Non trẻ nhưng tràn đầy lòng nhiệt thành vì Đạo pháp

GN - Ở trên vùng đất mới, Phật giáo Đắk Nông non trẻ và gặp nhiều khó khăn, nhưng với nhiệt huyết và tấm lòng vì Đạo vì Đời, chư Tăng Ni, Phật tử tại đây, hoạt động Phật sự từng bước hòa mình vào sinh hoạt chung của PG cả nước…

Khó khăn không chùn bước

Nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến Đắk Nông cách đây hơn 10 năm, ĐĐ.Thích Quảng Tuấn, Trưởng ban Trị sự THPG Đắk Nông cho biết, mọi thứ ở đây đều rất lạ lẫm, người dân chưa biết nhiều đến Phật pháp, dù cách trung tâm Buôn Ma Thuột không xa. Do vậy, việc hành đạo của chư Tăng Ni vô cùng khó khăn vì không mấy người ủng hộ.

wwwT9 (4).JPG

Chư Tăng Phật giáo tỉnh Đắk Nông tham gia an cư kiết hạ năm 2009

wwwT9 (2).JPG

Khó khăn lại nối tiếp khó khăn khi Đắk Nông trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh, tách ra từ tỉnh Đắk Lắk. “Ban Đại diện lâm thời của THPG Đăk Nông ra đời từ tháng 3-2005, đến tháng 9-2007, với nhân sự lúc ấy chỉ có một vị Thượng toạ, ba vị Đại đức và một cư sĩ. Trong những ngày đầu thành lập Ban Đại diện lâm thời, Hội đồng Trị sự đã cung cử TT.Thích Châu Quang từ Đắk Lắk đảm đương vai trò Chánh đại diện PG tỉnh, chúng tôi và ĐĐ.Thích Quảng Hiền là những vị Tăng sĩ đầu tiên tham gia Ban Đại diện trong điều kiện hạn chế về mọi mặt”, ĐĐ.Thích Quảng Tuấn kể lại.

Trước mắt, Ban Đại diện lâm thời với nhân sự mỏng như vậy là một khối công việc cần phải thực hiện và hoàn thành. Đó chính là việc phát triển các đạo tràng tu học, kêu gọi và tiếp nhận chư Tăng từ các địa phương khác đến hành đạo; tranh thủ các cấp chính quyền để hình thành các cơ sở PG địa phương tại những nơi có đông đảo đồng bào Phật tử di cư từ các vùng khác đến…

Đến năm 2007, khi PG cả nước bước vào một nhiệm kỳ hoạt động mới, tại Đắk Nông, số lượng Tăng Ni đã tăng lên trên 10 vị, thành lập được 11 tự viện nằm rải rác các vùng khác nhau trong tỉnh. Với cơ sở ban đầu như thế, PG Đắk Nông tiến hành Đại hội lần thứ nhất và đổi tên Ban Đại diện thành Ban Trị sự mà thành phần chư Tăng Ni tham gia tất cả đều trẻ tuổi, kinh nghiệm hành đạo và điều hành Phật sự cũng còn nhiều hạn chế.

wwwT9 (5).JPG

Lễ hội hoa đăng do Phật giáo Đắk Nông tổ chức hàng năm tại hồ Tây (huyện Đắk Mil)

wwwT9 (8).JPG

Dù vậy, nhờ sự nỗ lực của tập thể, với tinh thần đoàn kết lục hòa cộng trụ vươn lên trong công tác tổ chức điều hành, Ban Trị sự đã từng bước ổn định, thúc đẩy nhiều hoạt động khả quan.

Dấu ấn 5 năm

Có thể nói, 5 năm hoạt động nhiệm kỳ I (2007-2012) của PG Đắk Nông là khoảng thời gian nhiệt thành với công tác Phật sự của chư Tăng Ni trẻ và quần chúng Phật tử địa phương.

Nhờ thế, theo ĐĐ.Thích Quảng Tuấn, Tỉnh hội đã thành lập được 3 huyện hội PG gồm: Đắk Rlấp, Đắk Mil, Cư Jút… Tổ chức an cư hàng năm tại chùa Pháp Hoa (Văn phòng Ban Trị sự) và chùa Hoa Nghiêm, riêng mùa An cư năm 2009, trong sự nỗ lực, Tỉnh hội đã tổ chức một lớp học bồi dưỡng hành chánh Giáo hội và Nội quy hoạt động của Ban Trị sự tỉnh, thành hội, Nội quy hoạt động của các Ban Đại diện huyện hội…

Tỉnh hội cũng thành lập thêm 12 cơ sở tự viện mới, đáp ứng nhu cầu tu học của Phật tử địa phương, nâng tổng số tự viện chính thức trong toàn tỉnh lên con số 23, còn lại 12 cơ sở đang đề xuất tiến hành thủ tục để được công nhận. Số lượng Tăng Ni hành đạo hiện nay là 51 vị, gồm 38 vị Tăng và 13 vị Ni. Từ đó, Tỉnh hội đã hướng dẫn cho các tự viện trong toàn tỉnh về việc thống kê số lượng tín đồ Phật tử, để đánh giá tình hình sinh hoạt tín ngưỡng, rà soát lại các nơi có đông tín đồ Phật tử sinh hoạt để kiến nghị với các cấp chính quyền thành lập các cơ sở tự viện cho Phật tử yên tâm tu học, biết rõ số lượng trong hiện tại và dự báo phát triển trong tương lai, định hướng đề ra các chủ trương tổ chức các khóa tu học cho thích hợp trong việc hướng dẫn Phật tử sống tốt đời đẹp đạo. Nhờ vậy mà, các đạo tràng tu học dành cho Phật tử, các khóa tu, trại hè cho thanh thiếu niên phát triển mạnh, phong phú đa dạng; các hoạt động hoằng pháp, hướng dẫn tu học cũng nề nếp hơn.

wwwT9 (7).JPG

Trại họp bạn Gia đình Phật tử tỉnh Đắk Nông

wwwT9 (6).JPG

Song song đó, Tỉnh hội còn tổ chức trang nghiêm, trọng thể các ngày lễ lớn của PG như: Đại lễ Phật đản, Vu lan, Thành đạo, các ngày vía Phật và Bồ-tát; tổ chức Đại lễ cầu siêu tại Nghĩa trang Liệt sĩ trong tỉnh tưởng niệm chư anh linh anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân, và đồng bào tử nạn trong chiến tranh; lễ hội hoa đăng tại Hồ Tây và Ban Văn hóa PG tỉnh cũng đã xuất bản được 14 số nội san Hương Từ Bi, tiếng nói chung của Phật giảo tỉnh được đông đảo chư tôn đức, quý thiện tri thức cũng như quần chúng Phật tử đón nhận nhiệt thành.

Còn đó những ưu tư

Dù đã gặt hái những thành tựu nhất định nhưng theo ĐĐ.Thích Quảng Tuấn, PG Đắk Nông vẫn còn những mặt hạn chế, tồn đọng cần phải khắc phục. Đó là sự lúng túng trong việc giải quyết chư Tăng Ni gia nhập Tăng đoàn dù có thời gian cư trú trước khi tách tỉnh; một số huyện chưa thành lập được Ban Đại diện; bộ phận văn phòng và thư ký Ban Trị sự là những vị ở xa nên cũng chưa giải quyết kịp thời các nhu cầu Phật sự cấp thiết; Ban Trị sự vẫn chưa quản lý tốt một số chư Tăng Ni đến tỉnh xây dựng cơ sở tự phát; kinh phí của Giáo hội còn hạn hẹp, văn phòng làm việc cũng chưa ổn định.

Với những tồn tại này, chư tôn đức Ban Trị sự đã đề ra một chương trình hành động nhiệm kỳ mới gồm 12 điểm, trong đó chú trọng đến công tác kiện toàn bộ máy hoạt động Giáo hội, tiếp tục đề nghị lãnh đạo cấp tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh cần xem xét và công nhận các đơn vị cơ sở đã có nơi cho Phật tử sinh hoạt, đã có đất và nơi thờ tự trang nghiêm, sinh hoạt trong lòng Giáo hội để đồng bào Phật tử yên tâm tu học và xây dựng quê hương, đất nước.

Đặc biệt, Tỉnh hội sẽ phải tiếp tục kêu gọi và tiếp nhận có chọn lọc chư Tăng Ni trẻ các địa phương đến hành đạo nhằm đưa Tăng đoàn PG tỉnh ngày một mạnh hơn để đáp ứng nhu cầu quần chúng Phật tử, nhất là đồng bào các dân tộc đang chiếm số lượng lớn trong cộng đồng.

Tỉnh Đắk Nông được chính thức tách ra từ tỉnh Đắk Lắk vào ngày 1-1-2004. diện tích tự nhiên 651.438ha; phía Bắc giáp với tỉnh Đắk Lắk, phía Nam giáp tỉnh Bình Phước, phía Đông giáp với Lâm Đồng, phía Tây giáp tỉnh Muldunlkiri (Campuchia), có chung đường biên giới tiếp giáp với Campuchia dài 130km; dân số trên 510.000 người, gồm 40 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 32,97% so với dân số toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 7 huyện, 1 thị xã, có 71 xã, phường, thị trấn.

Theo thống kê số liệu mới nhất, tỉnh Đắk Nông có 23 ngôi chùa chính thức, 12 cơ sở đang hoàn tất hồ sơ xin thành lập, 51 Tăng Ni tu học, 17 đơn vị Gia đình Phật tử với hơn 1.750 huynh trưởng, đoàn sinh và 68.753 tín đồ (gồm tín đồ đi chùa thường xuyên và không thường xuyên).

Nhiệm kỳ qua, Tỉnh hội tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc, Đại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bổ nhiệm trụ trì 12 cơ sở tự viện, xuất bản 14 số Nội san Hương Từ Bi, thực hiện công tác từ thiện xã hội đạt 6,1 tỷ đồng.

* Ngày mai, 01-6, Phật giáo Đắk Nông sẽ chính thức Đại hội. Phóng viên Giác Ngộ đang có mặt tại Thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) và sẽ theo dõi, tường thuật Đại hội đến bạn đọc. Kính mời bạn đọc đón theo dõi trên Giác Ngộ Online.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Niệm Phật nhiệm mầu

Niệm Phật nhiệm mầu

GNO - Ba tôi đã mất gần giáp năm nhưng hình ảnh về ba vẫn in nguyên trong tôi như vừa khi nãy, mới đây thôi. Có thể ba tan hoại thân xác này, không còn của hiện tại đi, đứng, nằm, ngồi nhưng ba hiện hữu trong kỷ niệm và những lời chỉ dạy mang tính lâu xa, chắc thật.
Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú

Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông tin hàng ngày