Quê hương

GN - Một sớm mai tôi tản bộ một vòng các con đường quanh khu nhà. Thật ngạc nhiên, khác với thường ngày, một không khí yên ả lạ thường, không còn cảnh xe cộ bóp còi inh ỏi, không còn người chen lấn xô bồ...

Duong hemSG.jpg

Một con hẻm nhỏ tại Q.3, TP.HCM yên tĩnh và đầy màu sắc vào dịp Tết cổ truyền - Ảnh:V.Giang

Anh T. thân mến,

Chắc anh ngạc nhiên khi đọc thư này. Chỉ vài ngày nữa là chúng ta lại gặp nhau sau những ngày nghỉ lễ mà bày đặt thư với từ. Đành là thế, vẫn biết là anh đang vui trong kỳ nghỉ ở Thái Lan. Nhưng tôi không chờ nổi, muốn chia sẻ với anh ngay trong ngày đầu năm này, do những cảm xúc chợt đến, sợ những cảm xúc này lại chợt đi trong cuộc sống đầy bận rộn của chúng ta hôm nay.

Một sớm mai tôi tản bộ một vòng các con đường quanh khu nhà. Thật ngạc nhiên, khác với thường ngày, một không khí yên ả lạ thường, không còn cảnh xe cộ bóp còi inh ỏi, không còn người chen lấn xô bồ. Không ít người bực mình với cảnh hỗn loạn xảy ra hàng ngày, trong đó có anh. Chính anh đã từng tuyên bố quê tôi không phải là Sài Gòn, mặc dù anh là người chính gốc, ba bốn đời sinh sống tại đây. Anh thường hay nói với bạn bè là anh không có quê. Có lẽ vì thế mà mỗi lần năm hết Tết đến anh lại đi ra khỏi Sài Gòn để ăn Tết một nơi xa lạ.

Quê hương, theo anh nghĩ phải là có con sông, con đò, ruộng đồng, lũy tre, nơi có cánh diều biếc “trẻ thơ thường thả trên đồng”, “mẹ về nón lá nghiêng che”…

Cũng theo anh, quê hương phải là nơi thanh bình, mọi người thanh thản, không bon chen, giành giật quyền lực hay lợi lộc vật chất…

Anh T. thân mến,

Đến sáng nay tôi mới cảm nhận Sài Gòn xứng đáng là quê anh, đồng thời là quê hương thứ hai của tôi. Những đại lộ, những cao ốc, những cây cầu hiện đại thậm chí chỉ một hàng cây, một quán cà-phê vỉa hè, một xe bánh mì nơi đầu con hẻm… chính là quê hương của mình. Ngày ngày ta sống cạnh quê hương, trong lòng quê hương. Từ đó mới cảm nhận cái phóng khoáng, bộc trực nhưng đầy nghĩa tình của người nơi đây tưởng chừng bị che lấp bởi khói bụi trần gian.

Mải mê với cảnh vật cho đến lúc nắng đã lên cao, tôi vẫn ngắm nhìn những con đường thanh thoát mà mới hôm qua thôi, luôn luôn rầm rập xe cộ, kẹt xe, khói bụi mù trời. Tôi cũng thấy vui lây cho những lề đường sáng nay không bị ai lấn chiếm mà thay vào đó rải rác có mấy chậu hoa vạn thọ ai đó đặt trước mặt tiền nhà. Tôi ngạc nhiên một cách thích thú thấy người chạy xe hiền hòa, ngừng lại khi đèn đỏ mặc dù không có xe nào ở phía đối diện. Từng tốp người du xuân nhàn nhã trong những bộ áo quần lịch sự. Ôi Sài Gòn đáng yêu làm sao, quê hương của anh đáng yêu làm sao!

Anh T. mến,

Những điều mà tôi thấy sáng nay và chia sẻ với anh không có chi là lạ. Chúng vẫn xảy ra hàng ngày nhưng ta không thấy đó thôi. Chỉ có điều ta đã dùng mắt để thấy, nghĩa là dùng một bộ phận của lục căn mà tất cả năm giác quan và ý đều dễ… lầm lạc. Cho nên sáng nay khi mọi biến động của lục căn lắng xuống tôi mới thấy bằng tâm. Tâm sáng thì mọi vật sáng. Nhờ thế mà tôi “thấy” sự vật mà trước đây không bao giờ thấy.

Đến đây tôi thú thật với anh là tôi không có khả năng lý giải thêm, mặc dù rất muốn, vì tự xét trình độ Phật học của mình còn hạn chế.

Để bù lại, tôi xin chép ra đây một câu chuyện thiền.

Quan đại phu họ Triệu ngồi thiền với sư chùa Mây. Thiền tọa xong, đại phu hỏi: “Sư thấy tôi ngồi thiền như thế nào?”. Sư đáp: “Giống như Phật”. Rồi hỏi lại: “Đại phu thấy tôi ngồi thiền ra sao?”. Quan cười: “Giống như đống phân”. Nghe thế, sư chùa Mây vẫn vui vẻ như thường.

Quan đại phu họ Triệu đem chuyện đi khoe với mọi người. Bỗng có người nói nhỏ vào tai: “Đại phu thua rồi. Vì sư kia có tâm như Phật nên thấy ai cũng giống Phật, còn đại phu có tâm như đống phân nên thấy ai cũng như đống phân”.

Đức Phật nói tâm Phật hay Phật tính ai cũng có, chỉ có điều thường bị bức màn vô minh che lấp đó thôi. Khéo tu tức khéo vén bức màn ấy. Không ai vén cho ta cả. Tự mình làm lấy, tất nhiên là không bằng sư chùa Mây. Nhưng chỉ một chút thôi, mỗi ngày một chút, ta sẽ thấy thế giới an lạc hơn, mọi người dễ thương hơn và cuộc sống đáng yêu biết dường nào!

Cao Huy Tấn


Giao-su-cao-huy-thuan-X.jpg

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.
Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày