GN - Phật giáo là tôn giáo có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người dân Bạc Liêu. Chư Tăng Ni, Phật tử Bạc Liêu luôn thực hiện những hoạt động Phật sự trọng yếu để truyền bá lời dạy của Đức Phật. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ IV (2012-2017), với thành phần nhân sự được trẻ hóa, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu luôn sáng tạo, tích cực thể hiện sự đổi mới trong công tác điều hành Phật sự.
Hành động kịp thời
Phật giáo tỉnh Bạc Liêu hiện có 151 cơ sở tự viện với 665 Tăng Ni; một trường trung cấp Phật học, 1 lớp Cao đẳng Phật học và lớp luật cho Ni giới với trên 500 Tăng Ni đang theo học; có 58 cơ sở tự viện tổ chức các mô hình tu học cho Phật tử tại gia, 8 cơ sở y học dân tộc, 2 cơ sở khám chữa bệnh Tây y; công tác từ thiện xã hội nhiệm kỳ qua đạt trên 112 tỷ đồng.
Đại giới đàn Huệ Hà - một Phật sự lớn
của Phật giáo tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ IV (2012-2017) - Ảnh: Tĩnh Toàn
Trao đổi với PV Giác Ngộ, TT.Thích Minh Lành, Ủy viên HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu hoan hỷ trước những bước chuyển mình tích cực của Phật giáo tỉnh nhà. Đó là điều mà cách nay 5 năm, khi mới bắt đầu nhiệm kỳ IV, không ai dám nghĩ tới, bởi nhân sự lãnh đạo được chọn lựa suy cử thay thế còn quá non trẻ sau khi các bậc tôn túc lần lượt viên tịch để lại sự trống vắng to lớn.
Ở phương diện ngược lại, theo TT.Thích Minh Lành, nhờ vào sự trẻ hóa mang tính bắt buộc đó mà tập thể Ban Trị sự nhiệm kỳ qua, bằng tinh thần và phong cách mới, đã nắm bắt được sự đổi thay cũng như những yêu cầu mới của xã hội, từ đó uyển chuyển điều chỉnh phương hướng sinh hoạt Phật sự một cách phù hợp. Trong đó, thể hiện rõ nét nhất là việc phát động phong trào chỉnh trang tự viện và công tác vận động, tuyên truyền nâng cao hiệu năng, trách nhiệm của vị trụ trì cơ sở.
“Hai Phật sự quan trọng này được phát động đúng thời điểm, đáp ứng được nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử trong điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã mang lại kết quả khả quan, tạo nên sự thay đổi hết mực phấn khởi và đầy hoan hỷ đối với các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà”, TT.Thích Minh Lành nhìn nhận.
Phong trào chỉnh trang tự viện Phật giáo được gợi ý từ năm 2011 khi lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu ban hành Nghị quyết số 02 với chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó có du lịch văn hóa tâm linh. Hưởng ứng chương trình hành động của lãnh đạo đạo tỉnh, một năm sau đó (năm 2012) khi mới bắt đầu nhiệm kỳ IV, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu đã có kế hoạch phát động cả hệ thống Giáo hội từ tỉnh, huyện đến tự viện cơ sở thực hiện việc xây dựng, kiến thiết và tu sửa Phật tích, cải tạo cảnh quan chùa chiền làm điểm đến cho khách hành hương gần xa. Qua đó, những giá trị thực tập của đạo Phật được thể hiện một cách cụ thể và thực chất nhất bằng hình ảnh thanh tịnh, trang nghiêm của ngôi chùa.
Nhờ thế mà sau 5 năm, toàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 90% cơ sở tự viện được trùng tu xây dựng mới, tất cả những ngôi chùa là di tích lịch sử cũng được bảo tồn, giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc, góp phần làm tăng vẻ mỹ quan nơi vùng nông thôn cũng như khu đô thị. Trong đó, có thể kể đến những công trình tiêu biểu sau khi hoàn thành là điểm đến tâm linh quan trọng của Phật giáo tỉnh như: khu tôn thờ 32 tượng hóa thân Bồ-tát tại Quán Âm Phật Đài, tượng Bồ-tát cao 43m chùa Hưng Thiện, công trình kiến trúc chùa Giác Hoa, chùa Đìa Muồn, tịnh xá Ngọc Phước, tịnh xá Bửu An, chùa Long Phước Long Điền, chùa Phong Lợi v.v...
Nói thêm về việc đầu tư tạo dựng thắng cảnh, TT.Thích Minh Lành nhấn mạnh: “Phật giáo Bạc Liêu hoan nghênh chủ trương của lãnh đạo. Với xu thế hội nhập và phát triển, doanh nghiệp đến đầu tư ưu tiên chọn điểm là nơi có đời sống văn hóa, dân trí tốt, đặc biệt có khách du lịch, hành hương với những di tích văn hóa tâm linh”.
Không những thế, hưởng ứng Festival đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014, Ban Trị sự tỉnh chỉ đạo cho tịnh xá Ngọc Liên (tọa lạc cạnh khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - NV) xây dựng khang trang để đón du khách, các tự viện khác tham gia gian hàng văn hóa ẩm thực chay nhân lễ hội này; Quán Âm Phật Đài tham gia một số hoạt động quảng bá Festival, tiếp các đoàn khách trong nước và quốc tế. Và trong những dịp đặc biệt như trên, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tổ chức lễ an vị tượng đài sự kiện Mậu Thân, Đại lễ cầu siêu anh linh liệt sĩ tại Quảng trường Hùng Vương, Đại lễ cầu siêu anh linh liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Phước Long, Đại lễ cầu nguyện hòa bình cho Biển Đông.
Đối với mục tiêu nâng cao hiệu năng, trách nhiệm của vị trụ trì cơ sở, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã định ra tiêu chuẩn kèm theo các biện pháp khích lệ rõ ràng khi vị trụ trì tự viện thực hiện giáo dục Phật tử tham gia xây dựng nếp sống văn hóa, tích cực hưởng ứng chủ trương của Nhà nước, góp sức với xã hội tham gia chương trình phúc lợi an sinh, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn trật tự khu dân cư.
Giữ nhịp phát triển
Đề cập hướng đi sắp tới trong bối cảnh Phật giáo tỉnh nhà vẫn còn nhiều khó khăn về mặt nhân sự, cơ sở vật chất…, TT.Thích Minh Lành cho biết, mục tiêu trước mắt là giữ nhịp phát triển các hoạt động Phật sự.
Nhiệm vụ này bắt nguồn từ công tác nhân sự và việc phối hợp nhịp nhàng giữa các ban, ngành chuyên môn trực thuộc Ban Trị sự sự cấp tỉnh, cấp huyện. Ý thức vị trí quan trọng đó, nên từ đầu năm 2016, thực hiện hướng dẫn của Trung ương Giáo hội và để tạo bước đệm cho nhiệm kỳ mới, Ban Trị sự tỉnh đã chỉ đạo tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo 7 đơn vị huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 và bổ nhiệm trụ trì tất cả cơ sở tự viện còn khuyết Tăng Ni trong tỉnh.
“Đến nay, toàn tỉnh Bạc Liêu có 665 vị Tăng Ni tu học tại 151 ngôi chùa (Bắc tông: 111, Nam tông Khmer: 26, Khất sĩ: 12 và Phật giáo người Hoa có 2 ngôi chùa - NV) nhưng có đến 60% chư Tăng Ni đảm trách công tác trụ trì có trình độ cử nhân và cao đẳng Phật học. Qua khảo sát gần nhất, sinh hoạt tự viện nghiêm túc hơn, đi vào quy củ thiền môn; hệ thống tổ chức từ tỉnh đến cơ sở đã thông suốt, tuân thủ Hiến chương dưới sự lãnh đạo của Trung ương Giáo hội và quản lý nhà nước về tôn giáo của các cơ quan chức năng”, TT.Thích Minh Lành cho biết.
Đối với nhu cầu phát triển của Tăng Ni trẻ tại địa phương, các cấp Giáo hội luôn thể hiện sự quan tâm bằng cách tập trung vào công tác giáo dục và đào tạo. Bạc Liêu là một trong những tỉnh mà trường trung cấp Phật học có 2 phân hiệu Bắc tông và Nam tông Khmer. Phân hiệu Nam tông Khmer đặt tại chùa Ghôsitaram, huyện Vĩnh Lợp; phân hiệu Trung cấp Bắc tông đặt tại chùa Giác Hoa, huyện Vĩnh Lợi. Ngoài ra, Phật giáo tỉnh cũng tổ chức lớp cao đẳng đặt tại Quán Âm Phật Đài, lớp chuyên khoa luật của Ni giới đặt tại chùa Bạch Liên. Các điểm trường có sức chứa hơn 100 Tăng Ni sinh nội trú, cơ sở đầy đủ tiện nghi, cảnh quan thông thoáng, môi trường xanh sạch. Đến nay đã có hơn 300 Tăng Ni sinh tốt nghiệp trung cấp Phật học, 150 Tăng Ni sinh tốt nghiệp cao đẳng Phật học. Công tác giáo dục vẫn đang được tiếp tục với sự cố gắng cao nhất.
Trong hoạt động các ban ngành thời gian đến, TT.Thích Minh Lành khẳng định sẽ tạo cơ chế phối hợp để tránh sự chồng chéo, giảm gánh nặng về nhu cầu nguồn nhân lực và bổ túc, hỗ trợ cho nhau. Theo đó, ngành giáo dục Tăng Ni sẽ có những sự phối kết hợp với Tăng sự; ngành hướng dẫn Phật tử sẽ có sự phối kết hợp với hoằng pháp; ngành nghi lễ có sự phối kết hợp với văn hóa. Không những thế, dù nguồn tài chính từ quỹ của Ban Trị sự còn thấp nhưng cũng sẽ cố gắng vận động kinh phí để hỗ trợ cho hoạt động của cả hệ thống Giáo hội trong đó có các ban, ngành chuyên môn.
“Cần thể hiện quyết tâm để cơ sở tự viện ngày một khang trang, chư Tăng Ni tích cực đồng hành cùng Giáo hội, số lượng tự viện tổ chức đạo tràng tu học cho Phật tử tăng lên, phong trào tu học lan tỏa từ thành thị đến nông thôn… tức là giữ được nhịp phát triển của Phật giáo tỉnh Bạc Liêu”, TT.Thích Minh Lành thể hiện sự quyết tâm.
Bảo Thiên