Phiếm đàm với “cá nghe kinh”

LTS: Sau khi bài “Cá vẫn nghe kinh” của tác giả Trần Kiêm Đoàn được đăng trên Nguyệt san Giác Ngộ số 197, Ban Biên tập lại nhận được bài viết của tác giả Chu Minh Khôi, tiếp tục xoay quanh vấn đề đang tranh luận này. Như tác giả đã đề cập trong bài viết, nếu như tác giả Trần Kiêm Đoàn nhìn vấn đề “cá nghe kinh” dưới nhãn quan của một nhà văn Phật giáo, tác giả Đào Nguyên nhìn sự việc từ góc độ một nhà nghiên cứu Phật học, thì ông lại phiếm đàm “cá nghe kinh” theo cái nhìn của một kỹ sư chăn nuôi. Xét thấy, để độc giả tiếp cận thêm một góc nhìn khác về vấn đề là điều hữu ích, Nguyệt san Giác Ngộ xin trân trọng giới thiệu bài viết này. NSGN

371_539_8675img.jpg

Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số xuân 2012 đăng bài “Cá nghe kinh” của tác giả Trần Kiêm Đoàn, và liên tiếp trong 3 số Nguyệt san Giác Ngộ gần đây có đăng những bài viết của nhà nghiên cứu Phật học Đào Nguyên và nhà văn Phật giáo Trần Kiêm Đoàn trao đổi xoay quanh chủ đề dịch kinh chữ Hán ra tiếng Việt. Tôi không phải nhà nghiên cứu Phật học, tôi cũng mù tịt về chữ Hán nên không thể có khả năng để đàm luận về kinh Phật nói chung, kinh Nhật tụng nói riêng. Tuy nhiên, cũng vẫn xin mạo muội có mấy lời dông dài xoay quanh chủ đề “Cá nghe kinh” rất thú vị này.

1. Từ lâu đọc bài thơ của nhà chí sĩ Chu Mạnh Trinh ca ngợi bầu trời cảnh Bụt Hương Sơn, tôi cũng vô cùng yêu thích câu thơ: “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái/ Lửng lơ khe yến cá nghe kinh”. Đúng như nhận định của Trần Kiêm Đoàn rằng “Chim ríu rít cúng dường hoa trái. Cá lặng lờ ngừng vẫy nghe kinh là khi Tâm kinh biến thành Chân kinh”. Từ trước tới nay, tôi vẫn hiểu câu thơ này ca ngợi sự huyền diệu nơi Hương Sơn, ở đó mỗi lá cây ngọn cỏ cũng thấm đẫm Phật pháp. Không chỉ con người, mà ngay đến cả loài vật dường như cũng chứng ngộ triết lý nhà Phật để sống an nhiên tự tại: chim thỏ thẻ, cá lửng lơ. Loài vật không còn sự sợ hãi trước con người. Hình ảnh “cá nghe kinh” mới tuyệt diệu làm sao, cứ như loài cá ở nơi đất Phật cũng nhờ được giác ngộ mà đạt được trí thông minh của con người vậy, cá cũng hiểu được lời kinh, lời Phật dạy. Thế nhưng khi đọc bài viết Cá nghe kinh của tác giả Trần Kiêm Đoàn, có câu: “Vô hình chung đối với thế hệ trẻ, hình thức kinh Nhật tụng Hán Việt trở thành một thế giới “bùa chú” vì đọc mà không hiểu, lạy mà không thông, cầu mà không biết. Nghe kinh mà không hiểu nghĩa thì khác gì đàn cá nghe kinh!”. Vậy ra câu “cá nghe kinh” không chỉ như tôi vẫn hiểu là hàm ý ngợi ca sự huyền diệu của kinh Phật, mà theo ông Trần Kiêm Đoàn câu này còn mang một ý nghĩa khác, hàm ý chỉ những người nghe mà không hiểu. Câu thơ của Chu Mạnh Trinh muốn chê bai cá chăng, việc cá nghe kinh cũng không khác gì “đàn gảy tai trâu” chăng?

2. Cách đây 16 năm, Nhà xuất bản Thanh Niên có tổ chức ra mắt cuốn Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và có mời Đại tướng đến nói chuyện cho các cây bút trẻ nghe. Thuở ấy, tôi cũng là một người đang tập viết văn, tham gia CLB Văn học trẻ Hà Nội nên có may mắn được làm thính giả trong buổi nói chuyện của Đại tướng, và không sao quên được một câu chuyện mà Người kể rất hóm hỉnh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể thế này: Khi nhạc sĩ Đặng Thái Sơn vừa được giải thưởng So-Panh - giải thưởng danh giá bậc nhất thế giới về âm nhạc, từ Ba Lan trở về nước, nhạc sĩ tổ chức một buổi trình diễn âm nhạc, mời tôi tới nghe. Kết thúc buổi trình diễn, Đặng Thái Sơn hỏi tôi: Đại tướng thấy có hay không ạ? Tôi trả lời rằng: Rất hay, nhưng tôi không hiểu gì hết. Vừa kể chuyện, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa cười rất nhân hậu. Người giảng giải: Tôi nói không hiểu gì hết, bởi vì âm nhạc mà Đặng Thái Sơn biểu diễn là âm nhạc cao cấp, trong khi tôi không biết nhạc lý nên không đủ trình độ âm nhạc để hiểu. Cho dù không hiểu, nhưng vẫn phải công nhận rằng rất hay, vì Đặng Thái Sơn được giải nhất âm nhạc So Panh, không thể nói rằng biểu diễn không hay được.

Trong thơ ca, âm nhạc và kinh Phật không nhất thiết cứ phải hiểu hết ý nghĩa từng câu chữ, từng nốt nhạc mới có thể cảm thụ được cái hay của tác phẩm. Thực tế, từng có những bài thơ mà người đọc không thể hiểu được nghĩa, nhưng độc giả vẫn cảm nhận được cái hay cái đẹp của bài thơ đó. Chẳng hạn câu thơ: “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, từ hơn nửa thế kỷ nay chưa ai giải được nghĩa, nhưng biết bao thế hệ độc giả vẫn công nhận là hay. 

3. Việc dịch văn bản từ các ngôn ngữ khác sang tiếng Việt là vô cùng cần thiết. Dịch kinh Phật từ chữ Phạn, chữ Hán cũng vậy, phải cho người Việt đọc và hiểu được các bản kinh thì giáo lý Phật đà sẽ càng được truyền bá sâu rộng hơn. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng khó có văn bản nào khi chuyển ngữ mà chuyển được triệt để ngữ nghĩa một cách vẹn toàn. Có câu “tam sao thất bản”, hiểu nôm na là mỗi văn bản khi trải qua ba lần sao chép có thể mất đi bản gốc của nó. Ngay cả việc sao chép văn bản với cùng một ngôn ngữ cũng đã tạo ra nhiều dị bản. Đằng này, người Trung Quốc xưa dịch kinh từ chữ Phạn sang Hán ngữ, và các dịch giả Việt Nam thời nay lại dịch kinh từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ, như vậy rõ ràng trải qua ít nhất hai lần dịch, chuyển tải được vẹn nguyên và đầy đủ thông tin, ý chỉ của văn bản gốc lại càng khó. Đấy là chưa kể, mỗi ngôn ngữ có đặc thù khu biệt riêng, có những chữ, ý chỉ mà ngôn ngữ khác không có chữ tương đương để chuyển tải. Chẳng hạn như nhiều bài thơ được giải Nobel của thế giới, nhưng khi dịch sang tiếng Việt, chúng ta đọc lên lại thấy bài thơ đó không thật xuất sắc. Ngược lại, không ít người nước ta thắc mắc rằng nhiều bài thơ của nước ta đạt đến độ vượt trội hơn những bài thơ được giải Nobel của thế giới, nhưng đến nay chưa có thi nhân Việt Nam nào được trao giải danh giá này. Một phần nguyên nhân là bởi, những câu thơ đẹp lấp lánh có sự trợ giúp đắc lực của những chữ đồng âm khác nghĩa, chữ đồng nghĩa khác âm, rồi những vận âm, âm tiết luyến láy, hợp vần… Khi chuyển ngữ thơ Việt sang tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ khác, khó bảo lưu được hết mọi cái hay, vẻ đẹp đó. Từ đó mà suy, chuyển ngữ kinh Phật cũng sẽ luôn gặp phải vấn đề tương tự.

4. Theo tác giả Trần Kiêm Đoàn, thì “Hán Việt là một tử ngữ - một loại ngôn ngữ chết - vì chỉ còn duy nhất một mặt: ký tự. Đối với người Việt Nam trong cũng như ngoài nước có mấy ai còn dùng (hay có khả năng dùng) Hán Việt để thông tin và sinh hoạt ngoài một số quý Tăng lữ và các nhà tham khảo chuyên ngành. Tại sao những lời kinh vàng ngọc của đạo Phật Việt Nam vẫn còn bị buộc chặt vào một tuồng ngôn ngữ chết. Tại sao các chùa chiền, tu viện Việt Nam mới xây dựng hay đại trùng tu hiện nay vẫn bám chặt vào hình thức ngôn ngữ Hán Việt đã chết để tiếp tục chạm khắc chữ Hán Việt trên những cổng tam quan, tiền đình, trụ đá, bia đồng... những câu Hán Việt mà ngay thế hệ tu sĩ trẻ đang tu trong chùa cũng không thể nào đọc được?!”.  Tôi cũng đồng tình với nhận định của tác giả Trần Kiêm Đoàn rằng “Kinh Nhật tụng của Phật giáo Việt Nam hiện nay còn quá nặng nề về hình thức văn tự Hán Việt. Trong lúc đại đa số Phật tử thuộc thế hệ đàn anh xa lạ với văn tự Hán Việt. Miệng đọc tụng nhưng đầu óc không hiểu về âm, mù mờ về nghĩa là một sự phản tác dụng về tri thức và vướng víu về tâm linh. Đối với thế hệ đàn em thì sự bế tắc về hình thức văn tự Hán Việt càng nghiêm trọng hơn. Vô hình chung đối với thế hệ trẻ, hình thức kinh nhật tụng Hán Việt trở thành một thế giới “bùa chú” vì đọc mà không hiểu, lạy mà không thông, cầu mà không biết”.

Vấn đề này không chỉ gặp phải với Phật giáo, mà với mọi sinh hoạt tâm linh ở nước ta. Tôi còn nhớ, khi ông nội tôi mới qua đời, trong lễ 49 ngày, rồi lễ 100 ngày, ông thầy cúng đọc bài cúng “thưa gửi” với người đã khuất bằng một văn bản viết toàn bằng chữ Nho, những lời ông thầy cúng đọc lên tôi nghe chẳng hiểu gì vì toàn âm Hán - Việt. Bài khấn sau khi đọc xong, được đốt ngay trước ban thờ để “gửi xuống âm phủ” cho ông nội tôi. Tôi thắc mắc rằng: Khi còn sống, ông tôi không biết một chữ Nho nào, chỉ đọc được chữ Quốc ngữ. Nay cúng ông đọc như vậy, chẳng biết ông tôi có hiểu? Được giải thích rằng, dưới âm phủ người ta chỉ đọc được chữ Nho, nên không thể khấn người đã khuất bằng tiếng Việt. Dẫu biết cách lý giải này không đủ sức thuyết phục, nhưng đa số người dân miền Bắc vẫn sử dụng ngôn ngữ cổ xưa khi giao tiếp với người đã khuất, với thế giới tâm linh.

Đến chùa, nghe các nhà sư tụng kinh Hán - Việt, tuy tôi chẳng hiểu nội dung lời tụng ấy nói gì, nhưng vẫn rất thích nghe bởi giai điệu ngân nga êm đềm, một thứ âm nhạc huyền ảo, hay đến lạ lùng. Ngày nay, cũng có nhiều ngôi chùa mà ở đó người ta tụng kinh tiếng Việt, nghe thì hiểu đấy, nhưng lại thấy kém hay hơn, vì không còn âm điệu, mà chỉ thấy lời đọc khô khốc. Xin thừa nhận một điều rằng, tôi lâu nay đến chùa vẫn là “cá nghe kinh”. Nhưng nghe mà không hiểu, đâu có nghĩa là ta sẽ không lĩnh hội được gì.

Chúng ta đã quen thuộc với ngôi chùa mà ở đó trên các hoành phi, câu đầu, các cột gắn những biển sơn son thiếp vàng với chữ Nho viết bằng mực đen. Ngày nay, cũng đã có một số ngôi chùa mà trên câu đầu, hoành phi, những văn tự chữ Nho đã được thay bằng tiếng Việt. Dẫu biết như vậy là văn minh hơn, ta dễ dàng đọc hiểu những thông điệp trên đó, nhưng không hiểu sao nhìn những cảnh này, tôi cảm thấy không gian của các ngôi chùa kém bí ẩn, kém linh thiêng hơn. Bất chợt nhận ra, cái thứ chữ Nho mà mình chẳng hiểu gì ấy là những hình ảnh đã thấm sâu vào trong tiềm thức mỗi người để trở thành hồn dân tộc. Cái mà tác giả Trần Kiêm Đoàn cho rằng là một “tử ngữ” - một thứ ngôn ngữ chết ấy, chính là di sản văn hóa của cha ông để lại. Ngày nay ta không thể sử dụng chữ Nho trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nhưng đã là di sản thì cần được bảo tồn. Cách tốt nhất để bảo tồn được chữ Nho, là phải “đánh thức” chúng, chứ không phải là “đem chôn” thứ chữ này.

5. Tôi cũng xin chia sẻ với tác giả Trần Kiêm Đoàn khi ông viết rằng: “Tôi rất hoan hỷ và tán thán tác giả Đào Nguyên đã đưa tôi vào sâu trong lĩnh vực “chuyên môn” mà quý thiện hữu đã dày công đào luyện trong suốt 15 năm qua. Nhưng thật đáng tiếc là chúng ta không nói cùng một ngôn ngữ. Ngôn ngữ của tôi là chân trời tự do sáng tạo; trong lúc ngôn ngữ của quý thiện hữu Đào Nguyên là những giá sách đóng khung của thư tịch và thống kê số liệu”. Rõ ràng, với cùng một cảnh vật, đồ vật, sự vật, hiện tượng, thì mỗi người có cách nhìn khác nhau để diễn giải và tả khác nhau, đó là lẽ đương nhiên. Tác giả Trần Kiêm Đoàn phân tích thành ngữ “cá nghe kinh” dưới nhãn quan của một nhà văn Phật giáo, tác giả Đào Nguyên nhìn dưới góc độ nhà nghiên cứu Phật học. Riêng tôi, vì không phải nhà nghiên cứu Phật học, tôi cũng mù tịt về chữ Hán nên không thể có khả năng để đàm luận về kinh Phật nói chung, kinh Nhật tụng nói riêng. Tôi chỉ là một kỹ sư chăn nuôi, nên phiếm đàm “cá nghe kinh” dưới góc độ một kỹ sư chăn nuôi.

Lần đầu tiên khi xem ti vi phát hình ảnh Tập đoàn TH đầu tư nuôi bò sữa ở Việt Nam, ở đó người ta cho bò nghe nhạc, một người trong gia đình tôi đã buông ra một câu: Vẽ chuyện, người ta vẫn nói “đàn gảy tai trâu”, bò hiểu gì về âm nhạc, cho chúng nghe nhạc thì có ích gì? Thực tế, cho vật nuôi nghe nhạc lại là giải pháp rất hữu ích, có cơ sở khoa học hẳn hoi đang được áp dụng rộng rãi. Trại bò của Tập đoàn TH, doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu sữa TH true Milk, mang tầm cỡ một trang trại đẳng cấp quốc tế, được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp chứng nhận là mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tại đây có hàng chục nghìn con bò được nuôi tập trung trong các khu trại có mái che kèm có hệ thống quạt làm mát, có máy phát nhạc để phục vụ cho nhu cầu. Bà Thái Hương, TGĐ Ngân hàng TMCP Bắc Á, cũng chủ Tập đoàn TH cho biết mỗi ngày cho bò nghe nhạc một giờ đồng hồ, kết quả là mỗi con cho thêm 1 kg sữa/ngày so với bò không được nghe nhạc. Trên thế giới, việc đưa âm nhạc vào chăn nuôi gia súc, trồng trọt đã được ứng dụng từ lâu và đem lại hiệu quả rất tốt. Sản phẩm bò Kobe nổi tiếng ở Nhật sở dĩ tạo được thương hiệu lẫy lừng cũng là vì ở đó người ta cho bò nghe nhạc Mozart. Ở nước ta, một ông chủ trang trại heo ở Vĩnh Long cho heo nghe nhạc không lời và Công ty Bò sữa Long Thành cũng cho bò nghe nhạc để con vật có điều kiện sống dễ chịu nhất. Tại Làng cá sấu Sài Gòn, cứ mỗi sáng, nhạc Trịnh lại vang lên êm ả, du dương khắp các chuồng trước bữa ăn của cá sấu. Theo ông Tôn Thất Hưng - Giám đốc Làng nghề cá sấu Sài Gòn, cứ mỗi lần bật nhạc lên, hầu hết cá đều hướng về phía tiếng nhạc phát ra; 90% cá sấu ở Trại cá sấu Hoa Cà đã giảm những hành động như: bỏ chạy đâm đầu vào tường, đánh nhau. Từ khi được nghe nhạc, cá sấu bớt các phản ứng có hại và ngoan hơn. Hàng nghìn con cá sấu, con nằm im ngoan hiền, con há hốc miệng nghe âm thanh từ những chiếc loa đặt ở các góc chuồng. Được nghe nhạc, cá sấu ăn ngon hơn và da sẽ... đẹp hơn.

Trên thế giới, người ta đã làm nhiều thực nghiệm, về âm nhạc trong lĩnh vực trị liệu, cũng như cho cây cối nghe nhạc, để kích thích sinh trưởng hoặc cho các bà mang bầu nghe nhạc để phát triển thai nhi tốt… Rõ ràng thai nhi khi còn ở trong bụng mẹ được nghe nhạc cổ điển, chắc chúng không hiểu gì, nhưng những đứa trẻ sau này ra đời sẽ thông minh hơn. Bằng thực nghiệm, người ta thấy rằng khi cho cây cối nghe nhạc Moza hoặc nghe tụng kinh thì cây lớn nhanh hơn bình thường. Các nhà khoa học trên thế giới từng quan sát tinh thể nước qua kính hiển vi và người ta phát hiện ra nếu cho một chai nước để ở gần nơi phát nhạc rock thì quan sát các tinh thể nước xù xì, rất xấu. Nếu để chai nước ở nơi phát nhạc giao hưởng hay tụng kinh, thì quan sát các tinh thể nước rất đẹp. Có nhà sư đã tụng kinh trước một thác nước, sau đó người ta thu mẫu nước và thấy các tinh thể nước giống như những tinh thể tuyết tuyệt đẹp.

Tôi đồng tình với lời nhận định của Trần Kiêm Đoàn rằng “cá vẫn nghe kinh”. Mà còn hơn thế, theo tôi trong tương lai cá sẽ ngày càng nghe kinh nhiều hơn. Có thể rồi đây, sẽ có nhiều nghiên cứu của các nhà sinh vật học, các nhà khoa học tự nhiên công bố về tác động của âm thanh tụng kinh Phật đến sự phát sinh phát triển của cá, của chim, thú và cây cối. Rõ ràng, câu “đàn gảy tai trâu” đã trở nên lỗi thời. Rồi đây, người nuôi cá sẽ cho cá nghe những lời tụng kinh Phật để cá lớn nhanh hơn. Người trồng rau, trái cây, lúa gạo cũng sẽ cho cây cối nghe kinh để trái cây, thực phẩm ngon hơn, năng suất vượt trội hơn. Và dĩ nhiên, việc tụng kinh bằng âm Hán - Việt đối với những người không biết về văn tự Hán- Việt không nên được nhìn dưới góc độ quá bi quan, vô tác dụng như “đàn gảy tai trâu”

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày