Nơi chôn nhau cắt rốn

GN - Tôi sinh ra và lớn lên từ một vùng núi non xa lắc, nằm sâu và nép mình theo dãy Trường Sơn của một đất nước có hình cong chữ S. Người ta gọi đó là Việt Nam.

Khi tôi chập chững biết đi những bước chân đầu đời trên khoảng sân nhà đầy hang hốc và bụi bặm, bà ngoại nắm tay tôi dẫn từng bước một, tôi cười như nắc nẻ mỗi lần suýt té…

pic4.jpg
Ảnh minh hoạ

Hàng xóm của tôi là những cây xoài, cây mít xù xì to đến mấy người ôm, hoặc gần gũi hơn là mấy cọng rau đầy gai nhọn và những cánh lá lốt mềm mại thân thương, bởi tôi thường bứt chúng bỏ vào nồi canh mỗi khi ngoại biểu. Xa hơn nữa, bên kia sườn đồi, nơi tôi không thể nào một mình tự đi tới được, dường như có vài chòi tranh mà không có con nít, cũng lụp xụp như chỗ ở của bà cháu tôi hồi đó.

Bà ngoại kể, năm lên tám tuổi tôi bị một trận sốt rét thập tử nhất sinh, không thuốc men, ngoài nắm lá rừng sắc uống.

Không người chăm sóc, trừ bà ngoại ngày đêm hốt hoảng cuống cuồng, tôi nằm bẹp dí như chiếc lá rừng khô đét, hơi thở thoi thóp đứt đoạn, nóng lạnh bất thường vô cùng nguy kịch. Bà ngoại mua được miếng thịt heo mỡ, định nấu nồi cháo, thắp nhang cúng vái xin Trời Phật phù hộ cho tôi, hình như có vài người hàng xóm hiếm hoi cùng ngồi bên ngoại rưng rưng nước mắt. Chiều hôm ấy, sau khi cúng xong, bà ngoại đi qua xóm núi bên kia, hình như để nhờ thầy coi quẻ cúng vái cho tôi.

Ở nhà, tôi bị lên cơn sốt nóng hừng hực rồi lạnh thấu xương, tôi thấy trần nhà quay tít, nâng người tôi bay bổng lên rồi bất thình lình hất tung xuống đất và cái lu đựng mắm cái bỗng lăn đến đè lên người tôi, to đùng và nặng trĩu… Tôi hét lên và lịm người mê man, khi tỉnh lại mồ hôi vã ra như tắm, bụng đói cồn cào, khát nước cháy cổ.

Tôi thu hết tàn lực, cố gượng ngồi lên rồi từ từ bò xuống bếp, tìm lại chỗ nồi nước trên ông Táo kê bằng ba cục đá ong, bếp tro nguội lạnh, nồi nước khô queo!… Ngồi thở dốc một lúc, tôi tiếp tục cuộc hành trình về hướng ảng nước, nhưng vừa ngang chuồng heo thì đuối sức nằm thở dốc. Bất ngờ nhìn lên vách phên chuồng heo, tôi thấy chiếc gióng nhỏ treo tòn teng cái trã đất gần như đu đưa, lúc lắc khi tay tôi vịn vào tấm phên… Tôi cố bám vào tấm phên, nhón người thò tay dỡ cái nắp vung lên, nhưng sự yếu ớt và run rẩy đã làm rơi cái nắp vung vỡ tan… Tôi thò tay vào trong trã đất, vật gì đó mềm mềm, nhơn nhớt… Tôi hốt ra được mấy lát thịt heo mỡ, liền thả người ngồi bệt xuống đất, nhai ngấu nghiến như chưa từng được ăn lần nào… Và cứ thế, tôi trườn lên, ngồi xuống nhiều lần, nhai gần hết trã thịt heo, bò lại giường và thiếp đi trong mê man…

Khi tỉnh lại, tôi lơ mơ nghe rì rào nhiều tiếng nói của mấy người hàng xóm hiếm hoi của bà cháu tôi, có giọng nói từ một bà:

- Tội nghiệp thằng nhỏ, phải chi có cha mẹ nó ở nhà thì đâu đến nỗi! Có tiếng khóc thút thít.

- Nó không sao đâu mà, vẫn còn thở đây nè! Mà cha mẹ nó đi theo kháng chiến chứ phải đi đâu đâu… Tiếng ngoại tôi khóc to hơn: Trăm lạy Mẹ Quán Thế Âm Bồ-tát, xin Người cứu cháu… Hu! hu!

Tôi lơ mơ nghĩ và hiểu rằng cha mẹ tôi đi kháng chiến (?) nhưng tôi không hiểu là đi đâu, làm gì! Mà “kháng chiến” là gì nhỉ?! Hồi ấy tôi còn quá nhỏ để hiểu biết việc làm của người lớn.

Đến chiều tối thì tôi hoàn toàn tỉnh táo, khỏe hẳn ra, trước sự ngạc nhiên cùng cực của mọi người! Bà ngoại tôi thì lâm râm niệm Quan Âm Bồ-tát liên tục.

Từ hôm đó, tôi mạnh khỏe không hề đau ốm gì cả, lớn lên nùi nụi từng ngày, như củ khoai đọt sắn, như cây rừng hồn nhiên, vô tư lự giữa đại ngàn trong vắt màu xanh…

***

Hai năm sau ngày tôi thoát chết vì căn bệnh hiểm nghèo một cách thần kỳ, bà ngoại tôi lăn đùng ra chết vì bị rắn độc cắn!

Cuộc đời tôi bước sang một ngã rẽ không tưởng…

Không còn một người thân nào trên đời, tôi khi không được một người ngoại quốc nhận làm con nuôi và đưa về một nơi khác hẳn nơi tuổi nhỏ tôi từng sống! Một đất nước xa xôi lạ lẫm bên kia bờ đại dương, không cùng màu da, không cùng ngôn ngữ, phong tục, tập quán… Nghĩa là tất cả đều làm lại từ đầu. Và tôi đã làm lại từ đầu đến hai chục năm…

Cha mẹ nuôi tôi là cặp vợ chồng người Mỹ tốt bụng, không có con, ông bà thương yêu tôi vô cùng nên tôi được chăm sóc rất tốt, cho học hành tới nơi tới chốn.

Giai đoạn tuổi thơ đến trưởng thành của tôi ở phương trời viễn xứ ấy là những tháng ngày thần tiên, hạnh phúc tuyệt vời…

Sau khi tốt nghiệp đại học Y tại Trường Stanford, một ngôi trường danh giá và uy tín ở Mỹ, tôi được về làm việc tại Bệnh viện  Santa Clara Valley Medical Center tại đường Bascom Ave, nơi có khá nhiều người Việt đến điều trị, họ thường gọi là Bệnh viện Bascom. Hơn một năm thì cha mẹ nuôi tôi có lời khuyên tôi nên tham gia đoàn y học nhân đạo về Việt Nam làm công tác thiện nguyện giúp người nghèo bệnh tật và chất độc da cam/ dioxin.

Theo lời cha mẹ nuôi tôi kể lại, quê hương tuổi nhỏ của tôi ở Việt Nam là một vùng đại ngàn xa khu dân cư, đồi núi chập chùng bát ngát cây xanh, bao la ngoằn ngoèo suối thác… tận miền Trung khô cằn sỏi đá, nơi bốn mùa luôn khắc nghiệt. Nhưng nghe đâu bây giờ vùng núi ấy đã thay da đổi thịt, người ta làm đường xuyên Việt từ Bắc vào Nam, ngang qua vườn nhà tôi ngày xưa, biến nó thành khu thị tứ đông người sinh sống…

Tôi bắt tay làm việc một cách hăng say không hề mệt mỏi, nhất là những khi tiếp xúc thăm hỏi hoặc khám, điều trị cho những bệnh nhân tuổi nhỏ với lòng xao xuyến thương cảm tràn dâng, tôi hình dung ra hình ảnh tuổi thơ tôi ngày nào trên mảnh đất khó khăn èo uột xưa xa…

Rồi mọi việc cũng qua đi, những ngày làm công tác thiện nguyện ở tận vùng sâu, vùng xa, lăn lộn với biết bao cảnh đời khốn khổ, tôi và đồng nghiệp đã mang lại phần nào nguồn an ủi nhỏ nhoi, sẻ chia cùng những con người bất hạnh ấy và hôm nay là những ngày rảnh rang, nghỉ ngơi chờ tổng kết…

Tôi trở về với nhiệm vụ riêng tư nhưng thiêng liêng của mình là tìm lại nguồn cội nơi chôn nhau cắt rốn của tôi.

Sau mấy ngày hỏi thăm và loay hoay tìm kiếm, rồi tôi cũng xác định được vị trí khu đất ngày xưa bà cháu tôi ở. Đặc biệt là ngôi mộ của ngoại tôi nằm cạnh cây mít đã thành cổ thụ, cách đường lộ chừng một trăm mét dựa sườn đồi. Cỏ hoang mọc um tùm che lấp nấm mồ hoang vu của ngoại, chỉ xác định được là nhờ một gốc cây khô chôn phía dưới chân ngôi mộ đã mấy chục năm bầu bạn với Người…

Tôi nhờ người xây lại ngôi mộ của ngoại, dựng tấm bia đá cho ngoại xong xuôi mà nghe lòng mình thanh thản vô cùng.

Chiều nay, khi đoàn thầy thuốc từ thiện chúng tôi đã hoàn thành công tác tại Việt Nam, chuẩn bị bay về Mỹ, có một bác sĩ mang quốc tịch Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, gốc Việt đang thắp nhang quỳ lâm râm khấn nguyện bên ngôi mộ mới trùng tu, nằm cạnh sườn đồi núi Trường Sơn của đất nước có hình cong chữ S…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày