Nương tựa Chánh pháp

Nương tựa Chánh pháp

GN - Sống trên cõi đời này, người ta phải nương tựa vào nhau để được thương yêu chăm sóc và được chia sẻ, an ủi những buồn vui thăng trầm trong cuộc sống. Tuy nhiên, nương tựa vào người khác hoặc những điều kiện bên ngoài nào đó thì hạnh phúc chỉ ngắn ngủi và tạm bợ, bởi mọi thứ trên đời này luôn luôn thay đổi và biến hoại, không có gì tồn tại lâu dài. Chỉ có nương tựa vào Chánh pháp, nương tựa chính mình mới thực sự an ổn hạnh phúc. 

Trước khi nhập Niết-bàn, Đức Thế Tôn đã căn dặn tứ chúng đệ tử rằng: “Này A-nan-đa, những ai hiện nay hoặc sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một gì khác; những vị ấy, này A-nan-đa, là những vị tối thượng trong hàng Tỳ-kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi”(Tương Ưng Bộ V).

Vì nhiều người không biết khám phá hạnh phúc vốn sẵn nơi chính mình, nên họ thường tìm cách nương tựa vào người khác để thỏa mãn các nhu cầu tham muốn. Đến khi không được như ý thì người ta cảm thấy cô đơn, buồn chán và khổ não. Vẫn biết rằng, những đối tượng bên ngoài chỉ là giả tạm hư ảo và thường đem lại sự trói buộc khổ đau, nhưng đa phần con người không đủ khả năng sống tỉnh thức để vượt thoát lòng tham muốn và thói quen dựa dẫm. Cho nên, bao nhiêu phiền não thống khổ cứ mãi bủa vây, khiến con người không thể tự do và an lạc. Vì lẽ đó, chúng ta cần phải nương tựa vào Chánh pháp để thấy rõ bản chất đích thực của cuộc sống, và không phụ thuộc vào những thứ giả tạo khác ngoài chính mình.

Chánh pháp, tức là những lời Thế Tôn nói ra đúng với sự thật và thiết thực cho đời sống con người. Chánh pháp được ví như ngọn đuốc soi đường trong đêm tối, giúp hành giả thấy rõ lối đi để tiến bước đến chân trời bình an và hạnh phúc. Nương vào lời dạy của Ngài sẽ giúp ta thấu hiểu thân tâm mình và sự sống này có mối liên hệ tương giao tất yếu, “Cái này có vì cái cái kia có/Cái này không vì cái kia không”. Nếu cha mẹ biết tạo dựng nếp sống chuẩn mực đạo đức thì con cái và những người thân sẽ được thừa hưởng, ngược lại con cái hòa thuận thương yêu nhau, biết kính trên nhường dưới, chịu khó làm ăn, sống an vui hạnh phúc thì chắc chắn ông bà, cha mẹ sẽ an lòng và thỏa nguyện.

Tuy nhiên, trong mối liên hệ đó không phải lúc nào cũng đúng với lòng mong muốn của ta, mà chúng biến chuyển theo tiến trình Nhân duyên-Nghiệp quả đã tạo ra trước đó. Nghĩa là bạn gây nhân tốt sẽ gặp quả tốt, cho dù trải qua nhiều chướng ngại, thậm chí một ai đó xen vào dùng quyền lực tước đoạt, chiếm hữu thì bạn vẫn thừa hưởng được thành quả tốt đẹp. Khi thấu rõ điều này, bạn sẽ bình thản và tự tại trước mọi biến cố bất như ý xảy ra. Vì thực tế cho thấy, các pháp luôn luôn vận hành đúng theo tiến trình Nhân quả-Nghiệp báo của tự thân mỗi chúng sinh khi hội đủ các nhân duyên thích ứng. Vậy nên công việc của bạn là hãy để tâm hồn mình luôn luôn bình thản, sáng suốt và sống tốt đẹp trong từng giây từng phút, ngoài ra không cần phải lo âu gì cả. Bởi vì hạnh phúc hay khổ đau đều tùy thuộc vào thái độ sống của bạn ngay trong mỗi giây phút hiện tại. Nếu bạn tiếp xúc một đối tượng nào đó với ý niệm ưa thích, chọn lựa, chiếm hữu thì kể như bạn đã đánh mất tự do và dĩ nhiên bao nhiêu phiền não cũng theo đó mà phát sinh. Vì thế, nương tựa vào lời dạy của Đức Thế Tôn sẽ giúp chúng ta thắp sáng trí tuệ để tháo gỡ mọi thống khổ trói buộc trong đời sống phức tạp này.

Mặt khác của ý nghĩa nương tựa Chánh pháp, chính là khi hành giả thấy rõ thực tánh các pháp và sống trọn vẹn với dòng biểu hiện sinh động đó. Nghĩa là, các pháp đang vận hành như thế nào thì bạn nhận biết y như thế đó mà không khởi niệm thêm bớt hay vướng mắc vào chúng. Nếu bạn dùng ý niệm chủ quan, tư tưởng nhận thức của mình để áp đặt lên hiện thực thì bạn tự xa lìa những gì tốt đẹp đang biểu hiện, và dĩ nhiên đời sống của bạn sẽ trở nên khô cứng như một tế bào đã bị tách rời khỏi cơ thể.

Chánh pháp cũng chính là chân lý của sự sống, là bản thể sinh động đang hiện hữu cùng khắp. Như ánh sáng của mặt trời tỏa chiếu khắp không gian, bạn chỉ cần mở cửa ra thì ánh sáng tức thời hiện hữu, chẳng phải nhọc công đi tìm kiếm ở đâu xa. Thực tại của sự sống không cho phép bạn dùng ngôn ngữ và khái niệm chủ quan để tiếp xúc, mà chỉ cần buông xuống mọi ý niệm thì khi ấy bạn sẽ tự cảm nhận được các pháp đang là…

Lời dạy của Đức Thế Tôn ví như ngón tay dùng để chỉ mặt trăng, nhờ nương vào ngón tay ấy nên bạn dễ dàng nhìn thấy. Và như thế, bạn không cần phải lắng nghe người khác diễn tả về mặt trăng như thế nào cả, vì những lời nói đó không thực tế như mặt trăng mà bạn đang nhìn ngắm. Thế nhưng, trong cuộc sống đa phần con người thường hay ngộ nhận ngón tay chính là mặt trăng; tưởng rằng, nương tựa vào người đó thì ta sẽ được hạnh phúc lâu dài, nào ngờ đâu sự thực lại không hẳn như thế. Do vậy, quay về với chính mình, an trú vào hiện pháp thì bạn đạt được tự do tự tại, không cần phải tránh né hiện thực hoặc lệ thuộc vào một ai khác.

PHAT HỌC 2.jpg

Lời dạy của Đức Thế Tôn ví như ngón tay dùng để chỉ mặt trăng.

Trong đời sống hàng ngày, nếu chúng ta không chánh niệm tỉnh giác thì tâm ý mong cầu, tham đắm và dựa dẫm vào đối tượng khác sẽ dễ dàng sinh trưởng. Cho nên, một lần nữa Đức Thế Tôn căn dặn thêm cho chúng đệ tử rằng: “Này A-nan-đa, ở đây, Tỳ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; quán thọ trên các thọ... quán tâm trên tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này A-nan-đa, như vậy là Tỳ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa cho chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác”(Tương Ưng Bộ V).

Quán chiếu thân, thọ, tâm và pháp hay tu tập Tứ niệm xứ với tâm định tĩnh và sáng suốt, chính là nương tựa Chánh pháp hay quay về nương tựa chính mình. Khi đi đứng hoặc nằm ngồi, bạn chỉ cần thường trực rõ biết về các diễn biến đang xảy ra với thái độ khách quan và trung thực. Không cần phải tác ý như thế nào cả, bởi tư tưởng chủ quan của ta xen vào chỉ tạo thêm phần rối rắm. Cùng với ý này, trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy: “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn” (thấy biết mà dựng lập trên cái biết là gốc rễ của vô minh). Nghĩa là, khi ta thấy biết đối tượng nào đó mà bản ngã xen vào phân tích thế này hay thế nọ, thì đây chính là nguyên nhân tạo ra đau khổ.

Theo như lời dạy của Thế Tôn, cho dù chúng ta có nhiều tiền bạc, nhà cửa nguy nga tráng lệ và được mọi người nuông chiều quý trọng đến mấy chăng nữa, thì cũng không thừa hưởng hạnh phúc một cách toàn vẹn. Bởi vì, những gì có hình tướng đều phải bị tàn hoại theo năm tháng (Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng - Kinh Kim Cang), đó là quy luật tất yếu. Chỉ có nương tựa Chánh pháp, nương tựa chính mình là nơi an ổn miên trường không bao giờ biến đổi và hư hoại. Do đó, người học đạo cần phải thấu rõ vấn đề và thường trực nhìn lại chính mình để thiết lập một đời sống an bình, tự tại.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Con bất hiếu cha mẹ phải làm sao?

GNO - Tôi năm nay 45 tuổi, chỉ có một đứa con gái đang học lớp 11. Từ lớp 8 cháu bắt đầu ương bướng và liên tục ngỗ nghịch với cha mẹ cho đến bây giờ. Vợ chồng tôi ngày đêm nuôi hy vọng cháu lớn lên sẽ biết phải quấy mà ngoan hiền hơn nhưng càng ngày cháu càng tệ.
Niệm Phật nhiệm mầu

Niệm Phật nhiệm mầu

GNO - Ba tôi đã mất gần giáp năm nhưng hình ảnh về ba vẫn in nguyên trong tôi như vừa khi nãy, mới đây thôi. Có thể ba tan hoại thân xác này, không còn của hiện tại đi, đứng, nằm, ngồi nhưng ba hiện hữu trong kỷ niệm và những lời chỉ dạy mang tính lâu xa, chắc thật.
Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú

Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông tin hàng ngày