GN - Khoa Bỏng (tầng 4, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) là nơi điều trị cho đa số bệnh nhân là người bị tai nạn lao động liên quan đến điện, phần lớn họ phải điều trị lâu dài, rất tốn kém.
Điều oái oăm là đa số bệnh nhân bị thương tật nặng đều có chung hoàn cảnh nghèo khó, không có tiền mua bảo hiểm. Trong đó, nhiều người làm nghề thợ hồ, mỗi ngày thu nhập chỉ từ khoảng 150-180 ngàn đồng, trừ chi phí các thứ, số tiền còn lại không đủ để họ lo cho gia đình. Lắm người trong số họ phải bữa đói, bữa no, bị bệnh cũng không có tiền mua thuốc. Vậy mà tại đây, số tiền điều trị cho mỗi bệnh nhân thường lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng.
Tận cùng của những nỗi đau
Với những hoàn cảnh ngặt nghèo như thế, hầu như gia đình nào cũng chân lấm tay bùn. Họ đều phải chạy vay tiền để chữa bệnh cho người thân, và thường phải vay nóng, tính tiền lời hàng ngày. Có người mượn một triệu, một ngày trả tiền lời một trăm ngàn, chỉ mười ngày tiền gốc lẫn lãi đã tăng lên gấp đôi con số ban đầu; tiền lãi nếu không trả sẽ được gộp vào chung, rồi dần dần lãi mẹ đẻ lãi con, rượt đuổi và đẩy người ta đến đường cùng, không có lối thoát.
Cay đắng nhất ở đây là, dù vay với cái giá như thế nào, họ cũng chấp nhận và cảm thấy có phúc khi vẫn còn có người dám cho mình mượn. Còn nước còn tát, họ tát mãi cho đến khi khóe mắt không còn nước mắt để chảy, kiệt quệ mới thôi.
TT.Thích Chơn Tịnh thăm bệnh nhân Phan Minh Duy - Ảnh: H.Y
Bệnh nhân bị điện giật, hôm nay thấy họ còn tay, chân nhưng hôm sau, có thể họ đã bị cưa mất tay, chân vì hoại tử. Điều đó thật đáng sợ. Nhưng, điều đó có lẽ chưa đáng sợ bằng cái cảnh không có tiền chạy chữa cho người thân. Như tình cảnh của chị Hà Thị Duyên (Kon Tum), chồng chị bị nổ bình ga, bỏng hết người.
Do không có tiền chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị, gia đình để ở bệnh viện tỉnh, đến khi được nhà hảo tâm cho tiền xe, xuống đến TP.HCM thì cơ thể của chồng chị đã bấy hết, chỉ còn hai bàn chân. Nhìn người thân chết dần trong bất lực, chị Duyên chỉ còn biết cầu nguyện, mong cho điều kỳ diệu nào đó xuất hiện và bám víu vào tình thương của những người đang điều trị cùng phòng mà gắng gượng đồng hành cùng chồng qua ngày.
Tại bệnh viện này, nước mắt đã phủ lấp, “đè bẹp” những nụ cười. Có đến đây, tôi mới hiểu đồng tiền đã ám ảnh những gia đình khốn khó này như thế nào? Và phần nào tôi hiểu được lý do vì sao khi nghe tin giá thuốc ngày hôm nay tăng hơn so với ngày hôm qua, họ đau thắt tim lại. Giá thuốc tăng có nghĩa là cơ hội điều trị của người thân họ đã bị rút ngắn, mạng sống của người thân bị thâu hẹp dần, đồng nghĩa với việc ngày người thân xa họ càng gần.
Có vào nơi đây, tôi mới hiểu được một hộp cơm từ thiện có ý nghĩa với bệnh nhân nghèo như thế nào, và dù được ai đó tặng cho một hộp sữa gần đến ngày hết hạn sử dụng cũng làm cho họ ấm lòng ra sao. Nhiều người nuôi bệnh cho chồng, con mà trong túi không có nổi vài chục ngàn, không có một tấm chiếu để ngủ. Họ ăn cơm từ thiện, xin nước uống từ những người cùng phòng để cầm cự qua ngày và nuôi chút hy vọng người nhà mình được sự chăm sóc của bác sĩ, rồi mai đây sẽ khỏi.
Nguồn sống đến từ những tấm lòng bao dung
Những người bệnh cũng như thân nhân đến bệnh viện từ nhiều vùng miền khác nhau, không phải họ hàng của nhau nhưng họ thương nhau đến lạ. Có lẽ cùng hoàn cảnh, họ dễ chia sẻ với nhau. Không ai nhờ vả, thấy người nào khó khăn quá, họ tự đi quyên góp, xin tiền giúp đỡ, có người may mắn được nhà hảo tâm cho dư tiền điều trị, họ không giữ lại cho riêng mình mà chia sẻ “phần dư” đó với người cùng khổ.
Giữa bệnh tật, ốm đau, con người ta vẫn đùm bọc nhau, chia sẻ cho nhau từng giọt nước, từng ly sữa. Có cái điện thoại, mọi người chuyền tay nhau sử dụng nhưng không sợ mất vì họ nghĩ, vào đây đã khổ lắm rồi, có ai mà lấy đem bán thì cũng chỉ là túng thiếu quá thôi. Nghĩ vậy, họ sống chan hòa với nhau, động viên nhau từ lời nói đến hành động, giúp được gì là giúp, khó cũng không từ nan. Cứ đến lượt ai đi cưa chân, cưa tay là họ cầu nguyện cho nhau, xin trời Phật ban cho mỗi một điều là, người thân của họ được sống.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi người có một hoàn cảnh khó khăn riêng, có những bệnh nhân chẳng còn sức sống, cơ thể bị hoại tử, bị cưa dần. Có lúc, họ muốn bỏ cuộc nhưng tinh thần lại được vực dậy nhờ sự quan tâm, tình cảm yêu thương mà mọi người dành cho mình.
Anh Phan Minh Duy, 25 tuổi ở Ninh Thuận gặp tai nạn bất ngờ khi đi làm hồ. Trong lúc xây gạch trên cao, ngôi nhà cách dòng điện cao thế nửa mét, gặp mưa trước đó nên cây thước anh cầm trên tay bị dòng điện hút mạnh. Khi được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy, hai tay, hai chân của anh đều bị hoại tử, gia đình khó khăn, chạy tiền vay mượn khắp nơi. Báo Giác Ngộ đăng tin chia sẻ, mạnh thường quân tìm đến hỗ trợ cho anh Duy, mỗi người chia sẻ vài trăm, người vài triệu và tương đối đủ với khoản viện phí gần hai trăm triệu đồng.
Anh Dũng, anh trai của anh Phan Minh Duy, cho biết: “Mấy ngày đầu em tôi buồn lắm, không muốn nói chuyện với ai nhưng người này, người kia vô thăm, an ủi. Tôi khuyên em ‘mạnh thường quân đến giúp mình, quyên góp tiền cho mình chạy chữa, người ta thương mình lắm mới giúp đỡ mình như vậy, mình phải cố gắng sống vui vẻ, để người ta vui’. Ngày này qua ngày nọ, an ủi em như thế, giờ thì em tôi vui vẻ trở lại rồi. Tôi mừng lắm”.
Anh Phan Minh Duy trải lòng: “Mình bị vầy nhưng vẫn còn sống là may mắn hơn nhiều người, nghĩ vậy nên mình không suy nghĩ nhiều nữa. Thấy gia đình lo cho mình, ba lớn tuổi rồi phải chăm sóc cho mình, mình thương nhiều. Mình muốn sống vui vẻ, yêu đời để gia đình yên tâm và bản thân mình không thấy đau khổ”.
Hạnh Ý
HT.Thích Thiện Tánh thăm, hỗ trợ “Đọc được tin em Phan Minh Duy, 25 tuổi, quê ở thôn Phước An, H.Ninh Phước (Ninh Thuận) đăng trên mục “Mở rộng lòng từ” báo Giác Ngộ số 851,
Tay trái của Duy đã bị cắt, hai chân cũng bị cắt từ giữa đùi để bảo tồn phần thân trên. Dù đau đớn, Duy vẫn nhoẻn miệng cười - nụ cười buồn ở tuổi 25 mà tôi rất đau lòng, tôi tự hỏi rồi tương lai của em sau này sẽ ra sao. Phòng Duy đang nằm còn nhiều bệnh nhân bị bỏng khác do bị điện giật, tai nạn điện, có người cháy toàn thân, có người bị ít hơn nhưng đa số họ bị đau đớn, khổ sở do vết thương bỏng nặng, phải điều trị lâu dài. Hỏi thăm thì được biết, gia cảnh ai cũng nghèo” - HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM cho biết. Được biết, HT.Thích Thiện Tánh đã đến thăm em Duy, hỗ trợ cho em 10 triệu đồng để lo thuốc thang. Hòa thượng cũng thăm hỏi và tặng tiền mặt hỗ trợ cho các bệnh nhân cùng phòng của Duy. Hòa thượng cũng gởi lời nhắn nhủ, trong mùa An cư kiết hạ, Tăng Ni, Phật tử đi ngoại hộ, cúng dường ở các trường hạ là rất tốt. Bên cạnh đó, Tăng Ni, Phật tử nên quan tâm đến bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện TP.HCM, đặc biệt là bệnh nhân bị bỏng vì họ phải chịu đau đớn, phải điều trị lâu dài, rất tốn kém mà đa số họ lại rất nghèo. TT.Thích Chơn Tịnh, Phó ban Thường trực Ban TTXH Báo Giác Ngộ cũng đến thăm, chuyển tiền bạn đọc ủng hộ cho em Duy và các bệnh nhân khó khăn tại khoa Bỏng với tổng số tiền 22 triệu đồng. H.Diệu |