập làm một, thành sông Sê San, chảy qua đập thủy điện Yaly rồi sang lãnh thổ Campuchia để hòa vào dòng Mê Kông đổ ra Biển Đông ở phương Nam.
Già A Xép là già làng của Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), một trong những ngôi làng cổ hiếm hoi còn lại của Tây Nguyên nằm bên bờ Đắk Bla.Già A Xép, người kể nhiều của làng, về dòng Đắk Bla
Dưới ánh hoàng hôn, già A Xép nhìn dòng sông rồi thủ thỉ, rằng Đắk Bla ngàn đời đã chở che, nuôi sống cho người dân của làng, cũng như các làng Bahnar khác như làng: Pei Đôn, Plei Rơ Hai, Plei Tơ Nghia, Kon Jơri… ở hai bên bờ. Dòng sông ấy có lúc hiền lành nhưng có lúc lại hung dữ.
A Xép kể, từ xa xưa người Bahnar đã gọi dòng sông này là Đắk Krong Plăh, tức dòng sông nước lớn. Trong tiếng Bahnar, “đăk” là nguồn nước, “plăh” là hung bạo, dữ tợn.
Những mùa lũ, dòng sông cồn lên con nước hung hăng cuốn đi biết bao trâu bò, lúa gạo và cả người làng ở hai bên bờ. Mỗi mùa lũ như thế, những người làng lại cầu mong Yang đừng trừng phạt.
A Xép kể, người của các làng Bahnar và Jrai hai bên sông này vẫn lưu truyền câu chuyện tình diễm lệ nhưng đầy xót xa. Nhiều đời trước, những người đầu tiên đến bên dòng Đắk Bla dựng buôn, lập làng là người Jrai và Bahnar.
Người Jrai lập làng bên hữu ngạn, phía thượng lưu; người Bahnar lập làng bên tả ngạn, phía hạ lưu. Tuy khác bộ tộc nhưng hai buôn làng vẫn sống chan hòa, yêu thương nhau giữa núi rừng hùng vĩ. Một ngày, chiến tranh nổ ra khắp vùng Tây Nguyên, người làng Jrai và người làng Bahnar trở nên thù địch.
Nhưng, một chàng trai người Jrai lại đem lòng yêu thương cô gái người Bahnar mà không được buôn làng chấp nhận. Tuyệt vọng, họ hẹn nhau một đêm sáng trăng sẽ ra sông Đắk Bla tự trầm để được chết bên nhau, qua đó hóa giải thù hận giữa hai buôn làng. Ngày hẹn, đôi trai gái tự lao xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy...
Cảm động trước tình yêu này, hai làng quyết định gạt bỏ quá khứ, kết nghĩa anh em, sống lại những ngày tháng chan hòa, yên lành. Và từ đấy, người các làng Pei Đôn, Plei Rơ Hai, Plei Tơ Nghia, Kon K’tu… yêu thương lẫn nhau và cùng sống với dòng sông huyền thoại này.
Vào mùa mưa, nước lớn nên bà con phải qua lại bằng thuyền độc mộc hoặc bè. Mùa lũ, nước sông Đắk Bla trở nên hung dữ, không ai dám đi qua, mọi sinh hoạt, lao động cũng vì vậy mà trở nên gián đoạn. Đến mùa khô, dòng sông lặng lẽ trôi và bồi đắp phù sa, để người làng trồng cấy và chăn nuôi. Năm 1994, cầu Kon Klor “chào đời” đã “đánh thức” kinh tế ở hai bờ, tạo giao thương thuận tiện, cuộc sống của người dân cũng nhờ đó no đủ, nhộn nhịp hơn.
Đừng để dòng sông “hấp hối”
Nhưng, mùa này đang là cuối mùa khô ở Tây Nguyên. Con sông Đắk Bla đang trở mình lặng lẽ. Nhiều người đi trên cầu Kon Klor nhìn xuống dòng sông Đắk Bla chỉ còn thấy những cồn cát trắng; dòng sông hùng vĩ bao năm, linh hồn của Tây Nguyên chỉ còn lại giống như những con lạch nhỏ.
Đầu nguồn sông, người ta đã xây dựng nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum. Để có nước chạy máy phát điện, nguồn nước của con sông đã bị chặn lại. Thêm vào đó, thời tiết những năm gần đây khắc nghiệt hơn, lượng mưa ít hơn và trữ lượng nước ngầm suy giảm đáng kể…
Sông Đắk Bla và các dòng suối ở Kon Tum cũng đã cạn kiệt bất thường
Vài năm gần đây, nhất là vào mùa khô, sông Đắk Bla và các dòng suối ở Kon Tum cũng đã cạn kiệt bất thường, ai nấy đều thấy rõ. Khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước và chuyển dòng, phía hạ lưu sông Đắk Snghé và Đắk Bla bị mất 50 - 60% lượng nước. Sự cạn kiệt ấy đã khiến dòng sông Đắk Bla chỉ còn đẹp, nên thơ ở thời dĩ vãng.
Với già làng A Xép và với nhiều người khác, những ngôi làng cùng dòng Đắk Bla là nhất thể. Sự gắn kết ấy đã trở nên một thứ trầm tích, là trầm tích của văn hóa và lịch sử về một vùng đất đầy ắp huyền thoại mà không phải ai cũng được may mắn nghe ông kể.
Thời gian đi qua, già A Xép sợ mình già hơn. Và sẽ không còn ai kể về những câu chuyện đầy huyền thoại của dòng sông Đắk Bla, những câu chuyện của ông, của dòng sông Tây Nguyên này có để lại gì cho thế hệ sau. Già A Xép sợ rằng, cũng như số phận của những con sông khác, rồi đây dòng Đắk Bla có biến mất?
Chiều cuối mùa khô, già A Xép ngồi bên bờ sông, nơi những con thuyền độc mộc nằm gác mái chèo lên nhau. Phù sa của dòng sông đã không còn. Phù sa là quà được chắt ra từ đất, từ rừng... hiến dâng cho con người nơi đây một nguồn sống trù phú và khỏe khoắn từ bao đời, giờ cũng đã không còn nữa.
Trong câu chuyện của mình, già A Xép không thể hiện được rõ ràng điều đó, nhưng trong ánh mắt của già và lời thì thầm của dòng sông đã cho nhiều người một cảm xúc như thế. Bây giờ mùa khô, lòng sông Đắk Bla đã thu hẹp lại, lững lờ chầm chậm trôi.
Sông như một đặc ân của thiên nhiên dành riêng cho những ngôi làng Bahnar, Jrai, nuôi sống bao người con Bahnar, Jrai, Xê Đăng… Sông chứng kiến bao nhiêu vòng đời. Cây cầu bắc qua dòng sông Đắk Bla in bao bước chân, dấu vết của đời sống trầm lắng và cả nỗi buồn vui của bao người con nơi đây.
Đắk Bla không chỉ là niềm tự hào của bao thế hệ, mà còn là nỗi thương nhớ của người dân Kon Tum tha phương. Nhưng bây giờ, dòng sông đang “hấp hối”…