Quan niệm của người Phật tử đối với cái chết

Quan niệm của người Phật tử đối với cái chết
Giác Ngộ - Không những sống chết không đáng ngạc nhiên mà chúng ta cũng nên biết rằng, dù muốn dù không, sống chết là lẽ tự nhiên của thân thể, không làm sao tránh được.

Giảng bài này chúng tôi chỉ có một mục đích là nhắc lại cái quan niệm về cái chết mà Đức Phật đã dạy chúng ta. Chúng tôi lại còn tha thiết trông mong các đạo hữu cố gắng nhận thức và thực tập cái quan niệm ấy để tránh bao nhiêu sự phiền phức có hại về cái chết.

Mục đích của chúng tôi là như thế, bây giờ thì các đạo hữu hãy tưởng tượng đương đứng trước một người chết rồi, cùng chúng tôi đặt ra từng câu hỏi để ôn lại quan niệm về cái chết mà Đức Bổn Sư đã dạy.

Chết là gì?

Thông thường thì chúng ta thấy sống và chết là hai cái rất khác nhau và mâu thuẫn nhau. Nhưng nếu chúng ta nhớ lại đạo lý "vô thường" của Phật dạy thì không thấy có gì là lạ cả.

Theo lời Phật dạy, chúng ta thấy tất cả sự vật đổi dời luôn luôn, không một cái gì ngừng lại được một phút nào: nói về tư tưởng thì ta thấy mỗi một tư tưởng phát sinh rồi thì cũng diệt đi để tư tưởng khác tiếp tục phát hiện; nói về thân thể thì các tế bào luôn luôn thay đổi, lớp trước diệt thì lớp sau sinh.

Chính sự sinh diệt này đã liên tiếp tạo thành cái chết. Và chết là gì? Chỉ là kết liễu một giai đoạn đã tan và tiếp nối qua một giai đoạn mới mẻ khác.

Cho nên hàng ngày chúng ta luôn luôn sống chết và sự sống chết của thân thể chỉ như sự diệt đi để cho cái khác sinh ra của tư tưởng hay của tế bào mà thôi.

Xét như vậy thì chúng ta thấy không những vì có sống mới có chết, mà lại còn chính có chết mới có sống, nên không có chi đáng ngạc nhiên cả. Không những sống chết không đáng ngạc nhiên mà chúng ta cũng nên biết rằng, dù muốn dù không, sống chết là lẽ tự nhiên của thân thể, không làm sao tránh được.

Tại sao chết?

Như trên kia tôi đã nói, sự sinh diệt của thân tâm tạo thành cái chết. Nay căn cứ kinh luận, chúng ta thấy cái chết của tất cả mọi loài có bốn nguyên nhân sau đây:

- Nghiệp lực đã hết.

- Sắc thân suy đồi.

- Đồng thời nghiệp lực hết mà sắc thân cũng suy đồi.

- Do sức mạnh khác ở ngoài đến hủy hoại.

Ta hãy lấy cây đèn để thí dụ bốn nguyên nhân ấy. Một cây đèn có thể tắt vì:

- Tim cháy hết.

- Dầu khô hết.

- Cả tim và dầu đều hết.

- Một sức mạnh ở ngoài như gió thổi tắt.

Tuy cái chết là kết quả của những nguyên nhân như vậy, song quan hệ nhất là "nghiệp lực đã hết". Bởi vì như chúng ta đã biết, nghiệp lực tạo ra cái thân, nghiệp lực gây ra sự sống, cho nên sự chết cũng do nghiệp lực quyết định.

Ta hãy lấy một ví dụ: Ta dùng tay ném quả bóng, quả bóng ấy lên được trên không là nhờ sự ném và nó lên được cao hay thấp là vì sức ném mạnh hay yếu.

Thân thể của chúng ta cũng vậy: có ra là vì nghiệp lực, và sống được lâu hay mau cũng là vì nghiệp lực đã tạo.

Theo cái thí dụ giản dị trên, chúng ta thấy rằng quả bóng mà rơi xuống chính vì sức ném đã hết. Còn ngoài ra vì quả bóng lủng bể mà rơi hay vì vấp phải cái gì ngăn trở mà rơi đều là lý do phụ. Cũng như vậy, thân thể chết, nguyên nhân chính là vì nghiệp lực hết, còn ngoài ra sắc thân suy đồi hay các sức mạnh ở ngoài đều là nguyên nhân phụ thuộc? Và ở đây chúng ta phải chú ý một điều nữa, những nguyên nhân phụ ấy gây ra cái chết cùng là do nghiệp lực tác động.

Sau khi chết thì sao?

Như trên đã nói thì sự sống của chúng ta đây chỉ là sự biểu hiện của sự sinh diệt nhưng liên tục của tư tưởng và tế bào. Ta hãy chú ý lại chỗ này một chút. Tất cả tư tưởng và tế bào của chúng ta đều chuyển biến luôn luôn, trước diệt sau sinh. Và mỗi một tư tưởng thay đổi đều có liên hệ mật thiết đến sự thay đổi của thân thể, ví dụ như sự tuần hoàn của khí huyết (nghĩa là tâm lý liên hệ đến sinh lý). Như vậy, sau mỗi một tư tưởng thay đổi, thân thể của ta thiệt không y như trước nữa. Cho nên thân tâm của chúng ta hiện tiền luôn luôn sống và chết, chết rồi sống, lớp trước diệt, lớp sau sinh. Tuy vậy mà tâm thức của chúng ta không bao giờ gián đoạn cả. Chẳng qua sau một lần thay đổi thì thân thể cũng như tư tưởng của chúng ta lại tiếp qua một trạng thái có màu sắc khác trước mà thôi.

Sự sống chết từng phút chốc hiện tiền như vậy thì sự sống chết từng đời kiếp cũng như thế. Tâm tánh không bao giờ đoạn diệt. Chỉ có một điều là, chết nghĩa là nghiệp lực hết, cho nên tâm thức thoát thân cũ mà thọ thân mới. Thật ra cái thân cũ không mất hẳn đi đâu mà chỉ tan ra đất, nghĩa là vì nghiệp lực hết, nó không liên hệ (không sống) với tâm thức nữa mà thôi. Cũng như vậy, cái thân mới không phải là vật tự nhiên có, mà nó chỉ là sự cấu hợp của bốn đại chủng (thể cứng, thể lỏng, sức nóng, sức động) và liên hệ (sống) với tâm thức vì tâm thức đã do nghiệp lực mà sống với nó.

Xin nói tóm tắt, sau khi chết thì cũng như sống chết trong từng phút chốc, tâm thức không tiêu mất mà chỉ đổi một màu sắc mới và thọ một cái thân khác tùy theo nghiệp lực mình đã gây.

Biết như vậy rồi, quan hệ nhất là không cần sợ chết mà chỉ lo sự sống. Sống làm sao cho hiền lương, tẩy sạch tâm tánh cho thanh khiết. Đó mới là điều quan hệ cho sự vui khổ ngày sau, bởi vì chúng ta đã biết, sự sống khổ não hay an vui hoàn toàn do nghiệp lực chi phối.

Khi sắp chết và khi chết thì làm thế nào?

Trước hết hãy nói về tâm phải như thế nào khi sắp chết và lúc chết.

Ví dụ một cái nhà tối đã lâu ngày nhưng một phút cuối cùng có ánh sáng thì sáng hẳn cả nhà; ngược lại cái nhà ấy dù sáng lâu ngày mà phút cuối cùng tối thì cũng tối tất cả. Tâm của người chết đến phút sắp chết cũng vậy. Nó vô cùng mạnh mẽ và thay đổi được hầu hết màu sắc của tâm thức. Như vậy lúc sắp chết, người chết nên giữ tâm cho sáng suốt: coi cái chết là điều tự nhiên của lẽ vô thường, đừng nhớ hành vi tội ác đã làm, hãy cố nhớ và tự mãn những điều tốt mình đã thi thố, và nhất là đừng quyến luyến tài sản, gia đình, vì ái niệm là dây muôn thuở buộc ta trong sinh tử.

Đó là tâm, bây giờ nói về cảnh.

Khi một người sắp chết, ta nên sắp đặt như người Tích Lan: Chỉ để họ trong một cái phòng trống rỗng và sạch sẽ, dọn hết tất cả đồ đạc vì những thứ ấy làm rộn ràng tâm trí người chết và gợi cho người chết ý niệm không hay.

Đó là nói về tâm và cảnh của người chết, bây giờ chúng ta chú ý đến điều này hệ trọng hơn, là gia quyến đối với người chết. Quý hơn hết là trong phòng người chết chỉ để một vị sư, một tượng Phật (nếu có, còn không thì một người mà sinh thời người chết kính mến) để luôn luôn đề tỉnh tinh thần người chết, khuyên họ giữ ý niệm tốt, khuyên họ niệm Phật và to tiếng niệm Phật cho họ nghe. Ngoài ra, thì tất cả thân nhân nên lánh mặt, chỉ để một người bình tĩnh thường trực phòng cần dùng mà thôi. Tất cả thân nhân nên lánh mặt là vì sự có mặt của thân nhân thế nào cũng buồn rầu, khóc lóc trước cảnh biệt ly. Như vậy có khác gì người chết sắp đi đến chỗ đẹp đẽ mà mình kéo lùi lại. Tai hại không phải ít. Nhưng nếu thân nhân cũng biết chết là lẽ vô thường, cần biệt ly nhau bằng sự giúp đỡ cho người chết siêu thoát hơn là khóc than để tác hại cho họ, thì sự có mặt lại rất nên.

Nếu khi sắp chết và lúc chết mà giữ được như vậy thì người chết nào cũng được muôn phần lợi ích.

Sau khi chết, thân nhân nên làm gì?

Không nên ma chay cúng đám, nhất là không nên sát hại sinh linh. Thân nhân ta đã chết, ta lại giết hại sinh vật để cúng đám, thế có khác gì đã ngã còn xô đạp thêm? Thật là tai hại và vô ý thức.

Có người phàn nàn rằng cúng chay phiền phức. Nhưng chẳng lẽ ta không cố vượt qua một chút phiền phức ấy để báo hiếu người chết.

Cho nên sau khi thân nhân chết, ta nên giúp đỡ họ siêu thoát bằng cách tụng kinh bái sám, thực hành những điều lợi ích để hồi hướng cho họ; không nên làm cho họ sa đọa thêm vì sự sát sinh cúng tế.

Chết quả là điều hệ trọng. Để kết thúc câu chuyện về cái chết, xin lặp lại lần nữa một vài điểm sau đây:

- Chúng ta nên coi chết là một hiện tượng tất nhiên của luật vô thường.

- Sau khi chết thân này, ta tiếp tục thọ thân khác.

- Thân ấy tốt hay xấu, quả báo thân ấy chịu vui hay khổ là do hành động đời này quyết định.

- Vậy bây giờ ta phải cố gắng làm các điều thiện, tẩy các điều ác.

- Khi sắp chết thì tâm phải bình tĩnh, đừng nhớ lỗi cũ, cố nhớ điều lành đã làm, nhất là đừng quyến luyến gia đình, tài sản.

- Ta nên để người chết trong một căn phòng sạch sẽ với một vị sư, một tượng Phật để đề tỉnh tâm thần người chết và giúp đỡ cho họ tịnh niệm.

- Tuyệt đối không nên khóc than.

- Sau khi thân nhân chết nên giúp cho họ siêu thoát bằng cách thực hành các điều thiện.

- Không nên sát hại sinh linh cúng tế vì như vậy thì họ chưa đọa lạc tất phải đọa lạc, mà nếu đã đọa lạc thì càng đọa lạc thêm.

Cuối cùng, ta nên nhớ một câu mà Đức Phật luôn luôn dạy chúng ta: "Người làm điều thiện thì thức an vui, ngủ an vui, sống an vui mà chết cũng an vui". Vậy ta phải luôn luôn tu hành, làm mọi việc có ích, để dọn cho một cái chết cao khiết, đẹp đẽ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày