Phật giáo và giáo dục mầm non: Trường Mầm non 0 đồng Tịnh Nghiêm

Ni trưởng Tịnh Nghiêm bên các em trong ngày khai giảng
Ni trưởng Tịnh Nghiêm bên các em trong ngày khai giảng
GNO - Trường Mầm non Tịnh Nghiêm, tọa lạc tại ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho, là ngôi trường duy nhất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nhận nuôi dạy trẻ miễn phí hoàn toàn. Khi gửi con đến trường, phụ huynh không phải đóng góp một khoản chi phí nào, kể cả đồng phục cũng được trường phát miễn phí và giặt sạch mỗi ngày.

Năm học 2024-2025, trường đón 164 trẻ ở các khối lớp nhà trẻ và mẫu giáo từ 2 đến 5 tuổi, con gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Thêm cơ hội đến trường cho trẻ em nghèo

Trường Mầm non Tịnh Nghiêm chính thức đi vào hoạt động từ ngày 29-9-2006, đến nay đã gần 18 năm. Mọi hoạt động của trường được đặt dưới sự điều hành trực tiếp của Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nghiêm, cùng với sự đồng hành của Ban Giám hiệu, giáo viên, nhân viên. Người dân địa phương nơi đây ai cũng biết, trường được lập trên mảnh đất Ni trưởng Tịnh Nghiêm đi mượn, đi xin, bởi vì quá thương các em nhỏ.

“Năm đó, có một đứa bé đi theo mẹ mưu sinh bán hàng rong cho khách du lịch, thì bị tai nạn, xe đụng. Cũng vì hoàn cảnh thôi. Nếu đứa bé có trường học miễn phí, có nơi chăm sóc thì sẽ không theo mẹ đi mưu sinh vất vưởng như vậy. Hình ảnh đó đã ám ảnh tôi, nhiều đêm không ngủ được”, Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nghiêm trải lòng.

Niềm vui ở trường của em

Niềm vui ở trường của em

Như một nhân duyên thôi thúc Ni trưởng Tịnh Nghiêm, mỗi ngày chứng kiến dòng lao động nhập cư về TP.Mỹ Tho tìm việc ngày một nhiều, trong đó có những công nhân làm ở công ty, xí nghiệp, nhiều người đi bán hàng rong. Mỗi sớm mai thức dậy thay vì đến trường, nhiều em nhỏ phải theo cha mẹ đi bán vé số, nhặt ve chai để mưu sinh kiếm sống, phụ ba mẹ đóng tiền nhà trọ. Lúc đó, Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nghiêm muốn gom các em về nuôi tại chùa Tịnh Nghiêm để cha mẹ yên tâm đi làm, rồi chiều đến đón, nhưng chùa không có chức năng đó.

“Tôi tâm sự với cô Đồng Thị Bạch Tuyết, lúc đó là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang, thì được cô gợi mở thành lập trường mầm non và nhận được sự ủng hộ, cho phép. Khi thành lập trường, ao ước lớn nhất của tôi là làm sao thêm cơ hội đến trường cho trẻ nghèo; làm sao khi gửi con cho trường chúng tôi, cha mẹ các bé sẽ yên tâm làm ăn để tạo dựng cuộc sống tốt hơn”, Ni trưởng chủ Trường Mầm non Tịnh Nghiêm xúc động nhắc lại.

Vì hạnh phúc của em thơ

Để thành lập Trường Mầm non Tịnh Nghiêm, một Ni cô đã hiến 600m2 đất và cho mượn nhà, một Phật tử cho mượn đất để xây dựng trường. Qua nhiều lần biến động, có những giai đoạn khó khăn nhưng 18 năm nay, mảnh đất này vẫn được giữ lại và là cơ sở nuôi dạy trẻ em nghèo.

Không giống như các trường mầm non khác, Trường Mầm non Tịnh Nghiêm tiếp nhận trẻ trong suốt năm học. Có nhiều trường hợp trẻ đang học tại các trường mầm non khác, nhưng do gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng đóng tiền ăn bán trú cho trẻ nên đã tìm đến trường, Ni trưởng cũng tiếp nhận. Đó là lý do vì sao, vào giữa năm học, số lượng các em đến học có thể tăng từ 160, 170 em lên gần 200 em.

Các em tìm hiểu về những loại cây trồng ở trường

Các em tìm hiểu về những loại cây trồng ở trường

Cô Phước Thiện, 63 tuổi, có 13 năm gắn bó với mái trường cho biết, mỗi ngày được đến lớp với các em đều là ngày vui. “Ngày xưa, tôi khao khát được làm giáo viên nhưng do hoàn cảnh, tôi phải thi ngành khác giáo dục để lo cơm áo gạo tiền cho các em và gia đình. Khi nuôi dạy con cái trưởng thành thì tôi đến với Trường Mầm non Tịnh Nghiêm, để làm bảo mẫu, phụ nhà chùa chăm lo cho các con”, cô Phước Thiện chia sẻ về niềm riêng khi gắn bó với mái trường đặc biệt này.

Gắn bó với những đứa trẻ đặc biệt, cô giáo và bảo mẫu đều nhớ hoàn cảnh của từng em, từng câu nói thân thương của những đứa trẻ chịu nhiều thua thiệt. “Con đố cô chiều nay ba với mẹ ai sẽ rước con, con đố cô lát mẹ con có rước con không,… những đứa trẻ hỏi khi thấy các bạn đã được người thân rước về hết, chỉ còn mình mình ở lớp với cô giáo, khiến cho chúng tôi rất chạnh lòng, thương càng thương”, cô Thiện cho biết.

Hoàn cảnh gia đình của mỗi em đến lớp khác nhau, có những phụ huynh bán vé số, những ngày bán ế phải đi bộ đến Trung Lương, xa trường hơn 5 - 10km, nhiều người làm đồng gần 4g45 chiều mới xong. Nên có khi gần 5 - 6g chiều muộn mà phụ huynh chưa rước, các cô giáo và bảo mẫu phải thay nhau ngồi chờ, trong niềm hoan hỷ. Vì các cô hiểu, hoàn cảnh bắt buộc, chứ phụ huynh không ai muốn.

“Hai tiếng cảm ơn không nói hết nỗi lòng”

Đó là lời chia sẻ của hầu hết các phụ huynh cho con học ở mái trường mầm non Tịnh Nghiêm. Chị Phạm Thị Ngọc Trinh (phường 5, TP.Mỹ Tho) là mẹ của hai chị em sinh đôi 5 tuổi Thủy Anh và Chiêu Anh. Chị làm hai công việc, vừa chạy xe ôm công nghệ, vừa bán bánh khoai mì nướng, chắt chiu từng đồng để lo cho các con và người mẹ có tuổi. “Hai vợ chồng ly thân lúc các con 1 tuổi, sau mùa dịch thì ly dị và em đưa các con về quê mẹ sinh sống. Trường Mầm non Tịnh Nghiêm đã giúp cho mẹ con em rất nhiều, nếu học bên ngoài mỗi tháng em phải tốn hơn 5 triệu cho 2 bé…”, chị Trinh chia sẻ.

Hoàn cảnh chị Trinh giống tất cả những phụ huynh có con học ở trường Tịnh Nghiêm là đều vất vả mưu sinh. Một mình nuôi dạy các con, ngày nào cũng vậy, khi đưa các con đi học là chị lao vào công việc. Lúc có khách, chị chạy Grab thì xe khoai mì nướng được người quen bán giùm, có khi người mua tự lấy bánh và tự để tiền vào rổ cho chị. Chịu thương chịu khó kiếm từng đồng là thế, nhưng chiều nào cũng vậy, 4g30 là chị đi đón con, đó cũng là khoảnh khắc chị mong chờ nhất trong ngày.

Các em tự tin biểu diễn văn nghệ chào mừng ngày tựu trường
Các em tự tin biểu diễn văn nghệ chào mừng ngày tựu trường

“Thấy em đến đón, các con chạy ra ôm hôn, cười tươi và hô to ‘con chào mẹ’. Các cô ở trường dạy các con rất tốt, con rất thương mẹ và rất hiểu chuyện. Con dù rất thích đồ chơi, nhưng hai chị em luôn an ủi nhau, mẹ không có tiền, đừng đòi mẹ như vậy, mẹ sẽ cực hơn. Đêm em chạy Grab, các con đều chờ về để ngủ chung. Nghe các con nói ‘mẹ ơi, con chờ mẹ, con muốn ngủ với mẹ, mẹ chạy cẩn thận nha mẹ’, những tình cảm của các con, được quý Sư và các cô dạy ở trường ‘phải biết thương yêu mẹ’ em rất xúc động. Dù có vất vả thế nào, chỉ cần nghe các con nói lời yêu thương là có cực thế nào cũng thấy xứng đáng”, chị Trinh xúc động trải lòng.

Hạnh phúc của chị Trinh và các phụ huynh khi con được học ở Trường Mầm non Tịnh Nghiêm không chỉ có vậy, hơn hết là sự yên tâm. Dưới mái trường này, các cô ai cũng thương các bé, không có sự phân biệt, và quan trọng hơn hết là các bé cũng được dạy phải yêu thương nhau.

Tết cổ truyền, Ni trưởng chủ trường đều lì xì cho mỗi bé một trăm nghìn đồng để mua quần áo mới. Tết Trung thu và các ngày lễ dành cho thiếu nhi, Ni trưởng Tịnh Nghiêm đều có quà, bánh, không để các em thiếu thốn so với các bạn bên ngoài.

Lan tỏa và nuôi lớn tình yêu thương

Tình thương được vun trồng, được nảy mầm tại mái trường Tịnh Nghiêm này đã nuôi dưỡng và đem đến niềm vui, hạnh phúc, cũng là điểm tựa cho các em vượt qua những sóng gió cuộc đời. “Tiến Thi được đưa đến trường khi 36 tháng tuổi, con khóc suốt, hai tuần đến trường là khóc đủ cả ngày, các cô tìm cách dỗ dành, chăm sóc chứ không trả con về. Bởi, ngày nào mẹ cũng đưa em ra đồng, mẹ cấy lúa mướn thì em ngồi trên bờ bò theo, ngày nắng cũng vậy mà mưa cũng thế. Bây giờ em học lớp 12, rằm, lễ lớn là hai mẹ con cùng về chùa phụ công quả, gặp chúng tôi ngoài đường là em mừng, em kêu, chào ríu rít như gặp người thân”, cô Phước Thiện chia sẻ.

Lòng biết ơn được quý Sư và các cô giáo dục các em mỗi ngày, mỗi tuần ở trường
Lòng biết ơn được quý Sư và các cô giáo dục các em mỗi ngày, mỗi tuần ở trường

Từng được học ở mái trường Tịnh Nghiêm, 12 năm sau, em bé Hoa Liên ngày nào giờ đây là một trong những nhân viên quán chay của chùa Tịnh Nghiêm. Bồ Đề quán là nơi phục vụ các món ăn chay gieo duyên với mọi người, và đây cũng là nguồn thu nhập chính để lo cho các em nhỏ ở Trường Mầm non Tịnh Nghiêm. “Em làm ở quán rất vui, vì em biết hàng ngày quán đang nuôi trường, nuôi các em nhỏ và trong các em đang học hiện nay, cũng có các cháu của em. Em, chị của em và hôm nay là cháu em - hai thế hệ được nuôi dưỡng, nên người từ trường Tịnh Nghiêm mà ra”, đó cũng là lý do Hoa Liên luôn làm hết sức mình, với tâm hoan hỷ và lòng biết ơn.

Những việc làm của Ni trưởng Tịnh Nghiêm trong 18 năm nay như người lái đò tiếp sức cho hàng nghìn gia đình, những đứa trẻ nghèo được học tập, và người đặt nền móng giáo dục, hướng thiện cho những đứa trẻ kém may mắn được sống trọn trong tình yêu thương. Nhưng nói đến công ơn, Ni trưởng Tịnh Nghiêm chỉ nhận đó là trách nhiệm mà người tu sĩ cần thực hiện theo nhân duyên.

“Nếu nói về công ơn, thì theo tôi công lớn nhất là các cô giáo, các cô bảo mẫu. Chăm một đứa trẻ không dễ dàng, các con quấy khóc khi đến trường là một chuyện, nhưng khó nhất là phải làm sao để từ ngôi trường này, các con lớn lên bình thường. Những đứa trẻ đến đây đều có hoàn cảnh đặc biệt, ngoài dạy thì còn phải nuôi dưỡng cho các con trái tim ấm áp, để các con thấy còn rất nhiều người quan tâm, yêu thương. Đó cũng là hành trang đầy tâm huyết mà tập thể Ban Giám hiệu, giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Tịnh Nghiêm chung tay vun đắp, một mình tôi sẽ không thể nào làm được”, Ni trưởng nói.

Ni trưởng Tịnh Nghiêm và tập thể giáo viên
Ni trưởng Tịnh Nghiêm và tập thể giáo viên

“Là một trường từ thiện nhưng Trường Mầm non Tịnh Nghiêm luôn hoạt động đúng theo quy định của ngành Giáo dục. Toàn bộ giáo viên của trường đều có trình độ chuyên môn sư phạm mầm non, đa sốkinh nghiệm giảng dạy và quản lý ở bậc học mầm non.

Chế độ ăn mỗi ngày của trẻ luôn đảm bảo hợp vệ sinh, dù ăn chay nhưng luôn đủ dinh dưỡng với sự kết hợp hài hòa giữa các thực phẩm. Những món ăn, quà cho trẻ chúng tôi rất là suy nghĩ, rất là cân đối. Một tuần lễ 5 ngàythìbuổi chiều đều thay đổi thực đơn khác nhau, các con sẽđược ăn no bụng trước khi được rước về nhà. Một tuần tổ chức cho ăn cơm gia đình, các bé ngồi ăn cơm với nhau và múc thức ăn cho nhau. Mỗi tháng đều có tiệc buffet; mỗi dịp Tết, lễcácemđều có quà.

Chi phí hoạt động trung bình mỗi tháng của trường khoảng 200 triệu đồng, nguồn kinh tế chủ lực từ Ẩm thực chay Bồ Đề quán của chùa Tịnh Nghiêm, Tăng Ni, Phật tử, các nhà hảo tâm cùng chung tay góp sức. Để duy trì trường cho em xuyên suốt 18 năm, đó là điều không dễ dàng và động lực lớn nhất của chúng tôi chính là nhìn các bé lớn lên hàng ngày. Cứ mỗi kỳ nghỉ xong, gặp lại các con sau 3 tháng, thấy các con khỏe mạnh, không ốm yếu là tôi rất vui”.

Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nghiêm

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày