Phương xa nhắn bạn xuất gia

GN - Sáng nay nghe tin bạn đã chính thức xuất gia sau thời gian tập sự - quả thực là một việc thiện lành bậc nhất thế gian. Tôi biết bạn đã tâm niệm việc xuất gia này từ rất lâu rồi. Thời gian thử thách tập sự xuất gia, nếu có dài hơn thế nữa, chắc cũng không khiến bạn chí nguyện lung lay.

Thử thách, dẫu sao vẫn phải có, là để nhắc nhở mình rằng con đường phía trước không hề dễ đi. Có người tưởng rằng xuất gia là chạy trốn cuộc đời, sống đời nhàn rỗi, hưởng thụ cúng dường... hoàn toàn sai lầm rồi. Người xưa nói, “Xuất gia là việc của bậc đại trượng phu, chẳng phải việc quan tướng có thể làm được”.

anh  minh hoa.jpg


Tranh minh họa của Làng Mai

Tổ thứ chín tông Tịnh Độ, Đại sư Ngẫu Ích sau khi xuất gia, thọ Đại giới, cảm thấy mình không thể giữ trọn giới thể nên đã xin xả giới Tỳ-kheo, tự xưng là Sa-di Bồ-tát giới. Đệ tử của ngài, Pháp sư Thành Thời, thấy sư phụ xưng là Sa-di, không thể nào học trò lại lớn hơn sư phụ, không dám xưng Tỳ-kheo, xưng là xuất gia Ưu-bà-tắc, cho thấy việc giữ gìn giới luật là rất quan trọng. Ấn Quang đại sư cũng là vì việc này mà không khuyến khích người xuất gia, không phải vì Ngài không nghĩ đến việc nối dòng huệ mạng Phật, mà chỉ vì từ bi nghĩ cho chúng sanh nếu không thể giữ Đại giới mà xuất gia e sẽ bị đọa lạc.

Người gánh vác được trụ cột nhà Như Lai thì ít nhưng người đem tâm vô thường mong muốn xuất gia lại nhiều, vì vậy Ấn tổ không khuyến khích xuất gia, cũng là có cái lý của Tổ. “Hạt gạo của thí chủ nặng như núi Tu Di, đời nay không liễu đạo, đem lông đội sừng trả” mà. 

*

Cách đây nửa năm, một người bạn của tôi sau lần đầu viếng thăm một ngôi chùa liền lập tức phát tâm xuất gia. Nghe chuyện ấy trong lòng tôi có chút gợn. Tôi nghĩ đến hai loại người, một loại người có thiện căn tiền kiếp sâu dày, đời này vừa gặp Phật pháp liền một lòng quyết tâm dành trọn cuộc đời cho việc học Phật; còn một loại người là... cả thèm chóng chán, không hề có chính kiến riêng. Đáng buồn là người bạn kia rơi vào trường hợp thứ hai. Không sao, ít nhất thì bạn ấy đã quay trở lại khi chưa để xảy ra việc gì ảnh hưởng đến Phật pháp, đó là tôi nghĩ như vậy. 

Có thể nói đến đây sẽ có người nói, ai cũng nghĩ như tôi thì còn ai dám xuất gia? Không có người xuất gia thì ai sẽ đảm đương việc nối dòng huệ mạng Phật? Ai sẽ hoằng truyền Phật pháp cho người đời sau?

Thực ra người nung nấu chí xuất gia tu đạo, dù khó dù khổ thế nào cũng tìm cách để vượt qua, bạn có đồng ý không? Nhị tổ Thiền tông Trung Hoa, ngài Huệ Khả khi đến cầu đạo với Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma đã quỳ suốt đêm trong trời tuyết lạnh, chặt cánh tay để chứng tỏ lòng cầu pháp. Gương sáng người xưa ý chí xuất gia cầu học rất nhiều, đây chỉ nói một việc như thế, để thấy rằng chí nguyện xuất trần đâu thể dễ bị lung lay. Bậc pháp khí thiện căn sâu dày, một lòng kiên dũng, đối với Phật pháp thâm sâu vi diệu, còn tự hỏi dám hay không dám nữa hay sao?

Cho nên việc “ai dám xuất gia” thiết nghĩ không cần bàn tới. Còn việc hoằng truyền Phật pháp, duy trì Phật pháp cho đời sau, tôi trộm nghĩ, trước không thành tựu chính mình, sao dám vọng tưởng nghĩ chuyện độ sanh? Thánh giáo của Như Lai phải là người nào mới có thể gánh vác, tôi thật không dám vọng ngữ, nhưng dám chắc những người còn đang tự hỏi có dám xuất gia hay không thì không đủ tư cách dự vào hàng này! 

Thử nói, thế nào mới là chân thật hoằng pháp lợi sanh? Phải in cho nhiều bộ Đại tạng kinh? Hay phải xây dựng nhiều chùa chiền, tổ chức nhiều pháp hội? Cũng tốt, cái nào cũng tốt. Đại tạng kinh in ra rồi, ai sẽ học, ai sẽ giảng? Chùa chiền dựng lên ai sẽ tu? Pháp hội tổ chức ra làm sao cho mọi người biết được ý nghĩa chân thật sau các lễ nghi tụng niệm? Đó mới là điều đáng nói. Mỗi hành động, từng câu chữ trong Phật pháp đều có ý nghĩa của riêng nó, tính biểu pháp rất cao.

Chúng ta hàng ngày đọc kinh, kệ khai kinh có câu, “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, giải được Như Lai chân thật nghĩa mới xứng đáng hoằng pháp lợi sanh. Giải sai Như Lai chân thật nghĩa thì không còn gì để nói, hại mình hại người, hậu quả vô cùng. 

Lại nói, làm thế nào để giải Như Lai chân thật nghĩa? Phải thâm nhập kinh điển, kinh điển là căn cứ duy nhất để tin tưởng, “ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”. Thâm nhập kinh điển, lý giải kinh điển, nhưng không chấp trước văn tự, bởi vì “y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan”. Thâm nhập kinh điển rồi phải thật làm, những lời Phật dạy phải làm cho được, trước không làm được mười phần cũng phải làm được đôi ba phần, dần dần tiến lên đến viên mãn.

Thâm nhập kinh điển là giải, thật tu thật chứng là hành, giải hành tương ưng, tự hành hóa tha, được như vậy thì không muốn mang danh hoằng pháp độ sanh cũng đã tỏa hương danh Thích tử, tự mình làm một tấm gương sáng học Phật cho thế gian cũng đã một phần “thượng báo trọng ân”, đâu cần phải lưu danh sử sách thì mới có thể chuyển Pháp luân cùng Tam thế Phật?

Cho nên, đã cạo đầu xuống tóc, thì phải buông bỏ lợi ích cá nhân, đã thọ Đại giới, đắp đại y thì nhất định trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sanh. Độ chúng sanh bắt đầu từ đâu? Có phải nên bắt đầu từ chúng sanh, nào nào, chúng sanh hãy ngồi lại nghe ta thuyết giảng, có phải chăng? Ngoại đạo rồi, là ngoài tâm cầu pháp, là ngoại đạo rồi. Anh có tư cách gì để thuyết pháp độ sanh? Pháp anh thuyết đó anh có làm được hay không? Phải nhìn lại chính mình trước vậy. Tứ hoằng thệ nguyện nói thế nào? Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, đây là lập nguyện. Hạ thủ công phu thì bắt đầu từ chính mình, bắt đầu làm bằng “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Nói như Tuyên Hóa thượng nhân: “Thủ khẩu nhiếp ý thân mạc phạm/ Mạc não nhất thiết chư hữu tình/ Vô ích khổ hạnh đương viễn ly/ Như thị hành giả khả độ thế (Gìn lời giữ ý, thân chớ phạm/ Chớ gây phiền não hại chúng sanh/ Vô ích khổ hạnh cần xa lánh/ Hành giả như thế khéo độ đời).

*

Nói đi nói lại, vẫn là phải tự quay lại hỏi chính mình đã xứng đáng hay chưa. Chính mình đoạn phiền não tới đâu; chính mình còn tham danh văn lợi dưỡng, còn tự tư tự lợi hay không; thân khẩu ý của mình đã tương ưng với giới luật, tương ưng với lời dạy trong kinh điển hay chưa. Thường tự khéo phản tỉnh thì đường đạo sẽ có tiến bộ, nhược bằng chẳng biết cung kính, tàm quý thì câu nói “trước cửa địa ngục Tăng đạo nhiều” sao tránh khỏi có phần mình ghi danh!

Mừng cho bạn đã bước đi một bước quan trọng trên đại đạo Giác ngộ, cũng là cầu nguyện cho bạn vững tâm Bồ-đề. Nghĩ lại bản thân vẫn còn ở nhà thế tục, bị phiền não trói buộc, tự thấy xấu hổ, đành phải tự nhắc mình tinh tấn hơn nữa, hy vọng sớm đi cùng bạn trên đại đạo Bồ-đề, nguyện cùng làm đồng đạo nơi Tây phương Cực Lạc. 

MỘT HỌC SINH (Canada)

_________________

* Bài vở cộng tác trang Phật giáo - Tuổi trẻ, mời bạn gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày