Phản hồi về tình trạng tu bổ, tôn tạo di tích tại Hà Nội, Nhà sử học Dương Trung Quốc: Quan trọng nhất là xác định giá trị kiến trúc

Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC
Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC
Báo SGGP đã phản ánh tình trạng tu bổ, tôn tạo di tích tại Hà Nội nhân kỷ niệm 1.000 Thăng Long - Hà Nội với một cuộc “đại trùng tu” nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do sức ép về tiến độ cũng như năng lực tôn tạo. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc (ảnh) về vấn đề này.

- Phóng viên: Dưới góc nhìn của nhà sử học, ông nghĩ gì trước tình trạng giá trị của nhiều di tích của Thủ đô ngàn năm văn hiến đang bị “bay đi ít nhiều” do tôn tạo, tu bổ?

Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC: Tôi là người trực tiếp thẩm định nhiều hồ sơ tôn tạo, tu bổ. Tôi biết dư luận đang bức xúc. Nhưng tôi cũng mong các bạn phê phán nhưng phải chia sẻ với người làm. Đặc điểm di tích của chúng ta phần lớn là làm bằng gỗ và bằng nề. Nó khác với di tích với các nước làm bằng đá hoặc bằng các vật liệu bền vững hơn. Khi chúng ta hạ giải một cái mái xuống để thay một cái xà chẳng hạn, thì phải động đến rất nhiều thứ khác, những phần gờ chẳng hạn.

Mặt khác, phần lớn di tích của chúng ta là sinh thể chứ không phải là phế tích. Một ngôi chùa của Hà Nội, vẫn hàng ngày có người ra người vào. Vẫn ngôi chùa ấy, ngày trước chỉ là chùa làng, nhưng sau khi được công nhận di tích quốc gia chẳng hạn, sẽ là điểm đến của người dân cả nước, du khách nước ngoài. Nên rất khó để giữ được cho nguyên vẹn.

Hơn nữa, cũng cần phải hiểu, tất cả dáng vẻ những di tích hiện nay, đều đã qua nhiều lần sửa chữa. Ví dụ như chùa Một Cột, năm 1954 bị Pháp phá hủy, năm 1955 ta mới xây dựng lại, qua thời gian chùa thành cổ kính như hiện nay. Cho nên, theo tôi, điều quan trọng nhất trong công tác trùng tu là cần xác định những gì không thể thay thế, nhất là những giá trị về kiến trúc. Nhiều công trình được công nhận giá trị lịch sử là nhờ giá trị kiến trúc.

- Ông nghĩ sao trước việc nhiều di tích ở Hà Nội, nhất là đình, chùa, đền được tôn tạo theo hướng làm cho “hoành tráng” hơn?

Không thể phủ nhận nhu cầu của đời sống là đòi hỏi di tích ngày càng tốt hơn. Chẳng hạn như nhu cầu thực thi quyền tôn giáo, người dân rất muốn di tích tốt lên chứ không xập xệ đi. Vì vậy, việc tôn tạo, tu bổ phải điều hòa nhiều lợi ích. Đó cũng là bài toán khó nhất trong công tác này.

Tôi cho rằng, việc Hà Nội tôn tạo, tu bổ các di tích là rất cần thiết. Tuy nhiên, với việc tôn tạo, tu bổ di tích ở Thủ đô, việc đầu tiên cần làm là phải giải tỏa không gian cho di tích. Cần phải loại bỏ hết các yếu tố lai tạp, các hành vi chiếm dụng di tích, biến di tích thành chỗ ở, chỗ buôn bán. Sau đó, cố gắng sửa chữa những gì cần thiết nhất theo quy định chung.

- Nhưng thưa ông, có tiền, sửa chữa nhiều, trong khi năng lực trùng tu, tôn tạo có hạn, nếu không làm thận trọng sẽ thành phá hoại di tích?

Đúng là chúng ta đang làm với số lượng quá lớn, trong khi thực tế lực lượng có năng lực trùng tu rất hạn chế. Những người có tay nghề rất ít, di tích cần trùng tu lại nhiều, lại phải đối mặt với việc “đúng hẹn” về tiến độ, vì thế đã xảy ra những thực tế không tốt như Báo SGGP đã phản ánh.

Nhưng tôi cho rằng, ứng xử với di tích, chúng ta phải trùng tu, không có cách nào khác. Nhưng vấn đề là phải đúng nguyên tắc.

- Cụ thể là sao, thưa ông?

Nguyên tắc trùng tu là phải giữ tối đa yếu tố gốc. Nhưng khi vào thực tế sẽ gặp nhiều phát sinh. Một ngôi nhà được trùng tu chẳng hạn, có 20 cái cột, khi trùng tu phải hạ giải, với cái cột đã hỏng 80% thì phải thay thế, cái cột hỏng 30% sẽ vá víu, còn cái nào không hỏng phải giữ nguyên. Nếu làm đúng nguyên tắc thì các nhà đầu tư “bó tay”, vì họ cho rằng, chỉ 5 - 10 năm nữa, những cái cột hỏng ít sẽ phải hạ xuống để thay thế. Vậy cùng lúc có thay hết được không? Nếu thay hết sẽ vi phạm nguyên tắc bảo tồn, còn nếu đúng nguyên tắc thì việc trùng tu không bền vững. Đó là bài toán rất khó mà người đứng ngoài dễ phê phán, còn người trùng tu thì khó điều hòa hết được các lợi ích. Cho nên, xã hội cần chia sẻ điều này.

- Nhưng với cách trùng tu các di tích của Hà Nội hiện nay không khỏi làm xã hội bức xúc. Đơn cử như với di tích đình thờ Chu Văn An (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) khi việc tu bổ đình hoàn toàn không có ý kiến của Bộ VH-TT-DL nên địa phương đã “hy sinh” lầu bình thơ để lấy đất quy hoạch sân hành lễ?

Đầu tiên phải khẳng định việc trùng tu là tốt, nhưng phương thức làm đã tạo bức xúc. Với những di tích được trùng tu kiểu đó, đầu tiên phải kiểm tra ai là người thông qua đề án trùng tu. Nếu không giải trình được thì rõ ràng là đã vi phạm. Phải xem lại quy trình.

Việc trùng tu di tích bị sức ép tiến độ cũng là do cách làm. Chúng ta cứ để nước đến chân mới nhảy. Chúng ta đã chuẩn bị cho 1.000 Thăng Long - Hà Nội từ 10 năm nay, tại sao không lên kế hoạch mỗi năm trùng tu 1 - 2 di tích, theo tiến độ quy định.

Việc cần làm hiện nay là phải trùng tu di tích theo kiểu cuốn chiếu, hoàn toàn có thể xác định di tích nào cần được trùng tu trước, di tích nào trùng tu sau. Cùng với đó, cơ quan thẩm định đề án trùng tu phải có đủ năng lực.

Cục Di sản hoàn toàn có thể họp báo thường kỳ thông báo về kế hoạch, phương pháp trùng tu. Cần tiến tới trưng bày phương pháp trùng tu di tích để người dân và các nhà khoa học có thể tiếp cận, đóng góp ý kiến, thậm chí là đóng thêm tiền của cho việc trùng tu, giữ gìn di sản của cha ông.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Trưởng ban Pháp chế T.Ư: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.
Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày