Từ ngày biết tôi thích bài hát ấy, lần nào trông thấy tôi ra là bà cụ bán hàng nước ở đầu ngõ của khu tập thể Mỏ (trên đường Hoàng Quốc Việt) lại bảo cô cháu gái xinh xắn có mái tóc dài tết thành hai bím dễ thương, cho cái băng ghi lại từ chương trình ca nhạc theo yêu cầu của đài Hà Nội vào chiếc cassette kiểu cũ và bật lên. Âm thanh hơi rè nhưng vẫn có thể nhận ra được giọng của cô ca sĩ răng khểnh gốc Hà thành đằm thắm, mượt mà với giai điệu chầm chậm, diết da của tình yêu và nỗi nhớ...
Nhớ bát nước chè xanh - Ảnh: Trưong Công Ánh
Bà cụ bán hàng nước xấp xỉ tuổi bảy mươi, mái tóc ngả hết màu muối tiêu nhưng trông vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. Là khách quen của bà từ khi về trọ ở khu này nhưng tôi chưa biết tên bà là gì, hay nói đúng hơn là chưa một lần hỏi tên của bà. (Hóa ra những gì quá đỗi bình thường, giản đơn trong đời này như việc hỏi tên một bà bán hàng nước quen thân, người ta thường không hay chú ý, lơ đễnh bỏ qua)...
Quán của bà bình dị với một ấm trà lớn (kiểu ấm tích ngày xưa) được ủ trong một chiếc tráp đan bằng mây; một ít kẹo lạc, ngô cay; dăm ba chai nước ngọt... Chỉ có vậy nhưng đều đặn tối nào bà cũng dọn hàng ra, trừ những ngày mưa. Bà cười, nụ cười thành thật, đầy hiền hậu: "Khách quen người bán, người bán cũng quen khách rồi. Chỉ cần nghỉ một buổi không ra thôi là tối hôm ấy cứ thấy nhơ nhớ, thiêu thiếu cái gì đó trong nếp sống hằng ngày của mình...".
Quả thật, người ta đến với quán cóc liêu xiêu của bà không chỉ để uống một cốc trà nóng trong không gian se lạnh của mùa, trầm ngâm suy tư mà còn được để trò chuyện với bà, nghe bà kể chuyện... Bà kể về đời mình, từ khi về làm dâu thành phố như thế nào, đã thầm lặng gắn bó với phố phường Hà Nội này ra sao... Tôi ngồi lắng nghe và tưởng tượng, hình dung thấy thấp thoáng đâu đó cái bóng nhỏ lầm lũi của một người đàn bà chịu thương chịu khó với những giọt mồ hôi của sự tảo tần... Dường như tất cả đường phố, các con hẻm của đất Hà thành này đều có bàn chân của bà đặt lên...
Rồi hết chuyện mình bà lại kể sang chuỵện người - những chuyện bà mắt thấy tai nghe từ chính cái quán nước nhỏ của mình tối tối... Đó là chuyện cô hàng bán ngô nướng và bánh khoai bên cạnh, nghe tin anh chồng trúng xổ số đã nhảy lên như một đứa trẻ, bỏ cả bắp ngô đang nướng dở trên bếp than mà chạy về. Bà lắc đầu cười: "Trăm lần mới được một lần... Chả bù những lúc nước mắt ngắn nước mắt dài, bị chồng bòn tiền mua vé số". Rồi chuyện đám thanh niên choai choai bắt nạt một cậu bé đánh giày. Bà chép miệng đầy cảm thương: "Khổ, thể nào tối đó thằng bé cũng phải nhịn đói cho xem!"...
Cứ thế, những con người, những cảnh đời xung quanh như những cuộn phim nhỏ được ghi lại trong cái nhìn nhân ái đồng cảm của bà, để rồi người nghe ngồi bên cốc trà nóng lại bâng khuâng chiêm nghiệm về ý nghĩa cuộc sống từ những điều bình dị, giản đơn thường ngày như thế (mà không phải lúc nào chúng ta cũng nhận ra).
Cả bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, bà đều có mặt ở quán nhỏ ấy, nhưng tôi thích đến với quán của bà vào mùa đông nhiều hơn. Mà hình như chẳng phải riêng tôi, những người khách quen khác của bà cũng vậy. Liệu có phải vì: "Mùa đông lạnh buồn cho ta đến bên nhau..." - như câu thơ cô bạn thân của tôi đã viết? Chỉ biết rằng mùa đông lạnh, phố phường Hà Nội lạnh, nhưng quán nhỏ của bà thì không. Và tôi thích gọi nó bằng cái tên riêng đặc trưng ấy: quán mùa đông.