PG Kon Tum: Bước chuyển mình trước vận hội mới

GNO - Cũng như bao vùng đất Tây Nguyên đại ngàn khác, Phật giáo nhẹ nhàng đến với Kon Tum đã hơn một thế kỷ và đang đứng trước vận hội phát triển mới bằng sự chung sức, chung lòng của Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà.

wwwT9 (2).JPG

Phật tử đồng bào dân tôc Kon Tum biểu diễn công chiêng tại Đại lễ quy y 4000 đồng bào dân tộc năm 2009 - Ảnh: Bảo Thiên

Tỏa ánh đạo vàng

Theo các nhà nghiên cứu am hiểu về vùng đất Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng, Phật giáo đến với Kon Tum không ồn ào, không phô trương mà cứ dần dà, lặng lẽ theo bước chân của những người di dân từ đồng bằng. Khó mà xác định Phật giáo đến Kon Tum trong thời điểm cụ thể nào, song có một điều chắc chắn rằng khi người Kinh bắt đầu sinh sống ở đây thì Phật giáo cũng song song hiện diện, mang đến giá trị bình an trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi núi rừng hoang dã.

Trò chuyện với các vị già làng trong chuyến công tác tại Kon Tum, chúng tôi cũng biết, khi các tôn giáo phương Tây vào Việt Nam, mở rộng địa bàn và quy mô truyền giáo lên Tây Nguyên, như sự đề kháng, người di dân địa phương đã lập nên những ngôi làng riêng biệt như làng Lương Khế, làng Trung Lương, làng Võ Lâm... Mỗi làng đều có ngôi đình, ngoài chức năng xã hội nơi đây còn là trung tâm của các lễ nghi truyền thống. Và qua hình thức này, người dân muốn bảo lưu tín ngưỡng dân gian, gìn giữ những giá trị cổ truyền dân tộc, trong đó có Phật giáo. Nhờ thế, Phật giáo được giữ gìn trước khúc quanh của lịch sử của những năm đầu thế kỷ XX.

Dù có mặt tại Kon Tum khá lâu nhưng phần lớn Phật tử chỉ thờ tại gia mà không có một cơ sở thờ tự tập trung như những ngày ở miền xuôi. Mãi đến năm 1931, ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở làng Võ Lâm, lấy tên là Linh Sơn tự. Ngay sau đó, một ngôi chùa khác được xây dựng quy mô hơn và lấy tên là Bác Ái tự tổ đình. Đây là ngôi đại tự gắn liền với các giai đoạn phát triển của Phật giáo tại Kon Tum. Kể từ thời điểm này, Phật giáo bắt đầu có dấu hiệu lan rộng và nhiều ngôi chùa khác được lần lượt xây dựng như: chùa Trùng Khánh (năm 1959), tịnh xá Ngọc Thọ (năm 1966).

wwwT91.JPG

Lễ đặt đá khởi công xây dựng khu duc lịch Phật pháp Khánh Phước Tâm Linh tại huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum năm 2010 - Ảnh: Bảo Thiên

Sau biến cố Phật giáo năm 1963, Phật giáo đã khẳng định được vị trí của mình trên mảnh đất Kon Tum mặc dù có chậm và ít năng động hơn các địa phương khác. Chư Tăng Ni từ miền xuôi phát nguyện lên hành đạo nhiều hơn, nhờ thế đã đáp ứng phần nào nhu cầu tâm linh của quần chúng Phật tử địa phương. Tuy nhiên, cũng có một điều cần lưu ý là trong thời điểm này, Phật giáo không có nhiều tin đồ người dân tộc, phần lớn tập trung khu vực đông dân cư hơn là tại các buôn làng.

Từ mùa Xuân lịch sử năm 1975, với những khó khăn sau giải phóng nên hoạt động Phật giáo có phần chững lại. Tuy vậy, khi Phật giáo cả nước thống nhất vào năm 1981, Tăng Ni Phật tử Kon Tum đã cùng với Gia Lai tổ chức Đại hội, bầu Ban Trị sự Phật giáo tỉnh lần thứ nhất gồm có 17 thành viên do HT.Thích Đổng Quang làm Trưởng ban Trị sự. Năm 1991, đơn vị hành chính Gia Lai - Kon Tum được tách ra làm hai tỉnh, Gia Lai và tỉnh Kon Tum. Do vậy, Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà một lần nữa đã cùng thể hiện sự thống nhất ý chí và hành động, khắc phục mọi dị biệt để tổ chức Đại hội thành lập tổ chức lãnh đạo. Trên tinh thần đó, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ I (1995-2000) được suy cử và HT.Thích Đồng Trí đảm nhiệm Trưởng ban Trị sự. HT.Thích Đồng Trí tiếp tục đảm nhiệm cương vị này khi Phật giáo tỉnh tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ II (2000-2007).

wwwT9 (1).JPG

Ban Văn hóa TƯGH thăm Ban Trị sự PG tỉnh Kon Tum - Ảnh: Bảo Thiên

Bước chuyển mình

Sau giai đoạn dài định hình cho một hướng đi, có thể nói nhiệm kỳ III (2007-2012) là bước chuyển mình đáng ghi nhận của Phật giáo Kon Tum. Dưới sự lãnh đạo của HT.Thích Quảng Xả, Ủy viên HĐTS, Trưởng ban Trị sự với tập thể nhân sự non trẻ, nhiều hoạt động Phật sự quan trọng đã được thực hiện.

Trên tinh thần hoàn thiện hệ thống tổ chức Giáo hội, ngay sau khi được suy cử, Ban Trị sự Tỉnh hội nhiệm kỳ III đã bổ nhiệm các ủy viên chuyên môn của các ban như:  Ban Hoằng pháp, Ban Tăng sự, Ban Nghi lễ, Ban Giáo dục Tăng Ni, Ban Văn hóa, Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Kinh tế - Tài chính, Ban Từ thiện xã hội, Ban Phật giáo Quốc tế, và trên cơ sở đó các ủy viên phụ trách tự chọn người phụ tá, tham mưu cho mình. Song song đó, Ban Trị sự tỉnh hội đã nỗ lực hiệp thương nhân sự, xem xét bổ nhiệm Ban Đại diện Phật giáo huyện Kon Rẫy và có văn bản đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, tạo điều kiện cho thành lập Ban Đại diện Phật giáo tại các huyện Đăk Hà, Đăk Tô và Kon Plông.

Nếu như cuối nhiệm kỳ II, Tỉnh hội Phật giáo Kon Tum chỉ có 10 tu sĩ (7 Tăng, 3 Ni) thì nhiệm kỳ III là sự phát triển vượt bậc lượng Tăng Ni về tỉnh hành đạo khi đầu nhiệm kỳ đã có trên 35 tu sĩ và đến nay khi kết thúc nhiệm kỳ, Phật giáo Kon Tum đã có trên 60 tu sĩ hoạt động Phật sự. Ngoài ra, việc phát triển các cơ sở thờ tự cũng được Phật giáo tỉnh quan tâm đúng mực. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh có 23 cơ sở thờ tự, trong số đó có 18/23 cơ sở đã được Giáo hội bổ nhiệm trụ trì và được cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận. Hiện nay, Ban Trị sự đang tiếp tục tạo điều kiện để chư Tăng Ni từ các tỉnh, thành về phục vụ tại các cơ sở Phật giáo tỉnh nhà.

wwwT9 (3).JPG

Đồng bào dân tộc đã đến với chùa - Ảnh: Bảo Thiên

Đặc biệt, công tác hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử luôn là những hoạt động mà Phật giáo tỉnh đặt trọng tâm khi trong suốt 5 năm qua Tỉnh hội tổ chức Đại lễ quy y cho hơn 4.000 đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với các đạo hữu người dân tộc thiểu số sau khi quy y, hàng tháng đều tổ chức tu học và hướng dẫn giáo lý, đi dự lễ vào ngày mùng 1 hàng tháng tại chùa Thanh Trung. Đây là một hoạt động Phật sự thiết thực và tất nhiên kinh phí ăn ở, đi lại đều do Ban Trị sự và trụ trì tự thân vận động. Song song đó là việc  dạy và hướng dẫn giáo lý cho huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT các cấp; tổ chức các khóa tu Bát quan trai. Riêng các tự viện đều có thuyết giảng truyền đạt các bài giảng của Ban Hoằng pháp TƯGH trong các ngày lễ lớn.

Nhờ tinh thần miệt mài và sự dấn thân, hoạt động Phật sự của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ III có được những kết quả đáng khích lệ, góp công góp sức xây dựng nên thành tựu rực rỡ của Phật giáo cả nước, làm tiền đề cho sự phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng trong nhiệm kỳ mới phía trước.

Kon Tum là tỉnh nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 9.614,5km² và có 280,7km đường biên giới với Lào và Campuchia; có 1 thành phố, 9 huyện, với 97 xã, phường và thị trấn; có 35 dân tộc anh em cùng chung sống với tổng dân số khoảng 450.000 người.

Phật giáo tỉnh Kon Tum có  23 cơ sở tự viện với 60 Tăng Ni tu tập, hành đạo và 16.004 tín đồ, chiếm 5,67% dân số toàn tỉnh; có 16 đơn vị GĐPT đang sinh hoạt với số lượng trên 500 em, hơn 200 huynh trưởng đã qua khóa trại huấn luyện.

Trong nhiệm kỳ qua, Tỉnh hội đã tổ chức trọng thể Đại lễ Phật đản Vesak 2008,  Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập GHPGVN, Lễ kỷ niệm 700 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn; tổ chức thọ giới và quy y cho hơn 4.000 đồng bào dân tộc thiểu số; đón tiếp nhiều phái đoàn Phật giáo quốc tế đến thăm viếng; xây dựng và trùng tu nhiều tự viện, thực hiện công tác từ thiện xã hội trên 20 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trang nghiêm cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh an trí tại giới trường chùa Tỉnh Hội (Đồng Nai)

Đại Giới đàn Đạt Thanh: Cung thỉnh di ảnh Tổ sư về giới trường, giáo giới hành nghi các giới tử

GNO - Chiều 25-4, Ban Kiến đàn Đại giới đàn Đạt Thanh đã đến tổ đình Long Thiền cử hành lễ cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Đạt Thanh và giới bổn về chùa Tỉnh Hội - giới trường Tăng, đồng thời chư Ni trong Ban Kiến đàn cũng đã cung thỉnh di ảnh từ chùa Bửu Phong về chùa Phước Hội - giới trường Ni.
Sà lan chở nước ngọt từ Đồng Tháp về xã đảo Hưng Phong, H.Giồng Trôm, Bến Tre để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn

Vận chuyển nước ngọt bằng sà lan để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn H.Giồng Trôm, Bến Tre

GNO - Được sự tài trợ của đoàn thiện nguyện tại TP.HCM do anh Huỳnh Trung Nghĩa làm trưởng đoàn, Đại đức Thích Vạn Bình, trụ trì Phước Long cổ tự (H.Giồng Trôm, Bến Tre) đã phối hợp với UBND xã đảo Hưng Phong tổ chức trao nước ngọt và thùng nhựa cho bà con tại địa phương vào ngày 23-4 vừa qua.

Thông tin hàng ngày