Phật giáo Quảng Bình luôn nỗ lực để xứng đáng với vùng địa linh nhân kiệt

GN - Quảng Bình được biết đến là một trong những nơi từng là trung tâm Phật giáo quan trọng, gắn liền với dấu chân của Phật hoàng Trần Nhân Tông - qua thảo am Tri Kiến - chỗ dừng chân trên bước đường du hóa phương Nam (1301), mở rộng biên cương đất nước.

Trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng như Phật giáo vắng hẳn trên vùng đất thiêng này, nhưng mạng mạch ấy vẫn chảy ngầm trong văn hóa xứ sở, và gần đây lại được phục hồi, dẫu còn nhiều khó khăn nhưng đã trỗi dậy qua nhiều hoạt động Phật sự, khôi phục chùa cổ, kiến tạo chùa mới…

Chua Dai Giac 1.jpg
Chùa Đại Giác - Trụ sở BTS GHPGVN tỉnh Quảng Bình giữa lòng TP.Đồng Hới - Ảnh: Võ Văn Tường

Dấu ấn lịch sử

Tên gọi “Quảng Bình” cho vùng đất nằm ở vị trí đặc biệt - trung lộ của đất nước, xuất hiện thời Tiên chúa Nguyễn Hoàng, Bắc giáp Hà Tĩnh với ranh giới tự nhiên là dãy Hoành Sơn, Nam giáp Quảng Trị, phía Đông là biển, phía Tây và Tây nam giáp Lào với biên giới tự nhiên dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Các di chỉ khảo cổ cho biết, cư dân trên vùng đất này đã tiếp nhận Phật giáo làm lối sống tâm linh rất sớm, từ đầu kỷ nguyên Tây lịch. Và trong gần 1.000 năm kể từ khi sáp nhập vào Đại Việt, có những giai đoạn thăng trầm khác nhau, nhưng đạo mạch ấy vẫn được duy trì và phát huy qua các thời đại, gắn liền với sự ra đời của các ngôi cổ tự như chùa Hoằng Phúc (chùa Kính Thiên, được xây dựng trên nền am Tri Kiến); chùa Cảnh Tiên, Kim Phong ở núi Thần Đinh, v.v…

Sau ngày thống nhất đất nước không lâu, tỉnh Quảng Bình được sáp nhập cùng với Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thành tỉnh Bình Trị Thiên. Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập (1981), Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Trị Thiên cũng theo đó được hình thành, nhưng dường như các hoạt động Phật sự chỉ được tổ chức trên vùng đất Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, đất Quảng Bình do nhiều hoàn cảnh bị bỏ ngỏ.

Năm 1986, Bình Trị Thiên tách thành 3 tỉnh, tỉnh Quảng Bình lại thêm một lần nữa bị bỏ ngỏ, mãi cho đến cuối năm 2009, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình mới đủ duyên hình thành trên vùng đất đặc biệt này.

Những bước chuyển mình đáng ghi nhận

Nhớ lại những ngày đầu đến với Quảng Bình, HT.Thích Tánh Nhiếp, Ủy viên HĐTS, vị giáo phẩm được TƯGH suy cử đảm nhiệm Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh từ nhiệm kỳ I mô tả bằng hai chữ “trống không”: Không văn phòng, không nhân sự phụ giúp, không tài chánh, không Phật tử... Ngày đó, khi nhận được chỉ đạo của cố HT.Thích Thanh Tứ, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Hòa thượng (lúc bấy giờ giáo phẩm Thượng tọa) đang làm Phật sự tại Lào, đã trở về tìm cách phục hồi Phật giáo trên đất Quảng Bình. Trong những chuyến công tác Phật sự ban đầu như thế, Hòa thượng phải mượn nhà dân để lưu trú tạm thời, tìm hiểu thực tế, kết nối một số vị thầy chuyên thực hành tín ngưỡng cho bà con cùng các vị Phật tử để hình thành nên Ban Đại diện, cơ cấu nhân sự cho Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh, thành lập Ban Trị sự GHPGVN tỉnh nhiệm kỳ I mà Hòa thượng là vị đứng đầu được Trung ương Giáo hội phê chuẩn.

Sau khi thành lập Ban Trị sự, văn phòng làm việc chuyển tạm về chùa Phổ Minh. Trong khó khăn đó, thuận duyên là được chính quyền tỉnh quan tâm, mời Hòa thượng tham gia Hội đồng Nhân dân tỉnh; trong nhân duyên mới, Hòa thượng đã ngỏ ý xin đất để xây dựng trụ sở của Ban Trị sự và đã được chính quyền tỉnh cấp 8.000m2 khu đất trũng, phải mất một năm để san lấp 8.000m3 cát để có được mặt bằng dựng tạm chùa tranh vách tre làm nơi làm việc và tu học cho chư Tăng cũng như Phật tử. Chẳng may, cơn bão số 10 (2013) ập vào các tỉnh miền Trung, quét sạch những gì đã dựng. Khó khăn lại càng thêm khó khăn, nhưng được sự hộ trì của Đại lão HT.Thích Trí Quang, chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi cũng như sự nhiệt tâm của Phật tử thập phương, lễ đặt đá chùa Đại Giác được tổ chức trong niềm hoan hỷ, tin tưởng.

Qua sự hình thành và đổi thay của ngôi chùa mới Đại Giác, có thể hình dung được sự phát triển của Phật giáo Quảng Bình. Tháng 2-2016, lễ khánh thành ngôi già-lam giữa lòng thành phố Đồng Hới đã đánh dấu một sự thành tựu nổi bật, làm cơ sở cho nhiều hoạt động của Phật giáo tỉnh nhà khởi sắc. Gần đây, chính quyền đã quyết định cấp thêm 4.000m2 đất, nâng tổng diện tích đất của chùa Đại Giác lên 12.000m2. Ngoài ngôi Đại hùng bảo điện, tại đây có hội trường đủ sức cho các hoạt động quan trọng nhất của Phật giáo tỉnh.

Cũng trong khuôn viên chùa, Ban Trị sự đã tôn tạo thánh tượng Đức Phật A Di Đà (đá hoa cương, cao 10m, nặng 40 tấn) trang nghiêm; và hiện đang trong tiến trình xây dựng bảo tháp A Di Đà (13 tầng, cao 35m) - làm biểu tượng văn hóa - tâm linh mới trong ý nghĩa truyền thống của dân tộc.

Chỉ với 8 năm kể từ ngày thành lập, nhìn lại, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Bình đã có được những thành tựu Phật sự đáng ghi nhận.

Qua hai đợt “Tuyển Tăng tài kiện toàn hệ thống tổ chức” công khai trên toàn quốc, trong dịp trao đổi với Báo Giác Ngộ trước Đại hội kỳ III của Phật giáo tỉnh nhà (diễn ra vào ngày 7 và 8-3-2017), HT.Thích Tánh Nhiếp cho biết Ban Trị sự đã tiếp nhận 16 vị Tăng, Ni về Quảng Bình công tác Phật sự. Hòa thượng cho biết thêm sẽ có đợt tuyển Tăng Ni lần thứ 3, vì theo yêu cầu thực tế, hiện Phật giáo Quảng Bình còn thiếu khoảng 35-40 vị Tăng, Ni hướng dẫn Phật tử tu học trên 6 huyện, 2 thị xã, 1 thành phố, trong 80 ngôi chùa của tỉnh.

Tăng là biểu tượng sống động của Tam bảo, nên Ban Trị sự chủ trương duy trì nếp sống Tăng-già qua việc tổ chức an cư kiết hạ hàng năm tập trung tại chùa Đại Giác trong 3 tháng theo Luật Phật chế và Nội quy Ban Tăng sự T.Ư một cách nghiêm túc. Hộ trì và học tập hạnh ấy, vào mỗi buổi quá đường trong mùa an cư, có hơn 300 Phật tử cũng quy tụ về tụng kinh, lễ sám và ngọ trai tại hạ trường Đại Giác, tạo nên nguồn đạo lực mạnh mẽ.

Cho đến nay, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Bình đã tổ chức đại hội, thành lập được 3 Ban Trị sự tại 3 huyện Bố Trạch, Quảng Ninh và Tuyên Hóa; huyện Lệ Thủy cũng đã có chủ trương, nhưng chưa kiện toàn nhân sự và chưa tổ chức được đại hội.

Ban Trị sự Phật giáo tỉnh cũng đã thuyên chuyển công tác 6 vị Tăng, Ni về tham gia Phật sự tại tỉnh nhà; lập hồ sơ quản lý và đưa vào danh mục chùa thuộc Ban Trị sự quản lý 11 ngôi chùa trên địa bàn, bổ nhiệm trụ trì 3 chùa trong số 11 ngôi chùa trên; bổ nhiệm TT.Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS trụ trì chùa Hoằng Phúc, Di tích lịch sử cấp quốc gia vừa được đại trùng tu.

Từ một tỉnh trắng Phật tử, cho đến nay, Ban Trị sự đã quy y cho hơn 25.000 Phật tử. Do đó, vào các dịp Tết cổ truyền và rằm tháng Giêng, lễ vía Đức Phật A Di Đà, số lượng Phật tử đến chùa Đại Giác tham dự ước tính hơn 10.000 lượt người / đợt; các ngôi chùa khác cũng thu hút rất đông Phật tử, tín đồ đến lễ Phật, tham gia các hoạt động văn hóa, tâm linh ý nghĩa.

Để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ tổ quốc, Ban Trị sự đã tổ chức lễ cầu siêu tại các nghĩa trang liệt sĩ Thanh Trạch, Thọ Lộc, Vạn Ninh và Hang Tám Cô, hang Lèn Hà…

Là một trong những tỉnh ở khúc ruột miền Trung chịu ảnh hưởng thiên tai bão lũ, và là một trong 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố ô nhiễm môi trường do Nhà máy thép Formosa gây ra, Ban Trị sự đã chủ trương đẩy mạnh công tác từ thiện xã hội, khuyến khích Tăng Ni, Phật tử chia sẻ khó khăn với bà con nhằm ổn định đời sống. HT.Thích Tánh Nhiếp cho biết, đặc biệt trong đợt thiên tai cuối năm 2016, Quảng Bình là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề, Ban Trị sự đã đón tiếp 137 đoàn cứu trợ của TƯGH, Phật giáo các tỉnh thành, các đoàn thể, cá nhân đến ủy lạo thuốc men, nhu yếu phẩm cho bà con ở các vùng xa, vùng sâu rơi vào hoàn cảnh khó ngặt, giúp họ vượt qua khó khăn.

Dù nhân sự còn ít và thiếu, nhưng Ban Trị sự cũng chủ trương cử các vị Tăng, Ni tham gia các tổ chức, hội đoàn nhân đạo, tích cực vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia hiến máu nhân đạo, hưởng ứng phong trào nghĩa tình trong tinh thần tốt đạo đẹp đời, phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật.

Để ghi nhận những nỗ lực đó, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình đã được HĐTS tặng Bằng công đức “Có nhiều thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển GHPGVN”, Chủ tịch Nước tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và nhiều phần thưởng cao quý khác.

HT Tanh Nhiep 1.jpg

HT.Thích Tánh Nhiếp

Nói về phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ sắp tới, HT.Thích Tánh Nhiếp, Ủy viên HĐTS, Trưởng ban Trị sự, Trưởng BTC Đại hội Phật giáo tỉnh Quảng Bình kỳ III cho biết, Ban Trị sự sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, vượt lên khó khăn, nỗ lực khắc phục những khiếm khuyết, tồn đọng do nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan để các Phật sự tại địa phương được tiến triển tốt đẹp hơn nữa, xứng đáng với vùng đất địa linh nhân kiệt Quảng Bình.

Ban Trị sự sẽ lập hồ sơ, xin công nhận các cơ sở thờ tự, chùa chiền bị hư hại trong chiến tranh, có kế hoạch phục hồi nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tu học của bà con Phật tử; đồng thời tiếp tục vận động Tăng Ni dấn thân phụng sự, hướng dẫn bà con tu học, sinh hoạt đúng Chánh pháp, đúng với truyền thống văn hóa dân tộc, Hiến chương của Giáo hội và pháp luật Nhà nước.

“Mong chính quyền các cấp tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, TƯGH quan tâm hơn nữa với Quảng Bình cũng như các tỉnh thành mới thành lập Ban Trị sự còn nhiều khó khăn, nên tôn trọng sự quản lý của Phật giáo địa phương nhằm nâng cấp hiệu quả, để đồng bộ hoạt động hệ thống tổ chức Giáo hội cấp tỉnh thành trong việc ổn định và phát triển ngôi nhà chung GHPGVN”, Hòa thượng bày tỏ.

H.Độ - Q.Điền

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày