Vì vậy, Đức Phật có vô số phương tiện; cho nên trước khi Phật Niết bàn, Ngài nhắc lại rằng những gì Ngài nói nên coi là phương tiện của thời kỳ đó và quốc độ đó; nhưng gặp hoàn cảnh khác, quốc độ khác thì Phật không nói như vậy. Trong kinh, Đức Phật cho biết thế giới của Phật Hương Tích chỉ thuyết pháp bằng mùi hương, ngửi mùi hương thì tâm người ở thế giới đó được thanh tịnh, giải thoát, cho nên không cần dùng ngôn ngữ. Còn ở thế giới Cực lạc thì tâm đại chúng hoàn toàn thanh tịnh, vì từ tâm và bản nguyện của Phật Di Đà truyền sang cho đại chúng thanh tịnh. Như vậy, ở Cực lạc, Phật Di Đà thuyết pháp bằng tâm.
Ảnh minh họa
Còn ở Ta bà thì Phật Thích Ca tùy theo chỗ, tùy theo bộ tộc khác nhau mà Ngài khai thị bằng ngôn ngữ tương ưng để họ có thể tiếp nhận mà thực tập trong cuộc sống. Đức Phật cho biết những gì Ngài nói ví như lá trong tay, có nghĩa là những gì Phật nói có giá trị nhất định ở thời đó; còn những người ở nơi khác, ở hoàn cảnh khác thì có thể dùng để tham khảo, rút kinh nghiệm. Và Đức Phật khuyến cáo rằng phải phát huy trí tuệ và đối mặt với cuộc sống để giải quyết mọi việc được tốt đẹp; đó là trách nhiệm của chúng ta. Vì vậy, Phật nói rằng một người chỉ giải quyết được một phần việc, nhiều người sẽ có được nhiều sáng kiến khác nhau. Cho nên, Ngài đề cao sáng kiến của tập thể vẫn hơn quyết định cá nhân.
Ở thời đại của chúng ta, vấn đề khủng hoảng dân số được đặt ra, vì với cái đà tăng trưởng dân số quá nhanh, có thể trong vòng 50 năm cho đến 100 năm nữa, thức ăn sẽ bị cạn kiệt và còn biết bao vấn đề nan giải khác nữa. Lúc đó, chúng ta không còn hiện hữu trên cõi đời này, nhưng thế hệ con cháu của chúng ta phải đối mặt; cho nên chúng ta không thể làm ngơ. Cả thế giới quan tâm đến vấn đề bùng nổ dân số, thì chúng ta cũng cần quan tâm, hãy xem sự tu chứng của mình như thế nào để có thể có sự đóng góp chung cho nhân loại. Thiết nghĩ ý kiến riêng của tôi không đủ, phải có ý kiến của Tăng Ni và Phật tử để đưa ra sáng kiến tốt nhất cho xã hội chúng ta và cho cả nhân loại.
Vấn đề dân số ở thời kỳ Phật tại thế đương nhiên chưa được đặt ra, vì lúc đó, dân số thế giới có khoảng vài trăm triệu; nhưng ngày nay dân số toàn cầu tăng lên đến 6 tỷ người, tạo thành cuộc khủng hoảng đáng sợ. Vì vậy, chúng ta cần có sự đóng góp nhất định cho sự tồn tại của nhân loại.
Có người cho rằng cần hạn chế sinh đẻ để dân số không tăng; nhưng từ đó lại tạo thành một bất cập khác và một số tôn giáo khác đã không đồng ý giải pháp này, nhất là tôn giáo nhất thần cho rằng không được hạn chế sinh đẻ, vì làm như vậy là trái với ý của Thượng đế. Họ bảo Thượng đế cho sinh bao nhiêu đứa con thì phải sinh thôi. Nếu không nghe lời Thượng đế thì đó là một cái tội, không được lên thiên đường.
Ngoài ra có một tư tưởng cực đoan khác, chủ trương hạn chế tối đa sự tăng trưởng dân số, chỉ nên có khoảng hơn 1 tỷ người thôi và mỗi người chỉ sinh một con. Nếu áp dụng giải pháp này thì Trung Quốc gặp khủng hoảng khác nữa, vì theo tập quán của nước này, chỉ có con trai mới nối dõi dòng giống được. Cho nên họ cố gắng sinh con trai, lỡ sinh con gái thì phạm tội lớn, nên phải giết chết đứa bé từ trong bào thai. Nhưng nếu chỉ được sinh một con trai để nối dòng họ, thì Trung Quốc sẽ có đàn ông nhiều hơn đàn bà; đó cũng là một vấn nạn. Như vậy, chúng ta thấy giải quyết vấn đề này lại nảy sinh ra vấn đề khác, chỉ ở trong cái vòng lẩn quẩn không thoát ra được.
Trong khi đó, một số nước văn minh tự hạn chế việc sinh con; nên dân số nước họ không tăng; còn các nước lạc hậu lại để phát triển tự do việc sinh đẻ thì sẽ xảy ra tình trạng là những người không tốt sẽ tăng, điều này cũng nguy hiểm. Nước Pháp trước năm 1945 có 50 triệu dân, nhưng nay dân số cũng vậy, họ cố giảm, không cho tăng dân số. Nhưng họ lại gặp vấn nạn khác là những người nhập cư bất hợp pháp vào nước Pháp hơn mười mấy triệu người. Những người này bị Chính phủ đặt ra ngoài lề xã hội, không được đối xử tốt, không được giáo dục tốt, lại tạo thành một khủng hoảng nữa. Ở Mỹ, thời xưa, dân da đen là nô lệ, nhưng số dân này tăng nhanh và ngày nay, Tổng thống Mỹ cũng da đen; nên họ lo ngại. Bản thân một người hạn chế sinh đẻ thì không đủ để giải quyết được vấn đề tăng dân số, mà đó là việc của toàn xã hội cho đến của toàn cầu, vì đây là một vấn đề lớn, nên sự đóng góp của chúng ta rất cần.
Ảnh minh họa
Người Nhật có ý kiến hay, theo họ, sinh con gái, hay con trai không quan trọng; nhưng phải sinh con tốt, con giỏi. Vì theo tinh thần Phật dạy, nam nữ bình đẳng, không phân biệt giới tính, không phân biệt giai cấp. Ở Nhật có điều đặc biệt là không nhất thiết phải lấy họ cha. Tôi thấy Thủ tướng Sato thời tôi học ở Nhật, ông này thật sự mang họ Kishi rất nổi tiếng. Dòng họ này có ba anh em thay nhau làm Thủ tướng. Ông Thủ tướng đầu của dòng họ này cũng xuất thân từ Tịnh Độ tông, nên ông có mục tiêu xây dựng nước Nhật theo mô hình Cực lạc, nghĩa là mô hình xã hội văn minh. Ông nói Phật Di Đà trước khi về Cực lạc thì nơi đó không phải là Cực lạc, nhưng với trí tuệ của Phật Di Đà, Ngài đã chuyển đổi thế giới đó thành Cực lạc. Người Nhật chủ trương tu Tịnh độ là phải xây dựng nơi mình đang sống theo đạo Phật, tức xây dựng xã hội tốt; nhưng xây dựng bằng cách nào? Ông Thủ tướng này có người em trai rất giỏi và lập gia đình với dòng họ Sato không có con trai, cho nên người em đã chuyển qua dòng họ Sato. Như vậy, người Nhật chủ trương thành lập gia đình hoặc sử dụng họ của chồng, hoặc họ của vợ, không lo sợ tuyệt tộc. Việc nối dòng giống của họ bằng cách có trí tuệ, không giết con gái mà cũng không sợ tuyệt tộc. Cách thứ hai của sự kế thừa là ai nuôi dưỡng nên người thì lấy theo họ của người đó, có thể là họ cha hay họ mẹ. Nếu cha mẹ không có khả năng nuôi con, mà để cho người khác nuôi thì khi đứa bé trưởng thành, nó kế thừa theo dòng họ của người nuôi nó. Người Nhật chấp nhận giải pháp này ổn thỏa, có thể lấy họ cha hay họ mẹ tùy theo sự bàn bạc của gia đình một cách hợp lý. Nếu hai gia đình có một con trai và một con gái, thì một đứa lấy họ cha, một đứa lấy họ mẹ. Họ giải quyết hợp tình hợp lý, không bắt buộc phải theo truyền thống, nên mọi người thấy an tâm và tạo được một xã hội quân bằng. Dân số Nhật không tăng, lúc tôi tu học ở đó thì dân số của họ là 110 triệu, nay cũng vậy.
