Qua rồi giấc mơ “chợ trời”

Giác Ngộ - Trong phòng khám từ thiện nhỏ bé, cô được mọi người biết đến và gọi với cái tên trìu mến: "Sư cô lương y". Bởi từ ngày mở phòng khám từ thiện, cô chưa bao giờ từ chối bốc thuốc cho bất kỳ bệnh nhân nào.

Có lẽ với vị sư ấy, được chữa trị cho bệnh nhân là niềm vui và tâm nguyện lớn nhất. Nhưng có ai ngờ, để có được cuộc sống an vui như ngày nay, cô đã phải trải qua chặng đường đời đầy thử thách khốc liệt…

chotroi.gif

Cô cùng bà con bốc thuốc cho bệnh nhân tại chùa Phật Bửu, Long An

Tuổi thơ gai góc

6 tháng tuổi đã mất cha, lên 11 tuổi lại mất mẹ. Kể từ đó cô và anh mình lao vào cuộc sống. May mắn đời cô lúc đó có lẽ là được người anh trai hơn cô 5 tuổi yêu thương và lo cho cô, hướng dẫn nhiều kế sách mưu sinh. Anh cô luôn "trang điểm" cho cô cái đầu "húi cua" và luôn luôn là chiếc quần soọc để phù hợp với công việc ngoài vỉa hè. Nghề chính của hai anh em lúc đó là bán báo dạo. Buổi tối khi bán hết báo, cô đi đá banh, học võ Thiếu Lâm lò Huỳnh Tiền. Dáng người nhỏ nhắn nhưng cô chưa bao giờ để thua một ai hay để ai ăn hiếp. Cô kể: "Có lần, cô đập hai thằng đánh giày lớn hơn cô mấy tuổi vì tội ăn cắp đồ của khách ở nhà hàng. Nhờ vậy mà chủ nhà hàng ưu tiên cô bán báo "độc quyền" tại nơi đây". Chuyện đánh nhau tranh giành cuộc sống là chuyện xảy ra thường xuyên. Nhưng giấy rách vẫn giữ lấy lề, anh em cô vẫn tiếp tục đi học.

Sau đó vài năm, người anh bị bắt đi quân dịch, còn cô đã trở thành thiếu nữ. Dần dần, công việc bán báo không còn thích hợp nên cô được người quen giới thiệu vào làm pha chế tại Nhà hàng Thanh Bạch. Hai năm sau, cô lập gia đình với người cùng cảnh ngộ và cùng làm việc tại nhà hàng. Nhưng lấy chồng gánh nặng lại chồng lên vai, vừa lo chồng vừa lo con trong khi đó bom đạn chiến tranh ngày càng khốc liệt. Trong pháo kích, cô đã phải "hai lần sanh non vì bị cảnh sát rượt đuổi với tội lấn chiếm vỉa hè"…

Rồi hòa bình lập lại, cô mừng vì nghĩ chồng không còn phải đi lính nữa, cô đỡ vất vả hơn. Nhưng không ngờ ngày hạnh phúc đó đã thay thế bằng lá đơn ly dị. Cô lại ngậm ngùi ôm bốn đứa con về vùng kinh tế mới Lê Minh Xuân sinh sống. Lúc đó "đứa con lớn mới 10 tuổi, đứa út có 4 tuổi". Nỗi đau này vừa qua thì nỗi đau kia lại đến. Cùng lúc đó, người anh trai duy nhất của cô lại qua đời. Cô đã phải gượng mình đứng dậy vì các con. Cô làm đủ nghề để nuôi các con. "Vừa bán nước mía, bán cừ tràm, bán quán nhậu, chất đốt, cò đất, bảo kê…Cuối cùng là chủ nhà hàng karaoke". Bằng nhiều nghề mưu sinh, cô đã nuôi các con trưởng thành như quyết tâm cô đặt ra. Nhưng rồi trong một lần chứng kiến điều hy hữu, bước ngoặt cuộc đời cô đã thay đổi từ khi đó.

Nhân quả báo trước

Nhà hàng cô mở lúc đó ăn nên làm ra, khách khứa đặt tiệc tấp nập. Nhờ quen biết và có uy tín nên cô được người bạn tin cậy đặt bàn tiệc tổ chức đám cưới. Như thường lệ, cô chuẩn bị đầy các món đãi khách. Nhưng lạ là trong hai mươi con cá diêu hồng đã bị phụ bếp đập đầu, móc mang có một con vẫn vẫy vùng, bơi bình thường trong chậu nước. Thấy vậy, cô cùng người nhân viên đem cá ra sông thả. Kỳ lạ là "cá vẫn bơi, chính lúc đó tôi đã bừng tỉnh. Tôi chợt nhớ đến câu: Cuộc đời sắc sắc không không. Chúng sanh hãy sống hết lòng với nhau". Tôi quay về và quyết định ngưng nấu bếp ngay từ hôm đó. Ngẫm nghĩ về những việc làm trước đây, "tôi thấy lòng mình bắt đầu bất an và dự đoán nghiệp chướng gần đổ về".

Vậy là năm sau, "tôi sang hẳn tiệm cho người khác, không kinh doanh và đi học ngành y học cổ truyền". Học xong, cô đã về tịnh thất An Nhiên, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An mở điểm hốt thuốc từ thiện cho người nghèo. Như nhân duyên, bốn năm sau cô chính thức xuất gia, thọ giới Sa di, trở thành tân trụ trì và cống hiến hết lòng cho đạo pháp từ ngày đó.

Ngày cô đưa giấy cho các con ký đồng ý cho mẹ xuất gia, không một đứa nào đồng ý. Nhưng rồi cô đã thuyết phục và quyết chọn cửa Phật sống vui tuổi già. Cuối cùng các con cô cũng chấp thuận cho cô toại nguyện.

Trong ngôi tịnh thất cũ kỹ, hàng ngày ngoài tu tập, thời gian còn lại cô dồn hết cho hốt thuốc từ thiện. Cái rách nát của chòi tranh hay xuống cấp của mái ngói dột manh mún khi mưa về không đủ làm lạnh tấm lòng của sư cô ấy. Bởi lẽ, cái ấm cúng của tình người ở vùng sâu đã làm cho ngôi chùa nhỏ đông vui từng ngày. Nhiều người đến trị bệnh, khi hết quà mà họ trả ơn là những tháng ngày ròng rã đi khắp nơi tìm cây thuốc, chặt về tiếp tục công quả giúp cho những người khác. Chị Xuân, quê ở tận Nam Định chia sẻ: "Có thời gian tôi bị bệnh nặng. Nhờ duyên lành đến được với sư cô và được cô chăm sóc, giúp đỡ. Vì vậy mà thời gian ngắn sau tôi khỏi bệnh hẳn. Thấy vậy, tôi đã xin ở lại chùa làm công quả. Một mặt tăng thêm phước đức, mặt khác là để trả lại cái ơn chữa bệnh của sư cô".

Có vậy mới biết, bệnh nhân đến với sư cô đa phần có hoàn cảnh khó khăn, lam lũ nhưng lại chất phác dễ thương vô cùng. Và chính "tấm chân tình của bà con, bệnh nhân đã tiếp thêm nhựa sống, giúp hành trình đem thang thuốc đến đồng bào nghèo với tôi giờ không còn là khó khăn và mệt mỏi". Cuộc đời tôi trải qua nhiều sóng gió và không ít lần tôi khóc vì tự phải bươn chải lo cuộc sống mà không có một người chia sẻ hay an ủi lấy một câu khi tôi mệt mỏi. Nhưng cũng chính vì vậy mà tôi sống rất mạnh mẽ. Nếu ngày xưa tôi làm chủ cuộc đời thì ngày nay tôi làm chủ nghiệp lực bản thân. Có lẽ điều may mắn nhất đời tôi là tôi đã ngộ ra được khổ đau và tìm về được với kinh Phật. Tôi đã quyết tâm dành hết thời gian còn lại của cuộc đời để làm từ thiện, tu tập và sám hối. Giờ đây niềm vui lớn nhất của tôi là được tận tay bốc thuốc, chăm sóc cho người bệnh. Tôi nhớ nhất là kỷ niệm khi đến với bà con vùng lam lũ, chữa hết bệnh bà con hay biếu quà. Nhận quà mà tôi không cầm nổi nước mắt. Có khi là cây chổi, có khi là mụt măng và có người thiệt tình cho cả... cặp gà. Thấy vậy, tôi thương lại càng thương và thấy quý, trân trọng vô cùng, cô Diệu Thiện tâm sự.

"Ước mơ và tâm nguyện lúc này của tôi là thời gian tới có duyên sẽ mở rộng thêm ngôi tịnh thất để có thể có không gian thoáng hơn cho các cụ già neo đơn sinh sống hay bệnh nhân ở xa xin ở lại tá túc. Nói thật, khi thấy các cụ nơi xa tới chữa bệnh sau đó xin ở lại làm công quả, chặt cây thuốc cúng dường là tôi mừng lắm. Nhưng khi nhận các cụ ở lại chùa thì phải lo chu đáo, đàng hoàng cho các cụ. Vì suy cho cùng, tuổi các cụ đã cao, có người đáng tuổi cha,mẹ nên nếu không lo được cuộc sống bình yên cho các cụ thì tôi thấy bứt rứt, hổ thẹn vô cùng".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày