Phép mầu Quán Thế Âm

GN - Năm tôi gần 30 tuổi, bỗng dưng phát một bệnh lạ, bụng càng ngày càng sưng, nặng nề, khó chịu, đã đi khám nhiều thầy, uống nhiều thuốc, vẫn không khỏi. Thuở ấy (1966) chưa có siêu âm hiện đại như bây giờ, nên bác sĩ cũng không rõ bệnh gì. Tuy vậy, tôi vẫn ăn uống bình thường, hàng ngày vẫn đi dạy học.

Ít lâu sau, khoảng đầu năm 1967 bệnh càng nặng hơn. Bụng càng sưng to, đỏ như tôm luộc, ấn vào đâu cũng đau, càng ngày không ăn uống được, ói nôn và đi lại không vững vàng, hai chân phải lết gần như bại liệt…

qta.jpg

Bồ-tát Quán Thế Âm

Tôi quyết định đến Bệnh viện Đồn Đất để khám (lúc ấy là Bệnh viện Grall của Pháp, bây giờ là Bệnh viện Nhi Đồng 2). Gặp chiều Chủ nhật, tôi đang mong người nhà ở Vũng Tàu về để đưa vào bệnh viện, thì nhà văn Dương Nghiễm Mậu đến thăm nghĩa phụ tôi là kịch tác gia Vi Huyền Đắc. Nhìn tôi, anh kêu lên thảng thốt: “Trời ơi, cô có bệnh gì nặng không mà đôi mắt thất thần thế kia?”. Tôi kể bệnh vắn tắt cho anh nghe và bảo đang chờ người nhà ở Vũng Tàu về đưa đi bệnh viện. Anh Mậu bảo: “Đi ngay đi, không nên chờ nữa, tôi đi gọi taxi vào đưa cô đi…”. Thế là anh chạy ra đầu ngõ đón taxi. Nghĩa phụ và anh đưa ngay tôi vào Bệnh viện Grall. Tôi được làm thủ tục mổ cấp cứu vì chính bác sĩ khám cũng không xác định được bệnh gì. Chiều tối hôm ấy, người nhà đến thì tôi đã mổ cấp cứu xong. Cái bụng sưng to ấy chứa gần một lít mủ, bác sĩ rút hết chất dịch mủ ra, bơm kháng sinh vào rửa sạch rồi đóng ổ bụng, đưa qua phòng hậu phẫu chờ tan thuốc mê. Thấy đã mổ xong, bụng đã xẹp xuống và không đau nữa, tôi mừng là đã chữa xong bệnh. Nhưng không phải thế, chất mủ trong ổ bụng đưa đi xét nghiệm không có vi trùng gì cả, cũng không phải lao màng bụng nên trên bệnh án đề là “Nghi ngờ lao màng bụng”.

Mổ xong vẫn không lành bệnh, sức khỏe càng xuống thấp hơn trước khi mổ, không ăn uống gì được, chỉ sống nhờ truyền dịch suốt ngày đêm, di chuyển đi khám hoặc chụp phim phải bằng băng ca chứ cũng không ngồi xe lăn được. Kéo dài vài tuần sau thì bác sĩ cho chuyển bệnh xuống khu Calmette (khu bệnh lao) và cho điều trị theo phác đồ bệnh lao. Tuy nhiên 2 tháng sau tôi vẫn nằm liệt không có dấu hiệu gì tiến triển. Trước khi mổ tôi nặng 46kg, sau 2 tháng chỉ còn 34kg, bác sĩ lắc đầu: “Nếu tụt xuống 32kg thì… hết”. Tôi vô cùng tuyệt vọng, chỉ còn chờ chết!

Đêm hôm đó, tôi bỗng nhớ mẹ tôi vô cùng, và tôi cũng nhớ ngày xưa, lúc sinh thời, mẹ tôi vào hội thờ Phật Bà Quan Âm, lúc nào có chuyện lo buồn, thất bại, bệnh hoạn mẹ đều thành kính cầu xin Phật Bà phù hộ cho qua khỏi. Tôi bỗng thấy như trước mắt tôi có một tia sáng chiếu rọi. Tôi thành kính chắp hai tay lên ngực, trong tư thế nằm liệt cả hai chân không dậy được, tôi thành tâm cầu nguyện: “Con kính lạy Phật Bà Quan Âm, lúc xưa mẹ con rất tin tưởng sự linh ứng kỳ diệu của Ngài, nay con cũng thế, con xin Ngài xét cho, nếu con không còn ích lợi gì nữa, thì xin Ngài cho con theo về với mẹ con cho đỡ đau đớn nặng nề thân xác. Nếu Ngài thấy con còn ích lợi cho đời, xin Ngài nội trong đêm nay hãy cất gánh nặng bệnh tật ra khỏi người con, sáng mai thức dậy con sẽ là một người khỏe mạnh. Được vậy con nguyện suốt đời xin kính thờ Ngài là người Mẹ cao cả của con, và sẽ làm điều tốt, điều thiện theo Ngài… Nam-mô Đại từ Đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ-tát…”.

Đêm ấy tôi ngủ li bì, không biết gì cả, sáng sớm thức dậy, cứ ngỡ đang ở nhà, phải sửa soạn đi dạy kẻo trễ giờ… Chợt nhớ mình đang nằm ở bệnh viện nhưng cớ sao sáng nay người nhẹ hẫng, sảng khoái vô cùng, tưởng như chẳng hề đau ốm gì cả. Bác sĩ vào khám xong, chờ chai nước truyền dịch chảy hết, tôi tự rút kim, tự ngồi dậy, bỏ chân xuống đất, vịn đi quanh giường trước sự ngạc nhiên của những bệnh nhân chung quanh… Và chỉ vài tiếng đồng hồ sau, tôi đã chầm chậm một mình bước ra cửa sổ xa khoảng 5m ngoài hành lang, níu tay vào song cửa nhìn xuống siêu thị Nguyễn Du (thuở ấy cả Sài Gòn chỉ mới có một siêu thị Nguyễn Du) và nhìn ngắm những hàng me lá xanh rung rinh trong nắng. Người tôi lâng lâng thú vị và cảm thấy mình đã khỏe thật rồi. Từ hôm ấy tôi ăn ngon, ngủ khỏe, cứ dăm hôm là lên được nửa kí-lô.

Cuối tuần đó, được tin nhà thơ Đinh Hùng đã mất ở Bệnh viện Bình Dân với bệnh ung thư dạ dày, có buổi thơ Tao Đàn ở Đài Phát thanh Sài Gòn tưởng niệm anh. Tôi cũng là một diễn viên ngâm thơ của Tao Đàn nhiều năm. Nhà văn Nguyễn Thị Vinh lái ô-tô đến thăm xem tôi thế nào (Nguyễn Thị Vinh là nhà văn nữ trong giai đoạn cuối của nhóm Tự Lực Văn Đoàn).

Chị vẫn nghĩ có lẽ tôi cũng chết như anh Đinh Hùng vì tuần trước chị đến thăm đã che mặt vào góc tường mà khóc vì tuyệt vọng cho tôi. Đâu ngờ tôi đòi đi vào đài phát thanh cùng chị để dự buổi tưởng niệm và ngâm 4 câu thơ thương tiếc anh (Từ bệnh viện nghe tin anh mất/ Tôi nghẹn ngào không nói nên lời/ Chim xa vỗ cánh bay rồi/ Tao Đàn lặng ngắt tiếng người tài hoa - H.H.T). Như vậy tôi không đi đưa tang anh được nhưng đã đến dự buổi tưởng niệm kịp thời.

Chị Vinh dìu tôi xuống lầu đi đến đài, sau buổi thu âm, chị còn chở tôi đi ăn phở Hiền Vương, chạy vòng vòng ngắm phố xá, tối đến mới trả tôi về bệnh viện. Chị dắt tôi lên lầu, cười nói: “Như vậy là Trang đã được xóa tên trong sổ đen của Diêm Vương rồi!”.

Sức khỏe tôi cứ lên phơi phới như diều gặp gió, 4 tháng sau tôi đã lên được 46kg, hoàn toàn hết bệnh, trắng trẻo hồng hào. Tôi còn nằm mấy tháng nữa để theo dõi kỹ hơn. Tổng cộng tôi đã nằm viện 8 tháng, phải bán một căn nhà ở Vũng Tàu để trả viện phí. Và kể từ đó đến nay tôi gần 80 tuổi hầu như không hề có bệnh tật gì đáng kể. Trước khi tôi xuất viện, bác sĩ người Pháp nhìn tôi kinh ngạc: “Có lẽ phép mầu nào đó đã cứu bệnh nhân chứ không phải chúng tôi…”.

Tôi biết, Đức Bồ-tát Quán Thế Âm linh ứng đã nghe được lời cầu nguyện của tôi và Ngài đã cứu tôi như một người mẹ che chở cứu vớt đứa con. Ngài đã cho tôi một đời sống thứ hai. Tôi thầm tạ ơn Ngài.

Từ đó, dù dọn nhà đi đâu, trong nhà tôi cũng treo ảnh tượng để thờ Ngài. Mỗi tối tôi đều tụng niệm danh hiệu Ngài trước khi ngủ: “Nam-mô Đại từ Đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ-tát”.       

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày