GN - Chiều phố thị mưa tầm tã khiến cho hành khách chờ ở trạm xe buýt nhốn nháo như dân tị nạn. Mặc dù có nhà chờ nhưng làm sao bao bọc được hơn 20 người trong không gian nhỏ hẹp. Xe vừa đến, ai cũng mừng như bắt được vàng.
Bước lên xe khó nhọc, tôi chưa yên vị thì chị nhân viên soát vé đã xuất hiện với gương mặt lạnh tanh như thời tiết ngoài trời: “Thu tiền vé, nhanh đi!”. Vội vàng móc thẻ xe buýt ưu tiên dành cho người khuyết tật, tôi nhận ngay một gáo nước lạnh giội vào mặt: “Phải thẻ của anh không? Gương mặt trong thẻ và ở ngoài không giống nhau lắm!”.
Tôi ngập ngừng giây lát rồi trả lời trong nghẹn ngào: “Phải rồi! Vì hình trong thẻ lúc tôi chưa bị tai nạn”. “Vậy thì làm sao tôi chắc là anh để miễn phí vé?”, cô ta tiếp tục truy hỏi.
Quá uất ức, tôi giơ hẳn một cánh tay và bàn chân trái tật nguyên lên cho cô ta xem: “Như vậy có đủ được miễn phí đi xe buýt không, thưa cô? Hay tôi phải trình thêm chứng minh nhân dân để cô đọ với thẻ xe buýt miễn phí?”. Cô nhân viên ngoe nguẩy bỏ đi, rơi lại sau lưng là đôi mắt hình viên đạn. Xung quanh, mọi người tỏ vẻ cảm thông.
Người khuyết tật đã có một nỗi đau cơ thể không lành lặn rồi. Xin đừng...
Đây không phải là lần đầu tiên tôi nhận được gáo nước tê buốt như thế. Vì công việc phải làm nhiều nơi, lại tật nguyền nên tôi buộc lòng đi xe buýt. Nhiều nhân viên cảm thông, thậm chí họ còn không thèm nhìn đến chiếc thẻ, khoát tay ra hiệu kêu tôi bỏ vào túi. Nhưng cũng rất nhiều nhân viên không ưa những cái gì gọi là miễn phí, giảm giá (cũng như vé tập) nên rất khó chịu với sinh viên và người khuyết tật.
Có rất nhiều lần tôi muốn ứa nước mắt khi bị nhân viên truy hỏi, soi mói, ngắm nghía, điều tra như kiểu tội phạm. Người tật nguyền như chúng tôi đã quá đau đớn về thể xác rồi, hãy cho chúng tôi một nụ cười, một cái nhìn thân thiện để chúng tôi hòa nhập với cộng đồng.
Nói thật, chẳng ai muốn giữ chiếc thẻ miễn phí xe buýt dành cho người khuyết tật. Vì đó không phải là niềm tự hào mà là một nỗi đau.