GN - Đã rất lâu rồi con chưa viết thư gởi ba, và thi thoảng con mới gọi điện thoại về thăm ba mẹ. Ở quê nhà, ba mẹ như thế nào? Dịch bệnh ở đó có ảnh hưởng nhiều không?
Đúng mùa Phật đản cách đây 29 năm, ba đã đưa con vào miền Nam học Phật...
Ba ơi, ở đây, trên vùng Tây Nguyên đã phát hiện thêm ca bệnh tại Đắk Lắk. Đà Nẵng và các tỉnh thành đang phải gồng mình chống chọi bệnh tật, một vài trường hợp tuổi già, bệnh yếu đã không thể qua khỏi…
Con biết rằng gia đình của những người ấy sẽ buồn lắm, con biết các y bác sĩ sẽ thất vọng khi thấy mình không thể cứu được mạng sống của bệnh nhân. Con chợt nghĩ đến mẹ, đến ba, nghĩ đến sự vô thường như Đức Phật đã dạy. Bao nỗi lo lắng chợt ùa về trong tâm trí con…
Con thật sự lo, ba ạ! Con sợ dịch bệnh Covid-19 nguy hiểm đó sẽ lây lan nhiều trong cộng đồng, con sợ sự vô thường đang gần kề bên ba - đã 78 tuổi rồi.
Và điều con sợ nhất giờ này không phải là vô thường tử sanh nữa, mà là ba không đủ an lành, không đủ yêu thương, không đủ sự hoan hỷ và thứ tha…; vì nỗi sợ lớn nhất của một bậc trí tuệ - như con đã được học từ lời Phật dạy - là nỗi sợ trầm luân đau khổ ba ạ…
Thời gian gần đây, các anh chị ở quê nhà cho con biết ba trở tính lắm, ba không muốn cho các con lo cơm cho ba. Đôi lúc không biết giận gì đó, ba đóng cửa không cho mẹ vào nhà… Đôi lần, có việc tạt ngang quê, muốn ghé thăm ba mẹ nhưng con gõ cửa, gọi ba mãi mà không thấy ba trả lời. Con không biết trong lòng ba buồn vì chuyện gì, nhưng ba biết không, những anh chị sống kề cận bên ba buồn lắm. Còn một đứa sống xa quê như con trở về nhà chứng kiến cảnh ấy, đau lòng lắm ba ạ.
Thời gian trước ba đâu có như vậy, ba đọc sách nhiều, hiểu biết nhiều, ba tinh tấn tụng kinh và đi chùa. Nhân duyên con thấm đượm tinh thần của Phật cũng từ công ơn dạy dỗ và hướng đạo của ba. Ba còn nhớ không?
Đúng mùa Phật đản cách đây 29 năm, ba đã đưa con vào miền Nam học Phật. Hai năm trước khi lên đường, ba tập cho con ăn chay, học kinh, đi sinh hoạt Phật tử. Và một đứa nghịch ngợm ngang bướng như con đã dần vào nề nếp, biết không nói tục với người khác, biết từ bỏ sát sanh, bỏ thú đi câu, bỏ những chiều đi đập châu chấu cho chim non ăn… Bỏ cả những lúc theo lời rủ rê của bạn bè đi làm “anh hùng” ăn trộm vặt.
Và giờ đây, con đang nối gót Đức Phật, đem yêu thương và hiểu biết đến mọi người, con cũng tập tành “gõ đầu trẻ” những thanh thiếu niên quanh xóm như ba đã hướng dẫn con. Khi thấy lũ trẻ ngoan hơn, con rất hạnh phúc và con lại nghĩ đến ba, đến công ơn Phật đã cho con tình yêu rộng lớn…
Mùa Vu lan về nhắc cho con hai chữ hiếu ân. Phật có dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Hiếu dưỡng thì anh em tụi con có thể làm được, nhưng con và các anh chị sẽ chẳng tròn hiếu đạo như Phật dạy trong kinh Tăng chi bộ nếu ba vẫn sống đau khổ tâm tư mỗi ngày. Con biết trong lòng ba còn nhiều tâm sự giấu kín mà chúng con chưa hiểu hết. Có thể những ngang trái cuộc đời làm ba mỏi mệt. Có thể những bất như ý từ vợ, từ con và các cháu khiến ba không thể sống vui…
Nhưng ba ơi, mọi “hành trang” mà ba và mọi người lầm tưởng là quý giá nhất như gia đình, huyết thống, vợ con… cũng chỉ là “hành trang” tạm thời mấy mươi năm trong kiếp nhân sinh mà thôi. “Hành trang” thực sự quý giá nhất là hạnh bố thí, là tâm hỷ hoan, là sống an lạc ba ạ. Con không dám mơ “hành trang” giải thoát như đệ tử Phật hằng mong ước, con chỉ muốn thấy ba vui, thấy mẹ cười, thấy lòng mình ấm áp an ổn khi về lại nhà…
Trong gần 30 năm xa quê, con chỉ có một lần duy nhất được tặng quà trực tiếp cho ba trong mùa Vu lan, con hạnh phúc lắm ba biết không? Và con sẽ hạnh phúc hơn nếu Vu lan năm nay được thấy ba cười rạng rỡ, được nghe ba kể chuyện xưa êm từng lời kinh giải thoát. Con và các anh chị sẽ chẳng hối hận nếu một ngày phải cài bông hoa trắng, vì trong chúng con luôn có mẹ có ba...
Vì trong hoa con thấy ba cười…
Đắk Nông, 4-8-2020
Con của ba
Thanh Minh