GN - Chúng ta còn nhớ vụ việc về dị vật trong sản phẩm thức uống của Tân Hiệp Phát hai năm trước đây, cũng như các vấn đề liên quan gây xôn xao dư luận, khi Tân Hiệp Phát càng cố gắng xử lý thì càng đẩy sự khủng hoảng đi vào tình trạng phức tạp, rối ren thêm, và kết quả là tạo thêm sự không thiện cảm trong người tiêu dùng. Hậu quả ai cũng có thể hình dung, đó là thiệt hại lớn tới uy tín thương hiệu, khó để khắc phục.
Một phần của hiện tượng trên là do bối cảnh xã hội hiện nay rất khác với xã hội truyền thống, khi thông tin bùng nổ, đặc biệt là mạng xã hội, mà hầu như bất cứ cá nhân nào cũng có thể tham dự và có ý kiến, phản biện. Trong khi đó, cách xử lý cũ không còn phù hợp, phương tiện không những đã không giúp họ đạt được mục đích mà còn “đổ thêm dầu vào lửa”, làm cho tình hình nhiều lúc thêm phức tạp.
Trong đạo Phật, khi phương tiện và cứu cánh trở nên là một
thì việc làm mới có được kết quả tốt đẹp - Ảnh minh họa
Hay một vụ việc khác: 173 người ở Bến Tre ăn bánh mì mua tại một tiệm bán thức ăn bị ngộ độc thực phẩm; một số đã đâm đơn kiện và tòa án tại địa phương đã xử thua nguyên đơn vì lý do đã không cung cấp được hóa đơn... mua bánh mì!
Việc xử thua đó, dĩ nhiên là rất hợp lý, nhưng đã bị dư luận phản ứng gay gắt bởi những viện lý nguyên tắc cứng nhắc của tòa án, và thiệt hại lớn là công lý.
Đó là chưa kể đến những trường hợp do nóng vội đã tự phá vỡ quy trình, phát ngôn hùng hổ nhưng thái độ và hành động thì thờ ơ, “đánh trống bỏ dùi”, lời nói không đi đôi với việc làm, không nhận thức vai trò trách nhiệm mà tự huyễn hoặc về đặc quyền để rồi có những việc làm tổn thất niềm tin trong số đông, gây ngộ nhận cho cả hệ thống tổ chức.
Cứu cánh của công lý là sự công bằng, và hơn cả là niềm tin của số đông. Để đi tới được cứu cánh đó, phương tiện được vận dụng phù hợp với thời duyên, tránh các cực đoan lấy cứu cánh để biện minh cho phương tiện hay bám vào phương tiện một cách cứng nhắc mà xa rời cứu cánh. Không chỉ có thiện chí là có thể bất chấp các nguyên tắc cũng như kinh nghiệm truyền thống, sứ mệnh và vai trò lịch sử mà mình đang làm đại diện. Cũng không phải cứ bám chặt vào nguyên tắc để ứng xử là đạt đến được mục đích mong muốn.
Trong đạo Phật, khi phương tiện và cứu cánh trở nên là một thì việc làm mới có được kết quả tốt đẹp. Phương tiện không thể tách rời cứu cánh, không để biện minh cho cứu cánh; ngược lại cũng vậy, không lấy cứu cánh để bất chấp tất cả. Do đó Hoa nghiêm, một bộ kinh Đại thừa quan trọng đã nhấn mạnh, rằng (nếu) bỏ quên tâm Bồ-đề mà làm các thiện sự (thì đó) là việc của ma (vong thất Bồ-đề tâm tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp).
Chính vì vậy, con đường trung đạo là thế cách được đề cao trong hành xử của người Phật tử. Thế cách đó nhắc nhở người Phật tử mục tiêu của đời sống là giải thoát và giác ngộ cho tự thân và mang lại niềm tin, an lạc cho số đông; nếu bỏ quên cứu cánh đó thì mọi phương tiện đều không còn ý nghĩa, dẫu rằng việc làm được cho là thiện lành. Nếu cố chấp, bám vào các cực đoan trong bối cảnh truyền thông hiện nay, chắc chắn sẽ dẫn tới các khủng hoảng, và tổn thất lớn là đạo Phật.