Phật đản, sen xanh & ý hướng bảo vệ môi trường

GN - Có lẽ không chỉ tôi, mà chắc hẳn nhiều người đều chú ý tới 7 đóa sen xanh trên kênh Nhiêu Lộc được thắp sáng trong mùa Phật đản năm nay, Phật lịch 2560.

Chú ý không phải bởi vì ánh sáng lung linh được thiết kế nhằm cúng dường lên Đức Từ phụ nhân Khánh đản của Ngài mà còn ở sự điểm tô của hoạt động này (vốn phát xuất từ Huế, với 7 đóa sen hồng trên dòng Hương giang, từ Đại lễ Vesak LHQ 2008), làm cho thành phố thêm đẹp hơn với sắc màu của những ngày tháng Tư hoan hỷ.

sen xanh 1.jpg


Sen xanh trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Ảnh: Facebook Hue Duc

Đặc biệt, ở bảy đóa sen xanh trên dòng kênh Nhiêu Lộc còn mang thông điệp được Đức Pháp chủ HĐCM GHPGVN gửi gắm trong Thông điệp Phật đản PL.2560, đó chính là bảo vệ môi trường. Theo đó, “Sen xanh - vì một thế giới sạch và xanh” chính là lời kêu gọi mạnh mẽ và có tính thời sự nhất của cộng đồng những người con Phật - tin, hiểu và hành theo lời dạy chứa đựng bi-trí-dũng của Đức Thế Tôn.

Lâu rồi, có người vì những lý do riêng đã nhìn Phật giáo như một tôn giáo... xa rời đời sống, theo kiểu yếm thế, lánh đời, nhưng thực tế, đạo Phật rất gần gũi, được biểu hiện qua những thông điệp chứa đựng nội dung “nhập thế”, khoa học và thực tế từ cuộc sống như đã biểu hiện trong mùa Đản sinh 2016.

Chưa bao giờ vấn đề môi trường lại nóng bỏng như hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà cả toàn cầu, dẫu có nhiều nước, nhiều tổ chức, cá nhân đã, đang, luôn nỗ lực để giành quyền “sống” cho môi trường theo nghĩa có thể chấp nhận, thiên nhiên nhất. Nhiều hội nghị về biến đổi khí hậu trên thế giới với nhiều tôn giáo tham gia, đều thống nhất với nhau rằng, con người cần phải bảo vệ môi trường sống, tăng cường sống xanh, bớt tham lam rồi hành xử thô bạo với môi trường - nếu muốn gìn giữ hành tinh này cùng nhân loại cũng như muôn loài tồn tại.

Ở Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo cũng đã cùng ngồi lại thảo luận và ký vào cam kết chung phối hợp tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 giữa tháng 4 vừa qua tại Hà Nội, mà báo Giác Ngộ đã từng phản ánh.

Vấn đề môi trường, sống xanh ở Việt Nam những ngày qua, nhất là từ đầu năm 2016 tới nay luôn là đề tài nóng, từ việc hạn mặn chưa từng có ở đồng bằng sông Cửu Long cho tới nắng nóng bất thường ở nhiều khu vực, tỉnh thành, cùng hiện tượng ô nhiễm môi trường nặng nề ở miền Trung. Tất cả đều gióng lên tiếng chuông báo động về hiện trạng môi trường bất ổn ở ta là có thật, dẫu có những sự việc chưa tìm ra nguyên nhân hay nguyên nhân đưa ra chưa thấu tình đạt lý.

Một khi thiên nhiên đã có sự thay đổi bất thường, có phản ứng thì đó vừa là một tiếng kêu cứu nhưng cũng chính là sự răn đe để con người nhìn lại cách mình sống, suy nghĩ của bản thân - từ đó có những trăn trở, thay đổi theo hướng tích cực và mạnh mẽ trong hành động để bảo vệ, gìn giữ.

Theo cái nhìn duyên sinh, cái này có thì cái kia có. Không phải tự nhiên mà thiên nhiên nổi giận, cũng không phải tự nhiên mà con người ngày càng có những bệnh tật hiểm nghèo, mà là do cách ta khai thác tự nhiên quá tham lam, cách ta dung nạp (qua không khí, thức ăn, uống…) với quá nhiều độc tố lẫn lộn trong đó. Từ nguyên nhân đưa tới kết quả tất yếu như vậy, mỗi người con Phật khi thiền định - quán niệm về lời Phật dạy hẳn sẽ thấy rất rõ và hẳn sẽ thấy mình cần phải hành động vì môi trường xanh, vì một thế giới sạch nhiều hơn nữa, ngay từ những bữa ăn (ăn chay) hoặc từ việc bớt dùng điện, hạn chế bao ni-lông, đồng thời trồng cây, lên tiếng ngăn cản những hành vi phá hoại thiên nhiên, môi trường vì lòng tham hay sự thiếu hiểu biết.

Thông điệp Phật đản năm nay của Đức Pháp chủ đã được thể hiện cụ thể bằng hành động, điển hình là sen xanh hạ thủy ở dòng Nhiêu Lộc - một dòng kênh vừa được hồi sinh nhờ nỗ lực của chính quyền và sự chung tay của người dân. Tất nhiên, có một số người vẫn phớt lờ lời kêu gọi cho tới những biển cấm của những địa phương có dòng kênh chảy qua là không được câu cá hay đánh bắt cá dưới mọi hình thức. May là, hành động phóng sinh xuống dòng kênh của nhiều Phật tử đã phần nào khơi lên ý thức giữ gìn ở nhiều người khác.

Mùa Phật đản này, chùa Viên Giác (Q.Tân Bình, TP.HCM) còn thả một tấn cá xuống kênh này với lời kêu gọi bảo vệ thiên nhiên: “Giữ gìn thiên nhiên”, “Bảo vệ môi trường”, “Phóng sanh bảo vệ sự sống”… Đây cũng là hình ảnh đẹp mang lại giá trị khơi lên tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường, trước tiên đối với mỗi người con Phật, với chính hàng trăm Phật tử trẻ tham gia vào sự kiện.

sen xanh 2.jpg
Phật tử chùa Viên Giác diễu hành kêu gọi
bảo vệ môi trường nhân Đại lễ Phật đản PL.2560 - Ảnh: Như Danh

Chắc hẳn Phật tử vẫn chưa quên sự kiện quốc vương Bhutan đã cho trồng 108.000 cây non trên khắp đất nước Bhutan nhân dịp mừng hoàng hậu Jetsun Pema hạ sinh hoàng tử. Theo luật Bhutan, 60% diện tích đất nước phải được phủ xanh. Hiện nay cả đất nước này có đến 75% diện tích được phủ cây xanh. Điều đặc biệt cần lưu ý là đất nước Phật giáo Bhutan vốn nổi tiếng là một quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới, thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia (đo chất lượng cuộc sống của người dân). Chính sách phát triển của quốc gia này lấy trọng tâm là sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sống.

Hẳn là lãnh đạo cho đến người dân Bhutan đều thấm nhuần giáo lý Phật và tính tương quan, tác động lại qua giữa con người và tự nhiên nên đã xây dựng hạnh phúc bằng chính việc xây dựng một môi trường có nhiều màu xanh, hài hòa với tự nhiên. Ở ta, cũng có “tết trồng cây” nhưng chưa trở thành hành động mang tính cộng đồng mà chỉ là nghi lễ, thể hiện mang tính ngoại giao, chưa lan rộng thành nếp nghĩ, cách sống trong mỗi người dân.

Trong kinh Pháp cú có câu “Ý dẫn đầu các pháp/ ý làm chủ ý tạo”, do vậy, việc xây dựng một ý niệm về bảo vệ môi trường sống, đồng nghĩa với bảo vệ chính mình cần phải được đem vào trong từng bài pháp, trở thành chương trình hành động của Giáo hội, của mỗi chùa, tư gia Phật tử. Đó là sự thực tập nghĩ, nói, làm mang tình thương và sự hiểu biết, bởi thấy rõ, nếu thờ ơ với môi trường sống là góp phần hủy hoại con người, muôn loài trên trái đất.

Thiết nghĩ, công tác từ thiện xã hội đã được Phật giáo làm rất tốt, cứu khổ cho rất nhiều mảnh đời ở trong, ngoài nước. Tuy nhiên, đây là giải quyết phần ngọn của cái khổ, của niềm đau; phần gốc phải là làm xanh hóa môi trường, sạch hóa cách sống thiếu tôn trọng tự nhiên đã, đang tồn tại, vì làm cho môi trường sống trong lành thì sẽ cứu được nhiều người hơn, mang ý nghĩa rộng lớn, sâu sắc hơn.

Ở đây, thông điệp sống xanh trong mùa Phật đản còn là gửi gắm, làm cho vườn tâm mỗi người được có thêm nhiều hạt lành, đừng để vườn tâm héo rũ vì chỉ lo lao ra ngoài, chỉ lo tranh đấu mà đi xa, không làm chủ được bản thân, thiếu một sự lắng đọng để nghe và thẩm thấu - làm được vậy sẽ hay hơn là cứ nói này nói nọ, biện bày quan điểm ít nhiều chứa đựng sân hận của mình lên thế giới ảo...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày