Phật giáo Thuận Hóa dưới thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng

GN Xuân - Phật giáo - một tôn giáo truyền thống của dân tộc, là tín ngưỡng căn bản của cư dân Thuận Hóa, với một nền tảng giáo lý có sức khai phóng và cảm hóa con người mạnh mẽ chính là lý luận được chúa Tiên Nguyễn Hoàng lựa chọn, để từ đó ông hoạch định và thực thi một đường lối chính trị đầy tính nhân văn như chúng ta đã thấy qua lịch sử.

IMG_3742.jpg

Chúa Nguyễn Hoàng là con trai thứ hai của Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim, chính thức được vua Lê chỉ dụ vào làm tổng trấn Thuận Hóa năm Mậu Ngọ (1558). Trong suốt 55 năm trấn nhậm tại đây, từ năm 1558 đến năm 1613, ông được xem là vị tổng khai canh của hầu hết các làng quê ở đất Thuận Hóa, mà cho đến nay một số lớn các làng quê ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đều tôn thờ chúa Nguyễn Hoàng cùng các tùy tướng của ngài như những vị thành hoàng.

Ông là người có công rất lớn trong việc tạo nên một diện mạo mới cho vùng đất này, như Đại Nam thực lục cho biết: Trấn Thuận Hóa dưới thời Nguyễn Hoàng “chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp; thuyền buôn các nước đến nhiều, trấn Thuận Hóa ngày càng trở thành một nơi đô hội lớn”. Tài năng, đức độ và đường lối chính trị khoan dung của Nguyễn Hoàng không chỉ làm cho quân dân trăm họ kính phục, quy hướng mà kể cả các lân bang cũng tỏ lòng cảm kích, thiết lập những mối quan hệ hữu hảo.

1. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng với Phật giáo

Trong suốt hành trình Nam tiến của lịch sử dân tộc, kể từ thời Lý Thánh Tông trở đi, các thế hệ di dân của Đại Việt mỗi khi đi đến đâu là nghĩ ngay đến việc dựng chùa. Mái chùa luôn hiện hữu trong tâm thức họ như một biểu tượng thiêng liêng nhưng hết sức gần gũi, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống ngàn đời của dân tộc. Không những thế, mái chùa còn là nơi để họ gửi gắm niềm tin, tình cảm, là điểm kết nối cộng đồng, như chính câu nói “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” hoặc “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”, mà Thuận Hóa không phải là ngoại lệ.

Chúng ta biết rằng, Thuận Hóa (bao gồm cả Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay) vốn là đất sính lễ mà Chiêm Thành dâng cho Đại Việt vào năm Bính Ngọ (1306), sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông vân du hóa đạo tại Chiêm Thành trở về và gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Vùng đất này do vậy, được sáp nhập vào bản đồ Đại Việt bằng con đường hòa bình, bằng đức hy sinh và tinh thần vô ngã, vị tha mà Phật hoàng Trần Nhân Tông và công chúa Huyền Trân (về sau xuất gia có hiệu là Ni sư Hương Tràng) chính là những hiện hình sống động. Điều đó cho thấy, nếu tính từ năm 1306, khi Phật hoàng Trần Nhân Tông vận động sáp nhập 2 châu Ô, Lý vào bản đồ Đại Việt, đến khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558, Phật giáo Đại Việt đã có hơn 250 năm cắm rễ sâu bền trên vùng đất này. Mặc dù dấu ấn Phật giáo Nguyên thủy của vương quốc Chăm-pa vẫn còn phảng phất đâu đây, nhưng sắc thái Phật giáo Đại thừa của Đại Việt mới là chủ đạo. Đó là một thực tế mà một người mẫn cảm như Nguyễn Hoàng không thể không nhận ra, để từ đó có thể hoạch định những kế sách phù hợp cho đường lối trị quốc an dân của mình.

Do vậy, kể từ khi đặt chân lên vùng đất này chắc chắn Nguyễn Hoàng phải nhận ra Thuận Hóa chính là xứ sở Phật giáo; thấy rõ đời sống tín ngưỡng của cư dân Thuận Hóa, đặc biệt là tín ngưỡng Phật giáo có những đặc điểm ưu việt so với Phật giáo Bắc Hà lúc bấy giờ. Khác hẳn với Phật giáo Bắc Hà - nơi mà Phật giáo đang có dấu hiệu thoái trào, đang phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt của hệ tư tưởng Nho giáo kể từ sau khi nhà Trần tan rã, điểm nổi bật nhất của Phật giáo Thuận Hóa chính là tính phổ quát. Có nghĩa rằng, Phật giáo gần như giữ một vị trí độc tôn, chính yếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cư dân Thuận Hóa đương thời, tuy rằng bên cạnh đó vẫn tồn tại tín ngưỡng thờ mẫu nhưng chỉ là thiểu số, không đáng kể.

Vả lại, khi Nguyễn Hoàng đặt chân đến đây, Thuận Hóa được xem là miền biên ải xa xôi, là chốn dung thân của những kẻ thất thời, lỡ thế; là nơi sinh cơ lập nghiệp của những tầng lớp thứ dân. Ở đây tuyệt nhiên vắng bóng những lý thuyết về vương đạo của Nho gia, những quy chuẩn khắt khe của cung đình. Với một cơ cấu xã hội như vậy, dĩ nhiên đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cư dân Thuận Hóa chắc chắn không phải là đạo tu tề trị bình của Nho giáo hay thuật trường sinh của Lão Trang, mà chính Phật giáo với đạo lý từ bi, cứu khổ, vô ngã, vị tha mới là tín ngưỡng căn bản của họ.     

Là một người có nhãn quan chính trị nhạy bén, coi Thuận Hóa là đất dung thân để mưu cầu nghiệp lớn, trước một thực trạng xã hội có tính đặc thù như vậy, dĩ nhiên Nguyễn Hoàng tự biết rõ cần phải hoạch định kế sách gì, và giương lên ngọn cờ nào để thu phục nhân tâm, ổn định xã hội. Và tất nhiên, Phật giáo - một tôn giáo truyền thống của dân tộc, là tín ngưỡng căn bản của cư dân Thuận Hóa, với một nền tảng giáo lý có sức khai phóng và cảm hóa con người mạnh mẽ chính là lý luận được Nguyễn Hoàng lựa chọn, để từ đó ông hoạch định và thực thi một đường lối chính trị đầy tính nhân văn như chúng ta đã thấy. Đó chính là cơ sở để hình thành nên thế giới quan Phật giáo của chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Có thể nói, sở dĩ Nguyễn Hoàng thành công trong kế sách trị nước, thu phục nhân tâm, ổn định xã hội, xây dựng được mối quan hệ hòa hiếu với lân bang cũng như Đàng Ngoài vì ông biết giương cao ngọn cờ Phật giáo để quy hướng lòng người. Mà điều tiên quyết là ông đã giương cao ngọn cờ ấy một cách “thành tâm”. Vì có “thành tâm” nên ông đã cảm hóa và quy phục được lòng người. Không những thế, về sau ông còn truyền trao ngọn cờ ấy cho các hậu duệ của mình, như Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên, Minh vương Nguyễn Phúc Chu…, để tiếp tục giương cao và đạt được những thành tựu to lớn trong hành trình mở cõi sau này. 

2. Tình hình Phật giáo Thuận Hóa từ 1558 đến 1613

Theo Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, đất Ô châu (hoặc Thuận châu), tức Quảng Trị ngày nay, riêng tính từ địa phận Vĩnh Linh vào đến dòng Ô Lâu thuộc địa phận huyện Hải Lăng có 4 ngôi danh lam cổ tự tiêu biểu, như chùa Sắc tứ Tịnh Quang, chùa Thiên Tân, chùa Long Phúc, chùa Cổ Trai… Những ngôi danh lam cổ tự này, đặc biệt là chùa Sắc tứ Tịnh Quang, một ngôi chùa có vai trò khá quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của cư dân châu Thuận, kể từ thời chúa Nguyễn Hoàng trở đi, luôn được triều đình quan tâm, tu sửa và mời các danh tăng về kế nhiệm trú trì.

Về tình hình Phật giáo tại châu Thuận (tức Quảng Trị ngày nay) nói riêng, Phật giáo Thuận Hóa hoặc Thuận Quảng nói chung dưới thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng có diện mạo như thế nào, hiện còn quá ít sử liệu cho chúng ta biết rõ về điều này.

Tuy vậy, qua những gì được ghi lại trong các sách như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, Ô châu cận lục của Dương Văn An, Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, Mộng kinh sư của Phan Du…, chúng ta cũng biết được phần nào diện mạo Phật giáo Thuận Hóa thời bấy giờ.

Sách Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm có ghi lại rằng: “Năm Nhâm Dần, niên hiệu Hoằng Định thứ ba (1602), thượng tuần tháng 7. Bấy giờ Đoan vương Nguyễn Hoàng ái mộ đạo Phật từ bi, khuyên việc thiện, trồng duyên lành, nhân gặp tiết Trung nguyên, ngày rằm tháng Bảy bèn ra chùa Thiên Mụ cúng Phật, niệm kinh giải oan cầu phúc, tế độ chúng sanh, giúp người cứu khổ, công đức viên thành”. Với những mô tả như thế, chúng ta biết đây chính là lễ hội Vu lan báo hiếu, ngày rằm tháng Bảy xá tội vong nhân - một lễ hội truyền thống của Phật giáo diễn ra tại Thuận Hóa thời bấy giờ. Lễ hội được tổ chức tại chùa Thiên Mụ với không khí khá sinh động, do đích thân chúa Tiên Nguyễn Hoàng đứng ra chủ trì. Quả đúng như lời Nguyễn Khoa Chiêm nhận định: “Đoan vương Nguyễn Hoàng là người có lòng ái mộ đạo Phật từ bi”. 

Không những thế, sau khi đại trùng tu chùa Sùng Hoá, vào“năm Quý Mão, niên hiệu Hoằng Định thứ tư (1603), mùa hạ tháng Tư, Đoan vương Nguyễn Hoàng lại thỉnh nhà sư trú trì đứng ra mở hội Đại Pháp, đọc kinh Đại Thặng, giải phép Thượng Thặng cứu độ cho chúng sanh ba đường sáu lối, cầu siêu cho bảy tổ chín huyền được vẹn thành Chánh giác”.

Qua những trích dẫn ở trên cho thấy, đối với Phật giáo châu Thuận nói riêng, Thuận Hóa nói chung, kể từ khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng đặt chân lên vùng đất này năm 1558, ông không chỉ dốc lòng xây dựng, trùng tu các danh lam cổ tự trở thành những ngôi phạm vũ uy nghiêm, làm nơi quy hướng tâm linh cho dân chúng, mà còn đặc biệt lưu tâm khuyến tấn hàng Tăng đạo thường xuyên tổ chức những buổi pháp hội giảng giải kinh điển Đại thừa, giúp dân chúng hiểu rõ để thực hành đúng theo lời Phật dạy. Không những thế, hàng năm Nguyễn Hoàng còn thành tâm kiến lập đàn tràng cầu quốc thái dân an, âm siêu dương thái; nương vào phép Phật nhiệm mầu để “cứu độ cho chúng sanh ba đường sáu lối, cầu siêu cho bảy tổ chín huyền được vẹn thành Chánh giác”.

Với những việc làm như thế, nếu không phải là người có một nhãn quan Phật giáo vững vàng và niềm tin kiên định đối với giáo lý Phật-đà, không biết nương theo nguồn tuệ giác Phật để mưu cầu an lạc, hạnh phúc cho dân chúng thì chắc chắn chúa Tiên Nguyễn Hoàng sẽ không bao giờ làm được như vậy.

Chúa Nguyễn Hoàng đã chọn Thuận Hóa làm đất dựng nghiệp, lấy đó làm bàn đạp để các chúa kế vị về sau như Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Khoát tiếp tục cuộc trường chinh tiến về phương Nam, mở mang bờ cõi của dân tộc. Cùng với Phật hoàng Trần Nhân Tông và Huyền Trân công chúa, có thể nói chúa Tiên Nguyễn Hoàng là người có công rất lớn đối với vùng đất Thuận Quảng nói chung, Thuận Hóa nói riêng, đặc biệt là đối với châu Thuận ngày xưa cũng như Quảng Trị hôm nay.

HT.Thích Trí Hải
Trú trì tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang, Ái Tử, Quảng Trị

.......................................

(Trích bài tham luận đọc tại Hội thảo “Quảng Trị - đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng”, do UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp Viện Sử học, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 25-9-2013 tại Quảng Trị)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Con bất hiếu cha mẹ phải làm sao?

GNO - Tôi năm nay 45 tuổi, chỉ có một đứa con gái đang học lớp 11. Từ lớp 8 cháu bắt đầu ương bướng và liên tục ngỗ nghịch với cha mẹ cho đến bây giờ. Vợ chồng tôi ngày đêm nuôi hy vọng cháu lớn lên sẽ biết phải quấy mà ngoan hiền hơn nhưng càng ngày cháu càng tệ.
Niệm Phật nhiệm mầu

Niệm Phật nhiệm mầu

GNO - Ba tôi đã mất gần giáp năm nhưng hình ảnh về ba vẫn in nguyên trong tôi như vừa khi nãy, mới đây thôi. Có thể ba tan hoại thân xác này, không còn của hiện tại đi, đứng, nằm, ngồi nhưng ba hiện hữu trong kỷ niệm và những lời chỉ dạy mang tính lâu xa, chắc thật.
Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú

Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông tin hàng ngày