Phật tử phải tuân thủ luật giao thông

(Bài giảng cho Phật tử tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM ngày 9-11-2014)

GN - Mỗi năm số tai nạn giao thông và số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam phải nói là lớn nhất so với các nước khác. Chính phủ và Giáo hội chúng ta hợp tác tổ chức lễ cầu siêu cho người đã mất và cũng nhằm mục tiêu giáo dục người sống, chủ yếu là con em của chúng ta.

luat giao thong.jpg


Kẹt xe - Ảnh minh họa

Phật tử chiếm 70% dân số và đa số Phật tử nghèo, nên việc được giáo dục về luật giao thông rất kém. Thật vậy, đất nước chúng ta đã trải qua một thời gian dài bị chiến tranh; vì thế, đến khi hòa bình, mọi người thường lo cho cuộc sống có đủ cơm ăn áo mặc, mà ít quan tâm đến việc dạy dỗ con cái đúng theo hướng Phật dạy. Phần lớn trẻ con nhà nghèo không được đi học như bao trẻ em khác. Trẻ con bình thường thì ba tuổi đi mẫu giáo, sáu tuổi vào cấp một tiểu học và lên trung học, ngoài kiến thức học vấn, các em cũng đã được chỉ dạy về luật giao thông, về đời sống đạo đức, v.v…

Những đứa trẻ không được đi học tất nhiên phải chịu nhiều thiệt thòi, chẳng những không hiểu biết nhiều vấn đề mà lớn lên, chúng cũng phải lo kiếm sống, cho đến quên đi cả mạng sống mình. Thậm chí thầy thấy có người tới giao lộ gặp đèn đỏ, nhưng các cô cậu thanh niên vẫn cứ băng đại qua, không dừng lại. Trong tình huống vượt ẩu như thế, người lái xe ô-tô ở hướng đèn xanh có quyền chạy, nếu họ không nhường, không dừng xe lại, chắc chắn tai nạn xảy ra.

Phật tử biết tình trạng nguy hiểm như vậy thì về nhà phải dạy con cháu nhớ tuân thủ luật giao thông. Các cô cậu cứ nghĩ rằng mình ẩu thì họ phải nhường, nhưng nếu họ cũng ẩu thì tai nạn phải xảy ra. Thầy thấy hai xe Honda đụng nhau vì vượt đèn đỏ, cả hai đều chết thảm thương. Mỗi lần gặp Phật tử là thanh niên, thầy luôn nhắc nhở họ và cũng nhắc cha mẹ họ nên dạy con phải bình tĩnh khi lái xe và phải tôn trọng luật giao thông để trước nhất là bảo đảm an toàn cho mạng sống của chính bản thân mình.

Phật tử chiếm số đông, cần chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông. Là Phật tử lái xe, nhường người khác để không gây tai nạn và đó chính là cứu người, tức thực hiện lời Phật dạy tôn trọng mạng sống của con người. Đương nhiên con em Phật tử không được phép vượt ẩu vì rất nguy hiểm cho mình và làm hại người. Thầy biết những người đi làm, thức dậy trễ, nên họ thường cố vượt ẩu để đến chỗ làm đúng giờ.

Để tránh tai nạn thương tâm xảy ra cho mình và cho người, tất yếu không vượt ẩu và cần sắp xếp thời gian đi lại cho hợp lý để đừng phạm luật giao thông, vì cố chạy nhanh vượt đèn đỏ chẳng những không thể đến chỗ làm đúng giờ mà là đến nhà thương hay đến nghĩa địa sớm và mình chết hay người chết đều khổ đau và còn làm khổ cho cả gia đình.

Trên xe, thầy luôn nhắc tài xế nhường người để được an toàn cho cả hai. Thầy mong Phật tử nhắc con em chạy xe đúng luật giao thông để giảm bớt tai nạn là giảm bớt đau khổ cho gia đình và bớt gánh nặng cho xã hội. Để xảy ra tai nạn, vô bệnh viện mới hối hận thì đã quá muộn rồi, nếu không chết cũng trở thành người tàn phế không nuôi nổi mình, nói gì đến lo cho gia đình khiến cho cuộc sống không thể hạnh phúc được. Chúng ta  giáo dục con em Phật tử tuân thủ luật giao thông, đồng thời kết hợp với việc cầu siêu cho những người bị tử nạn vì giao thông.

Trong kinh Dược sư có nói đến chín thứ hoạnh tử, tức là người chưa đáng chết mà phải qua đời; cho nên họ chưa siêu thoát. Họ vẫn tồn tại ở thế giới này rất lâu, nhưng mình không thấy bằng mắt. Khi thầy xây chùa Huê Nghiêm, một người đi xe Vespa đến cầu Ông Tranh bị cướp giết lấy xe và thả xác xuống sông, nên anh này không siêu thoát. Người dân thường thấy anh này đi qua đi lại ở đầu cầu. Xe nào chạy đến đây thì anh áng nhãn, khiến cho thấy lệch lạc, nên ở đây xe thường đụng nhau dễ dàng. Bấy giờ, một số người mê tín nghĩ anh này linh, họ đến xin anh cho số đề. Thầy nghĩ anh này chết oan ức, thầy tụng kinh cầu nguyện cho anh và anh nghe kinh, giải được oan nghiệp, đã siêu thoát. Thật vậy, thầy hỏi người dân tại sao họ không đến xin số đề nữa. Họ nói anh này hết linh rồi. Hết linh thì tốt, vì anh đã siêu thoát.

Sáng nay, 9-11-2014, Giáo hội làm lễ cầu nguyện theo nghi thức hành chánh, sau đó là lễ cầu siêu theo nghi thức Phật giáo, tụng kinh, cúng cơm cho hương linh và cầu nguyện cho hương linh siêu thoát. Lễ bắt đầu từ tám giờ sáng đến mười giờ tối. Ai có thì giờ, nhất là những người có người thân chết vì tai nạn giao thông, nên về chùa Vĩnh Nghiêm để mời người tử nạn về nghe kinh, nhận phẩm vật cúng dường và siêu thoát để nhẹ cho gia đình và nhẹ cho xã hội. Vì người mất và mình cùng một huyết thống, cùng tâm thức nên dễ hạp nhau thì dễ đi theo.

Có người nằm mơ thấy người người chết đến kêu họ đi, nhưng họ không đi theo, vì nhớ rằng ở nhà để đi nghe thầy giảng kinh. Thầy nói may mà bà không đi theo, đi theo là chết, họ rủ đi hay rước đi là tạo điều kiện cho mình đi đến chỗ chết.

Phật tử nhớ rằng khi ngủ mà có người rủ thì không đi, phải nhớ niệm Phật, hay tụng thủ hộ thần chú. Có thể người chết nghe tiếng niệm Phật thì họ giải được oan trái, hay nghe thần chú, họ tránh xa mình. Hoặc khi quý vị cảm thấy bất an, nhớ niệm Phật hay tụng thần chú để tâm bình tĩnh sẽ vượt qua hiểm nguy, tránh được tai nạn. Một lần nữa, thầy nhắc nhở các Phật  tử tuân thủ luật giao thông để giữ cho mình và cho người được an toàn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có nhóm ăn chay cũng dùng trứng (công nghiệp) được - Ảnh minh họa

Ăn chay trường dùng trứng, sữa được không?

GNO - Tôi là Phật tử ăn chay trường đã lâu. Vì công việc và sức khỏe nên tôi có dùng các thức uống như sữa, nước yến, mật ong. Có người nói rằng đã ăn chay trường thì không nên dùng các thức uống đó. Vậy tôi nên làm thế nào? Mong được quý Báo hướng dẫn.
Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

GNO - Tôi thường viếng các chùa và nhận thấy rằng các chú tiểu nhỏ (khoảng độ tuổi mẫu giáo và cấp 1) thường để ba chỏm tóc, còn các chú tiểu lớn hơn (khoảng độ tuổi thiếu niên, cấp 2, 3) thì để một chỏm tóc dài rồi vén bên tai. Quý Báo cho tôi biết nhà chùa chừa các chỏm tóc này cho các chú tiểu có ý nghĩa gì?

Thông tin hàng ngày