Không có trí tuệ, không có được biện pháp thỏa đáng mà cứ nhất định phải hạn chế dân số thì cũng không giải quyết được vấn đề mà còn phải đối đầu với nhiều khó khăn khác xảy ra. Còn chủ trương không hạn chế sinh sản và nghĩ rằng phải có con để nối dòng, rồi sanh đẻ bừa bãi cũng rất nguy hiểm, tạo thêm nhiều vấn nạn cho xã hội. Phật tử phải có trí tuệ để nhận thấy được việc nào lợi ích cho bản thân mà cũng góp phần tốt đẹp cho xã hội thì theo đó mà làm. Một số nước theo các tôn giáo chủ trương rằng trời cho sao thì chịu vậy, rồi sinh đẻ tràn lan, không nuôi nổi và đẩy chúng ra lề đường lang thang, gây nguy hiểm cho chúng và tạo bất an cho xã hội. Xã hội Nhật không có tình trạng này, vì họ sắp xếp hợp lý nên xã hội an lạc. Còn sắp xếp không hợp lý, thì nhiều vấn đề sẽ xảy ra, cho đến chiến tranh bùng nổ cũng do sự sắp xếp không hợp lý. Thật vậy, nếu trong xã hội có nhiều thành phần lang thang, bất mãn; khi chúng còn nhỏ thì chỉ gây rối trật tự xã hội, nhưng nếu chúng tập hợp thành từng nhóm nhỏ có người lớn phía sau xúi bẩy, sai khiến thì sẽ làm loạn, sẽ chống đối, cho đến lật đổ chính quyền. Biết bao vấn đề phức tạp phát sinh do sự sắp xếp bất cập.
Muốn sắp xếp trật tự, từ cái gốc phải hợp lý. Tôi hỏi một người bạn vì sao anh không lập gia đình. Anh ta nói vì mắc bệnh di truyền, anh khổ nhiều vì bệnh, nên không muốn nỗi khổ này tiếp diễn trong xã hội cho thế hệ kế tiếp. Theo Phật, có trí tuệ, chúng ta biết cái gì khổ thì không để cho nó tiếp diễn là có sự tính toán hợp lý. Tôi gặp một người khác bị cận thị nặng 9 độ, lập gia đình với người vợ cận thị 13 độ. Họ sống với nhau nhưng không sinh con, vì sinh con thì nó có thể sẽ bị cận hơn 20 độ; đó là sự sắp xếp có trí tuệ. Hoặc có người bị nhiễm chất độc, nếu sinh con sẽ bị dị tật, nên họ tuyệt đối không sinh con, để không làm con khổ và không làm xã hội nhức nhối thêm.
Thiết nghĩ người có trí tuệ học Phật không làm nhẹ gánh nặng cho cuộc đời thì thôi, chứ không làm xã hội xấu thêm. Người không có gia đình, hay không sinh được con tốt, nhưng giàu có, nên họ hiến tặng tài sản cho các cơ quan từ thiện, hoặc họ chọn những đứa trẻ tốt của gia đình nghèo để nuôi dưỡng, cho học hành thành tài, đưa vô xã hội những con người tốt. Hoặc đỡ đầu cho những sinh viên học giỏi, thiếu điều kiện kinh tế, giúp những người này thành đạt sự nghiệp là kỹ sư, bác sĩ, bác học, v.v…, nghĩa là họ đã đóng góp cho an sinh xã hội. Nhờ vậy, nhân tài luôn tấn xuất, không cần đứa trẻ là dòng họ, dòng máu của mình, nhưng cần đưa vô xã hội những nhân tài càng nhiều càng tốt; đó chính là sự thể hiện cao độ tinh thần vị tha vô ngã theo Phật giáo. Từ căn bản này, người ta tự đóng góp xây dựng xã hội văn minh; vì xã hội văn minh thì cần phải có con người văn minh. (Còn tiếp)