Phim Thái tổ Lý Công Uẩn: nỗi buồn dự án nghìn năm…

Không ngoa khi nói rằng, nếu “tháo nút” được cho một "ca rất khó" là dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn thì sẽ đủ lực, đủ tài để “gỡ rối” được cho nền điện ảnh trì trệ, bế tắc của Việt Nam.

Khi kinh phí nghệ thuật được tính bằng… đầu trâu!

Trong các dự án nghệ thuật về vị vua Lý Công Uẩn, bộ phim truyện nhựa cùng tên hiện đang được Hãng phim truyện VN tổ chức thực hiện là dự án được triển khai sớm nhất và cũng ầm ĩ nhất, trở thành vấn đề văn hóa nóng suốt thời gian qua.

Phác họa Thành Thăng Long

Phác họa Thành Thăng Long


Ngay từ khi dự án phim truyện nhựa Thái tổ Lý Công Uẩn mới nằm trên bàn giấy, BTC đã nhận được không ít ý kiến nhiều chiều, chủ yếu nhắm vào con số kinh phí gần 200 tỷ được ước tính đầu tư cho dự án.

Nhiều người “vui tính” quy ngay số tiền này ra… số con trâu/bò và cho rằng không nên dùng số tiền đó để làm phim mà nên mua trâu bò hay xây nhà tình nghĩa tặng dân, có thể cải thiện cuộc sống nông dân ngèo trên toàn quốc.

Đặc biệt sau khi đợt rét đậm hoành hành toàn Miền Bắc vừa qua, nhiều nông gia khốn đốn khi mấy chục nghìn trâu bò chết, nông sản mất mùa vì giá lạnh, bên cạnh những bê bối quanh dự án làm phim tai tiếng ngày càng leo thang, ý kiến này lại được đề cập đến.

Có người tỏ ra sâu sắc hơn thì phân tích: không nhất thiết phải tưởng nhớ Cụ Lý bằng một bộ phim về Cụ, nhất là khi bộ phim khiến Cụ chẳng vui gì mà đau lòng vì bị đám con cháu giằng xé.

Hình ảnh phác thảo bối cảnh phim Lý Công Uẩn
Hình ảnh phác thảo bối cảnh phim Lý Công Uẩn
Hình ảnh phác thảo bối cảnh phim Lý Công Uẩn
Hình ảnh phác thảo bối cảnh phim Lý Công Uẩn
Hình ảnh phác thảo bối cảnh phim Lý Công Uẩn

Hình ảnh phác thảo bối cảnh phim Lý Công Uẩn

Ý kiến này cho rằng thay vì tiêu 10 triệu USD cho bộ phim, Nhà nước nên xây một bệnh viện mang tên Đức Thái Tổ. Trong tình cảnh các bệnh viện quá tải, dân khổ sở vì dịch vụ y tế như hiện nay, đây là giải pháp vừa thiết thực vừa ý nghĩa nhất.

Thay vì đấu đá nhau để cố sản xuất một bộ phim dở thì nên cùng nhau làm một công trình xã hội tốt. Cụ Lý sẽ vui hơn nhiều!

Những luồng dư luận loạn xạ như vậy khiến BTC và nhà đầu tư cũng mệt mỏi bức xúc, thêm nỗi chính những người trong cuộc cũng góp phần làm dự án thêm rối loạn bằng cách biến báo chí thành phương tiện đấu đá, bới móc nhau ngày càng gay gắt hơn.

Ngoài những tranh chấp ở khâu tổ chức, mặt chuyên môn cũng trở thành đấu trường gay gắt. Các nhà làm phim cho rằng họ đã làm hết sức nhưng vẫn không thể thu thập được đủ những sử liệu, vật chứng cần thiết. Ngay ý kiến cố vấn từ các nhà nghiên cứu cũng mâu thuẫn, chồng chéo.

Khi các nghệ sĩ tỏ ý sẽ lựa chọn diễn viên cho vai Cụ Lý dựa trên khuôn mẫu chân dung tượng đài Lý Thái Tổ đặt tại Bờ Hồ, Hà Nội, giới khoa học lại được dịp sôi lên tranh cãi.

Nhà sử học Lê Văn Lan thậm chí còn lớn tiếng cho rằng bức tượng đó hoàn toàn không phải người Việt Nam. Chân dung giống người Trung Quốc hơn, cụ thể là giống tạo hình nhân vật … Tào Tháo trong phim truyền hình Tam quốc diễn nghĩa!

Trong buổi trình bày sơ duyệt phác thảo bối cảnh, phục trang của phim do Hãng tổ chức, GS Lê Văn Lan cũng “truy bức” họa sĩ phục trang Nguyễn Thị Tình về những mẫu phục trang gần như được copy từ các phim cổ trang Trung Quốc, như chiếc mũ có những múi hình sóng đổ về phía sau như của nhân vật Gia Cát Lượng, hay bộ chiến bào giống Quan Vũ…

Tóm lại, cứ theo săm soi của nhà nghiên cứu, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn sẽ có mặt giống Tào Tháo, đội mũ Gia Cát Lượng, mặc áo Quan Vân Trường và đi giày của Lưu Bị!

Hơn nữa, cũng theo GS Lê Văn Lan, điện Càn Nguyên nổi tiếng của Cụ Lý sẽ giống lầu công chúa với thiết kế 3 tầng.

Theo nhà sử học này, các chính điện của vua luôn chỉ có một tầng và được đặt tại vị trí trung tâm của hoàng cung, hoàn toàn không giống với những bản vẽ.

Theo săm soi của nhà nghiên cứu, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn sẽ có mặt giống Tào Tháo, đội mũ Gia Cát Lượng, mặc áo Quan Vân Trường và đi giày của Lưu Bị!

Theo săm soi của nhà nghiên cứu, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn sẽ có mặt giống Tào Tháo, đội mũ Gia Cát Lượng, mặc áo Quan Vân Trường và đi giày của Lưu Bị!


Nhà sử học này cũng khẳng định, những phác thảo xe cộ, thuyền bè thời đó cũng sai. Ông nhấn mạnh rằng: “Việt Nam không có văn hóa đi ngựa, tập quán đó bắt nguồn từ văn hóa chăn nuôi thảo nguyên của người Trung, cụ thể là từ nền văn minh sông Hoàng”.

GS Lê Văn Lan khẳng định: “Người Việt không biết đi ngựa và cũng không có chỗ để đi vì thông thổ chủ yếu là sông ngòi, kênh rạch…”

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đại diện cho những nhà làm phim cũng đưa ra những lập luận phản biện chặt chẽ chứng minh Việt Nam hoàn toàn có “văn hóa ngựa xe” và rằng người Việt đã phát triển và bảo vệ đất nước qua rất nhiều thế hệ trên yên ngựa, rằng những vị anh hùng nào, những truyền thuyết nào ghi dấu người Việt hiển hách trên lưng ngựa…

Vì đâu nên nỗi?

Trên thực tế, ngay những tác phẩm của những nền điện ảnh lớn như Mỹ, Pháp, Trung Quốc… cũng gây ra những tranh cãi, đương nhiên cũng đều xoay quanh những phim thuộc hàng “bom tấn” và động đến những đề tài nhạy cảm như lịch sử, văn hóa và tôn giáo..

Tư dinh Lý Công Uẩn

Tư dinh Lý Công Uẩn

Phim “bom tấn” của đạo diễn Trung Quốc lừng danh Trương Nghệ Mưu - Hoàng Kim Giáp – từng khiến báo giới Trung Quốc và quốc tế tốn không ít giấy mực với màu vàng rực trong phim, với hoàng phi cung nữ trong xiêm y hở ngực…

Thế nhưng Hoàng Kim Giáp vẫn là bộ phim đáng chú ý nhất trong 3 năm qua và là niềm tự hào của điện ảnh Châu Á, mang lại doanh thu kếch sù cho nhà sản xuất và làm điện ảnh TQ nổi hơn trên bản đồ quốc tế.

Tương tự như vậy, bộ phim sản xuất năm 2004 của diễn viên – đạo diễn Mel Gibson, The Passion of the Christ (Sự khổ hình của Chúa Giesu) được tạp chí Entertainment Weekly đánh giá là “bộ phim gây tranh cãi nhất của mọi thời đại”.

Bộ phim ồn ào nhất trong lịch sử Hollywood này đã chia rẽ công chúng và tín đồ tôn giáo ra hai phe khác nhau: ủng hộ hoặc chí trích gay gắt. Thậm chí nó đã làm Vatican nổi giận khiến chút nữa Mel Gibson trở thành kẻ thù của Tòa thánh và các tín đồ công giáo.


Nhưng ngược lại, bộ phim đã củng cố vị thế và danh tiếng của Mel, đồng thời mang lại cho nhà sản xuất khoản lợi nhuận khổng lồ: 610 triệu USD.

Thế nhưng định luật này hoàn toàn ngược lại ở Việt Nam, tiêu biểu ở dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn: thông tin càng “bom tấn” bao nhiêu càng khiến cho dự án có nguy cơ thất bại bấy nhiêu, bị chi phối bởi nhiều nguyên do.

Về kinh nghiệm, điện ảnh Việt Nam chỉ có nền tảng phim tâm lý nhỏ, hiện đại và cận đại. Ngay những phim chiến tranh cũng chưa thể nói là những phim sử thi vì thường tránh né những đại cảnh trận chiến lớn và khốc liệt. Những phim sử thi cổ trang lại càng hiếm, kinh nghiệm của những nhà điện ảnh Việt gần như bằng 0.

Về vật chất, Việt Nam chưa bao giờ có một phim trường đúng nghĩa, ngay những phim hiện đại với bối cảnh đơn giản cũng được thực hiện theo kiểu tạm bợ, chụp giật, thuê mượn.

Trường quay phim cổ trang đương nhiên cũng chưa bao giờ tồn tại. Nếu xoay xở bằng cách tận dụng những hoàng cung, đền điện có sẵn như đạo diễn Hải Ninh đã làm với Đêm hội Long Trì cũng chỉ thỏa mãn được một phần rất nhỏ nhu cầu, chưa kể những ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm cũng như với di tích. Cở sở vật chất cũng coi như bằng 0.

Thêm nữa thiết bị công nghệ của chúng cũng quá thiếu thốn. Những công nghệ hiện đại phục vụ đại cảnh như flying camera, cần trục lớn… đều chưa có, nếu thuê mượn cũng phải thuê luôn chuyên gia vì nghệ sĩ của ta chưa được được sử dụng. Cách phối hợp và tư duy bài bản với kỹ xảo, công nghệ từ trên bàn giấy chưa bao giờ được thực hiện.

Giới làm phim vẫn lưu truyền câu chuyện kỹ xảo của một bộ phim lịch sử đáng giá bạc tỷ khác của một đạo diễn tên tuổi. Lẽ ra phải tính toán phác thảo và các cảnh quay thực kết hợp kỹ xảo từ trên giấy hoặc đồ họa máy tính từ trước khi quay, sao cho mật độ, cự ly và tỷ lệ giữa bối cảnh, con người, bom đạn, máy bay… sao cho hợp lý; phim này lại được làm ngược lại: khi quay xong rồi mới đưa lên bàn làm kỹ xảo.

Kết quả là luật xa gần, các tỷ lệ trong phim bị rối loạn; thêm việc đạo diễn quá tham “chấm” thêm nhiều máy bay khiến kỹ xảo quá “phô”, không hiệu quả; coi như công nghệ của ta cũng gần bằng 0.

Trên một nền tảng gần như toàn 0 như vậy, Hà Nội lại đưa ra một dự án quá lớn, quá quy mô, quá choáng ngợp… và đó chính là đầu mối của mọi sự rối ren.

Có thể ví những nhà làm phim Việt như những đứa trẻ con vốn chỉ được mẹ giao cho ít tiền đi chợ mua rau, nay bỗng nhiên bố lại đưa cho một số vốn lớn và bảo: hãy làm ăn đi, nhưng làm ăn thế nào và bắt đầu từ đâu đứa trẻ lại không được chỉ tường tận.

Tóm lại, quy mô của dự án phim Lý Công Uẩn là “quá sức” so với nền điện ảnh mỏng manh của Việt Nam hiện nay. Một khối lượng công việc đồ sộ nhưng không ai biết cụ thể phải bắt đầu từ đâu, quy trình như thế nào, không ai dám đứng ra chịu trách nhiệm, cũng không người nào đủ uy tín để nhà đầu tư giao hẳn cho trọng trách lớn.

Thế nên những việc “thi kịch bản, đấu thầu đạo diễn” mới diễn ra, và sự thiếu chuyên nghiệp lại càng trở nên bát nháo khi miếng bánh quá lớn, mà Tài, Tâm, Tầm, và Đức của những người tham gia lại nhỏ.


Thêm việc bản lĩnh của những nhà quản lý quá kém khiến họ chao đảo mệt mỏi với các loại ý kiến của dư luận. Đất nước còn nghèo, biết rồi, nhưng đẩy mạnh đất nước bằng con đường văn hóa nghệ thuật cũng tối quan trọng. Đây chính là dịp để điện ảnh, loại hình nghệ thuật có sức lan tỏa mạnh nhất, có cơ hội tuyệt vời để bật lên, vượt ra khỏi sự manh mún, bé mọn từ trước đến nay.

Thế nhưng không có nhà quản lý nào dám kiên quyết chịu trách nhiệm và thực hiện ý tưởng; không có quan chức văn hóa nào coi đây là cơ hội để xây dựng nền móng chuyên nghiệp hóa và nâng tầm điện ảnh lên.

Kết quả là tưởng Cụ Lý cho con cháu một cơ hội thay đổi bộ mặt điện ảnh, Cụ lại đâm đau lòng vì đám con cháu hằm hè, tranh cướp giằng xé dự án phim về Cụ và những người có liên quan bị cuốn vào vòng xoáy hỗn độn chưa biết bao giờ kết thúc.

Lý Công Uẩn - đức vua anh minh một thời, 1000 năm trước đã đưa ra quyết định lớn lao và quan trọng mà sử sách còn mãi lưu truyền. Thì nay, 1000 năm sau, con cháu Cụ những muốn làm một tác phẩm nghệ thuật để cung kính tôn vinh quyết định trọng đại của Cụ, nhưng đáng tiếc thay đến giờ này, ngàn năm Thăng Long không còn xa nữa, vẫn chưa ai có được sự quyết liệt, sự nhìn xa trông rộng để gánh vác, chuyên chở những tâm nguyện của cố nhân…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày