GN - HỎI: Vừa qua, tôi nghe một vị thầy nói rằng, tượng Phật đản sinh đưa tay phải hay tay trái chỉ trời (đất) đều được. Thứ nhất, vì trong kinh không nói rõ Phật đản sinh đưa tay nào mà chỉ nói chung là “một tay chỉ trời, một tay chỉ đất” mà thôi. Thứ hai, do ảnh hưởng văn hóa của từng khu vực (Ấn Độ, Trung Hoa) mà tượng Phật đản sinh có biểu tướng đưa tay phải hay tay trái. Vậy điều đó có đúng không?
(HẠNH GIẢI, Trường Sa, Tân Bình, TP.HCM)
Bộ tượng Phật đản sinh được chế tác qua các thời kỳ với tư thế tay khác nhau (trong ảnh, một số tượng Phật sơ sinh trưng bày trong Triển lãm Di sản văn hóa mỹ thuật Phật giáo tại TP.HCM, tháng 5-2013) - Ảnh: Trần Nguyên Hải
ĐÁP:
Bạn Hạnh Giải thân mến!
Đúng là có khá nhiều bản kinh ghi lại sự kiện Phật đản sinh, trong đó không nói cụ thể Phật sơ sinh đưa tay nào lên mà chỉ nói chung chung là “một tay chỉ trời, một tay chỉ đất”. Tuy nhiên, tra cứu kinh tạng (Hán tạng-Bắc truyền), chúng tôi tìm thấy có ít nhất ba bản kinh và một bộ Từ điển Phật học xác định Đức Phật sơ sinh đưa tay phải chỉ trời, tay trái chỉ đất.
1. Kinh Thái tử thụy ứng bản khởi (ĐTK/ĐCTT, T3, tr.473C), do cư sĩ Chi Khiêm dịch vào đời Đông Ngô (222-280) gồm 2 quyển. Nơi quyển 1, đoạn thuật lại ngày Đản sinh của Đức Phật ghi: “… Tức hành thất bộ, cử hữu thủ trụ nhi ngôn: Thiên thượng thiên hạ duy ngã vi tôn. Tam giới giai khổ hà khả lạc giả?”. (... Thái tử liền đi bảy bước, giơ tay phải lên, dừng lại và nói: Trên trời dưới trời, chỉ có Ta là tôn quý. Ba cõi đều khổ, ai là người có thể đem lại sự an lạc?).
2. Kinh Dị xuất Bồ-tát bản khởi (ĐTK/ĐCTT, T3, tr.618A), do cư sĩ Nhiếp Đạo Chân dịch vào đời Tây Tấn, ghi: “… Tùng mẫu hữu hiếp sinh, trụy địa, hành thất bộ chi trung, cử túc cao tứ thốn, túc bất đạp địa, tức phục cử hữu thủ ngôn: Thiên thượng thiên hạ, tôn vô quá ngã giả”. (... Từ nơi hông bên phải của mẹ sinh ra, chạm đất, trong khi đi bảy bước, chân cất cao đến bốn tấc, không đạp đất, lại giơ cao tay phải nói: Trên trời dưới trời, bậc tôn quý nhất không ai hơn Ta).
3. Kinh Quá khứ hiện tại nhân quả (ĐTK/ĐCTT, T3, tr.625A), do Đại sư Cầu-sa-bạt-đà-la, dịch vào đời Lưu Tống (420-478), viết: “Bồ-tát tiệm tiệm tùng hữu hiếp xuất... Vô phù thị giả, tự hành thất bộ, cử kỳ hữu thủ, nhi sư tử hống: Ngã ư nhất thiết thiên nhân chi trung tối tôn tối thắng. Vô lượng sinh tử ư kim tận hỷ”. (Bồ-tát dần dần từ nơi hông bên phải sinh ra... không người vịn đỡ, tự đi bảy bước, giơ cao tay phải, lời nói như tiếng sư tử gầm: Ta, đối với tất cả hàng Trời, Người, là bậc tối tôn tối thắng. Vô lượng nẻo sinh tử từ nay sẽ dứt sạch).
4. Phật Quang Đại từ điển, mục Đản sinh kệ, ghi: “Khi Đức Thích Tôn đản sinh, tay phải chỉ trời, tay trái chỉ đất, nói bốn câu kệ…”. Đặc biệt, mục Đản sinh Phật, tượng Phật đản sinh được thiết định với biểu tướng và kích thước cụ thể: Cũng gọi Đản sinh tượng, Đản Phật tượng, Phật giáng sinh tượng, Quán Phật tượng. Tượng Đức Thích Ca bằng đồng được tắm gội trong ngày Phật đản. Hình tượng là tượng đứng, tay phải chỉ trời, tay trái chỉ đất, phần nhiều cao khoảng 25cm (Kinh Trường A-hàm q.1; kinh Dị xuất Bồ-tát bản khởi; kinh Phổ diệu q.2).
Rõ ràng là có kinh-điển xác định Phật sơ sinh đưa tay phải chỉ trời. Dù thực tế được ghi nhận là khá nhiều pho tượng Phật đản sinh đưa tay trái chỉ trời có từ xa xưa. Ngày nay, dòng tượng này cũng tiếp tục được chế tác và phát hành. Có điều, hiện chúng tôi chưa tìm được bản kinh nào ghi nhận Phật sơ sinh đưa tay trái lên chỉ trời. Nên qua những bộ kinh-điển mà chúng tôi đã trưng dẫn, có thể xem đó là cơ sở quan trọng để thiết định biểu tướng “tay phải chỉ trời, tay trái chỉ đất” lúc thị hiện Đản sinh của Đức Phật.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)