GN - Nói Phật giáo tại Đắk Nông còn non trẻ cũng đúng, bởi đây là tỉnh của phía Nam cuối cùng thành lập Ban Trị sự và hòa vào dòng chảy chung của Phật giáo nước nhà. Đến nay, sau 10 năm có mặt và điều hành Phật sự, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đắk Nông với thành phần là chư tôn túc trẻ tuổi vẫn tiếp tục con đường hoàn thiện về tổ chức, kiến tạo nhiều Phật sự xứng tầm để xiển dương Chánh pháp nơi vùng cao.
Hoàn thiện về tổ chức
Nói về công tác nổi bật nhất của Phật giáo toàn tỉnh sau 5 năm của nhiệm kỳ thứ 2, TT.Thích Quảng Tuấn, Ủy viên HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đắk Nông cho rằng, đó chính là việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức cũng như nỗ lực phát triển các cơ sở thờ tự nơi vùng sâu, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, quy ngưỡng nơi Tam bảo của đồng bào các dân tộc đang sinh sống, lao động tại đây.
Phật tử tại Đắk Nông trong một hoạt động Phật sự do BTS PG tỉnh
tổ chức tại trụ sở BTS - chùa Pháp Hoa (thị xã Gia Nghĩa) - Ảnh: Bảo Thiên
“Ban Trị sự luôn cố gắng hoàn thành những công tác Phật sự đã đề ra, thực hiện tốt Thông bạch, Thông tư hướng dẫn của Trung ương Giáo hội đã ban hành. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn nỗ lực giải quyết những tồn đọng trong quá trình xin phép thành lập các cơ sở trực thuộc và hoàn thiện bộ máy hành chính Giáo hội các cấp trong điều kiện hạn chế về nhân lực so với các tỉnh bạn”, TT.Thích Quảng Tuấn chia sẻ.
Theo vị đứng đầu Phật giáo tỉnh Đắk Nông, sau 5 năm của nhiệm kỳ II (2012-2017), đã có 5 Ban Trị sự cấp huyện được thành lập để điều hành công tác tại địa phương, làm cho Phật giáo đến gần với quần chúng hơn. Hiện tại, toàn tỉnh còn lại 3 Ban Trị sự cấp huyện đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để xin thành lập.
Tiến thêm một bước nữa, bằng nỗ lực tự thân và sự giúp sức của các cơ quan chức năng hữu quan, chỉ trong vòng 5 năm, đã có 17 cơ sở thờ tự của Phật giáo được UBND tỉnh Đắk Nông ra quyết định công nhận chính thức, sinh hoạt trực thuộc Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; 2 cơ sở đã được UBND tỉnh ra quyết định đổi danh xưng từ Niệm Phật đường sang chùa gồm: niệm Phật đường Phước Hoa, xã Quảng Tín; niệm Phật đường Phước Viên, xã Đắk Sin.
Bên cạnh đó, các cơ sở gồm: tịnh xá Ngọc Giác - huyện Đắk Mil; chùa Phước Khánh - huyện K’rông Nô; chùa Trấn Quốc, chùa Phước Bảo - huyện Tuy Đức; chùa Thiên Ân - huyện Cư Jut; chùa Phổ Môn và đạo tràng Ngọc Trường - huyện Đắk Song v.v... đang được Ban Trị sự hoàn tất hồ sơ xin thành lập.
“Tập thể Ban Trị sự GHPGVN tỉnh luôn quan tâm hết mực để xem xét giải quyết cho những địa phương xin thành lập cơ sở trực thuộc tại các nơi có nhu cầu chính đáng và phù hợp với tình hình thực tế địa phương”, TT.Thích Quảng Tuấn khẳng định.
Cùng với việc thành lập cơ sở, Ban Trị sự đã bổ nhiệm 13 vị Tăng Ni về làm trụ trì tại các cơ sở mới. Đây phần lớn là chư Tăng Ni trẻ, có học vị và chịu dấn thân hành đạo tại một địa phương còn nhiều khó khăn về điều kiện vật chất và cơ sở hạ tầng.
TT.Thích Quảng Tuấn cho biết: Nhờ các ngôi chùa được hình thành và sự hiện diện của Tăng-già mà các đạo tràng tu học từ đó có mặt, tạo nên một phong trào tu học sôi nổi trong quần chúng Phật tử và người dân địa phương.
“Nếu so sánh với giai đoạn đầu tiên thành lập Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh tại Đắk Nông, đây là một nhiệm kỳ khởi sắc và đạt được mục tiêu đề ra về mặt tổ chức Giáo hội khi nhiều ban, ngành chuyên môn trực thuộc được cho ra mắt và hoạt động hiệu quả gồm: Tăng sự, Văn hóa, Hướng dẫn Phật tử, Từ thiện xã hội. Đồng thời, tất cả các huyện trong tỉnh đều có sự hiện diện đơn vị cơ sở của Giáo hội”, TT.Thích Quảng Tuấn nhận định.
Những số liệu được nhắc đến trong thành quả Phật sự của tỉnh Đắk Nông như: Duy trì việc thực hiện và xuất bản nội san Hương Từ Bi đến số 29, đăng tải nhiều bài viết cũng như tin tức Phật sự của Phật giáo tỉnh nhà, được chư tôn đức và quý độc giả đón nhận; thực hiện website là trang thông tin điện tử cho Phật giáo tỉnh với tên miền: phatgiaodaknong.net; đại trùng tu chùa Pháp Hoa (trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh) và 9 cơ sở tự viện khác, thực hiện công tác từ thiện xã hội đạt 20 tỷ đồng.
Những điểm nhấn
Theo ĐĐ.Thích Quảng Hiền, UV HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đắk Nông, yếu tố tạo nên những phát triển vượt bậc trong hoạt động Phật sự tỉnh nhà trước hết phải kể đến đó là sự chăm lo về mặt con người.
“Vì là một tỉnh mới thành lập và những ngày đầu tiên chỉ có vài Tăng Ni hiện diện hành đạo nên việc vận động giới Tăng Ni từ các nơi khác đến để cùng chăm lo Phật sự, đào tạo chư Tăng Ni tại chỗ là ưu tư thường trực của chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo tỉnh”, ĐĐ.Thích Quảng Hiền cho biết.
Xuất phát từ ưu tư đó, Ban Trị sự GHPGVN đã liên tiếp giới thiệu 20 Tăng Ni sinh theo học tại các trường Phật học tại Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Bình Định, và Học viện Phật giáo tại TP.HCM; bồi dưỡng và giới thiệu cho 34 vị xuất gia trẻ tuổi thọ giới Tỳ-kheo, Sa-di, Thức-xoa và Sa-di-ni tại giới đàn các tỉnh bạn.
Cũng theo ĐĐ.Thích Quảng Hiền, việc chăm lo về nhân sự còn thể hiện phương diện tổ chức tu học, tô bồi đạo hạnh cho người xuất gia và qua đó Đắk Nông đã tổ chức được 11 mùa an cư tập trung tại 3 trú xứ (2 dành cho chư Tăng và 1 dành cho chư Ni) gồm: chùa Pháp Hoa (Văn phòng BTS), thị xã Gia Nghĩa; chùa Hoa Nghiêm, thị trấn Đắk Mil và chùa Phước Quang, huyện Đắk Song. Ngoài ra, để chấn chỉnh việc tu học và sinh hoạt của chư Tăng Ni, Ban Tăng sự đã tổ chức các phiên họp Tăng Ni trong toàn tỉnh nhằm kiểm điểm nội bộ. Đây là một công tác vô cùng quan trọng trong sinh hoạt người xuất gia, giúp tạo sự ổn định và thanh tịnh hóa Tăng đoàn.
Hiện tại toàn tỉnh Đắk Nông có 76 vị Tăng Ni, tăng lên 23 vị so với nhiệm kỳ trước (2012); gồm: 2 vị giáo phẩm Thượng tọa, 56 Đại đức, 18 Sư cô, 25 Sa-di, 9 Thức-xoa, 3 Sa-di-ni.
Điểm nhấn kế tiếp và cũng không kém phần quan trọng, theo ĐĐ.Thích Quảng Hiền, đó là tinh thần tu học của hàng Phật tử tại gia. Trên tinh thần đó, hầu hết các chùa đều tổ chức dạy giáo lý cho Phật tử sau các ngày sám hối, hoặc tối thứ Bảy hàng tuần; tu Bát quan trai, các đạo tràng Pháp Hoa, đạo tràng Niệm Phật vào mùa an cư kiết hạ. Riêng các huyện Cư Jut, Đắk R’Lấp, Đắk Mil thường xuyên duy trì khóa tu Một ngày an lạc. Các mô hình này thu hút đông đảo quần chúng Phật tử và nhân dân địa phương đến tham dự, tạo nên một phong trào tu học sôi nổi, đầy sức sống.
Không những thế, việc tu học cho giới trẻ cũng được quan tâm khi tại tỉnh Đắk Nông có 9 cơ sở tự viện tổ chức Câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử đang sinh hoạt, tu học và phụ giúp các công tác Phật sự; một số cơ sở khác cũng đang hình thành mô hình này. Vào mùa hè, các khóa tu học giới trẻ được tổ chức sôi nổi mà tiêu biểu là chùa Hoa Khai với khóa tu “Hương sen mùa hạ”, chùa Pháp Hoa với khóa tu “Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”.
Riêng đối với hệ thống Gia đình Phật tử, tỉnh nhà đã hình thành Phân ban với 20 đơn vị sinh hoạt, có tổng số lượng là 1.094 huynh trưởng, đoàn sinh. Nhiều kỳ trại, khóa học huynh trưởng và chương trình giao lưu, rèn luyện chuyên ngành được tổ chức mỗi năm dần củng cố tổ chức và tạo nên sức mạnh của đoàn thể áo Lam nơi mảnh đất còn non trẻ.
“Các nhân tố tích cực trong các ban ngành, một số vị Tăng Ni trụ trì tuy còn trẻ tuổi nhưng nhiệt tình nỗ lực; mối quan hệ giữa các đơn vị trong hệ thống Giáo hội luôn được củng cố và nhu cầu tu học, lòng khát ngưỡng Chánh pháp của hàng cư sĩ tại gia đã tạo nên sức bật, sự lan tỏa của đời sống tâm linh Phật giáo ngay tại Đắk Nông”, ĐĐ.Thích Quảng Hiền nhìn nhận.