“Nữ lương y chân đất”

GN - Bài thuốc do bà Năm bào chế được người dân quanh vùng gọi với cái tên quen thuộc “4 dị”, bởi một lẽ đơn giản dù nó chỉ dùng các dược liệu gần gũi, thông thường nhưng rất hiệu nghiệm cho người bệnh. Mỗi ngày trong căn nhà xập xệ, các bệnh nhân từ các nơi đến, tin tưởng đặt niềm tin ở vị nữ thầy thuốc gắn với người nghèo.

Bài thuốc “4 dị”

Đến huyện Giồng Trôm (Bến Tre), hỏi về nữ lương y Hồ Thị Thanh Thủy, sinh năm 1955, ngụ ấp 2, xã Phong Nẫm, H.Giồng Trôm với bài thuốc “4 dị” đặc trị chứng đau thần kinh tọa của bà dường như ai cũng biết. Từ lời giới thiệu tận tình của bà con địa phương, chúng tôi phải băng qua rất nhiều con đường đất lầy lội, những chiếc cầu xây tạm bợ mới có thể tìm đến ngôi nhà xập xệ của vị nữ thầy thuốc nức tiếng. Trong ngôi nhà với mái lá dừa cũ kỹ, được dùng làm phòng mạch tấp nập bệnh nhân ra vào. Lúc chúng tôi đến, bà Năm (tên gọi thân mật của lương y Thủy) vẫn đang miệt mài bốc thuốc, chẩn bệnh.

Một bệnh nhân trầm trồ: “Bà Năm chữa bệnh rất giỏi, không chỉ biết bấm huyệt, châm cứu mà bà còn tinh thông tất cả các loại thuốc Nam chữa bệnh. Đặc biệt, bà đang lưu giữ một bài thuốc gồm có 4 vị, chữa trị bệnh thần kinh toạ rất hiệu nghiệm. Nhờ đó, bà đã giúp cho nhiều bệnh nhân như chúng tôi thoát khỏi những cơn đau quái ác hành hạ”. Theo lương y Thủy, bài thuốc trị bệnh thần kinh tọa gồm 4 vị: Cây ngà voi, dây bìm bìm, dây thần nông, cây hà thủ ô. 4 vị này khi hái về phơi khô và kết hợp với các thủ thuật riêng của bà sẽ giúp người bệnh nhanh chóng khỏi bệnh.

4 vị thuốc đó vốn không hiếm, xuất hiện nhiều trong dân gian nhưng bằng bí quyết riêng của mình, bà Năm đã biến nó thành bài thuốc hiệu nghiệm với nhiều người, vì lẽ đó bệnh nhân quen gọi đây là bài thuốc “4 dị”.

Xh_nh 3.JPG

Lương y Hồ Thị Thanh Thủy chữa bệnh miễn phí cho người nghèo

Nói về động cơ bào chế ra bài chữa thần kinh tọa, bà Năm cười hiền nhớ lại:  “Ngày trước, anh rể tôi bị bệnh thần kinh tọa hành hạ, đi đến rất nhiều bệnh viện nhưng đều không chữa khỏi. Càng ngày, bệnh của anh một nặng hơn, mọi sinh hoạt đi lại không thực hiện được. Lúc này, tôi nhìn anh khổ sở mà đau lòng. Nghĩ mình làm thầy thuốc chẳng giúp ích được gì cho anh mà ruột gan tôi rối bời.

Tôi quyết tâm phải tìm ra bài thuốc giúp anh giảm thiểu đau đớn. Sau hàng tháng trời nghiên cứu, tôi tìm ra được 4 loại dược liệu kết hợp nên bài thuốc đồng thời kèm theo phương pháp châm cứu để chữa bệnh cho anh. Quá bất ngờ chỉ trong một thời gian ngắn, anh tôi hoàn toàn khỏi bệnh. Sau này, tôi quyết định phổ biến rộng rãi bài thuốc, chữa trị cho rất nhiều người thoát khỏi căn bệnh đau thần kinh tọa”.

Lưu giữ bài thuốc rất hiệu nghiệm, thế nhưng khi bệnh nhân muốn báo đáp công ơn bằng vật chất, nữ lương y luôn tìm cách từ chối. Bà chọn cho mình cách sống đạm bạc, thân tình cùng bà con chòm xóm. “Phòng khám” hiện tại của bà được dựng nên trên chính mảnh đất cha mẹ nhượng lại. Tại ngôi nhà nhỏ, bà chữa trị miễn phí cho bệnh nhân. Ai tới cũng được bà tận tâm bấm huyệt bắt mạch, bốc thuốc, rồi dùng phương pháp châm cứu để hỗ trợ chữa trị thêm.

Một tấm lòng thiện nguyện

Lương y Thủy sinh ra trong một gia đình thuần nông, thuở nhỏ cuộc sống gia đình khó khăn, bà phải lam lũ cùng anh chị em trong gia đình tìm kế mưu sinh bằng đủ các nghề mệt nhọc. Để trở thành vị lương y nổi danh như ngày hôm nay, với bà, đó luôn là nỗ lực không ngừng nghỉ.

Bà kể: “Lúc bấy giờ, gia đình tôi rất nghèo, khi tôi lên 10 tuổi vì cha mẹ không đủ tiền nuôi dưỡng buộc phải gởi tôi vào chùa để nương nhờ. Sống nơi cửa Phật, tôi tham gia cùng với các vị sư cô chữa trị cho bộ đội bị thương được bí mật đưa vào. Tôi sớm tiếp xúc với rất nhiều loại thảo dược và biết cách bào chế thuốc cứu người.

Từ những vết thương nhẹ nhất đến những ca bệnh “thập tử nhất sinh” tôi đều chứng kiến. Nhận thấy tôi có đam mê nghề thuốc lại chịu khó học hỏi nên các sư cô trong chùa không ngần ngại chỉ dạy và bày cho tôi cách nhận dạng các lá thuốc. Kể từ đây, tôi bắt đầu phát triển chuyên môn. Ban ngày, tôi cùng các sư cô đi lên núi hái lá thuốc, tối đến tôi tự bắt mình phải đọc rất nhiều sách để nắm rõ công dụng của từng loại cây”.

Tuổi trẻ đam mê, sau này khi tuổi về già cũng thế, bà Năm không ngừng học hỏi để trau dồi kiến thức cho bản thân. Năm 2010, bà tham gia khóa học dành cho các lương y giỏi tại Tỉnh hội Đông y Bến Tre. Đến năm 2011, bà tham gia lớp sơ cấp y tế tại Trường Y tế tỉnh Bến Tre. Hoàn thành xong hai khóa học, nữ lương y tiếp tục trở về địa phương để chữa bệnh cứu người.

Với bà, mạng người là đáng quý chứ tiền bạc bà không màng đến. Bà Năm cho hay: “Tôi tâm niệm con người sống ở đời phải biết thương yêu, sẻ chia cùng đồng loại. ‘Lá lành đùm lá rách’, ‘lá rách ít đùm lá rách nhiều’, thấy bà con nghèo khó, đi chữa trị xa thì không có tiền, mình biết chữa bệnh thì giúp cho bà con bớt khổ phần nào. Bà con được khỏe mạnh là tôi hạnh phúc rồi. Phần cơ sở chữa bệnh của tôi cũng do bà con góp sức tạo nên”.

Nhớ lại những ngày “phòng mạch” mới thành lập, bà Năm kể: “Những ngày đầu còn khó khăn bà con kẻ góp lá, người góp cây, góp gạch để xây dựng ngôi nhà. Còn tủ thuốc thì thiếu, tôi phải lặn lội tới các phòng thuốc lớn, các chùa để xin hỗ trợ. Phương thuốc nào ở địa phương có thì tôi cùng bà con đi hái về để bổ sung vào tủ thuốc. Giờ nhìn phòng thuốc đông đúc, được bệnh nhân tin tưởng tôi hạnh phúc lắm. Cuộc đời người thầy thuốc còn gì vui hơn thế”. 

Bà Hà Thị Thúy (51 tuổi), một bệnh nhân được bà Năm chữa khỏi bệnh chia sẻ: “Tôi rất phục tài chữa trị và cái tâm của bà Năm. Lúc trước, tôi bị bệnh phải lặn lội lên tận Sài Gòn chữa trị. Ban đầu, tôi cũng nghĩ xuống đây sẽ tốn kém và mệt mỏi lắm. Tôi gặp bà Năm, được bà tận tình chữa trị, uống thuốc do bà bốc, thấy tinh thần phấn khởi hẳn. Tôi đưa tiền bà không lấy, bà bảo mọi người cũng nghèo khổ giống như nhau, bà biết nghề nên giúp đỡ mọi người chữa bệnh thôi.

Câu nói của vị ‘lương y chân đất’ làm tôi và những bệnh nhân khác có mặt ở đó rất cảm động. Sau này, tôi thường xuống vận động mọi người giúp bà Năm hoàn thiện phòng khám, sưu tầm thảo dược, coi như là hành động trả ơn với bà”.

Được biết, ngoài việc sẵn sàng chữa trị miễn phí cho bệnh nhân, nữ lương y thường đi nấu cơm chay tại Bệnh viện Đông y Trần Văn An (tỉnh Bến Tre) để giúp người bệnh có những bữa ăn đầy tình thương. Bà Năm còn vận động mọi người quyên góp gạo, nước tương, tập vở cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bây giờ, bà là Chi hội trưởng Chi hội Đông y của xã Phong Nẫm, ngày đêm miệt mài với công việc “hành đạo” giúp đời.

Nói về hoạt động thiện nguyện của lương y Hồ Thị Thanh Thủy, cán bộ Hội Người cao tuổi xã Phong Nẫm cho biết:  Lương y  Hồ Thị Thanh Thủy là một tấm gương từ thiện điển hình của xã. Lương y đang lưu giữ rất nhiều bài thuốc có giá trị để cứu giúp dân nghèo. Bà còn thường xuyên kết hợp với UBND xã mời các thầy thuốc giỏi y thuật về khám chữa bệnh và phát thuốc cho người dân. Trong 2 năm liền, bà được Tỉnh hội Đông y tỉnh Bến Tre tặng giấy khen tuyên dương.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày