Phật giáo An Giang phát huy đoàn kết & sức mạnh nội lực

GN - Thừa hưởng các giá trị tâm linh của vùng đất được mệnh danh là Bảy Núi huyền thoại, chư Tăng Ni, tín đồ Phật giáo An Giang luôn giữ vững sự ổn định và hoàn thành các mục tiêu Phật sự đề ra trên cơ sở thống nhất ý chí và hành động, thống nhất tổ chức và lãnh đạo, sự đồng tâm hiệp lực và thể hiện tinh thần đoàn kết cao độ.

Nhờ vậy, dù không quá nổi trội so với nhiều địa phương khác nhưng Phật giáo An Giang luôn có những bước đi vững chắc để phát triển bền vững với công tác ích đạo lợi đời, lan tỏa các giá trị giải thoát bằng tâm thế của tổ chức Giáo hội ở địa phương, hoạt động theo hướng bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp và chất lượng.

Đó là lời khẳng định của HT.Thích Huệ Tài, Ủy viên HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang khi đánh giá về 5 năm hoạt động Phật sự vừa qua của toàn thể Tăng Ni, tín đồ Phật giáo tỉnh nhà.

w angiang1.JPG
Không khí Đại lễ Phật đản năm 2015 do BTS GHPGVN tỉnh An Giang tổ chức - Ảnh: Công Mạo

Hiệu quả thiết thực

An Giang có 314 cơ sở tự viện với 1.709 Tăng Ni sinh hoạt, tu học, đa số là Bắc tông, kế đến là Nam tông Khmer, Khất sĩ và Hoa tông, dù đa dạng các truyền thống, hệ phái nhưng nội bộ luôn được duy trì trong đoàn kết, hòa hợp và thống nhất. Tình thần đoàn kết này giúp cho Ban Trị sự vận động được sức người, sức của thực hiện nhiều Phật sự và mang lại những hiệu quả thiết thực. Nó cũng giúp cho các Ban chuyên môn đều hoàn thành nhiệm vụ bằng sự nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trên tinh thần trách nhiệm tập thể. Ngoài ra, giá trị đoàn kết trong Phật giáo An Giang càng lan tỏa đến Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện, thị, thành phố và các tự viện, khơi dậy những quyết tâm, phấn đấu hoàn thành trọng trách được tín nhiệm giao phó.

Nhờ vậy, chỉ sau 5 năm (2012-2017), Thường trực Ban Trị sự, Ban Tăng sự tỉnh đã tiến hành các thủ tục cần thiết để tổ chức Đại giới đàn Chí Đạt, Đại giới đàn Bửu Thọ, truyền trao giới pháp cho gần 400 Tăng Ni giới tử; liên tiếp tổ chức các khóa an cư kiết hạ mỗi năm tại mỗi địa điểm tập trung khác nhau với số lượng hành giả từ 120 vị đến 200 vị đăng ký nhập hạ; hoàn thành công tác đào tạo 2 khóa trung cấp Phật học với 119 Tăng Ni sinh tốt nghiệp, đang đào tạo khóa III với 64 Tăng Ni sinh theo học, ngoài ra còn có 3 điểm học của Phân hiệu Nam tông Khmer của Trường Trung cấp Phật học An Giang có gần 100 chư Tăng theo học và nhiều lớp giáo lý, giáo luật, dạy chữ Khmer cho con em đồng bào Khmer tại các chùa Khmer; duy trì 40 đạo tràng Bát quan trai cho tín đồ đạo Phật tu học, mỗi đạo tràng có từ 300 - 500 lượt tín đồ tham dự; tổ chức trọng thể các hoạt động văn hóa, tâm linh nhân các ngày lễ lớn của Phật giáo thu hút hàng chục ngàn tín đồ tham dự với nhiều nội dung phong phú, đa đạng và ý nghĩa; thực hiện công tác từ thiện xã hội lên đến 113 tỷ đồng và trao 100 căn nhà tình thương với kinh phí xây dựng 30 triệu đồng mỗi căn.

Ngoài ra, để nâng cao nhận thức, trình độ cho những vị trụ trì, hàng năm Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh đều đề nghị Thường trực Ban Trị sự tổ chức khóa bồi dưỡng trụ trì để giúp các vị trụ trì được cập nhật hóa kiến thức về Phật học cũng như xã hội, pháp luật để hoàn thành trách nhiệm của mình trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc. Mỗi khóa học có trên 300 Tăng Ni tham dự.

“Thành công của khóa bồi dưỡng trụ trì hàng năm là một nỗ lực rất lớn, sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực của Ban Trị sự tỉnh và Ban Trị sự cấp huyện; sự đồng tình ủng hộ của các hệ phái, trụ trì tự viện, Tăng Ni và tín đồ đạo Phật; sự quan tâm giúp đỡ về mọi mặt của Đảng và Nhà nước các cấp. Qua đó cũng chứng minh được hình thức tổ chức và nội dung học tập đã phát huy tác dụng tích cực trong quản lý, hướng dẫn Tăng Ni, tín đồ đạo Phật tu học và sinh hoạt được nâng lên ở tầm cao hơn,” HT.Thích Huệ Tài chia sẻ.

Đặc biệt, được sự thống nhất của cơ quan chức năng, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã ban hành quyết định công nhận mới 41 tự viện và bổ nhiệm trụ trì cho 45 cơ sở. Sau khi bổ nhiệm trụ trì, các Tăng Ni đều hoàn thành vai trò, trách nhiệm, bổn phận được phân công trong việc hướng dẫn Tăng Ni, tín đồ đạo Phật tại tự viện tu học, sinh hoạt theo quy định của giáo luật, Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước.

Hướng tới giá trị vững bền

Theo TT.Thích Thiện Thống, Phó Tổng Thư ký HĐTS - Chánh Văn phòng II TƯGH, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh An Giang, từ những kết quả đạt được và để nối tiếp chí nguyện của bao thế hệ đi trước, trong nhiệm kỳ mới, Phật giáo tỉnh An Giang cần đầu tư, nâng cao chất lượng hoạt động nhằm tạo nên những giá trị và thành tựu vững bền.

“Tất cả những gì được kiến tạo đều bắt nguồn từ công tác nhân sự và lựa chọn người lãnh đạo các cấp Giáo hội thời gian đến. Đây được xem là yếu tố quan trọng nhất, cần được thực hiện nhất quán và đồng bộ”, TT.Thích Thiện Thống khẳng định.

Tư tưởng nhất quán và đồng bộ như vừa nêu theo TT.Thích Thiện Thống là phải căn cứ những quy định của Hiến chương Giáo hội, Quy chế hoạt động của Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện, Thông tư 292/TT.HĐTS của Hội đồng Trị sự. Từ đó, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang đã cho phép Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện tổ chức đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2016-2021 với thành phần nhân sự là những Tăng Ni, tín đồ đạo Phật có đầy đủ năng lực làm việc, uy tín, phẩm chất đạo đức và mang tính kế thừa.

“Công tác tổ chức đại hội Phật giáo cấp huyện kết thúc vào tháng 9-2016, góp phần làm cho hệ thống tổ chức của Ban Trị sự hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi để Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang khóa V triển khai, thực hiện và hoàn thành các Phật sự theo tinh thần nghị quyết, phương hướng đã vạch ra”.

Riêng với nhân sự tham gia BTS GHPGVN cấp tỉnh nhiệm kỳ mới, TT.Thích Thiện Thống cũng khẳng định, Phật giáo tỉnh sẽ thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của Trung ương Giáo hội và sẽ có 1/3 vị tôn túc sẽ hoàn thành nhiệm vụ, không tiếp tục tham gia BTS nhiệm kỳ mới. Ban Trị sự tỉnh nhiệm kỳ mới vẫn duy trì việc cơ cấu theo tiêu chí: các bậc cao niên (Hòa thượng) chiếm tỷ lệ 25%; các vị trung niên (Thượng tọa) chiếm tỷ lệ 40%; các Tăng Ni trẻ (Đại đức) chiếm tỷ lệ 35% để hoạch định đội ngũ kế thừa cho các nhiệm kỳ tiếp theo. Bên cạnh đạo cao, đức trọng của các bậc cao niên, nhân sự của Ban Trị sự còn có thế hệ trung niên và lớp trẻ có đầy đủ năng lực làm việc, uy tín, trình độ thế học và Phật học để bắt kịp xu thế phát triển chung của xã hội và hoạt động của Ban Trị sự .

Bên cạnh đó, Phật giáo tỉnh An Giang cũng sẽ hướng đến việc phân công, phân nhiệm, phân cấp rõ ràng đối với BTS GHPGVN cấp tỉnh, các ban chuyên môn trực thuộc và BTS GHPGVN cấp huyện. Việc phân cấp này được định hình rõ bằng những đầu việc cụ thể do đại hội biểu quyết thông qua và đây cũng là căn cứ đánh giá hiệu quả trong công tác mỗi cấp sau 5 năm nữa.

Cũng theo TT. Thích Thiện Thống, tại tỉnh An Giang, tỷ lệ chư tôn đức Tăng, tín đồ và tự viện Phật giáo Nam tông Khmer chiếm khá cao nên Phật giáo tỉnh sẽ tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ Hệ phái thực hiệc các hoạt động Phật sự theo truyền thống của Hệ phái, chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực kế thừa cho Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer. Và hơn hết, Phật giáo An Giang sẽ y cứ lời dạy của cố Hòa thượng Chủ tịch nhiệm kỳ I GHPGVN để xác định mục tiêu hướng đến trong khóa VI: “Lịch sử luôn tiến về phía trước, ngày hôm nay sẽ là quá khứ của ngày mai. Chúng ta luôn trân trọng, học tập và thừa hưởng những thành quả của các bậc tiền nhân để lại, nhưng lập lại quá khứ trong hiện tại là không cần thiết. Vì sự xương minh Đạo pháp và lợi ích của dân tộc, mọi người chúng ta phải một lòng đoàn kết hòa hợp, đừng vì những dị biệt mà quên đi hoài bão thống nhất Phật giáo của các bậc tiền bối, làm như thế sẽ có tội với lịch sử và dân tộc”.

w angiang2.JPG

Bảo Thiên

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tổ đình Vạn Thọ (Q.1) với cờ, hoa đầy sắc màu soi bóng bên dòng kênh Nhiêu Lộc - Ảnh: Quảng Đạo

[Ảnh] Phật đản về trên các tự viện Q.1 và Q.8

GNO - Lễ đài Phật đản với cờ, hoa, băng-rôn, biểu ngữ đầy sắc màu được các tự viện trên địa bàn Q.1 và Q.8 thiết trí nhằm kính mừng ngày Đản sanh của Đức Phật cũng như tạo nên không khí vui tươi trong suốt thời gian diễn ra sự kiện Phật giáo quan trọng này.

Sắc màu Phật đản đặc trưng ở thiền môn xứ Huế cổ kính - Ảnh: QĐ/BGN

[Ảnh] Phật đản về trên cố đô Huế

GNO - Đón mừng ngày Đản sanh của Đức Từ Phụ, lễ đài tại Quốc tự Diệu Đế - nơi cử hành lễ Mộc dục trước khi rước Phật đản sanh và lễ đài tại tổ đình Từ Đàm - nơi cử hành Đại lễ Phật đản của GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, các công tác thiết trí đã và đang được hoàn thành một cách chu đáo, tỉ mỉ.

Thông tin hàng ngày