Những khóa tu tập và sinh hoạt Phật pháp của thanh thiếu niên Phật tử trong những năm vừa qua, với mỗi lần tổ chức có sự tham dự của hàng ngàn thanh thiếu niên, đã nói lên nhu cầu và ý chí về một đời sống tốt đẹp và hướng thượng trong giới trẻ cũng như phụ huynh. Đó là những hình ảnh đẹp, gây xúc động, đáng trân trọng và khích lệ.
Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh đẹp đó, những tin tức về các vấn đề tiêu cực của thanh thiếu niên, trong đó có những tội hình sự nghiêm trọng, xuất hiện dày đặc trên các báo làm cho những người quan tâm không thể không lo ngại và đau lòng. Không ai muốn thấy những người tuổi trẻ thông minh, có thể có một tương lai tốt đẹp, phải nằm trong lao tù hay đi đến pháp trường. Không ai muốn thấy một tương lai xuống dốc về đạo đức của tuổi trẻ kéo theo sự xuống dốc toàn bộ của xã hội và đất nước. Không ai muốn thấy con em của mình càng ngày càng chai lì, vô cảm trước những tiêu cực của xã hội, để xã hội, đất nước sẽ trở thành một tảng băng trì trệ trong tương lai.
Đất nước chúng ta là một đất nước Phật giáo, lịch sử chúng ta là một lịch sử Phật giáo. Do đó, tình trạng xuống dốc về đạo đức, tình trạng đánh mất nền tảng sống của tuổi trẻ, Phật giáo phải chịu một phần lớn trách nhiệm bên cạnh trách nhiệm của chính quyền và những hội đoàn xã hội khác.
Trong lịch sử, chúng ta thấy rằng, dù sự tu tập trong Phật giáo có tính cách cá nhân, Phật giáo đã chứng tỏ có một sức mạnh chuyển hóa xã hội lớn lao. Con đường Phật giáo là con đường nỗ lực cá nhân, nhưng với Phật giáo, mọi sự trong thế giới đều có mối tương quan ảnh hưởng lẫn nhau. Do đó, cá nhân không thể biệt lập với tập thể và ngược lại. Nhận thức mối tương quan đó, người Phật tử không thể dửng dưng đứng ngoài lề xã hội, nhất là tầng lớp cư sĩ và đặc biệt là những người tuổi trẻ, lứa tuổi trong trắng, năng động, thông minh, cam đảm và sáng tạo.
Ngay ở Việt Nam chúng ta, Phật giáo đã đem đến cho xã hội một nền phong hóa tốt đẹp và tràn đầy sức sống. Hình ảnh đời sống thanh bình ngày xưa là hình ảnh "phép vua, chùa làng, phong cảnh Bụt". Theo Hoàng Xuân Hãn trong tác phẩm Lý Thường Kiệt: "Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó chính là ảnh hưởng của đạo Phật". Vào thời nhà Trần thì các vua cũng thường đồng thời là những vị thiền sư. Trần Nhân Tông về cuối đời xuất gia lập nên Thiền phái Trúc Lâm và đi vào dân chúng để truyền bá Thập thiện. Trong hai triều đại này, chúng ta thấy đời sống dân chúng rất an lạc, đồng thời đất nước cũng tốt đẹp và hùng mạnh về mọi phương diện.
Vẫn biết Phật giáo tuy sau thời đại Lý, Trần không còn ảnh hưởng nhiều đến nhà cầm quyền, bị chèn ép trong thời Pháp thuộc và bị tìm cách triệt hạ để thay thế bằng Thiên Chúa giáo dưới chế độ Ngô Đình Diệm, sức sống và ảnh hưởng của Phật giáo vẫn như những con sông ngầm tưới tẩm cho đời sống tâm linh và xã hội của người Việt. Và chúng ta tin rằng cho đến hiện tại, sức sống của Phật giáo vẫn tiềm tàng mạnh mẽ trong tiềm thức dân tộc, mà sức mạnh của cuộc đấu tranh năm 1963 và sự vươn mình của Phật giáo trong những năm gần đây là những bằng chứng.
Chúng ta cũng biết rằng tình trạng ở đa số những nước đang phát triển là khuynh hướng hướng ngoại, chạy theo đời sống vật chất của lớp trẻ. Họ có thể coi nền văn hóa truyền thống như một thứ lạc hậu, cản trở bước tiến của đất nước, và do đó tôn giáo truyền thống cũng bị lơ là. Tuy nhiên đây cũng sẽ chỉ là một tình trạng tạm thời của giai đoạn quá độ nếu những nhà làm văn hóa, những nhà xã hội, tôn giáo có sự quan tâm và lèo lái thích đáng. Chúng ta biết rằng mọi người đều có nhu cầu tâm linh. Và con đường tâm linh của Phật giáo không mâu thuẫn với tiến bộ của khoa học, cả khoa học tự nhiên cũng như khoa học nhân văn. Phật giáo cũng là một tố chất có thể kết nối truyền thống với hiện đại. Và người tuổi trẻ thấm nhuần Phật giáo sẽ không cảm thấy hụt hẫng trước mọi sự đổi thay và tiến hóa.
Ở Tây phương và một số nước Đông phương có vận tốc tiến bộ nhanh về phương diện văn minh vật chất, con người bắt đầu cảm thấy hụt hẫng khi đời sống vật chất đã trở nên dư thừa. Họ đang tìm cách trở về với một số giá trị truyền thống và đời sống tâm linh để tìm sự quân bình và bình an. Và Phật giáo ở Tây phương đã phát triển khá nhanh trong môi trường đó. Chúng ta cũng để ý thấy rằng, rất nhiều người Tây phương tỏ ra trân trọng đối với những nền văn hóa cổ. Họ thích đi du lịch đến những nơi có những vết tích của nền văn minh cổ, tìm tòi nghiên cứu về những nền văn hóa cổ. Trong thâm sâu, dường như họ thèm khát cái cổ xưa mà họ đã bị mất đi trong nền văn minh vật chất.
Trở về với tuổi trẻ, tuổi trẻ là tuổi năng động. Họ là những người đang trong quá trình chuyển đổi từ giai đoạn gắn bó với mẹ đến giai đoạn tách rời mẹ để tự xác định mình. Sự tìm kiếm của tuổi trẻ là tìm kiếm sự xác định cho chính mình. Việc muốn xác định tự thân này đưa tuổi trẻ đến những quyết định quan trọng và những quyết định này sẽ tạo nhiều ảnh hưởng đến tương lai của tuổi trẻ.
Câu hỏi là làm thế nào để giải quyết những vấn đề xuống dốc đạo đức của tuổi trẻ, làm thế nào để sử dụng tài nguyên tuổi trẻ, sức mạnh nền tảng của quốc gia cho có hiệu quả để đưa xã hội, đất nuớc đi lên.
Gần đây, Giáo hội nói chung và quý thầy, các tự viện trong Giáo hội nói riêng đã có nhiều quan tâm đến giới trẻ.
Tuy nhiên, với nhu cầu thúc bách của xã hội Việt Nam hiện nay, công việc này cũng cần sự chung tay góp sức trực tiếp của những người Phật tử cư sĩ, nhất là giới trẻ.
Giới trẻ Phật giáo cần có sự đào tạo chính quy hơn để giúp Giáo hội trong công việc cải thiện xã hội. Điều này cũng đem đến ích lợi thiết thực cho người Phật tử trẻ tuổi là tạo cơ hội cho họ được phụng sự xã hội trong tinh thần Từ Bi Hỷ Xả của Phật giáo để xác định rõ ràng hơn niềm tin và lý tưởng của mình. Thực hành Phật pháp giữa lòng xã hội, người Phật tử trẻ có dịp cọ xát với thực tế đời sống để làm sắc nhọn và phong phú hơn khả năng, niềm tin và lý tưởng phụng sự. Tâm từ bi và ý chí cứu độ của Đức Bồ tát Quán Thế Âm được mở rộng vô bờ khi Ngài nhìn xuống - từ nền tảng rỗng lặng sáng láng của tánh nghe cũng là Tự tánh - và Ngài thấy rằng năm uẩn là không. Đó là lý tưởng - Tánh không - cọ xát với thế giới hiện tượng là Sắc để khởi ra từ bi và trí phương tiện.
Và khi hình bóng của những người Phật tử chân chính có mặt trong mọi lãnh vực của xã hội, cách sống, cách làm việc của những người đó sẽ tạo một sức mạnh chuyển hóa, một sức mạnh vô hình, một sức mạnh mềm có sức thâm nhập.
"Bất cứ nơi nào Phật giáo truyền đến thì Tăng già có mặt, và qua gương tu tập và làm việc của họ, một mức độ cao hơn về đời sống đã đến với số đông dân chúng, nâng chất lượng sống lên những mức độ cao hơn, vượt khỏi đời sống đặt nền tảng trên giác quan thô thiển". (Dharmachari Lokamitra, The Centrality of Buddhism and Education in Developing Gross National Happiness).
Tăng già ở đây ngoài Tỳ kheo và Tỳ kheo ni có thể bao gồm cả cư sĩ nam và cư sĩ nữ (bốn chúng).
Tinh thần trong hành hoạt của Phật giáo Việt Nam có thể tóm lược trong mấy nét chính sau đây mà người trẻ Việt Nam có thể nhìn vào như một phần cơ sở trong việc xây dựng một lý tưởng phụng sự.
Luôn luôn mang tinh thần yêu chuộng hòa bình và chủ trương hòa bình, Phật giáo giúp kiến tạo một sức mạnh không bạo động trong mọi lãnh vực xã hội. Trên tinh thần này, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong nhiều thời đại là mềm dẻo, bao dung nhưng không nhu nhược.
Trong những giai đoạn mất nước hay bị ngoại bang khống chế, cùng với nhân dân, Phật giáo Việt Nam luôn quan tâm tha thiết đối với sự độc lập, tự chủ của đất nước. Với Phật giáo, chỉ thật sự có thanh bình và hạnh phúc khi đất nước được tự chủ, độc lập. Từ đó Phật giáo luôn luôn là chỗ dựa tinh thần cho những phong trào tranh đấu cho độc lập dân tộc.
Trong thời bình, với tinh thần Từ Bi Hỉ Xả và nguyện lớn S áu độ, Phật giáo giúp hàn gắn những vết thương chiến tranh, giúp đỡ về tinh thần và vật chất trong những khổ nạn trong xã hội, tiếp tay xây dựng đất nước về mọi mặt với tâm vô tư, không tham vọng. Trong giai đoạn đổi mới hiện nay của Việt Nam, một giai đoạn mà bất cứ quốc gia nào đi vào cũng gặp phải sự mất thăng bằng trong xã hội, đưa đến sự mất thăng bằng về tâm lý và đời sống, Phật giáo cũng đang cố gắng để giữ gìn văn hóa và đạo đức nền tảng của dân tộc.
Tinh thần "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Phật giáo được áp dụng để thích ứng với những cuộc cải cách đổi thay mà không đánh mất nền tảng sống của dân tộc. Sự đóng góp của Phật giáo trong Lễ kỷ niệm 700 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng như Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nói lên ý chí khơi lại và làm sáng tỏ cái bất biến của dân tộc để ứng phó với những biến chuyển nhanh chóng trong giai đoạn hội nhập toàn cầu này.
Trên tinh thần đó, chúng ta thấy trong lịch sử Phật giáo, vô số người trẻ tuổi đã tìm thấy lý tưởng và niềm tin. Lý tưởng đó là làm thăng hoa cho mình và làm thăng hoa cho người. Và niềm tin đó là niềm tin vào giá trị sống của mình và của người, tin vào lý tưởng mình theo qua sự xác định của trí tuệ và thực nghiệm. Khác với những tôn giáo khác, Phật giáo không có tính giáo điều, và với sự phát triển của khoa học tự nhiên cũng như khoa học nhân văn, những điều Đức Phật nói ra càng ngày càng được chứng minh là chân lý.
Và khi người thanh niên có niềm tin, lý tưởng và thực hành theo niềm tin và lý tưởng đó, họ sẽ tự xác định được mình. Xác định được mình, người thanh niên sẽ có những bước chân vững chãi với niềm vui trong cuộc sống.
Và một đề nghị về phương pháp tu tập thích hợp cho lớp trẻ Phật giáo trong giai đoạn nhiều phấn đấu và bận rộn ngày nay là "Tu để làm và làm để tu".
"Tu để làm" có nghĩa là người Phật tử thực hành chánh niệm, phát triển tâm Từ Bi Hỷ Xả với mục đích làm thăng hoa bản thân và xã hội. "Làm để tu" là người Phật tử áp dụng chánh niệm và Từ Bi Hỷ Xả vào sinh hoạt hàng ngày, cọ xát với thực tế đời sống, để từ bi hơn, nhẫn nhục hơn và chánh niệm hơn.
Tu để làm và làm để tu có thể nói là một sự tu tập toàn diện mà một số cha ông của chúng ta đã áp dụng. Nguyên lý của phương pháp tu đó là "trong đó cá thể và toàn thể không tách rời, sự tịnh tu và sinh hoạt trong đời sống hàng ngày không ngăn cách. Đó là con đường hòa quang đồng trần của Phật giáo đời Trần nói riêng hay Phật giáo Việt Nam nói chung. Đó là con đường mà sự giác ngộ có thể tìm thấy mọi nơi trong cuộc sống và sự giác ngộ có thể dàn trải khắp mọi nơi". (Sự tu tập toàn diện).
Sự tu tập này cần nhiều thực hành hơn là lý thuyết. Lý tưởng là mỗi năm hay trong khoảng thời gian nhất định, người Phật tử trẻ tham dự một khóa tịnh tu nghiêm mật để làm vững thêm cơ sở tâm linh, làm nền tảng cho sự thực hành trong đời sống hàng ngày với sự cọ xát, mài dũa của xã hội.