Phật nhạc Từ bi hóa giải niềm đau

Những làn điệu du dương thánh thót, lời ca thâm trầm sâu lắng hòa quyện giữa đạo và đời ngân lên trong không gian Cung Văn hóa Hữu nghị đã khiến ngót nghìn mảnh lòng rung lên đồng vọng vào tối hôm qua 21-11.

IMG_5114.JPG

Hai mươi khúc phiêu du của đạo, của đời chính là những nén hương vô úy tâm thành của chư Tăng, Phật tử chùa Giác Ngộ (TP.HCM) cúng dường chư Phật, dâng lên Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII. Chương trình ca nhạc “Phật giáo và Dân tộc” do TT.Thích Nhật Từ chủ nhiệm và chỉ đạo.  

Trước chương trình văn nghệ, TT.Nhật Từ đã có bài pháp thoại về lịch sử Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc và tinh thần nhập thế của Phật giáo.

Theo tiếng chuông tiếng mõ vang lên dẫn dắt, các ca sĩ Thoại Mỹ, Bích Phượng, Vân Khánh, Nguyễn Đức cùng hòa chung tiếng hát trong màn múa hoa sen lung linh, liên khúc Quán Thế Âm Bồ-tát đã khai mở “bữa tiệc” của âm thanh và ánh sáng. Những điệp khúc niệm “Nam mô Bồ-tát Quán Thế Âm!” ngân lên muôn vàn cung bậc, để rồi thoắt nhiên bốn bề như vụt hiện ánh trăng thanh khiết của tâm hồn bi mẫn, mát trong suối nguồn yêu thương của Mẹ hiền Quán Thế Âm.

IMG_5126.JPG

Đắm mình trong tiếng hát, mỗi khán giả như được thanh lọc tâm hồn, mọi chướng ngại khổ đau đoạn diệt từ đây: “Vọng oan khiên nghiệp chướng tiêu trừ/ Con đường về Mẹ từ bi”. Chúng ta như được tiếp thêm nghị lực, sẵn sàng đối mặt với mọi bão giông: “Dù bão tố sấm động biển dâng/ Thuyền thanh lương vượt sóng vô thường”.

Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết với bài cải lương Lối mộng thuyền xưa ngọt ngào quyến rũ mà đau đáu những kiếp nhân sinh “mãi u minh trong lòng sinh diệt, sắc sắc không không của cuộc đời”. Nghệ sĩ Bạch Tuyết chia sẻ cùng khán giả, là một Phật tử luôn ăn chay trường, giáo lý đạo Phật luôn gia hộ nghiệp hát của nghệ sĩ.

Bài hát Chú tiểu ngây thơ được ca sĩ Chế Thanh trình bày thật vui nhộn mà đằm thắm tình người. Hình ảnh của những thiên thần quét lá hiện lên rất đỗi thân thương. Đằng sau hình ảnh bình dị ấy là sự giao thoa của những tâm hồn thầy - trò, già - trẻ nơi cửa Phật. “Đêm đêm chú tiểu ngân vang/ với lời kinh trầm bổng du dương/ chú mang hết cả tâm tư/ trải tâm từ cầu an cho đời”.

IMG_5140.JPG

Nhạc phẩm Nhành dương cứu khổ ngân lên qua giọng hát của ca sĩ Quốc Đại, những nốt nhạc riết vào nhau như giọng nấc nghẹn chúng sinh hướng về Mẹ hiền Quán Thế Âm. “Con quỳ trước Mẹ niêm hương, mắt buồn giữ lệ vương vương”.

Những thanh âm mang đầy triết lý sâu xa của đạo Phật không thể dứt, mà được nâng đỡ tiếp bởi nhạc phẩm Cửa Phật từ bi man mác những thân phận nhỏ bé của con người trước vô thường, trước niềm đau. Lời ca thống thiết của ca sĩ Bích Phượng như dìu ta về thực tại, vượt qua bế tắc, để tìm về giác ngộ bản thân. Ranh giới giữa đạo và đời không còn khoảng cách khi “Con xin chắp tay trước Phật đài/ Bụi trần buông thả khỏi đôi vai”, để thấy “Cõi tạm phù du không phải là nhà”. Sự linh ứng đã hiện về sau cái chắp tay cầu nguyện: “Phật ân vi diệu bóng hào quang… tỏa đức từ bi tan khổ lụy phiền”. Nhiệm mầu biết bao! Phật nhạc từ bi giúp con người hóa giải niềm đau.

IMG_5155.JPG

TT.Thích Nhật Từ, Trưởng ban Văn hóa Thành hội PG TP.HCM cho biết, sáng tác âm nhạc Phật giáo ở TP.HCM như trăm hoa đua nhau nở rộ, với khoảng 500 nhạc phẩm mới ra đời trong 5 năm qua, hàng trăm album âm nhạc Phật giáo đã được ấn hành. Lồng ghép hoằng pháp vào trong âm nhạc Phật giáo đã được thể hiện bằng phương thức đưa giáo lý Phật đà vào trong các ca khúc. “Làm thế nào để đưa âm nhạc Phật giáo từ sân khấu chùa bước ra  sân khấu đời là vấn đề mà bấy lâu các chư Tăng trăn trở. Tôi cho rằng trong tương lai, nếu làm được những việc đó thì nền văn nghệ Phật giáo sẽ khởi sắc hơn nhiều”, TT.Nhật Từ nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày