Phật giáo Quảng Ngãi - Ôn cố, tri tân…

Giác Ngộ - Trong lịch sử phát triển gần 400 năm, mạch sống Phật giáo Quảng Ngãi không ngừng được vun bồi và nuôi lớn bởi sức mạnh tập thể, với sự cống hiến của nhiều thế hệ các bậc danh tăng...

Ôn cố…

Theo sau bước chân khai hoang miền đất Thuận - Quảng của cộng đồng cư dân người Việt, đạo Phật cũng đã du nhập vùng đất Quảng Ngãi từ nửa sau thế kỷ XVII qua các ngôi chùa hình thành trong thời gian đó: Chùa Viên Tôn - 1666 (huyện Bình Sơn), chùa Liên Tôn - 1670 (huyện Tư Nghĩa), chùa Thiên Ấn - 1694 (huyện Sơn Tịnh) cùng bước chân hành đạo của chư Tổ, làm nơi nương tựa tâm linh cho người dân vùng đất mới.

TV-KM (21).JPG
Đại giới Đàn Pháp hóa do Phật giáo Quảng Ngãi tổ chức
vào tháng 1/2010 - Ảnh: Bảo Thiên

Chúa Nguyễn Hoàng và các chúa kế tiếp đều là những người mộ Phật pháp. Vì sự sùng kính này, từ khi trấn nhậm miền Thuận - Quảng, các chúa Nguyễn đã có hẳn lập trường hộ trì đạo pháp, nhờ vậy mà Phật giáo đã nhanh chóng phát triển tại xứ Đàng Trong.

Hơn nữa, truyền thống của Phật giáo Việt Nam là nhập thế tích cực, nên khi đến đây, sự gắn bó đạo với đời trên mảnh đất Quảng Ngãi được kế thừa và phát triển.

Lịch sử còn ghi có lần Thánh tổ Hoàng đế Minh Mạng mời Thiền sư Toàn Chiếu-Trí Minh-Báo Ân làm vị chánh tọa trai đàn và quan Bố chính Quảng Ngãi đã nhiều lần sai quân sĩ đem kiệu qua chùa Thiên Ấn rước Tam tổ sư về giảng dạy cho chính Phó lãnh binh.

Đạo Phật thân thiết, mặn nồng với người dân nơi đây đến nỗi nếu không theo một tôn giáo nào khác thì ắt hẳn là theo Phật hoặc chí ít là quý mến đạo Phật. “Phật giáo với đội ngũ các nhà tu hành giàu nhiệt huyết, nhập thế một cách tích cực… Ở đâu có đất được mở ra, là ở đó có chùa mới dựng. Tiếng chuông chùa và tiếng tụng kinh chẳng khác gì lời ru êm ái đối với một xã hội lầm lũi”. (Nguyễn Khắc Thuần, Đại cương Lịch sử Văn hóa Việt Nam )

Trong quá trình phát triển, chùa Thiên Ấn ở huyện Sơn Tịnh do Thiền sư Phật Bảo - Pháp Hóa khai sơn vào năm Giáp Tuất 1694 là Tổ đình có ảnh hưởng lớn đối với mọi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và trở thành trung tâm hoằng pháp chính của tỉnh Quảng Ngãi.

Từ đó đến nay, Phật giáo Quảng Ngãi đã có những đóng góp vào lịch sử dân tộc cũng như Phật giáo Việt Nam về nhiều mặt với những người con ưu tú của mình. Trên bình diện chính sự, Hòa thượng Pháp Nhãn (1858-1912) đã tham gia vào công cuộc hộ quốc an dân. Về mặt kỹ thuật nông nghiệp, thủy lợi, những Hòa thượng Pháp Thông (1631-1737), Hòa thượng Giác Tánh (1830-1908)… là những bậc thầy không chỉ dạy Phật pháp mà đã hướng dẫn cho dân chúng về canh tác, mở nông thiền, dẫn thủy nhập điền, phục vụ cho đời sống thường nhật. Đặc biệt, về phương diện văn hóa học thuật, đã có những Hòa thượng mà sự hiện diện của các ngài như những ngôi sao sáng trên bầu trời văn hóa Phật giáo Việt Nam, chúng ta có thể nhớ đến những gương mặt danh tăng tiêu biểu xuất thân từ Quảng Ngãi như Hòa thượng Khánh Anh (1895-1961), Hòa thượng Trí Hải (1876-1950). Trong thời kỳ hiện đại, các bậc danh tăng xuất chúng đã lần lượt hành đạo và làm rạng danh Phật giáo tỉnh nhà, để lại tiếng thơm cho vùng đất gian khó nhưng vô cùng sắt son với đạo pháp mà chúng ta không khỏi niệm ân như các bậc Trưởng lão: HT.Thích Giải An, HT.Thích Huyền Quang, HT.Thích Minh Giác, Thiền sư Trí Thuyên, Thánh tử đạo Thích Hạnh Đức…

Quảng Ngãi có diện tích 5.137,6 km², dân số: 1.217.159 người (2009); mật độ dân số: 237 người/km². Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 281 Tăng Ni (7 vị có giáo phẩm Hòa thượng, 3 Ni trưởng, 31 Thượng tọa, 11 Ni sư). Số lượng tự viện là 265 cơ sở gồm: 208 tự viện Bắc tông, 3 tịnh xá, 49 tịnh thất, 5 niệm Phật đường.

Đến nay, qua hơn 340 năm hình thành với 10 thế hệ Tăng nhân, Phật giáo tại Quảng Ngãi hòa vào dòng chảy chung trong sứ mệnh truyền thừa của Phật giáo Việt Nam và có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của đạo pháp, dân tộc.

… Tri tân

Nối tiếp sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp, lợi đạo ích đời… và trên phương châm Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, trong nhiệm kỳ 2005-2010, Phật giáo Quảng Ngãi đã làm được khá nhiều Phật sự quan trọng.

 “Trong nhiệm kỳ qua, chúng tôi đã thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ III, từng bước cụ thể hóa thành chương trình hoạt động Phật sự của từng năm một cách đồng bộ, nhịp nhàng, phù hợp với sự phát triển chung của cộng đồng xã hội cũng như nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử…” - Theo sự tự đánh giá của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhà. Một sức sống đạo mãnh liệt đã đi vào từng ngõ ngách của đời sống tu học, trong từng ban ngành cụ thể ở Quảng Ngãi.

wwwPH.JPG
Chùa Pháp Hóa - Trụ sở Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ngãi
Ảnh: Bảo Thiên

Nhìn vào mặt tổ chức Giáo hội để thấy rõ cơ chế hoạt động của Phật giáo Quảng Ngãi tuân thủ đúng Hiến chương Giáo hội. Đó là việc hình thành các ban-ngành trực thuộc Ban Trị sự theo chủ trương chung. Trong đó phải kể đến sự ra đời của Phân ban đặc trách Ni giới (9-2009) đã tạo cho chư Ni có một nơi để sinh hoạt và giao lưu về mặt tu học… Trường TCPH được chuẩn y thành phần Ban Giám hiệu, Ban Giảng huấn và Ban Hướng dẫn Phật tử đã được cơ cấu gồm hai phân ban (Phân ban Cư sĩ và Phân ban Gia đình Phật tử)… Tất cả những gạch đầu dòng ấy thể hiện quyết tâm của chư tôn túc Ban Trị sự, với mong muốn phân công, phân nhiệm rõ ràng để đưa Phật giáo tỉnh nhà tiến xa.

Những con số được ghi nhận từ các hoạt động chuyên ngành trong nhiệm kỳ III cũng khá ấn tượng, lần lượt có thể điểm qua như quyết định bổ nhiệm trụ trì cho 30 vị, mở Đại giới đàn Pháp Hóa vào tháng 1-2010 với sự phát tâm thọ giới của 291 vị xuất gia và 1.692 Phật tử tại gia; mở trường TCPH và tuyển sinh, sau bốn năm đã kết khóa, trao bằng tốt nghiệp cho 17 Tăng Ni sinh. Ngành từ thiện đã đóng góp tích cực vào các công tác xã hội như ủng hộ bão lụt, xây nhà tình thương, tặng học bổng, mổ mắt… với tổng kinh phí trên 11,2 tỉ đồng. Các ngành khác như hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử, nghi lễ, văn hóa cũng có nhiều đóng góp tích cực như mở các khóa an cư, dạy nghi lễ, biên soạn công trình “Lịch sử Phật giáo và những ngôi chùa Quảng Ngãi”, phổ biến văn hóa Phật giáo đến với đại chúng, giúp cho quần chúng có cái nhìn thiện cảm với hình ảnh của người con Phật giữa cuộc đời.

Về hướng nhìn sắp tới, toàn thể Ban Trị sự thống nhất với nhau quan điểm rằng “sẽ quyết tâm thực hiện cho bằng được các mặt Phật sự trên tinh thần hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh”…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày