Hỏi: Nhân mùa Vu lan, tôi có cơ duyên tham dự nhiều lễ thí thực, phóng sinh. Tôi rất hoan hỷ khi được trực tiếp phóng sinh chim cá. Nhưng chính bản thân cũng hơi bối rối khi nghĩ về kết quả, cùng những tác động đa chiều đến môi trường của việc phóng sinh như cách làm hiện nay. Tôi có tâm sự chuyện này với người bạn đạo và khá ấn tượng với nhận định của bạn ấy là nên phóng sinh với trí tuệ. Tôi đã suy ngẫm về điều này nhưng chưa thực sự thấu đáo. Mong được quý Báo chia sẻ thêm.
(NGỌC QUÝ, ngocquy…@gmail.com)
Bạn Ngọc Quý thân mến!
Từ bi và trí tuệ là nền tảng căn bản của mọi pháp hành Phật giáo. Phóng sinh cũng vậy, phải luôn đầy đủ từ bi và trí tuệ. Phóng sinh là thể hiện đức hiếu sinh, động lòng bi mẫn, không nỡ nhìn chúng sinh sắp bị giết hại liền ra tay cứu giúp, phóng thích để chúng được tự do trở về môi trường sống của nó. Sau khi được phóng sinh, thú chạy vào rừng, chim bay lên trời, cá xuôi theo dòng nước, tất cả đều an vui. Phóng sinh như thế phước đức vô lượng.
Ngày xưa, thợ săn chim thú rồi bày bán ven rừng, dân chài bắt được cá thì bày bán bên sông. Thấy các con thú cùng chim cá sắp bị giết thịt, người phóng sinh bèn mua lại rồi thả các loài ấy về đúng với môi trường sống xưa nay của chúng. Phóng sinh đơn giản như thế nhưng mang đến kết quả rất tốt đẹp, các loài được phóng thích đều khỏe mạnh, không tác động đến môi trường, không ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái.
Ngày nay, chúng ta thực hành phóng sinh là điều tốt, đức hiếu sinh cần được phát huy. Tuy nhiên chúng ta cần suy ngẫm sâu sắc, phát huy trí tuệ để phóng sinh đúng pháp, nhằm mang đến lợi ích đích thực, tránh việc làm tổn hại, tạo đàm tiếu và gây ngộ nhận về việc phóng sinh.
Về những điều cần suy ngẫm khi phóng sinh. Trước hết, nguồn chim cá phóng sinh (số lượng lớn) hiện nay phần lớn là do thương lái cung cấp. Cá được nuôi trong ao hồ nước tĩnh, ăn thực phẩm công nghiệp, khả năng tự sinh tồn thấp. Thử nghĩ, nếu thả cá ấy vào sông lớn, nước chảy mạnh, nguồn nước sông bị ô nhiễm, nhiều kẻ thù đang chờ đợi… thì đó là đại nạn, cơ hội sống sót của chúng sẽ không nhiều, nói gì đến an vui.
Chim phóng sinh (đa phần là chim sẻ) nếu lấy từ thương lái cũng vậy. Người ta bẫy chim gom nhốt rồi giao cho thương lái, sau đó cung cấp cho người có nhu cầu phóng sinh. Sau khi chim được phóng sinh, một phần bị chết, phần khác thì bị thương, kiệt sức hoặc yếu ớt, chỉ còn một số khỏe mạnh mà thôi.
Đáng nói là chim cá ấy đang yên lành, không có nguy cơ bị sát hại, chỉ vì phóng sinh chưa đúng cách nên chúng bị hại một cách oan uổng. Mặt khác, sự phóng sinh với số lượng lớn chim, cá (rùa, rắn, lươn, ếch) vào môi trường sẽ dẫn đến nguy cơ mất cân bằng sinh thái, có hại cho các loài nhiều hơn. Bất cứ việc làm nào, dù nhân danh bất cứ điều gì mà không mang lại an vui hoặc làm tổn hại thì không có phước đức. Do vậy cần phải điều chỉnh nhận thức và quy cách phóng sinh sao cho thực sự lợi ích.
Cách đơn giản nhất là ra chợ trực tiếp mua thú, chim, cá (sắp bị giết thịt) mang về phóng sinh. Cần tìm hiểu kỹ càng về các điều kiện sống của chúng cùng những tác động xấu đến môi trường (nếu có) trước khi phóng sinh. Không phóng sinh theo cảm tính, không nên phụ thuộc vào dịch vụ cung cấp nguồn chim cá. Không quá nặng nề hình thức như số lượng phải nhiều, cầu cúng quá lâu. Tìm cách cứu thoát các loài sắp bị giết thịt, đưa chúng về nơi an toàn, sinh sống khỏe mạnh đó là phóng sinh với trí tuệ.
Phóng sinh loài vật nhằm nuôi dưỡng từ bi. Phóng sinh tối thượng là cứu giúp con người thoát khỏi oan ức, giành lại quyền sống đích thực cho con người.
Chúc bạn tinh tấn!