NSND Lệ Thủy, ca sĩ Dương Đình Trí & tâm Từ lan tỏa...

GN - Nhắc tới NSND Lệ Thủy, có lẽ ai cũng biết. Trải qua 55 năm trên sân khấu cải lương, đến bây giờ NSND Lệ Thủy vẫn còn nhiệt thành với nghề, đầu tư cho từng vở diễn, vai diễn bằng “cái đạo” của người nghệ sĩ, nên khán giả vẫn giữ mãi tình yêu đối với bà.

Tiếp nối sự nghiệp ấy, ca sĩ Dương Đình Trí cũng học từ mẹ “cái tâm” với nghề, anh nói, đó là đạo đức của người nghệ sĩ. Rồi Dương Đình Trí kể, đạo đức người nghệ sĩ được biểu hiện qua các mối quan hệ của họ với đồng nghiệp, với vai diễn, với khán giả và phía sau sân khấu, là với cuộc đời, sẻ chia khó khăn của những người xung quanh.

anh NS LT va DDT.jpg
NSND Lệ Thủy và ca sĩ Dương Đình Trí trong tiết mục
Bông hồng tôn kính mẹ cha - Bước chân hai thế hệ 11

Nghe NSND Lệ Thủy và ca sĩ Dương Đình Trí ca bài “Bông hồng tôn kính mẹ cha” của nhà sư Thạnh Vũ Tuệ Đàm Đức (Hoàng Song Việt viết lời vọng cổ) trong chương trình “Bước chân hai thế hệ” kỳ 11, chủ đề “Tâm Từ bi” nhân mùa Vu lan, cùng những bộc bạch riêng của anh về ngày lễ cũng như về con đường nghệ thuật, sự nghiệp thiện nguyện hai mẹ con theo đuổi càng thấm thía với những điều anh nói về đạo làm nghề.

1. Tại sao anh lại chọn một chủ đề hoàn toàn về Phật giáo để thực hiện trong chương trình “Bước chân hai thế hệ”? Anh bảo, vì đó là tâm nguyện lớn lao, ấp ủ từ lâu, tất nhiên, sâu xa trong ước nguyện ấy chính là muốn lưu bố nhạc Phật giáo, vì Dương Đình Trí cũng là Phật tử, quy y Tam bảo với pháp danh Tâm Tuệ. NSND Lệ Thủy cũng là Phật tử thuần thành, pháp danh Hải Nghiêm Hạnh. Chính vì hai mẹ con đều có tâm Phật nên việc dành trọn một chương trình không chỉ mang chủ đề thấm nhuần Phật giáo mà nội dung cũng là những câu chuyện, sẻ chia có giá trị về lời Phật dạy, về những cơ sở từ thiện, hạnh nguyện của người con Phật.

Dương Đình Trí bộc bạch, những chương trình nghệ thuật Phật giáo chủ yếu là hát nhạc Phật giáo, riêng “Tâm Từ bi” thì có thêm trên 10 phóng sự, là địa chỉ từ thiện ở khắp nơi, có thể nhiều người chưa biết. Anh nói, muốn ghi nhận những việc làm ý nghĩa của những người làm công tác thiện nguyện, đó có thể là một trung tâm dưỡng lão hay một trại cô nhi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. “Dương Đình Trí mong tâm từ bi được lan tỏa, kết nối - sau khi khán giả xem chương trình sẽ đến những địa chỉ đó để chia sẻ”, đó là thông điệp mà anh dành cho chương trình “Bước chân hai thế hệ” lần thứ 11.

Thấp thoáng trong câu chuyện “Tâm Từ bi” còn là những danh xưng và hạnh nguyện của chư Phật, chư vị Bồ-tát, ví dụ như hát về Địa Tạng Bồ-tát, MC chương trình sẽ cung cấp kiến thức về Bồ-tát có hạnh nguyện cứu độ chúng sinh ở cõi địa ngục, hình ảnh Ngài rất đỗi quen thuộc với Phật tử Việt Nam... Những bài ca về tình mẹ, tình cha, nghĩa thầy trò cũng được Dương Đình Trí khéo léo đưa vào kịch bản, để nhắc những ai có duyên xem chương trình đều có một khoảng lặng cần thiết và nghĩ về hai đấng sinh thành.

Chàng ca sĩ trẻ này hoan hỷ chia sẻ với phóng viên rằng, có nhiều bạn trẻ tuổi từ 18-20, sau khi xem “Tâm Từ bi” (từ đĩa DVD và kênh YouTube) đã gửi thư về cho anh, nói cảm ơn vì đã cho họ giây phút bình an trong tâm hồn, giúp họ nghĩ tới ơn cha nghĩa mẹ mà sống tốt hơn.

Để làm chương trình đó, anh và mẹ đã tham khảo nhiều vị thầy, nhiều bạn bè, Phật tử và làm với tâm nguyện cúng dường chư Phật, chư Bồ-tát. Vì thế, chương trình lẽ ra nên bán vé để xem tại chỗ thì lần này, anh dành trọn vé mời để nhiều người có cơ hội vào xem hơn. Hiểu được tấm lòng đó cũng như đồng cảm với tâm nguyện cao đẹp của “Bước chân hai thế hệ” mà nhiều nghệ sĩ đã ở lại tới tận 2g sáng - khi chương trình đang diễn ra thì gặp sự cố mất điện; các Phật tử, những khán giả thân thiết thì hỏi, khi nào làm chương trình tương tự nhớ báo để họ chung tay...

Anh tin, khi mình làm Phật sự, mình làm với tâm nguyện thiện lành, với ý muốn cúng dường thì chắc chắn sẽ có nhiều người xắn tay cùng làm, để đưa lời Phật dạy đi vào cuộc sống, đến với quần chúng thông qua con đường âm nhạc.

2. Không chỉ cống hiến cho âm nhạc, nghệ thuật mà trong sâu thẳm tâm hồn của mẹ con NSND Lệ Thủy còn là mong muốn sẻ chia với những mảnh đời khó khăn. Hỏi rằng, từ hồi nào tới giờ anh và mẹ đã đi từ thiện bao nhiêu chương trình rồi, Dương Đình Trí mỉm cười, hoan hỷ nói, mình không tính hết, mà cũng tính làm gì những chuyến đi, người nghèo khổ quanh mình còn nhiều lắm. Anh và mẹ vẫn thường vận động bạn bè, anh em nghệ sĩ làm từ thiện, đến nơi này, nơi kia, thậm chí sang tới Campuchia để sẻ chia với đồng bào nước bạn cũng như với đồng bào Việt mình định cư ở đó. Mỗi chuyến đi là trao quà, tịnh tài, tịnh vật rồi nhận về thêm yêu thương, với những trăn trở về những thân phận ở khắp nơi, và cứ thế mà làm tiếp, bằng lời ca tiếng hát cúng dường mỗi khi chùa nào tổ chức văn nghệ từ thiện, hoặc tự tổ chức chương trình để đi.

Bận bịu với nghề diễn, đi “sô” ở trong nước, ngoài nước, nhưng thiện nguyện cũng là hành trình của “tâm từ bi” mà hai mẹ con dặn lòng phấn đấu.

Nói về mẹ của mình, Dương Đình Trí khẳng định “Chỉ một câu duy nhất: Mẹ Trí là trên cả tuyệt vời”. Anh bảo, anh học ở mẹ rất nhiều, kính mẹ, và thương ba nữa. Với anh, gia đình là quan trọng nhất, là ưu tiên số một. Có khó khăn gì thì anh cũng vượt qua vì gia đình là điểm tựa vững chắc, tất nhiên, là nếu có khó khăn, anh cũng sẽ tìm cách hóa giải chứ ít khi để ba mẹ lo lắng. Đó cũng là cách anh thương ba, thương mẹ.

3. Từng học ở Úc và tốt nghiệp kiểm toán và ngoại thương, anh cũng từng nghĩ là sẽ theo đuổi ngành nghề đã học, nhưng “máu nghệ sĩ” đã thấm từ tình yêu của mẹ. Thế nên, anh theo nghiệp diễn, cùng mẹ để lại những dấu ấn trên chặng đường nghệ thuật, trong đó, “Bước chân hai thế hệ” là một cái duyên sâu sắc, bắt đầu từ năm 2009, khi Dương Đình Trí trở về nước và quyết định theo con đường nghệ thuật. NSND Lệ Thủy cũng như gia đình luôn tôn trọng lựa chọn của con, hết lòng ủng hộ mọi quyết định được xác định là đúng đắn và đã suy nghĩ kỹ, nên Dương Đình Trí cứ thế mà nhẹ nhàng tiến bước trong nghề. Với “Bước chân hai thế hệ”, Dương Đình Trí vừa là nhà sản xuất, vừa là người viết kịch bản... với ước nguyện dưỡng nuôi dòng nhạc quê hương, trong đó có cải lương, một bộ môn nghệ thuật đã làm nên tên tuổi của mẹ mình.

Anh cho biết, việc học ở nước ngoài, dẫu là ngành nghề khác, nhưng những phương thức làm việc để hoàn thành các môn học, luận văn bằng sự tự lập và sáng tạo cũng giúp anh rất nhiều trong nghề diễn, làm nghệ thuật.

Lại hỏi về tình yêu với gia đình, lòng hiếu thảo, Dương Đình Trí nói, đối với mỗi người Việt Nam, chữ hiếu là bài học đạo đức vỡ lòng, mỗi người phải nhớ và phải có. Riêng, đối với người con Phật, anh nói, Đức Phật đã dạy “tâm hiếu là tâm Phật”, và anh cũng nằm lòng “Trí đọc kinh sách nhiều, biết bất hiếu là tội nặng nhất” nên anh sẽ cố gắng “tu ở nhà” bằng “hiếu với mẹ cha” như câu ca dao người xưa nhấn nhá “thờ cha kính mẹ mới là chân tu”. Đó, thực ra cũng là lời gửi gắm chân thành anh dành cho những bạn trẻ, cũng như điều anh nhắc đi nhắc lại với phóng viên “báo hiếu không phải chỉ có một mùa” vậy... 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày