Phật giáo và giáo dục mầm non: Hạnh phúc ở Trường Mầm non Lâm Tỳ Ni

Ni trưởng Thích nữ Như Minh, Sư cô Thuần Định, các cô giáo và học sinh trong giờ học mà chơi tại Trường Mầm non Lâm Tỳ Ni
Ni trưởng Thích nữ Như Minh, Sư cô Thuần Định, các cô giáo và học sinh trong giờ học mà chơi tại Trường Mầm non Lâm Tỳ Ni
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong không gian xanh mát, an lành nơi sân Trường Mầm non Lâm Tỳ Ni, dù đã gần 18 giờ, tiếng nói cười, chơi đùa của các em nhỏ vẫn vang vọng, khi các em xin ba mẹ được ở lại trường chơi thêm sau giờ tan học.

LTS: Hòa trong không khí vui tươi của ngày hội “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, ngày 5-9, các trường mầm non Phật giáo trong cả nước cũng bắt đầu đón các bé nhập học. Trong năm học 2024-2025, số lượng các bé đến với trường mầm non Phật giáo đều tăng, đó là niềm vui, đồng thời cũng là nỗ lực rất lớn của chư tôn đức sáng lập và Tăng Ni, Phật tử, đang vận hành hệ thống.

Trong không gian xanh mát, an lành nơi sân Trường Mầm non Lâm Tỳ Ni, dù đã gần 18 giờ, tiếng nói cười, chơi đùa của các em nhỏ vẫn vang vọng, khi các em xin ba mẹ được ở lại trường chơi thêm sau giờ tan học.

Ngôi trường đầy màu sắc trẻ thơ này tọa lạc tại số 23-25 đường Trương Gia Mô, P.Vỹ Dạ, TP.Huế, được hình thành nên từ tâm huyết của chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử ưu tư về giáo dục tại Thừa Thiên Huế. Niên khóa 2023-2024, trường khai giảng năm học đầu tiên, nhận 126 em đăng ký theo học, đến cuối niên khóa số phụ huynh đăng ký cho con em theo học tăng lên gần 200 và con số phụ huynh đăng ký để chờ cho con được học ở trường ngày càng tăng. Đầu niên khóa 2024-2025, trường đón 220 cháu.

Xin được ở trường chơi sau giờ học

Sân trường Lâm Tỳ Ni được bố trí nhiều không gian nhỏ nhắn, những khu vực trò chơi, để phụ huynh đến đón có thể chơi cùng con. Đang đợi con chơi với bạn sau giờ tan học, anh Nguyễn Đình Vinh (sinh năm 1988, làm lĩnh vực bất động sản) chia sẻ, anh có 2 con Nguyễn Nhã Khanh (22 tháng tuổi) và Nguyễn Nhã Thanh (4 tuổi rưỡi) học ở trường. Mỗi ngày tới đón, gần như các con không chịu về, phải ở lại chơi thêm gần một tiếng. Khi về nhà thì luôn nghêu ngao những bài hát cô hướng dẫn, rồi kể về cô giáo và chuyện ở trường.

Chuyên đề ‘Phật giáo và giáo dục mầm non’ được Giác Ngộ thực hiện với mong muốn chuyển tải những câu chuyện thiết thực, ấm áp tình thương và đầy tâm huyết của những vị tu sĩ mở trường mầm non, đóng góp thiết thực cho xã hội. Đi cùng niềm vui còn có rất nhiều trăn trở và mong chờ…

Trước khi cho con học, anh Vinh đã về trường tìm hiểu 2 buổi và rất thích cơ sở vật chất với nhiều không gian để cho các con hoạt động, định hướng giáo dục nhẹ nhàng hướng thiện Vậy là anh quyết định cho cả hai con học ở trường.Anh Vinh chia sẻ, bé Nhã Khanh ngày đầu tiên đi học lạ cô nên khóc, những ngày sau các con ngồi chơi rất tự nhiên. Do cô chăm kỹ và gần gũi nên các con làm quen nhanh. Còn Nhã Thanh, học một trường bên ngoài rồi mới vào học Lâm Tỳ Ni, con có nhiều điểm cải thiện, giao tiếp mạnh dạn, tự tin với mọi người, tự nhiên thể hiện mình trong các hoạt động yêu thích. “Hiện tại tôi khá hài lòng với môi trường, cách giáo dục ở đây, vì nó phù hợp và con khá yêu thích trường. Con được phát triển vui vẻ hạnh phúc đối với lứa tuổi, có nhiều trải nghiệm, kỹ năng, biết cách cư xử với mọi người, tốt cho tuổi thơ của con”, anh Vinh bày tỏ.

Đọc sách - Ảnh: LTN
Đọc sách - Ảnh: LTN

“Khi trường khai giảng là tôi cho hai cháu học liền”, anh Nguyên Trí (sinh năm 1990) có con Bảo An (4 tuổi) và Bảo Khang (2 tuổi) đang học tại trường bày tỏ niềm tin tưởng. Anh cho biết, từ năm 2015 khi trường khởi công xây dựng, anh đã quan tâm. Vì là một Phật tử, anh muốn con được học trong một ngôi trường Phật giáo. Khi cháu bắt đầu đi học thì trường vẫn xây chưa xong nên anh cho con học một trường khác bên ngoài. Anh Nguyên Trí cho biết thêm, con đầu của anh chậm nói nên học lớp can thiệp vẫn không cải thiện. Từ khi học ở trường, con cảm nhận được tình thương và sự an toàn, mở lòng khám phá, kết nối được với các bạn, các cô giáo. Con đi học về vui vẻ, có nhu cầu được nói với mọi người và nói tốt hơn.

Niềm hạnh phúc của phụ huynh

Cũng như nhiều phụ huynh khác có con học tại trường mầm non Phật giáo, chị Như Hoa (40 tuổi) hiện là giảng viên khoa Du lịch Trường Đại học Huế, đã tìm hiểu khá kỹ và dành thời gian về tham quan thực tế các buổi dạy học, phương pháp giáo dục ở trường. “Tôi vui mừng ngay khi đến trường trải nghiệm. Cơ sở vật chất rất tốt, không gian rộng rãi, mọi chi tiết thiết kế trong trường đều nghĩ đến hướng phát triển bền vững cho bé và đặc biệt là con mình lại ăn chay từ nhỏ nên con được học ở Lâm Tỳ Ni là hạnh phúc của cả gia đình”, chị Như Hoa cho biết.

Quan sát con ở vai trò là người làm mẹ và đang làm trong lĩnh vực giáo dục, chị Như Hoa chia sẻ thêm, các hoạt động ở trường hướng tới xây dựng cho bé sự phát triển bền vững về thân tâm trí - đó là điểm cộng rất lớn. Cô giáo thường được tham gia khóa tu để nuôi dưỡng mình - đó là điểm cộng thứ hai, vì khi cô giáo hạnh phúc sẽ giáo dục đứa trẻ tốt.

“Những triết lý dạy dỗ, triết lý yêu thương, triết lý về xây dựng trường học rất tuyệt vời. Hiện tại tôi rất hài lòng và hạnh phúc khi con được học ở đây. Tôi rất mong chờ và kỳ vọng Giáo hội Phật giáo sẽ mở tiếp trường cấp I, II, III, chứ học xong đến 6 tuổi rời trường rất tiếc, vì đang được học ở môi trường quá tuyệt vời”, chị Như Hoa bày tỏ.

Hoạt động gói bánh Tết - Ảnh: LTN
Hoạt động gói bánh Tết - Ảnh: LTN

Môi trường an lành cho con trẻ

Sư cô Thích nữ Thuần Định, Thư ký Hội đồng quản trị Trường Mầm non Lâm Tỳ Ni cho biết trường hiện có 15 phòng học, nhận các em từ 12 tháng đến 5 tuổi, có trên 40 giáo viên, nhân viên, trong đó có 8 Sư cô là giáo viên, đều có bằng cao đẳng mầm non trở lên. Giáo viên, cán bộ quản lý của trường luôn có khóa đào tạo để học hỏi cái mới và trau dồi kiến thức. Các cô giáo hàng tháng đi tu tập, sinh hoạt chánh niệm để tưới tẩm những hạt giống lắng nghe, kiên nhẫn, ái ngữ.

Chương trình học ngoài theo quy định của Bộ Giáo dục còn lồng ghép, lấy cảm hứng từ phương pháp Reggio Emilia và áp dụng chương trình chánh niệm trong giảng dạy, tạo cơ hội mở cho trẻ được học tập khám phá, phát triển những khả năng của mình tự nhiên từ những nguyên vật liệu thiên nhiên.

Trải nghiệm làm nông dân nhí ở chùa Đức Sơn - Ảnh: LTN
Trải nghiệm làm nông dân nhí ở chùa Đức Sơn - Ảnh: LTN

Một ngày của các bé ở trường mở đầu đầu sinh hoạt vòng tròn, thực tập chánh niệm, chia sẻ suy nghĩ và kết nối cảm xúc đầu ngày. Ngoài phòng học chính, trong một ngày các bé sẽ được di chuyển đến phòng thư viện (với những đầu sách chất liệu không chỉ là giấy mà còn là vải), phòng đa năng (để tập yoga, tập võ, ngồi thiền hoặc coi phim, để các bé được chạy nhảy, giải tỏa năng lượng của mình), xưởng nghệ thuật (với hơn một ngàn nguyên vật liệu mở từ thiên nhiên để các bé phát triển khả năng tư duy sáng tạo vào các sản phẩm). Trường có không gian mở để các con chơi với sân cát, với đất mềm, chơi ngoài trời, chơi ngoài nắng, ngoài gió, với nước để xúc chạm phát triển tất cả các giác quan. Các bé sẽ được học tập theo dự án kết hợp trải nghiệm.

Không chỉ chăm sóc về thân như ăn gì hàng ngày, có bổ dưỡng, có lành mạnh, trường cũng chọn những loại “thức ăn” để nuôi dưỡng tinh thần, tâm hồn như âm nhạc, thơ ca liên quan đến tính giáo dục và hoàn thiện nhân cách cho các con.

Thông thường vào đầu giờ học, các bạn nhỏ sẽ trò chuyện với cô giáo kể về những niềm yêu thích, hứng thú của bản thân về một chủ đề và tạo thành các dự án của riêng các bé.

Các em tập nghe chuông - Ảnh: ND
Các em tập nghe chuông - Ảnh: ND

Sư cô Thuần Định cho biết, các cô sẽ xây dựng một dự án đi cùng với các bé trong một tuần, hai tuần, thậm chí là một tháng để tìm hiểu những điều xung quanh về một chủ đề các bé đang yêu thích. Cô giáo là người quan sát, tìm hiểu, lắng nghe, ghi chép lại những suy nghĩ của các bé, hỗ trợ tốt nhất cho các bé tìm hiểu những gì mình thích. Và buổi tổng kết dự án, các bé sẽ nói về những gì đã được học, đã biết, đã thấy, có thể là hát, là vẽ, kể chuyện. Tùy theo các dự án của các bé sẽ có những hoạt động ngoại khóa khác nhau. Các bé cảm nhận trường như nhà mình nên mở lòng thoải mái vui chơi, được thể hiện là chính mình, thích đi học và thích ở lại trường chơi sau giờ tan học.

“Môi trường là người thầy thứ ba để các con được phát triển theo những khía cạnh riêng của mình, không bạn nào giống bạn nào. Như vậy, việc của cô giáo chỉ là tạo môi trường để con được phát triển đúng là các con, các con sẽ rất hạnh phúc, tự phát triển. Mỗi đứa trẻ đến đây đều được các cô quan sát lắng nghe các con nhiều về thân, tâm, trí. Chính vì vậy trường dù có thể nhận thêm nhưng chỉ dừng ở mức 200 em để có thể đi cùng tạo môi trường phát triển đứa trẻ về tâm trí, cơ thể và tinh thần”, Sư cô Thuần Định chia sẻ.

Trường Mầm non Lâm Tỳ Ni sơ khai tọa lạc tại khuôn viên chùa Diệu Đế. Tháng 5-2009, UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng trường trên diện tích rộng gần 3.000m2 tại 23-25 Trương Gia Mô, thành phố Huế.

Đến năm 2015, khi được phân công làm Trưởng ban Từ thiện xã hội Phật giáo Huế, chư tôn đức trong Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tin tưởng giao ngôi trường cho Ni trưởng Thích nữ Như Minh đứng ra vận động để xây dựng. Khi đó từ bàn tay trắng, nhưng với tâm huyết cho giáo dục, nối tiếp hạnh nguyện của quý Sư bà đi trước, Ni trưởng, cùng Hội đồng Quản trị đã vận động Phật tử hỗ trợ, và khởi công xây dựng đến năm dịch thì tạm ngưng do thiếu kinh phí.

Đầu năm 2023, trường được thông báo nếu không hoàn tất ngôi trường để đưa vào sử dụng thì UBND tỉnh sẽ lấy lại đất; bằng áp lực đó, Hòa thượng Thích Hải Ấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Trường Mầm non Lâm Tỳ Ni - Ni trưởng Thích nữ Như Minh phải đi vay mượn, vận động Tăng Ni, Phật tử bằng mọi giá để đưa trường vào hoạt động, đến nay ngôi trường xây dựng hoàn thiện với tổng kinh phí hơn 30 tỷ (trường còn nợ 12 tỷ).

Tháng 9-2023, trường khai giảng niên khóa đầu tiên 2023-2024. Phát biểu tại lễ khai giảng, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho biết trường luôn lấy phương châm “lòng yêu thương, sự thấu hiểu và sẻ chia” làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.

“Tôi thấy con đường giáo dục là rất cần thiết, trẻ em từ nhỏ những bài học yêu thương nên được trao truyền, vì từ nhỏ không được dạy dỗ thì sẽ rất bạo động. Do đó chỉ có giáo dục mới có thể tạo nên sự khác biệt và khiến cho các em mở rộng tâm ra, trở thành một người hạnh phúc để xây dựng một thế giới bình an”, Ni trưởng Thích nữ Như Minh chia sẻ tâm huyết đối với giáo dục.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thông tin hàng ngày