GN - Gần đây, trên YouTube xuất hiện một clip ngắn với nội dung mô tả một số người dùng đá và các vật dụng để phá hủy tượng. Sau đó là hình ảnh những Phật tử lớn tuổi, người ôm đầu tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, người xoa vào thân Phật với sự xót xa, thành kính… Clip được cho là được quay ở Khu du lịch núi Bà Rá
(thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước).
>> Nhìn lại diễn tiến vụ "đập phá tượng" ở Bình Phước
Ảnh từ clip trên YouTube: Phật tử xót xa trước tượng Bồ-tát Quán Thế Âm bị đập, chưa biết ai đã đập?
Trước những hình ảnh ấy, tôi chợt nhớ “Người bạn tên John”, bài viết đăng tải trên Giác Ngộ số 688 (ra ngày 14-4-2013). Ở bài viết ấy, đoạn cuối nội dung thế này: “Suốt mấy năm nghiên cứu Phật giáo, đến thiền đường này, không một ai khuyên tôi quy y làm người Phật tử. Tôi rất ngạc nhiên và ngưỡng mộ cách hành xử của người con Phật. Tuy nhiên điều làm tôi và cả thế giới ngỡ ngàng khâm phục hơn cả chính là sự kiện 2 thánh tích Phật giáo bị Taliban phá hủy. Trong niềm tiếc thương vô biên, người Phật tử toàn thế giới không hề có một lời kêu gọi trả thù hay phỉ báng tôn giáo của những người gây ra hành động này. Cá nhân tôi bàng hoàng, rung chấn con tim tận cùng khi nhận ra rằng: Trong sự mất mát không thể bù đắp này, nhân loại thế giới đang có cơ hội hiếm hoi chiêm nghiệm thành quả của một tôn giáo mà lòng từ bi, trí tuệ không phải chỉ trong sách vở. Không phải chỉ thể hiện qua một người, vài người mà hàng trăm triệu người con Phật. Tôi quyết định quy y để chính thức làm một người Phật tử nhỏ bé trong mấy trăm triệu người này”.
Đó là lời tự bạch của John - nhân vật trong bài viết, khi anh quyết định chọn quy y Tam bảo, dù truyền thống của gia đình anh theo một tín ngưỡng khác, dù đã được bạn mình giải thích cặn kẽ câu hỏi “Có cần rời bỏ tôn giáo truyền thống gia đình để quy y thành người Phật tử chính thức không?”. Nội dung của giải thích ấy là, “Theo hiểu biết hạn hẹp của riêng mình, đạo Phật từ xưa đến nay chỉ khuyên con người bỏ ác làm lành, khai mở trí tuệ, phát triển lòng từ. Tuyệt nhiên đạo Phật không khuyên con người bỏ đi giá trị truyền thống. Anh có thể hài hòa trong việc hành trì Phật pháp mà vẫn gìn giữ tôn giáo mình. Đức Phật không muốn ai tạo ra sự chia rẽ, xa cách trong cộng đồng, gia đình”.
John chọn quy y Tam bảo vì anh “tâm phục khẩu phục” trước thái độ “từ, bi, hỷ, xả” không phải trên sách vở của hàng trăm triệu người con Phật sau hành động: “Năm 2001, chính quyền Taliban tại Afghanistan tuyên bố sẽ triệt phá 2 tượng Phật khổng lồ được tạc 1.700 năm trước. Đây là di tích được mô tả chi tiết trong cuốn hồi ký của ngài Huyền Trang… Trong suốt hơn một tuần, lực lượng Hồi giáo Taliban dùng đại bác, xe tăng, bom mìn phá hủy tượng Phật cao 50 mét ấy, John theo dõi sát sao sự kiện từng giờ từng ngày và bức xúc cực cùng. Thế giới ngậm ngùi đau xót, người Phật tử muôn phương nước mắt khóc ròng, tiếc thương công trình vĩ đại cổ xưa của Phật giáo bị hủy hoại vì cực đoan, cuồng đạo”.
Đọc đến đây, hẳn bạn đọc chắc có người sẽ nghĩ tôi ru ngủ hoặc thụ động, hay kêu gọi không phản ứng gì dù chứng kiến hoặc nghe, thấy những hành vi hủy hoại tôn tượng, làm thương tổn niềm tin của người Phật tử… Song, ngược lại tôi luôn nghĩ rằng, bảo vệ và xiển dương Phật pháp là nhiệm vụ và quyền lợi của mỗi người con Phật, bởi chính từ việc có ý thức gìn giữ và phát huy lời Phật dạy, văn hóa Phật giáo đó, ta cũng đang củng cố thêm niềm tin, làm cho đạo tâm vững chãi. Tuy nhiên, đấu tranh như thế nào là một việc làm đòi hỏi ý-ngữ-thân phải thanh tịnh, có chánh kiến, chánh niệm trong quá trình hành động, luôn luôn suy tư, tìm hiểu để tránh manh động, bạo động, “phản bội” lại lời Phật dạy người con Phật là bất bạo động, từ bi, nhẫn nhục...
Trong mấy ngày qua, dù chưa biết thực hư vụ việc thế nào, nhưng nhiều người, đương nhiên có Phật tử đã vội vã khép tội và “mạnh miệng” bằng những ngôn ngữ không êm ái, thậm chí phẫn nộ. Chưa biết tác động tích cực của những ý kiến ấy là gì, sẽ thay đổi được gì, hay sẽ tìm ra sự thật nào không, nhưng có một sự thật rõ ràng nhất chính là “sự-xáo-trộn” trong tâm của người phát ngôn mạnh miệng.
Sự-xáo-trộn ấy có nghĩa là lửa sân được tưới tẩm, cụ thể, ta nhân danh “bảo vệ Phật pháp” nhưng kỳ thực lại làm cho nội tâm trở nên nóng nảy như lửa đốt. Phật pháp trường tồn, sống trong lòng người, cảm hóa được chúng sinh muôn loại chính là ở nội lực hàm chứa bi tâm, trí tuệ xuất thế gian. Bi tâm ấy được hiểu là thương những người thế cô, nhưng đồng thời cũng thương cả những kẻ có quyền lực nhưng hành xử chưa hợp đạo lý. Thực tập thương được như vậy là bởi vì người con Phật quán niệm sâu vào nhân quả, nên thấy được trong lòng của mỗi ý-ngữ-thân bất thiện đều hàm chứa quả bất thiện mà người tạo tác chắc chắn phải nhận lãnh theo định luật nhân-quả.
Huống hồ, có những cái “mắt thấy, tai nghe” chưa chắc thật thì những sự việc chỉ nghe, thấy thông qua một clip ngắn, chưa rõ ràng đã vội vàng phản ứng gắt gao thiết nghĩ là điều không nên.
Có câu chuyện xưa, về Đức Khổng Tử nhìn thấy học trò bốc cơm bỏ vô miệng khi đang nấu, đến giờ ăn, ngài nhắc khéo với thái độ nghiêm khắc, khó chịu về hành vi xấu kia. Không ngờ, khi nghe học trò giãi bày thì ngài mới biết là oan cho trò, vì hành vi “ăn trước” thầy và bạn học là vì cơm bị cháy khét, không muốn thầy, bạn mình bị ảnh hưởng nên đã lấy ăn trước. Câu chuyện nhắc ta bài học “ngó vậy chứ không phải vậy”, song, không phải lúc nào ta cũng nhớ sâu sắc bài học này để suy xét cặn kẽ, quán chiếu kỹ càng trước khi nghĩ, nói, làm một điều gì đó.
Có câu nói, như là một phương pháp thực tập, rằng, “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”. Lắng nghe, không chỉ bằng tai, bằng mắt thịt mà bằng tâm để thấy từ mỗi biểu hiện trong cuộc sống đều có cái lý của nó, đều bị chi phối bởi nhiều nhân-duyên mà hành xử không cực đoan. Rồi, giả như những điều đã biểu hiện thực sự là xấu, là ác, từ một sự kỳ thị (như Taliban đã làm) thì cũng phải “nhìn lại để thương”, thương trên cơ sở nhân-quả quán niệm như đã nói… Nhờ tình thương theo lẽ đó mà người con Phật đã cảm hóa được lòng người, bài học về “tâm truyền tâm” mà “Người bạn tên John” đã dạy mình tinh tế, sâu sắc vô cùng.
Nhìn lại những phản ứng của những ai có thiện cảm Phật giáo từ clip trên YouTube để hiểu mình, hiểu người thêm tí nữa. Thực sự, ta chưa lắng nghe, chưa chờ đợi một sự tìm hiểu cụ thể, tiếp xúc với đương sự để nghe họ nói đã vội vàng “ném đá”, dội không biết bao nhiêu là ngôn từ, tạo ra “chiến tuyến” rõ ràng, hình thành nên những sự “đối đầu”, “bạo động” ở trong tâm! Có thể phản ứng ấy là chính đáng, là lẽ tự nhiên “thương thì đau, đau nên phản ứng” nhưng nhìn lại sẽ thấy… thương mình. Lẽ nên, đối với người con Phật, sự từ tốn cần có trong những chuyện tương tự (từ tốn chứ không phải là im lặng, để cho chìm xuồng), đó là ta nên chờ một sự đối thoại để có một tiếng nói chung, để có kết luận mang tính minh bạch, rõ ràng.
Còn nếu xét đến cùng của sự việc, thì người con Phật còn có một niềm tin bất diệt đó là “định luật nhân quả”, sẽ công bằng tuyệt đối, dù ai đó có thể che đậy được lúc nào đó, nói dối trót lọt được nhiều lúc… thì cũng sẽ phải bị “trả quả” bởi nghiệp duyên xấu-ác hoặc thiện lành mà mình tạo trong chiều sâu quá khứ - hiện tại - vị lai.