Phật giáo Cần Thơ phát triển đồng hành cùng dân tộc

Ảnh: CTV
Ảnh: CTV

GN - Là vùng kinh tế trọng điểm, nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, TP.Cần Thơ từng được mệnh danh là Tây đô - thủ phủ của miền Tây Nam Bộ từ hơn trăm năm trước.

Phật giáo nơi đây cũng hòa điệu vào sự phát triển nơi vùng Tây đô, trải qua 8 nhiệm kỳ, chư tôn đức bằng sự nhiệt tình, tinh cần, tinh tấn của người con Phật, bằng tính năng động sáng tạo của các thành viên Ban Trị sự và kế thừa những thành quả tốt đẹp do chư tôn đức để lại, Phật giáo Cần Thơ đã thành tựu nhiều Phật sự quan trọng.

Ban Trị sự GHPGVN TP.Cần Thơ nhiệm kỳ 2012-2017 với 45 thành viên, “Từ khi nhận nhiệm vụ đã đi vào hoạt động với nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng được sự chỉ đạo của HĐTS, sự quan tâm tạo điều kiện của cơ quan chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp cũng như sự đoàn kết hoạt động Phật sự của các thành viên trong Ban Trị sự theo phương châm ‘tốt đời đẹp đạo’, góp phần trang nghiêm trong bộ máy tổ chức của Phật giáo TP.Cần Thơ” - HT.Đào Như (ảnh), UV Thư ký HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Cần Thơ nói về những kết quả Phật sự nhiệm kỳ 2012-2017.

Tinh cần, năng động trong các Phật sự

“Nhằm đào tạo đội ngũ kế thừa có phẩm hạnh, năng lực để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt Phật sự của tự viện”, nên trong nhiệm kỳ VIII, vấn đề giáo dục được chư tôn đức Ban Trị sự rất coi trọng; cụ thể, Trường Trung cấp Phật học Cần Thơ, trong niên khóa I (2012-2015) đã đào tạo được 88 Tăng Ni sinh, khóa II hiện có 120 Tăng Ni sinh đang theo học tại chùa Phước Long, Q.Cái Răng. Có 88 Tăng Ni sinh theo học lớp Chuyên khoa Phật học tại chùa Long Quang, Q.Bình Thủy. “Trong quá trình học tập, Ban Giám hiệu cũng đã tổ chức giao lưu trại hè với Trường TCPH Sóc Trăng cho 160 Tăng Ni sinh, kết hợp với trò chơi dân gian truyền thống, tạo môi trường hoan hỷ, đoàn kết, trao đổi kinh nghiệm, rèn luyện tự thân làm hành trang trên bước đường học Phật” - HT.Đào Như cho biết.

Nhằm truyền trao giáo pháp của Đức Như Lai cho hàng hậu học, trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Trị sự đã tổ chức được Đại giới đàn Huệ Thành và Trí Đạt truyền giới cho 1.883 giới tử. Các khóa an cư kiết hạ đều được tổ chức hàng năm tại 2 điểm trường hạ Tăng và Ni luân phiên tại các quận, huyện, có từ 70 đến 100 vị đăng ký cấm túc an cư và có 150 vị xin tùng hạ.

Với vị trí là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của khu vực, trong nhiệm kỳ 2012-2017, Phật giáo Cần Thơ có nhiều hoạt động Phật sự giao lưu với Phật giáo các nước bạn đến thăm, cụ thể, năm 2012, tổ chức tiếp đón đoàn Đại Tăng thống Vương quốc Campuchia; năm 2014, tiếp đoàn Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc đến thăm thiền viện Trúc Lâm Phương Nam; đoàn sinh viên Hoa Kỳ đến thăm và tìm hiểu về Phật giáo tại chùa Quảng Đức; đoàn Tăng Cung Việt Nam, chùa Tăng Cung Cửu Hoa Sơn Đại Hưng Thiện (Đài Loan) đến thăm chùa Long Quang và tịnh xá Ngọc Trung Tăng; năm 2015, đoàn Phật giáo Sri Lanka đến thăm Học viện Phật giáo Nam tông Khmer; tháng 2-2017, Ni sư Karma Lekshe Tsomo - Chủ tịch Sakyadhita đến thăm các chùa Quan Âm, Phước Long, Phước An, Vi Phước…

Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay có 45 vị Tăng Ni Phật giáo Cần Thơ với 64 lượt đi tham quan học hỏi ở nước ngoài như Mỹ, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Úc, Canada.

Về lĩnh vực văn hóa, ban chuyên môn phụ trách đã tổ chức tiệc chay gây quỹ xuất bản quyển kỷ yếu Tiểu sử các cơ sở Phật giáo Cần Thơ, thành lập website www.phatgiaocantho.vn của Phật giáo thành phố, phục vụ việc tìm hiểu, nghiên cứu những thông tin về các tự viện và hoạt động Phật sự Phật giáo Cần Thơ nói riêng và Phật giáo các tỉnh thành nói chung.

“Tuy được thành lập trong thời gian gần đây, nhưng Ban Kiểm soát cũng đã phát huy tốt vai trò trong công tác phối hợp với các cấp giải quyết và ngăn chặn những hoạt động tôn giáo không phù hợp, giả danh tu sĩ đi khất thực, mượn danh Phật giáo tổ chức tiệc chay để quyên góp, giả danh cán bộ đi đến một số cơ sở tự viện… để làm những việc phi pháp. Ban Kiểm soát đã góp phần định hướng hoạt động Phật sự xã hội của Tăng Ni, tự viện đảm bảo tuân thủ theo Hiến chương Giáo hội và quy định của pháp luật”- HT.Đào Như cho biết.

Dấu ấn Phật giáo Nam tông Khmer Cần Thơ

Cần Thơ hiện có 12 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer tồn tại từ lâu đời. “Thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ của chính quyền các cấp, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước TP.Cần Thơ phối hợp cùng với các trụ trì chùa tham gia vận động mạnh thường quân, đồng bào Phật tử tập trung trùng tu, xây dựng các ngôi chùa Khmer ngày càng khang trang, sạch đẹp, trang nghiêm như chùa Pothisomron, Pitukhosarangsay, Munirangsay, Sanvorpothinhen, Settodor, Prummanivongsa, Neryvone, Serayvongsa ước tính hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, Hội cũng hỗ trợ tu sửa văn phòng Hội để có nơi làm việc khang trang đặt tại chùa Munirangsay (Q.Ninh Kiều)”- HT.Đào Như chia sẻ với PV Giác Ngộ.

Đặc biệt, tại Cần Thơ có Học viện Phật giáo Nam tông Khmer thành lập năm 2006 theo Quyết định số 171 của Ban Tôn giáo Chính phủ và Quyết định nhân sự của Hội đồng Điều hành tại Công văn 473 của Ban Thường trực HĐTS GHPGVN. Đến nay, Học viện vẫn còn đặt tạm tại chùa Pothisomron (khu vực 4, P.Châu Văn Liêm, Q.Ô Môn), đã đào tạo được 3 khóa. Đến năm 2013, Hòa thượng Chủ tịch HĐTS chỉ đạo chư tôn đức HĐTS đăng ký trực tiếp trao đổi với Thành ủy, UBND TP.Cần Thơ để hoàn thành các thủ tục pháp lý, cơ sở hạ tầng nhằm tiến hành khởi công xây dựng Học viện theo như Nghị quyết của Ban Thường trực HĐTS GHPGVN đã thông qua.

Được sự quan tâm của Thành ủy, UBND TP.Cần Thơ đã tổ chức nhiều cuộc họp và thành lập Ban Hỗ trợ xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer và đề nghị kinh phí từ nguồn của Chính phủ, để bồi hoàn giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho Hội đồng Điều hành Học viện và làm lễ đặt đá xây dựng đồng thời vận động kinh phí theo hướng xã hội hóa trong việc xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer diễn ra vào ngày 25-3-2017 vừa qua.

Về duy trì các nét văn hóa truyền thống, vị giáo phẩm đứng đầu Giáo hội TP.Cần Thơ cho biết, ngoài việc phối hợp với các cơ quan chính quyền tổ chức các lễ hội truyền thống Tết cổ truyền Cholchnămthmây, lễ Sene Đôn-ta, lễ Ok-om-bok…, các lớp học sơ cấp Pali, Khmer tại các điểm chùa, lớp dạy chữ Khmer cho sinh viên, học sinh được duy trì đều đặn. “Công tác đó đã tạo nên phong trào học tập cả kiến thức dân tộc lẫn kiến thức phổ thông, góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí, giữ gìn bản sắc văn hóa trong đồng bào Khmer. Việc xuất gia tu học theo truyền thống trong thanh thiếu niên Khmer cũng được quan tâm, trong năm qua có hàng trăm lượt thanh thiếu niên xuất gia gieo duyên tu học tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer”, Hòa thượng nói.

w pgct (1).jpg


Đại giới đàn Trí Đạt tổ chức năm 2015 tại chùa Long An
(P.Lê Bình, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) - Ảnh: Thích Minh Phú

Nhìn lại hoạt động chung, Hòa thượng nhận xét rằng trong nhiệm kỳ qua Phật giáo Nam tông Khmer cũng năng động sôi nổi trong việc tham gia nhiều sự kiện của Giáo hội như Hội thảo khoa học của Phật giáo vùng Mê Kông, Hội thảo khoa học “Phật giáo Nguyên thủy trong kỷ nguyên toàn cầu hóa”, Hội thảo “Mặt trận Tổ quốc với công tác tôn giáo trong tình hình mới”… Phối hợp với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú và Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ TP.Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của Phật giáo Nam tông đối với quá trình tu học của thanh niên Khmer TP.Cần Thơ”…

Dự hướng cho nhiệm kỳ tới

Nói về chương trình hoạt động Phật sự của Ban Trị sự GHPGVN TP.Cần Thơ nhiệm kỳ 2017-2022, HT.Đào Như cho biết: “Ban Trị sự sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết hòa hợp trong nội bộ, đoàn kết tôn giáo để hoàn thành các hoạt động Phật sự góp phần đưa GHPGVN ngày càng phát triển bền vững về mọi mặt trong lòng dân tộc. Đồng thời tham gia tích cực trong khối đại đoàn kết dân tộc, để cùng chung tay xây dựng và phát triển quê hương đất nước.

Kiện toàn tổ chức các Ban Trị sự các cấp trực thuộc, các ban chuyên trách, chú ý đến cơ cấu thành phần nhân sự các hệ phái Phật giáo, có chuyên môn, có năng lực, có điều kiện hoạt động để phát huy hiệu quả công việc.

Tiếp tục hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer thực hiện các hoạt động Phật sự theo truyền thống hệ phái, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực kế thừa theo định hướng lâu dài.

Tổ chức triển khai tìm hiểu học tập, chủ trương chính sách, pháp luật Nhà nước, các nghị quyết của Đảng, Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, tham gia các phong trào thi đua yêu nước do UBMTTQVN các cấp phát động.

Tổ chức các khóa bồi dưỡng trụ trì, sinh hoạt hành chánh Giáo hội, hoàn thiện quy chế hoạt động của Ban Trị sự GHPGVN cấp quận cũng như các ban ngành chuyên trách...”.

* Tin liên quan: Sẵn sàng tiến hành Đại hội Phật giáo TP.Cần Thơ ||

Như Danh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là khẳng định của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tại buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.
Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày