Thượng tọa Thích Hải Đức, Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, giám tự tại chùa Diệu Đế thực hiện nghi thức tâm linh trước khi dựng nêu |
Được biết, đây là hoạt động mà chư Tăng, Phật tử ngôi chùa này tổ chức đều đặn vào những ngày cuối năm. Cây nêu được chọn từ cây tre già, cao nhất trong chùa. Nó được dựng lên trước sân với một giỏ tre và chiếc đèn lồng treo cùng với tấm vải điều màu vàng được viết bằng chữ Hán:
Giáp Thìn tân xuân
Phật nhật tăng huy
Pháp luân thường chuyển
Phong điều vũ thuận
Quốc thới dân an
Có nghĩa mong muốn năm mới Phật pháp được hưng thịnh, mưa thuận gió hòa, đất nước được thái bình.
Cây nêu mang theo ước nguyện bình an được chư Tăng, Phật tử Quốc tự Diệu Đế dựng lên |
Theo quan niệm truyền thống dân gian, việc dựng cây nêu ngày Tết mang ý nghĩa chính là để xua đuổi ma quỷ và những điều bất hạnh năm cũ, cầu mong năm mới tốt lành. Trong “Sự tích cây nêu ngày Tết” kể rằng do quỷ chèn ép người, hàng năm thu hết hoa lợi do con người trồng cấy, Phật thấy vậy bèn giúp người trừ quỷ.
Phật bảo người trồng cây nêu (dùng một cây tre thật cao), Phật treo chiếc áo cà sa lên đầu ngọn cây và thỏa thuận với quỷ rằng bóng áo phủ đến đâu sẽ là đất do con người quản lý và thu hoạch hoa lợi, phần còn lại thuộc về quỷ. Quỷ đồng ý, Phật dùng thần thông cho bóng chiếc áo phủ khắp mặt đất khiến quỷ không còn chỗ trú thân, bị đuổi ra tận biển.
Câu nêu tại Quốc tự Diệu Đế |
Tuy nhiên, hàng năm, bọn quỷ vẫn quay về đất liền để tìm tổ tiên và kiếm ăn. Để tránh bị chúng quấy nhiễu, con người bèn dựng cây nêu trên ngọn treo miếng vải, sau đổi thành lá bùa và chiếc khánh bằng đất nung, khi gió rung tạo ra tiếng động để xua đuổi quỷ.