GNO - Rakhine - nơi bị tàn phá nặng nề bởi nhiều cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo thường xuyên, gây chia rẽ cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo. Thầy giáo, Phật tử Maung Than Shwe, 46 tuổi, bày tỏ mong muốn hàn gắn sự chia rẽ đau thương của nơi này.
Kể từ năm 2014, thầy Maung Than Shwe là hiệu trưởng của trường trung học phổ thông ở làng Thet Kay Pyin và học sinh ở đây đến từ trại tị nạn lớn nhất của bang dành cho người Hồi giáo lưu vong.
Ngôi trường là nơi tiếp cận con chữ của những người trong vùng chiến
Vài tháng trước, xung đột leo thang ở Rakhine, nơi có đa số người dân theo Phật giáo sinh sống, và theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, những vụ bạo lực mới xảy ra khiến gần 92.000 người mất nhà cửa.
Lực lượng an ninh ở những khu vực bất ổn tiến hành những vụ đáp trả các cuộc tấn công vào các chốt kiểm soát ở khu vực biên giới giữa Myanmar và Bangladesh vào tháng 10 năm ngoái khiến 9 cảnh sát thiệt mạng.
Quân đội Myanmar bị chỉ trích lạm sát và bắt giữ nhiều người mà họ cho là thuộc phiến quân Rohingya và những hành động này bị cáo buộc là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
“Thỉnh thoảng, tôi cũng sợ lắm vì tôi chỉ có sách bút chứ không có vũ khí. Nhưng tôi vẫn quyết tâm muốn theo đuổi những điều mà người khác không dám làm” - thầy Maung Than Shwe chia sẻ về quyết định muốn trở thành hiệu trưởng của mình.
“Ngay từ đầu, tôi đã quyết định dấn thân vào công việc này”, thầy quả quyết.
Khoảng 20 phút đi xe máy từ thủ đô Sittwe, trường trung học Thet Kay Pyin nhận khoảng 3.900 học sinh, khoảng một phần tư trong số họ đến từ làng Thet Kay Pyin và tất cả học sinh đều là người Hồi giáo. Giáo viên trong trường đều là những tình nguyện viên thuộc cộng đồng người Hồi giáo. Tuy nhiên, hầu hết các giáo viên được Chính phủ bổ nhiệm vào nhân sự của trường Thet Kay Pyin đều dạy ở những trường khác.
Xung đột giữa cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo ở Myanmar đã diễn ra gần nửa thế kỷ nhưng người ta chỉ biết đến vụ việc khi xô xát nghiêm trọng xảy ra năm 2012 khiến 100 người chết. Bang Rakhine là khu vực nhạy cảm và là điểm nóng bạo lực của Myanmar, nhất là trong thời điểm năm 2012 - 2013 với sự bùng phát của những vụ bạo lực chống lại người Hồi giáo khiến hơn 140.000 người Hồi giáo Rohingya phải lưu vong. Họ bị dồn vào những khu tái định cư với điều kiện sống tồi tệ, bị áp đặt vô cớ, không được tiếp cận giáo dục, y tế, hay việc làm.
Maung Than Shwe nói, việc thầy muốn gắn kết cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo là để tránh sự thiên vị mang tính tôn giáo. “Sẽ không có vấn đề phát sinh nếu chúng ta nghĩ đến các em như những học sinh bình thường, bất kể các em là người Hồi giáo hay Phật giáo. Như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng giao tiếp với các em hơn”, vị thầy này chia sẻ.
Thầy Maung Than Shwe cũng cho biết trước đây đã tham gia giảng dạy ở một trường thuộc thị trấn Hồi giáo Maungdaw khoảng một năm rưỡi.
Thầy U Khin Maung, 57 tuổi, phó hiệu trưởng Thet Kay Pyin thì cho biết - cũng là một người Hồi giáo lưu vong. Các cuộc xung đột trong năm 2012 khiến thầy U Khin Maung mất nhà cửa và phải bỏ dở việc dạy học. Thầy sống cùng với gia đình ở trại tị nạn Thet Kay Pyin, ngoài việc giúp đỡ thầy hiệu trưởng là Phật tử, còn làm đại diện của ngôi trường để giúp họ giao lưu với xã hội bên ngoài bởi vì các tình nguyện viên ở đây không được phép rời khỏi làng.
Với mong muốn được làm hiệu trưởng của trường trung học Thet Kay Pyin thêm 2 năm nữa trước khi được thăng chức, thầy Maung Than Shwe mong muốn thuyết phục chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí xây thêm 2 khu nhà làm trường học để giảm bớt tình trạng lớp học quá tải và cấp lương cho 46 giáo viên tình nguyện.
“Chúng ta là người, họ cũng vậy. Tôi đến đây để làm việc đúng đắn, vì sự nghiệp giáo dục trẻ em”, thầy Maung Than Shwe nói.
Thầy Maung Than Shwe
Những người Hồi giáo Rohingya bị thành kiến là nhập cư bất hợp pháp mặc dù họ đã định cư ở Myanmar từ rất lâu và dân cư Myanmar cũng bao gồm người Hồi giáo và các nhóm dân tộc thiểu số khác.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew thuộc Washington D.C., trong số 52 triệu người Myanmar, số người theo Phật giáo chiếm 80%, và số người theo Hồi giáo chỉ vào khoảng 4%.
Ủy ban dân tộc cấp tiến bảo vệ lợi ích quốc gia và tôn giáo (Ma Ba Tha) được thành lập năm 2013 với thành viên là các tu sĩ theo đường lối cứng rắn và có nhiều ảnh hưởng trong nước đã kích động chia rẽ tôn giáo ở Myanmar, đặc biệt là với các cư dân Rohingya.
Tuy nhiên, các nhân vật chủ chốt trong nội các và cộng đồng của Myanmar, bao gồm Ủy ban Tăng-già Nayaka với những vị Tăng đáng tôn kính bậc nhất đất nước đã lên tiếng phản đối chính sách của Ma Ba Tha không đại diện cho toàn thể Tăng đoàn Phật giáo Myanmar. Chính phủ ước tính Ma Ba Tha có hơn 240.000 thành viên và nhóm này không hề có tư tưởng Phật giáo đúng đắn.
Đỗ Chu Vĩnh Hưng
(theo buddhistdoor.net)