Nữ họa sĩ & hơn 1.700 bức chân dung của Mẹ

GN - Từ khi còn là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, họa sĩ Đặng Ái Việt luôn đeo đuổi tâm nguyện “phải đi, phải đến, phải gặp và phải vẽ cho được chân dung Mẹ VN Anh hùng còn sống trên đất nước VN”.

Và, bà đã nối dài cuộc hành trình của mình bằng cái tâm của một họa sĩ đa cảm…

Lật lại những ký ức

Đến khi về hưu hẳn, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt “mình ên” lái chiếc xe Cub “cà tàng” đi khắp nẻo đường đất nước để thực hiện tâm nguyện đó. Toàn bộ số tranh vẽ được, người phụ nữ này dùng để triển lãm và hiến tặng cho Hội Liên hiệp Phụ nữ VN lưu giữ.

Một ngày tháp tùng cùng họa sĩ Ái Việt đến nhà Mẹ VN Anh hùng Trần Thị Năm (số 76, đường Nguyễn Thị Định, khu phố 2, thị trấn Bình Đại, tỉnh Bến Tre), theo dõi từng nét vẽ phác họa và lắng nghe trò chuyện, người viết hiểu hơn về tâm huyết và tình cảm của người nữ họa sĩ này dành cho các Mẹ VN có công với đất nước.

Khi liên lạc với họa sĩ Ái Việt, bà từ chối viết bài về mình và gợi ý hãy viết về các Mẹ VN Anh hùng. Rồi, bà rủ tôi cùng đồng hành để có thêm nhiều trải nghiệm.

Me (2).JPG

Họa sĩ đang vẽ chân dung Mẹ VN Anh hùng Trần Thị Năm - Ảnh: Hạnh Ý

Tại nhà mẹ Năm, họa sĩ Ái Việt cẩn thận hỏi các thông tin về mẹ Năm. Khi bà Trần Thị Liên, con của mẹ Năm chia sẻ những câu chuyện, cũng là lúc cả hai nhận ra đã từng gặp mặt nhau ở chiến trường, từng chiến đấu chung.

Trong niềm hạnh phúc vỡ òa, họa sĩ Ái Việt xúc động: “Hôm nay chính là cái duyên, tôi đến gặp mẹ Năm, vẽ chân dung cho mẹ, rồi gặp lại đồng chí cố nhân của tôi. Chúng tôi gặp lại, ngồi tâm sự như thế này, đâu phải dễ hay chuyện đùa, đối với tôi đó là ấn tượng không bao giờ phai”. Còn bà Liên thì cười hiền bảo: “Gặp nhau thấy gần gũi, như thân nhau từ đời nào, bà Ái Việt ha!”.

Cả hai cùng nhắc lại những ký ức khốc liệt của thời chiến, những cơn sốt rét rừng hành hạ, vàng da, muỗi đốt. Họ nhớ lại những ngày lửa đạn đầy ám ảnh của các chiến sĩ trước khi ra trận: “Đi ngang trại hòm, các anh nói vui là cái này là của tao nha mậy, nhưng một lát về là đút anh vào cái hòm đó”, bà Liên nói, nhắc đến là muốn khóc.

Từ lời kể chân chất, sinh động, chúng tôi cũng hình dung được phần nào về nỗi đau đến từ chiến tranh; và cũng cảm nhận rõ, sức mạnh, ý chí của người VN. Để rồi khi chiến tranh đi qua, nhắc lại, người trong cuộc rưng rưng, như lời họa sĩ Ái Việt nói: “Đi vẽ như thế này gặp lại đồng đội, cố nhân thì mừng, vui lắm, đó dường như là tất cả ký ức của mình quay trở lại.

Tôi đi vẽ để lật lại hành trình lịch sử đã đi qua. Ký ức thì nó nằm sâu trong bộ não rồi nhưng bây giờ ký ức đó nó hiển hiện, đó là niềm vui không tả được. Một niềm vui chỉ những người trong cuộc mới biết...”.

Chính vì ý niệm trên mà nhiều năm nay, dường như đã thành thông lệ, cứ 6g30 thứ Hai, từ Sài Gòn họa sĩ Ái Việt chạy xe đến các tỉnh thành để vẽ chân dung các bà Mẹ VN Anh hùng, rồi đến chiều thứ Sáu, chạy xe về lại Sài Gòn.

Me (1).JPG

Một mình với chiếc xe máy cũ kỹ, họa sĩ Đặng Ái Việt đã đi và  vẽ hơn 1.700 chân dung Mẹ VN anh hùng
Ảnh: Hạnh Ý

Bà đi và vẽ với đam mê và niềm cảm kích, tri ân các các Mẹ VN Anh hùng. Hỏi họa sĩ Ái Việt vì đâu bà có niềm đam mê như vậy? Vừa vẽ chân dung mẹ Năm, họa sĩ Ái Việt điềm nhiên trả lời: “Tôi đang sống trong Tổ quốc này, tôi chọn cho mình một biểu tượng sống mà tôi tri ân, tôi chọn vẽ chân dung Mẹ VN Anh hùng. Và, tôi tự nói với mình, đó là sứ mệnh. Tôi tự bỏ tiền lương hưu để đi, tôi vẽ bằng tất cả trái tim, bằng tình yêu thương, kính mến các mẹ. Những hình ảnh của các mẹ để lại cho đời sau”.

Không ai muốn mình trở thành Mẹ VN Anh hùng

Nhìn vào nét vẽ của họa sĩ Ái Việt, mẹ Năm hỏi: “Vẽ gì mà tỉ mỉ dữ vậy?”. Trong thời gian chờ đợi bức chân dung hoàn tất, mẹ Năm kể cho chúng tôi nghe trong những ngày khói lửa chiến tranh năm 1958, mẹ làm hầm bí mật, nuôi cán bộ, gác đường, đưa thơ...

Mẹ vẫn nhớ như in: “Tôi nuôi cán bộ ở trong nhà, nhà cách đồn 100 mét mà địch không biết. Ban ngày, các ông ở trong đó, tối mới chui ra. Nuôi cán bộ sợ và nhiều thứ lo lắm”. Hỏi mẹ Năm vì sao lo mà vẫn nuôi, mẹ trả lời, đó là vì chồng, con đi theo cách mạng nên mẹ cũng cùng theo...

Câu chuyện đến đây thì họa sĩ Ái Việt trải lòng rằng: “Các bạn phóng viên trẻ có đi đến tận nơi thế này mới biết được thực tế, mới hiểu được vì sao tôi dành nhiều tình cảm cho các bà Mẹ VN Anh hùng. Phóng viên ngồi ở nhà, hỏi tôi câu “Mẹ VN Anh hùng nào để lại trong lòng họa sĩ ấn tượng nhất?”, câu đó là tôi ghét nhất.

Bởi, Mẹ VN Anh hùng nào cũng trân trọng giống nhau, không thể nói tôi thương mẹ này nhất, hay thương mẹ kia nhất, đừng bắt tôi nói bậy. Không có mẹ nào là nhất, nhì cả. Không mẹ nào muốn mình trở thành Bà mẹ VN Anh hùng. Vì sao? Vì không ai muốn con mình chết để bây giờ đi nhận danh hiệu”.

Me (3).JPG

Họa sĩ trò chuyện với bà Liên, người bạn chiến đấu năm xưa, cũng là con gái Mẹ Năm - Ảnh: Hạnh Ý

Nghe họa sĩ Ái Việt nói đến đây, bà Liên cũng đồng quan điểm: “Tôi sợ những ai kêu mẹ kể lại những câu chuyện thương tâm, khơi lại, làm đau lòng mẹ. Các mẹ không ai muốn kể đâu”.

Lấy dẫn chứng từ gia đình mình, bà Liên trải lòng: “Bây giờ, mỗi lần thấy tôi ôm bộ đồ bộ đội lên là biết chuẩn bị đi đâu, mẹ đều hỏi ‘đi đâu vậy mậy’. Rồi mẹ nói với mấy đứa cháu rằng, sợ chết mà con không có mặt, sợ con đi không về”.

Chỉ vậy thôi cũng đã hình dung, mẹ Năm đã trải qua nỗi đau như thế nào, vì sao bà Liên bày tỏ ý kiến về các chương trình “đưa” mẹ lên nhà đài chia sẻ lại những nỗi đau. “Nhưng khi vẽ hình về mẹ như thế này, tôi thấy vui. Phải nói rất phục luôn, từng chi tiết trên khuôn hình, từ con chữ trên huy hiệu vẽ rất tươm tất, rất đẹp. Qua bàn tay của họa sĩ, chân dung mẹ phảng phất, chứa đựng những nỗi niềm”, bà Liên nói.

Có lẽ, vì xuất thân là một chiến sĩ, nguyên là phóng viên của Báo Phụ Nữ Giải Phóng trong kháng chiến chống Mỹ nên họa sĩ Ái Việt thấu hiểu sự mất mát, đau thương mà những Bà mẹ VN Anh hùng đã trải qua.

Bởi thế, trong mỗi tác phẩm mà chị thực hiện đều thấm đẫm tính nhân văn, chuyển tải phần nào sự hy sinh của các mẹ. Nhìn thấy bức họa của mình, hỏi mẹ Năm vui không? Mẹ trả lời “vui”. Gương mặt trên bức họa, có nụ cười điềm nhiên, ánh mắt của mẹ Năm với những nếp gấp nhăn nheo. Mọi người biết, mẹ ưng cái bụng.

Sau 120 phút, bức tranh hoàn tất, họa sĩ Ái Việt gửi lời chào, để tiếp tục hành trình. Bà Liên mời ở lại nghỉ qua đêm. Nhưng với bản tính thích sống tự lập và tử tế, họa sĩ Ái Việt đã từ ái khước từ.

Dẫn xe ra về, họa sĩ Ái Việt dí dỏm nói với bà Liên: “Xe này là xe cánh én, sau 5 năm ‘chinh chiến’, tôi độ lại nhiều quá giờ thành cánh phượng luôn rồi”. Khi người viết hỏi: một mình di chuyển trên đường, bà buồn không?

Họa sĩ Ái Việt hào sảng cho biết: “Không buồn. Vừa chạy xe, vừa niệm Phật không có gì buồn, tâm tĩnh nữa là khác. Tôi đi như vầy con cháu cũng không phải lo gì về sức khỏe, có lẽ là do có cơ địa chịu được từ trong chiến tranh, gần như không có bệnh gì ghê gớm. Thêm nữa, tôi có lương hưu. Tâm tôi sáng nên muốn làm gì thì làm, đi đâu tùy thích, miễn vui là được”.

Mặc dù đã 70 tuổi, độ tuổi mà hầu hết những người phụ nữ cần được nghỉ ngơi nhưng người phụ nữ này vẫn chưa có ý định ngơi nghỉ một cách đúng nghĩa. Họa sĩ Ái Việt vẫn dành nhiều tâm huyết, tình cảm cho các Mẹ VN Anh hùng.

Bởi, bà luôn nói với lòng: “Sẽ vẽ đến khi nào không thể vẽ được nữa. Tôi tiếp tục theo đuổi đề tài Mẹ VN Anh hùng và chân dung đồng đội đến hơi thở cuối cùng mới thôi”.

Hơn 8 năm đi vẽ, từ năm 2010 đến ngày 4-7-2018, họa sĩ Ái Việt đã thực hiện được 1.709 bức chân dung về Mẹ VN Anh hùng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.
Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh hoạ của Quảng Đạo/BGN

Điều xấu của một tu sĩ: Không nên thối thất niềm tin chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”!

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày