Nơi ươm những mầm sen

GN - Tôi ghé thăm chùa Từ Ân ở xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang giữa những ngày mùa xuân, nắng đẹp, hanh vàng.

Chùa quê nằm giấu mình trong những con đường bê-tông, ẩn giữa tàng cây trái xanh um, dịu mát, làm lòng khách vãng lai cũng thấy nhẹ nhàng, thanh thoát khi đặt chân tới. Rồi, cái cảm xúc ấy càng sống dậy khi gặp được Ni sư trụ trì chùa, người đã ở tuổi 73 nhưng vẫn còn… trẻ - trong cách nghĩ và niềm thao thức lo cho Phật tử, cho chúng, trong việc độ sinh, cứu khổ…

anh bai Chuc Thieu, PGTT 682.jpg

Ni sư Long Chơn (ngồi, bế chú tiểu)

Ni sư Long Chơn cho biết, khi nào công trình chùa hoàn thành thì sẽ mở lớp học giáo lý và khóa tu dành cho người trẻ. “Nghe mấy thầy ở Tỉnh hội nói, bây giờ người trẻ bốc đồng, dễ hư, thường quậy quọ… mà mình thương quá. Mở lớp, mở khóa để họ đến chùa học Phật một ngày, một buổi cũng được, biết đâu, từ đây họ sống tốt hơn, giúp ích cho cuộc đời bớt khổ đau”, Ni sư bộc bạch.

Hiện tại, chùa có khóa tu niệm Phật 3 ngày mỗi tháng, với khoảng 80-100 người tham dự và khóa tu Bát quan trai vào ngày 14 hàng tháng, có 200 Phật tử. Khóa tu Bát quan trai đã duy trì 20 năm qua.

Ni sư pháp danh Thích nữ Long Chơn chào chúng tôi bằng cả sự quý mến, dắt chúng tôi đi xem công trình nhà Tổ đang thi công ở phía sau, sát với chánh điện rồi kể chi tiết ngày nào khởi công, và khởi công trong tình trạng “nhà chùa có trong tay chưa tới trăm triệu”. Nhưng, khi khởi công, Phật tử gần xa hay tin đã chung tay yểm trợ vì biết “Sư bà Long Chơn xây chốn Tổ là để lo cho chúng, để có nơi cho Phật tử tu học”, Phật tử Nguyễn Văn Đức ở gần chùa Từ Ân chia sẻ.

Cách đây năm năm, Ni sư trụ trì cũng “liều mạng” kiểu như thế để xây chánh điện, và rồi từ vốn liếng hơn trăm triệu khi khởi công cho tới lúc hoàn công thì số tiền xây chùa là 2 tỷ. Ni sư bộc bạch: “Trong đó, công đóng góp của Phật tử địa phương nhiều lắm, tới mấy ngàn ngày công đó chú”.

Chuyện chùa khó mấy cũng ráng chịu được, nhưng chuyện làng, chuyện xã, chuyện con đường đi của người dân từ đường chính vào, ngang qua chùa thì Ni sư không ngại quyên và đóng góp 1/3 kinh phí xây dựng (100 triệu đồng). Con lộ vào chùa rộng thoáng, trơn tru như bây giờ là có bàn tay chia sẻ, nhiệt tình yểm trợ, chung tay cùng xã hội của chùa Từ Ân, ai ai ở địa phương này cũng đều nhận thấy điều đó.

Đặc biệt hơn hết là hạnh nuôi chúng điệu, hỗ trợ người già được xuất gia gieo duyên của Ni sư Long Chơn thì ai cũng biết, cũng quý. Cầm tấm hình lưu niệm những lớp chú tiểu có hoàn cảnh khó khăn, đưa đẩy phải vào chùa, Ni sư kể rành mạch từng hoàn cảnh, từng người. Chú này ba mẹ bỏ trước cổng chùa 17 ngày, còn chú này thì mới hai ngày tuổi, tội lắm, thương lắm… “Mấy chú có duyên với chùa nên ai xin mình cũng không cho, nuôi mấy chú lớn, biết đâu mai mốt mấy chú xuất gia, làm đạo, truyền giáo pháp khắp nơi, rộng độ quần sanh…”, Ni sư bộc bạch.

Những trường hợp nương nhờ cửa thiền Từ Ân có người đã lớn, đã làm trụ trì nơi này nơi khác. Dẫu vậy, Ni sư vẫn lo, vẫn yểm trợ mỗi khi có khóa tu, có công việc Phật sự. Lớp gần nhất, có mấy chú vẫn còn đi học mẫu giáo, phải có người đưa đón, có sư cô lớn ở chùa tình nguyện chăm sóc, rồi Phật tử cũng chung tay.

Các chú gọi Ni sư là “sư nội”, cứ quấn quýt bên chân, rồi hỏi tới hỏi lui, khi thì đòi bánh, lúc bảo muốn ăn chuối… Tất cả đều được Ni sư trả lời nhẹ nhàng, từ tốn. Phong cách dạy trẻ, dạy tiểu ấy được Ni sư rút ra sau nhiều năm tháng có duyên với việc độ tiểu nhỏ, cũng như được người ta tin tưởng gửi gắm hoặc nghĩ nhà chùa từ bi mà “phó thác” con cái cho mình.

Ni sư nói, ở các chú đều có Phật tánh, đó là mầm sen, là hạt giống giải thoát nên mới ở được trong chùa, dù một ngày một buổi thì mình cũng dùng tình thương mà tưới tẩm, để mai này các chú lớn lên, vào đời có vốn liếng tình thương đó mà sống.

Nói thế là bởi, dù cưu mang các chú ngay từ nhỏ, nhưng Ni sư cho quyền lựa chọn tu hay ra đời là ở các chú. Nhưng, dẫu Tăng hay tục thì với Ni sư, đã ở chùa, là con Phật thì nhớ gìn giữ đạo hạnh tương ứng, để mình tốt mà người cũng tốt theo…

Chúc Thiệu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.
Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày