Rằm tháng Giêng ở quê nhà…

GNO - Rằm tháng Giêng ở quê nhà không có cảnh kẹt xe như khi đi chùa Phước Hải (Q.1, TP.HCM)...

1. Ở quê nhà, rằm tháng Giêng Phật tử tới chùa đông như ngày hội, cũng giống như ở Sài Gòn, nhưng người ở quê đi chùa “dịu dàng” và “nhẹ nhàng” hơn. Các bà, các mẹ vốn nghèo nhưng tôn kính Phật thật tâm nên đến chùa ít khi chen lấn, ít khi tranh giành đứng gần… tượng Phật.

Không hiểu sao tôi thích cái cách mà các bà các mẹ ở quê đến chùa, rất thuần thành: đi tới chùa, thấy thầy chùa như thấy Bụt, cứ cúi người chào một cách đầy cung kính với lời chào thiêng liêng: Nam mô A Di Đà Phật. Thầy cũng chào Phật tử một cách từ ái bằng câu chào tương tự, thấy gần gũi, thân thương đến lạ… 

1328433132.img.jpg

Trẩy hội rằm tháng Giêng - Ảnh minh họa

Rằm tháng Giêng ở quê nhà không có cảnh kẹt xe như khi đi chùa Phước Hải (chùa Ngọc Hoàng, Q.1, TP.HCM), càng không có cảnh khói nhang ngùn ngụt như ở chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3, TP.HCM) và tất nhiên không có cảnh người ta róc thịt rừng để bán ngay trước cổng chùa trong lễ hội chùa Hương… Vì thế, rằm tháng Giêng ở quê là một nét đẹp hiếm có còn lưu giữ lại giữa thời buổi mà người ta mua quan bán chức với thánh thần đến nỗi mê đắm, vô độ, đi cướp ấn đền Trần trong cảnh tượng kinh hoàng; dâng lễ lên Phật bằng tiền lẻ một cách thiếu tôn kính và xin xỏ quá trời quá đất chuyện hanh thông.

Dẫu những nét đẹp thuần tịnh, giản dị chốn quê lâu nay chỉ còn trong ký ức và thi thoảng đến dịp như rằm tháng Giêng mới gọi về cho mẹ “kiểm tra” sự thành kính của người quê mình, rồi nhận được sự xác nhận: Phật tử quê mình dễ thương lắm, giản dị mà chân thành - chừng ấy thôi cũng đủ để mình cảm thấy vui vui về nét văn hóa vẫn còn được gìn giữ ở những nơi như quê mình: chưa bị tác động nhiều của vật chất, bạo lực, tham nhũng…

2. Ngẫm và lại nhớ rằm tháng Giêng ở quê nhà, mẹ thức dậy sớm lễ Phật cầu nguyện cho xóm làng, bà con láng giềng ai cũng mạnh lành. Mẹ nói: “Hàng xóm ai cũng an vui thì mình cũng an vui”. Không triết lý nhiều nhưng đằng sau cách nghĩ ấy là tâm từ, tâm bi của mẹ, là cách nghĩ tương tức (nương nhau mà biểu hiện)!

Rằm tháng Giêng, mẹ đi chùa với nắm phượng cúng được mẹ mua ở chợ, buổi chợ sớm với hoa cúng Phật ở quê chỉ toàn là vạn thọ và phượng cúng do người dân tự trồng, “tự cung tự cấp”. Hoa phượng màu vàng, màu đỏ được gói trong mớ lá chuối sạch sