GN - Nghề đi liền với nghiệp, dẫu biết hiểm nguy rình rập, nhưng yêu nghề rồi, các cán bộ, kiểm lâm Vườn quốc gia Núi Chúa không quản ngại khó khăn, nỗ lực cùng nhau gieo mầm xanh cho cuộc sống.
Không chỉ đi sâu vào rừng ngăn chặn lâm tặc, trực chiến đêm ngày để bảo vệ từng rạn san hô, tiếp sức rùa đẻ trứng, cán bộ vườn quốc gia còn tham gia trồng rừng trên những dãy núi cao; tư duy, tìm phương thức tuyên truyền để người dân không phá rừng, phá rẫy, đồng thời hỗ trợ bà con tìm kế sinh nhai trên tinh thần “có thực mới vực được đạo”.
Đó là những việc làm nhiều thách thức, nhưng cán bộ Vườn quốc gia Núi Chúa quyết tâm, bền bỉ thực hiện với lý tưởng: các giá trị hiện hữu trong vườn quốc gia là tài sản vô giá mà tự nhiên ban tặng và cán bộ, kiểm lâm có nhiệm vụ gìn giữ, vun bồi.
Bảo vệ, phát triển vườn quốc gia từ mô hình kết nối
“Đi rừng tuần tra, không có gì xót xa bằng việc chứng kiến cảnh những khu rừng non bị những kẻ phá rừng làm than đốn hạ, đốn xong rồi bỏ vì cây còn non không làm than được. Xót xa với cảnh những con thú rừng đau đớn, chảy nước mắt khi bị trúng bẫy của những kẻ săn bắt trái phép. Để giải quyết cho vấn nạn này, chỉ còn cách là phải làm sao để bà con hiểu được rừng có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống và giúp bà con có công ăn việc làm ổn định mới mong họ thay đổi hành động”, anh Nguyễn Ngọc Hân - kiểm lâm Vườn quốc gia Núi Chúa cho biết.
Chính vì thế, để đến gần hơn với bà con, nhiều năm nay, phương thức tuyên truyền cho đồng bào dân tộc được đổi mới cập nhật liên tục nhằm giúp bà con có thêm kiến thức, và có cơ hội nhận được những phần quà ý nghĩa khi tham gia trả lời các câu hỏi liên quan đến công tác bảo vệ rừng.
Anh Nguyễn Ngọc Hân (phía sau) trong một tuyên truyền giữ rừng
Trước khi buổi tuyên truyền, cán bộ vườn quốc gia đến gặp trưởng thôn thông báo, để bà con đến tham gia nhận quà. Khi buổi tuyên truyền bắt đầu, nghe anh kiểm lâm hỏi: “Bà con thấy cháy rừng chưa? Cháy ở khu vực nào nhiều nhất, những tác hại khi rừng bị cháy? Các nguyên nhân gây ra cháy rừng là gì...”? Bà con đều hào hứng giơ tay phát biểu. Không khí buổi tuyên truyền diễn ra vui tươi, nhẹ nhàng và quan trọng là kiến thức cán bộ muốn tuyên truyền đã được bà con tiếp thu, khắc ghi.
Phần quà là chiếc nồi cơm điện, quà bánh, vật dụng sinh hoạt gia đình nhưng mang đến niềm hạnh phúc với rất nhiều bà con đồng bào dân tộc đến tham gia “ngày hội”. Ông Cao Văn Đen, Bí thư thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Nhờ công tác tuyên truyền tốt của các anh kiểm lâm địa bàn mà nhiều năm nay bà con ít đi rừng đốn gỗ. Bà con hiểu được phá rừng là phạm pháp. Bây giờ nghe thông báo đi sinh hoạt là bà con khoái lắm, thích thú tham gia chứ không gượng ép như xưa. Tất cả là nhờ sự sáng tạo, dí dỏm của các anh kiểm lâm”.
Để vừa bảo vệ, vừa phát triển rừng, trong những năm qua, Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa đã đẩy mạnh giao khoán rừng, sản xuất đồ mỹ nghệ từ hạt cây rừng, gắn du lịch sinh thái với bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào dân tộc Raglai sống ven rừng. Ban Quản lý cũng tạo điều kiện hỗ trợ khóa học, để bà con dân tộc tham gia dẫn tour cho khách du lịch đến khám phá vườn quốc gia.
Hiện tại, có khoảng 20 người dân tộc Raglai đã qua đào tạo tham gia làm hướng dẫn viên, thu nhập ổn định một ngày khoảng hai trăm nghìn đồng. Từ chương trình mang tính chất kết nối mọi người với nhau, Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa không chỉ giúp người dân chuyển đổi dần nghề nghiệp theo hướng tích cực, mà còn giúp vườn quốc gia tăng doanh thu, tạo thêm nguồn kinh phí xã hội hóa để đầu tư các mô hình sinh kế cho cộng đồng, tái đầu tư cho các công tác phát triển rừng, bảo tồn tài nguyên.
Khó khăn, cơ cực vẫn không ngừng nỗ lực
Những năm gần đây, mặc dù kinh phí được cấp từ ngân sách không đủ để cán bộ vườn thực hiện theo chương trình hoạch định, tuy nhiên rừng tại Vườn quốc gia Núi Chúa vẫn được phủ xanh đều đặn nhờ nguồn tiền từ xã hội hóa. Đặc biệt, khi hiểu về giá trị rừng đem lại cho cuộc sống, một số bà con đã góp công sức, cùng lực lượng kiểm lâm trồng rừng.
Người dân gieo mầm xanh nơi cánh rừng ngập mặn
Trên đường đi tuần vào làng đồng bào dân tộc, chỉ tay về những ngọn đồi trùng điệp tiếp nối nhau, một anh kiểm lâm cho biết: “Ngọn đồi trọc đó và những ngọn gần kề, năm sau sẽ được phủ xanh toàn diện. Mấy năm nay, do thiên tai nắng hạn kéo dài, rất nhiều cây đã chết. Khi công trình gieo tạo cây con phục vụ trồng, chăm sóc rừng trồng năm 2016 hoàn tất, cán bộ vườn quốc gia sẽ trồng 100.000 cây trên những ngọn đồi đó”.
Anh cho biết thêm: “Ngọn đồi nhìn thấy gần vậy thôi chứ để đi từ chân đồi lên đến đỉnh, kiểm lâm tụi tôi phải nghỉ mệt 3 lần, bởi vì dốc và rất khó đi, bám chân không chặt rất dễ bị té. Trồng rừng rất cực nhưng cái gì cũng có cái giá của nó”.
Để trồng được những cánh rừng thay thế trên đồi trọc, các cán bộ nơi đây phải cất công vận chuyển cây giống đến địa điểm trồng xa xôi, rồi leo đồi, đào đất, đá... kỳ công mới trồng được cây đúng vị trí. Còn ở những khu rừng ngập mặn, những cánh rừng ven biển, cán bộ phải chèo xuồng chở cây giống ra tận đầm lầy để cấy trồng. Cán bộ vườn quốc gia cho biết: “Trồng rừng cực không sá công, chỉ sợ cây không sống được vì gió biển, nắng nóng, và người dân vô ý làm cháy trảng cỏ tranh gây chết cây đang trồng.
Lo nhất là một số bà con dân tộc không hiểu các cây trồng ở vùng biển ngập mặn có ý nghĩa như thế nào, họ đào quanh gốc cây để kiếm trùng bán cho thương lái, vô tình làm chết cây. Vậy nên, với những nơi đây, ngày cũng như đêm, cán bộ phải luôn thay phiên nhau đi tuần thường xuyên để kịp thời ngăn chặn các đối tượng phá hoại. Có nhiều đêm tình hình căng thẳng, cần “viện binh”, mọi người từ nhà tức tốc chạy lên ngay. Với anh em chúng tôi, điện thoại lúc nào cũng phải mở, phải đảm bảo lúc nào cũng liên lạc được”.
Hỏi ra mới biết, hầu hết các cán bộ Vườn quốc gia Núi Chúa đều ở nhà khá xa, các anh phải di chuyển từ 40 đến 50km mới đến nơi làm việc. Địa bàn thực hiện nhiệm vụ rộng, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Thậm chí, một số trạm kiểm lâm không có nước sinh hoạt, nhưng mọi người luôn dạt dào tâm huyết, luôn trăn trở và tìm mọi cách để bảo vệ, phát triển vườn quốc gia, để trao tặng cho mọi người mầm xanh cuộc sống.
Việc làm tích cực, có khi rất thầm lặng nhưng đong đầy tình yêu của cán bộ Vườn quốc gia Núi Chúa như mạch nước ngầm âm ỉ chảy về nguồn, tạo nên những dòng suối hiền hòa, êm ả tưới mát cho rừng, đem đến sức sống mới cho bà con đồng bào dân tộc. Giúp đồng bào nhận thức, hiểu và thực hành theo pháp luật đã khó, tạo cần câu cơm để bà con sống được trên chính quê hương, không phá rừng, không phải tha phương cầu thực càng khó hơn. Và với sự chung sức, đồng lòng, cán bộ Vườn quốc gia Núi Chúa đã và đang làm nên những điều kỳ diệu như thế...
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Vườn quốc gia Núi Chúa cho biết: “Từ năm 1998 và những năm trước đây, khi Vườn quốc gia Núi Chúa còn là đơn vị quản lý rừng, chúng tôi đã xác định phải bảo vệ, bảo tồn tất cả những nguồn tài nguyên hiện có mà sau này các nhà khoa học khẳng định rằng đây là nơi còn lại duy nhất đối tượng rừng đặc trưng, tài nguyên biển có những nét độc đáo nhất nước. Rõ ràng, việc bảo tồn có vai trò rất quan trọng nhằm giúp cho vườn quốc gia giữ gìn được những giá trị đặc hữu, quý hiếm. Nhưng, nếu chúng ta không có những giải pháp hiệu quả trong việc khai thác những giá trị hữu hình và vô hình để phục vụ ngược lại cho công tác bảo tồn thì nó sẽ trở nên thiếu bền vững. Đó chính là phát triển, nhưng phát triển này nằm trong khuôn khổ quy định, có hiểu biết và giới hạn tài nguyên. Điểm mấu chốt nhất giúp cho công tác bảo tồn trở nên hiệu quả, bền vững là bảo tồn đi đôi với phát triển”. |