Phật tử trẻ thao thức về một Sài Gòn đáng sống

GN - Trong cuộc gặp với ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM hôm 23-4, HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng BTS PG TP.HCM bày tỏ mong muốn “cùng nhau chung sức xây dựng thành phố giàu đẹp, xứng đáng là thành phố được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông”.

saigondeplam.jpg
Sài Gòn về đêm - Ảnh: Internet

Với ước mong đó, giữa những ngày tháng 4 lịch sử, trang PG-TT có cuộc trò chuyện với ba Phật tử - trí thức trẻ từng sống ở TP.HCM, đang học tập và làm việc ở nhiều nước, sống ở nhiều thành phố văn minh, hiện đại - về việc xây dựng “thành phố đáng sống”. Dưới đây là lời tâm huyết của họ khi được hỏi, thế nào là một thành phố đáng sống.

1 phattutre12.jpg

Anh Trần Ánh Dương

- Anh TRẦN ÁNH DƯƠNG (nghiên cứu sinh ngành Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Kỹ thuật Munich, tại TP.Munich, CHLB Đức): Tôi có may mắn đi nhiều nước, đến nhiều nơi và quan sát xem họ sống thế nào và rút ra, những thành phố đáng sống nhất thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Con người là trung tâm của các hoạt động. Từ đó mà phát triển ra những vấn đề phục vụ con người như môi trường sống, cảnh quan thiên nhiên, các vấn đề y tế, giáo dục, an ninh xã hội và việc làm.

Một thành phố đáng sống nhất phải đảm bảo vấn đề an ninh xã hội lên hàng đầu. Nếu có sự bất ổn về chính trị, về an ninh xã hội thì điều đó thật đáng lo ngại, ai cũng sống trong lo lắng và sợ hãi. Điều thứ hai là một môi trường trong lành, lành mạnh theo nghĩa không khí, cảnh quan và hệ thống hạ tầng như điện nước, tiện nghi vật chất tương đối đầy đủ.

Các vấn đề liên quan trực tiếp đến con người như y tế, giáo dục phải được chú trọng và đầu tư đúng mức. Ở các nước phát triển như khu vực Bắc Âu, Đức, Mỹ, Úc… thì y tế và giáo dục của họ rất phát triển. Con người được giáo dục và chăm sóc chu đáo khi ốm đau bệnh tật. Hệ thống kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm trong các hệ thống siêu thị rất chặt chẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh khi ăn uống.

Hơn thế nữa, một thành phố mà có nhiều việc làm, thu hút nhiều người đến làm việc cũng là một điều kiện để họ cân nhắc sống ở những thành phố đó nhưng không phải là điều kiện tiên quyết là có đáng sống không.

- Anh NGUYỄN QUANG DŨNG (nghiên cứu sinh Nhân chủng học, Viện Harvard Yenching, Đại học Harvard, TP.Cambridge, bang Massachusetts, Hoa Kỳ): Một thành phố đáng sống phải có một nền kinh tế vững, tạo cơ hội nghề nghiệp cho tất cả mọi tầng lớp công dân, các điều kiện xã hội tốt và môi trường trong sạch. Đó là nơi mọi tầng lớp công dân của thành phố đó được tiếp cận những  phúc lợi cơ bản nhất và tốt nhất có thể gồm y tế, giao thông, an ninh và giáo dục. Đại học và các trường nghề chất lượng để tạo ra một đội ngũ lao động hùng mạnh góp phần vào phát triển thành phố.

Giáo dục chất lượng cao và tất cả trẻ em được tiếp cận những cơ sở vật chất tốt nhất để phát huy tiềm năng. Những con phố sẽ có thể đi bộ được, các khu dân cư chỉ cách xa các trạm giao thông công cộng không quá 10 phút đi bộ. Người dân ở những vùng ven hoàn toàn có thể đi tàu điện hay xe buýt để đến nơi làm việc ở trung tâm hay các vùng khác trong thành phố mà không mất quá nhiều thì giờ, cơ hội nghề nghiệp nhờ đó rộng mở hơn.

1 phattutre11.jpg

Anh Nguyễn Quang Dũng

Màu xanh là màu chủ đạo trải khắp đô thị. Không gian công cộng như công viên và các khu vui chơi giải trí đủ để công dân thành phố tổ chức các hoạt động và thể thao ngoài trời. Các nhà hoạch định chính sách cho thành phố biết lắng nghe và cởi mở với nguyện vọng và phản ánh của người dân trước khi quyết định bất cứ dự án nào.

Một thành phố sẽ không phát triển nổi và không đáng sống nếu những người cầm tay lái là quan liêu và giỏi tham nhũng bằng cách này hay cách khác.

- Anh QUÁCH NAM LONG (nhân viên Sở thuế Liên bang Úc châu, sống tại thủ đô Canberra, Úc): Một thành phố đáng sống là một thành phố hội đủ những yêu cầu tất yếu cho cuộc sống thường nhật, chẳng hạn như công ăn việc làm, phương tiện y tế, phương tiện giao thông, học đường, cơ sở hạ tầng được phát triển rộng, ít trộm cướp, an toàn, công việc làm ăn ổn định...

* Vậy, theo anh, TP.HCM cần làm những gì?

- Anh TRẦN ÁNH DƯƠNG: Tôi nghĩ cần phải thay đổi nhận thức, văn hóa ứng xử và cách hành xử trong xã hội. Một xã hội hiện đại cần những con người văn minh hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà những nước phát triển họ có những thành phố xanh, sạch đẹp. Từ khi còn rất nhỏ, trẻ em đã được giáo dục không được vứt rác bừa bãi ra ngoài đường, nơi công cộng... Khi mua gì hay vào rạp chiếu phim, mọi người phải có ý thức tôn trọng người khác là xếp hàng. Văn hóa xếp hàng đã tạo thành thói quen và những chuẩn mực đạo đức của xã hội dựa trên luật pháp đã tạo thành thói quen của người dân những nước phát triển.

Một điều nữa tôi để ý thấy rằng cần phải thay đổi lại cách giáo dục. Hệ thống giáo dục của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng còn những bất cập, nhất là giáo dục ý thức và đạo đức. Trong các trường ở Việt Nam cũng như ở TP.HCM, những môn giáo dục đạo đức, ý thức văn hóa thường khô khan và mang tính lý thuyết, hình thức - chưa đi vào thực tế và có chiều sâu. Một thế hệ trẻ em được giáo dục tốt sẽ làm nền tảng cho xã hội phát triển.

Tôi có xem một phóng sự về Nhật Bản với vấn đề giáo dục trong giao thông, thì nước Nhật phải mất đến gần 50 năm mới có một thói quen tốt. Mỗi một cảnh sát giao thông ở các giao lộ là một người thầy dạy giao thông, mỗi một ông bố, bà mẹ trong các gia đình là những hướng dẫn viên giao thông.

Ở thành phố tôi đang sống, vấn đề con người, quyền con người được chú trọng, sự bình đẳng trong cách hành xử giữa con người với nhau tạo nên những chuẩn mực văn hóa nhất định. Điều đó giúp tránh những xung đột, những mâu thuẫn không đáng có trong xã hội. Mỗi người cần phải biết tôn trọng người khác, tôn trọng sự riêng tư và những đặc thù riêng biệt của mỗi người. Một xã hội mà tôn trọng sự khác biệt thì xã hội đó mới phát triển.

- Anh NGUYỄN QUANG DŨNG: Những người bạn quốc tế hay tán gẫu với tôi về những kỷ niệm sống động khi thăm thú Sài Gòn rằng thật khủng khiếp khi tham gia giao thông hay có người bị giật chiếc camera Canon chuyên nghiệp khi đang chụp hình chợ Bến Thành từ một góc ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Chẳng cần nói ra, những ai từng sống, đang sống hay đã ghé thăm Sài Gòn đều có thể kể ra những bất cập của thành phố này. Những ngày mưa, phố thành sông, hệ thống thoát nước không giúp được.

Giao thông công cộng nên được ưu tiên hơn trên đường. Tôi nghe nói sắp có tàu điện metro vào năm 2018. Mong sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Bên cạnh giao thông, an ninh trong thành phố cũng nhức nhối không kém. Thật không thoải mái khi vừa đi dạo trên một con phố ở trung tâm quận 1, vừa nghe điện thoại mà mắt cứ phải canh chừng xung quanh kẻo bị giật. Phát triển đô thị cần phải nắm rõ điểm mạnh điểm yếu của thành phố là gì, từ đó mới khắc phục và phát huy.

Tôi nghĩ, giao thông và an ninh là hai vấn đề nổi cộm nhất cần được khắc phục, rồi hãy bàn đến những điều cần làm khác. Biết khi nào Sài Gòn mới tận dụng được nhiều công nghệ tiên tiến trong dịch vụ và quản lý thành phố như Singapore, Sydney hay New York? 

1 phattutre13.jpg

Anh Quách Nam Long

- Anh QUÁCH NAM LONG: Tôi biết TP.HCM nhiều bệnh viện quá tải, nên thành phố cần đầu tư thêm giường bệnh, tăng cường bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên có tâm, có chuyên môn; mở rộng giao thông, giảm bớt mật độ dân cư trong nội ô thành phố bằng cách mở rộng những khu đô thị vùng ven thành phố.

Dầu người dân sống ngoại ô thành phố cũng cần tạo điều kiện đi lại dễ dàng, thuận lợi công ăn việc làm thì người dân mới yên tâm được.

Người chủ trẻ của thành phố cần phải biết ý thức việc mình làm, suy nghĩ trước khi làm, những hành động của mình đều tác động tới mọi người xung quanh. Trước nhất là cho gia đình, nếu mình mang lại hạnh phúc cho gia đình thì những gia đình xung quanh họ có thể học theo và cứ như vậy lan ra cả hẻm, cả phường, cả thành phố và cả đất nước… hạnh phúc.

* Chủ nhân tương lai của thành phố cần làm gì để chung tay xây dựng thành phố đáng sống?

- Ở những nước phát triển, các bạn trẻ đã phải tự lập từ rất sớm, khi lên đại học thì ngoài sự hỗ trợ tài chính của cha mẹ, các bạn ấy phải đi làm thêm để tự trang trải cuộc sống. Nên vai trò của tự lập, tự nhận thức và thay đổi chính mình góp phần tạo nên những công dân tốt thì một thành phố sẽ tốt hơn - TRẦN ÁNH DƯƠNG

- Bản thân mỗi người cần tự hoàn thiện mình trong việc học, việc làm và là một đại sứ thân thiện của thành phố trước mắt khách quốc tế. Việc chung tay xây dựng nên bắt đầu từ mối quan tâm nhỏ đến cái thùng rác đã có đủ chưa trên một con phố đến việc vận động không xả rác bừa bãi, lên án việc khạc nhổ vô ý thức nơi công cộng hay khuyến khích nhau thực hiện nếp văn minh xếp hàng, trồng thêm cây xanh... - NGUYỄN QUANG DŨNG

Tấn Khôi thực hiện

* Tin, bài liên quan: Bí thư Thành ủy TP.HCM thăm BTS PG TP || Niềm tin về sức sống mới ||

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày