Nơi nương tựa tâm linh của Phật tử dân tộc K’Ho

GN - Đến thị trấn Di Linh (Lâm Đồng), hỏi chùa Pháp Hoa thì ai cũng biết “chùa hai Sư cô đó mà”. Trong lần đầu tiên đến đây cách nay mấy năm, chúng tôi cũng khá bất ngờ vì chẳng những được chỉ đường tận tình mà bà con địa phương còn tự nguyện đưa chúng tôi vào tận chùa...

Từ miền Tây… dấn thân đến cao nguyên

Năm 1970, khi vùng đất này vẫn còn là vùng rừng, đồi dốc, hẻo lánh, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người dân tộc K’Ho sống rải rác trên những khu đồi, hai Sư cô là Thích nữ Huệ Đức, quê ở Bạc Liêu và Thích nữ Minh Hiền, quê ở Cai Lậy, Tiền Giang đã mang theo hạnh nguyện cùng nhau dấn thân về vùng đất này, dựng nên một thảo am đơn sơ để làm chỗ nương náu, tịnh tu.

Sau ngày đất nước hòa bình, bà con dân tộc xuống vùng thấp sinh sống tập trung thành những buôn làng, khai khẩn đất hoang canh tác, cũng là lúc đồng bào dân tộc K’Ho tại địa phương biết đến sự hiện diện của hai “thầy cúng, thầy mo” tại đây. Xuất phát từ đời sống tâm linh, bà con địa phương đã dần tìm đến với “hai thầy” bởi tin vào sự vi diệu, hai người phụ nữ vẫn sống an lành trong vùng bom đạn chiến sự.

ABC (1).JPG

Các Phật tử nhỏ tuổi người K'Ho tự gõ mõ trong các khóa tu tại chùa Pháp Hoa

Như một nhân duyên, hai Sư cô cùng sống, cùng sinh hoạt, đã dần khai sáng, dẫn dắt bà con dân tộc K’Ho địa phương hiểu rằng hai Sư cô không phải là thầy mo, hai Sư cô không có phép thuật mà chỉ có chú Đại bi và một lòng theo Phật. Phật chở che và dẫn dắt mọi người đến bến bờ bình yên.

Ở làng, người đầu tiên đến với chùa học tu là ông K’Briu hay còn gọi là K’Lang (người của ấp K’Long Trao, hiện ông đã trên 70 tuổi, vẫn khỏe mạnh, là một già làng uy tín). Noi gương ông K’Briu, từ đó số lượng người đến chùa tu học càng nhiều hơn, cùng hướng về Phật pháp. Ở làng K’Long Trao, người đầu tiên chính thức quy y Tam bảo là ông K’Bíu (Đíu), được đặt pháp danh là Thiện Chiếu.

Và cũng từ đó, ông tự nguyện đảm nhiệm là thư ký quản tự phụ giúp cho hai Sư cô cho đến nay. Theo năm tháng, số người chính thức quy y Tam bảo ngày càng nhiều hơn, hiện với 300 hộ người dân tộc K’Ho thuộc các ấp: Tân Châu, Djiring Thượng, Bảo Tuân, Hàng Làng, Lăng Cá, thuộc xã Gung Ré đã có 1.040 Phật tử thọ giới quy y tại chùa Pháp Hoa, trong đó ấp Tân Châu (K’Long Trao) đã quy y hầu hết.

“Đạo tràng muỗng dùa”

Nhớ lại từ những buổi sơ khai, việc tập hợp và hướng dẫn cho bà con cùng nhau niệm Phật, đặc biệt là các em thiếu nhi đã là quá khó, quá mới lạ vì lúc ấy bà con chỉ biết tiếng dân tộc K’Ho và trong ngoài chỉ có hai Sư cô. NT.Thích nữ Minh Hiền đã đề xuất Giáo hội dịch một số kinh sang tiếng dân tộc K’Ho. Trong khi chờ đợi, với sự trợ giúp của Phật tử Đíu - Thiện Chiếu, hai Sư cô đã tự biên dịch, phiên âm những từ đơn giản để giúp bà con hiểu, tạo sự thuận tiện hơn trong việc cùng nhau tu tập.

Ngày ấy, nhận thấy nhiều trẻ em tự do vui chơi, nghịch phá bên ngoài, trong khi cha mẹ đang tu tập trong chùa, hai Sư cô đã quy tụ các em lại, hướng dẫn chúng cùng nhau tu tập và tạo sự sinh động, vui tươi, đồng thời theo tiếng gõ mà nói theo, mà đồng nhịp bước đều chân… Sáng kiến vận dụng những sản phẩm của quê hương mình là những cái gáo dừa để thay cái mõ (do điều kiện lúc bấy giờ), cho các em gõ nhịp theo từng chữ niệm Phật.

Những cái gáo dừa ấy thật sự đã có hiệu quả, đạo tràng thiếu nhi ở chùa Pháp Hoa dần phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cũng từ đó, tiếng thơm về “đạo tràng muỗng dùa” cũng được nhiều người biết đến và chùa có thêm tục gọi khác là chùa muỗng dùa hay đạo tràng muỗng dùa (ngày nay những chiếc gáo dừa vẫn được cất giữ như vật lưu niệm vì đã được thay bằng những chiếc mõ).

Không chỉ hướng dẫn các em tu tập, hai Sư cô còn tranh thủ dạy cho các em biết cái chữ và vận động gia đình nên cho các em đến trường đi học. Hai Sư cô đã làm thêm nhiệm vụ phụ đạo theo chương trình học của các em. Vào ngày Chủ nhật, ở “Đạo tràng muỗng dùa”, các em về tu học khoảng trên 200 em.

Chúng tôi rất hoan hỷ chứng kiến một đạo tràng từ người già đến trẻ em cùng niệm chú Đại bi trong tiếng mõ vang rền, cùng nhịp nhàng lạy Phật, cùng đi kinh hành đều nhịp bước, cùng niệm hồng danh Phật, chỉ với bằng những tiếng chuông, tiếng khánh hiệu lệnh của NT.Thích nữ Minh Hiền. Nhiều người thán phục nói: “Rất ấn tượng, đều quá, đẹp quá, sao chỉ có hai Sư cô mà huấn luyện được như vậy”.

ABC (2).JPG


Nữ Phật tử người K'Ho địu con đi kinh hành

Dẫn đầu đoàn kinh hành là các em thiếu nhi, người lớn đi sau, tay chắp trước ngực, riêng phụ nữ thì đa phần đều có điệu theo em bé trên người nên không thể cài nút áo tràng được. Những hình ảnh ấy rất đẹp về một đạo tràng người dân tộc tại ngôi chùa Pháp Hoa này.

Điều đó nói lên sự nỗ lực, sự chịu thương, chịu khó cùng sự nhẫn nại, để vượt qua nội chướng ngoại duyên mà hai Sư cô thực hiện trong mấy mươi năm qua. Việc làm đó chỉ với mục đích, đưa Phật pháp đến với đồng bào dân tộc, xây dựng nên một đạo tràng người dân tộc lớn như ngày nay. Ở vùng khó khăn này, hàng tuần đạo tràng vẫn duy trì đều đặn sinh hoạt khóa tu 1 ngày và khóa tu Bát quan trai mỗi tháng.

Vượt qua khó khăn để cộng tu

Đạo tràng đồng bào dân tộc tại chùa Pháp Hoa là một trong những đạo tràng lớn tại Di Linh nói riêng và tại tỉnh Lâm Đồng nói chung (tỉnh Lâm Đồng có 3 đạo tràng người dân tộc). Phật tử người dân tộc tại đây là hậu duệ của thế hệ những phu đồn điền thời Pháp ngày xưa. Cuộc sống của họ gắn liền với nương rẫy nhưng không phải nhà nào cũng có đất canh tác, nếu có thì cũng không nhiều.

Nguồn sống chính của họ vẫn dựa vào việc đi làm thuê cho những rẫy cà-phê trong địa phương, ăn trước trả sau nên cuộc sống của bà con luôn cận kề với những khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc. Thấu hiểu những cảnh sống ấy và cũng để Phật tử trong đạo tràng yên tâm tu học, NT.Thích nữ Minh Hiền và NT.Thích nữ Huệ Đức cũng đã nỗ lực vận động rất nhiều trong khả năng giới hạn của mình để giúp bà con phần nào giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống.

Trải qua 45 năm, ngôi chùa vẫn ẩn mình bên dốc đồi, giữa những rẫy cà-phê (mà chủ nhân của nó là người nơi khác đến), dù chùa đã được xây dựng lại trong khuôn viên khá rộng nhưng vẫn còn nét đơn sơ của căn nhà cấp 4. Gian chánh điện trang nghiêm được bố trí trong một diện tích khiêm tốn, phần lớn diện tích còn lại được dành làm nơi cho bà con tu tập.

NT.Thích nữ Huệ Đức được GHPGVN tấn phong lên hàng giáo phẩm Ni trưởng năm 2007, còn NT.Thích nữ Minh Hiền, Phó ban Trị sự GHPGVN thị trấn Di Linh, trụ trì bổn tự cũng được tấn phong lên hàng giáo phẩm Ni trưởng năm 2012. Dù vậy, Phật tử người dân tộc K’Ho ở đây vẫn gọi thân mật hai Ni trưởng ở chùa là hai Sư cô. Trong những ngày bố-tát, Ni chúng vùng Di Linh đều tề tựu về đây để cùng tụng giới, nhắc nhở nhau sống trong tinh thần của giới luật, trang nghiêm Giáo hội.

Hiện nay, sức khỏe của cả hai Ni trưởng đã giảm sút nhiều do tuổi già và bệnh tật nhưng vẫn cố gắng để có mặt dẫn dắt bà con tu tập. Hai Ni trưởng vẫn đau đáu, lo lắng rất nhiều cho Phật tử ở đạo tràng, ngay cả trong khi đang phải nằm viện. Hiện nay, SC.Tín Huệ từ chùa Kim Liên (H.Đại Ninh, Lâm Đồng) đã về đây trợ giúp, duy trì sinh hoạt cùng những khóa tu truyền thống của chùa Pháp Hoa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày