Phật và trẻ thơ

GN - 1. Tôi đã biết Phật lần đầu tiên bằng hình ảnh “Phật bụng bự” cười tươi rói, không gợn một chút buồn lo nhân thế mà mình thường bắt gặp qua... bao nhang. Những hình Phật trên bao nhang thuở ấu thơ được tôi gom thành bộ sưu tập cho riêng mình, để ở trong ngăn cặp hoặc trên bàn học, để khi có chuyện chi buồn vui ở lớp, ở trường hoặc bị má la, ngoại rầy thì nhìn Phật vô ưu và quên đi hết thảy những ấm ức ở trong lòng.

phat va tre tho.jpg


Trẻ thơ đi chùa, tay chắp búp sen

Sau này, nơi vách ván gỗ của chỗ đặt thùng đựng lúa dự trữ của nhà chính là nơi tôi dán những hình Phật trên bao nhang để rồi ngồi khóc đó, cười đó với Phật trong những lúc buồn vui thuở bé con.

Tôi không biết, đó có phải là biểu hiện do mình có “chủng tử” con Phật ở một kiếp nào gần gần đây, nay có duyên gặp Phật qua bao nhang và nhớ, rồi kính, nên muốn giữ lại hình ảnh Ngài, để không rơi đâu đó ngoài sân, ngoài hè mỗi khi thắp hết bó nhang? Nhưng, thật lòng, tôi kính Phật từ bé, hồi mà nhà tôi chưa ai biết Phật, khi má bệnh, ngoại còn đi coi thầy bói, mời người về cúng hết lần này tới lần khác, thậm chí đục đẽo và chặt bỏ cả cây đồng đông (được dân gian xem là “xương sống” của cái nhà, cũng là bổn mạng của gia chủ) - tất cả vì tin lời thầy bói.

Người ta khổ thì thường nghĩ mọi cách để thoát khổ, nếu không ai chỉ lối đưa đường hoặc có người chỉ đường lại chỉ quàng xiên kiểu tới nhà thầy bói, đi quỳ lụy vọng lượng ma quỷ thì “đã nghèo còn mắc cái eo”, đã khổ còn khổ thêm. Tôi nhớ, đó là những năm tháng sợ hãi nhất của tôi vì cứ nghe oang oang lời thầy bói nói với má, ngoại là có ai đó “dựa” má mình, rồi có con quỷ gì đó ám ở phía Đông, phía Tây, nguy hiểm tới tính mạng... Sống trong nỗi sợ ấy cùng nợ nần chất chồng, dẫu không dám ăn, chỉ dám mượn để cúng cho thầy và lo lễ mễ, giết hại chắc cũng nhiều... Cho tới khi có một người Phật tử phương xa tới, là bạn của cô hàng xóm đã đến gieo duyên cho nhà tôi một cuốn kinh Nhật tụng.

Tôi nhớ, cô đến nhà, nhìn tôi và bảo, cô thấy con dễ thương, gần gũi lắm, chắc có duyên với Phật. Con đọc qua cuốn kinh này thử nghen, mai mốt cô về rồi hoàn trả lại cô. Tôi cầm cuốn kinh, chủ yếu là những nghi thức cầu an, cầu siêu bằng Hán văn, tôi chưa hiểu mấy nhưng kỳ thật, có cảm tình với cuốn kinh và nhất là những bài sám ở phía cuối. Sám hồng trần, Phát nguyện sám hối... và tôi đã nắn nót chép những bài sám ấy đến tận khuya vì nghĩ sẽ trả lại cuốn kinh cho cô Phật tử. Tôi đã xúc động với những dòng đầu tiên mình chép và đọc từ một cuốn sách có nội dung Phật dạy: “Đệ tử chúng con từ vô thỉ/ Gây bao tội ác bởi lầm mê/ Đắm trong sanh tử đã bao lần/ Nay đến trước đài vô thượng giác/ Biển trần khổ lâu đời luân lạc/ Với sanh linh vô số điêu tàn/ Sống u hoài trong kiếp lầm than/ Con lạc lõng không nhìn phương hướng...”.

Có lẽ, tôi đã khóc, nước mắt của một Phật tử con con (lớp 8) chưa được quy y và chưa tới chùa một lần (dẫu chùa quê không phải quá xa xôi) cho tới khi đọc được những dòng này. Tôi nhớ mình đã thì thầm niệm Phật và đọc đi lại bài sám, thấy rõ mồn một chuyện “đắm trong sanh tử đã bao lần” của mình, ít ra là thấy rõ nỗi khổ của nhà mình là dai dẳng, cứ đeo bám mãi chỉ vì không biết đường hướng để đi, và cứ đi loanh quanh đến mệt nhoài trong những nỗi sợ hãi, mang tên cầu cứu một thế lực nào đó bảo vệ và gia hộ, cứu tế, giúp đỡ mình, thay vì tự mình đối diện với nghiệp duyên xấu xí để vượt qua, đi tới, đi về phía ánh sáng. Sau này học Phật, tôi hiểu sự lẩn quẩn trong vòng si mê, cầu cạnh ấy chính là mình đang mê tín và sẽ đi từ tối vào tối hơn, bế tắc, không lối thoát, khổ càng thêm khổ...

2. Những ngày đầu tiên đi chùa, má và ngoại dắt tôi đến chùa quê, chùa nhỏ và chuông chùa được làm bằng quả bom thời chiến tranh, tất nhiên là đã tháo kíp nổ. Ấy thế mà tiếng chuông chùa trở nên thiêng liêng, bình dị đến vô cùng khi lần đầu tiên thầy trụ trì hướng dẫn cho cả nhà tôi lên chánh điện, thắp nhang và lạy Phật.

Phật tử ở quê đi chùa vào sáng mùng một và rằm. Đến chùa để sám hối và cúng dường hoa trái hoặc ngồi nghe bạn đạo chia sẻ ít nhiều giáo lý, xoay quanh đó là khuyến khích ăn chay, niệm Phật, sống tốt với mọi người, đừng sát sanh, trộm cắp, nói dối; đàn ông thì đừng có bài bạc, nhậu nhẹt rồi về nhà đánh vợ con, làm mất đi hạnh phúc... Tất cả không ngoài năm giới của Phật, để ứng dụng vào cuộc sống là cả một nghệ thuật, khi mình đã hiểu giá trị một cách chân thật chứ không xem đó là điều ràng buộc, cấm đoán mà Phật chế ra để “làm khó” cho mình.

Tôi không hiểu ý nghĩa đó nhiều như bây giờ nhưng lúc đó, tôi hiểu, những lời dạy ấy của Phật đều là những điều giúp mình sống tốt; làm người tốt thì sẽ bình yên, sẽ không ai thù ghét... nên cứ thế mà thực hành theo.

Nhớ có lần, ngoại tôi dắt đi chùa và thấy hình tượng Phật đản sinh, bà đã bày tỏ... tình thương bằng cách xoa đầu tượng và nói ngon lành rằng: “Ôi, cháu này con nhà Phật nên mập mạp dễ thương quá. Mà răng để cháu ở trong kho tối tăm ri hè?”. Mãi đến sau này, tới này rằm tháng Tư, nhà chùa lần đầu tiên thiết trí lễ đài, đem hình tượng Phật đản sinh ra tôn trí trước sân chùa để làm lễ, và sư phụ giảng về ý nghĩa Đản sinh, kể về câu chuyện xa xưa, ở nước Ca Tỳ La Vệ có một bậc xuất thế giáng trần, phụ vương Ngài là Tịnh Phạn, thân mẫu là hoàng hậu Ma-da... Khi đó tôi mới biết “cháu bé dễ thương” mà ngoại tôi xoa xoa bảo mập mạp chính là tôn dung Thái tử Tất Đạt Đa - hình tượng Phật đản sinh.

Nói chung, “muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, ông bà mình dạy thế, đương nhiên là đúng, nên sau này, khi đi xa quê, rời ngôi chùa tuổi thơ tôi đã học và hỏi nhiều điều trong biển giáo lý, văn hóa Phật giáo mênh mông ấy. Tuy chưa hiểu biết nhiều nhưng cũng đã phần nào hiểu về nhân quả, nghiệp báo, hiểu con đường từ bỏ của một bậc vương giả để chọn con đường cứu độ nhân gian là cả một quá trình tu học và thực tập từ bi, giữ gìn giới đức, sâu vào thiền định để đạt tuệ giác cao siêu, thấy được lẽ thật cuộc đời.

Nhưng, ấu thơ đi chùa với những bập bẹ hỏi han về Phật bụng bự, cười tươi hay về ngài Tiêu Diện Đại Sĩ mặt dường như không chút từ bi... nhưng lại là hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm; hoặc hiểu Đề Bà Đạt Đa là thiện tri thức như Phật dạy trong kinh Pháp hoa để rồi ứng dụng vào việc nhìn người khác, xem những khó khăn mà mình gặp hoặc ai đó gây ra (dù vô tình hay cố ý) đều có nhân duyên chi đó, là nghiệp duyên hay thử thách để mình thực hành lời Phật dạy thì cũng đều như nhau cả; mình phải nhất như vững chãi, vượt qua thì mới đi tới và đi xa được.

Hình ảnh theo má, ngoại đi chùa có lẽ là hình ảnh khó phai nhạt, nét đẹp của sự bình yên, của giây phút thanh bình và tiếp nối. Khi có sự thanh bình của đất nước thì người người mới có cơ hội đến chùa học Phật, khi gia đình có người học Phật, rồi cùng hướng con cái mình cùng học theo bằng buổi đầu dắt con cháu mình tới chùa, và về nhà sống yêu thương, tử tế để con cháu cảm được giá trị của lời Phật dạy chính là bình yên thì thế hệ sau sẽ cứ thế mà đi theo một cách nhẹ nhàng, dịu dàng.

chu tieu han.jpg
Ở Hàn Quốc, nhiều phụ huynh đã cho con mình tới chùa xuất gia gieo duyên, vun bồi giống thiện

3. Tới đây, tôi lại nhớ hình ảnh những em bé cặm cụi vẽ hình tượng Phật. Nét mặt ngây thơ cùng tâm hồn tươi trẻ của các em tiếp xúc với Phật, với những nét đẹp giải thoát cùng những điều thật sự an lạc chốn thiền môn từ sớm chắc chắn sẽ gieo vào lòng các em những hạt giống dễ thương. “Tưới tẩm mầm sen” hay “Gieo hạt từ tâm”... chính là những câu chuyện dạy trẻ, dắt các em vào đường lành từ những buổi sinh hoạt ở chùa.

Đó cũng là duyên lành của các em, bởi, đâu phải dễ sanh ra làm người và làm người mà được gặp Phật, tin Phật là một điều càng khó. Thân người khó được, Phật pháp khó nghe chính là như vậy. Nên, các bậc phụ huynh là Phật tử hoặc mến đạo Phật, thấy con mình có duyên với Phật, với chùa, biết làm thiện nguyện thì nên vui và cổ súy. Nhất là, ngay từ bé thơ có thể dắt các em tới chùa để các em nhìn ngắm hình tượng Phật, xá Phật, niệm Phật - dẫu chỉ ê a bước đầu nhưng đó cũng là tạo duyên lành cho các em vậy.

Tạo duyên cho con cháu mình tu cũng chính là góp phần mở ra một con đường sáng để con cháu mình biết đạo lý mà sống, trước tiên là làm người tốt, có niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống rồi không xa sẽ hướng theo đường giải thoát. Ấy còn là tạo cho mình hạt giống tin Phật, hiểu Phật dài lâu, để rồi một kiếp nào đó mình lại được làm người, biết Phật từ sớm để bớt khổ, thoát khổ...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.
Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh hoạ của Quảng Đạo/BGN

Không nên thối thất niềm tin chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”!

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày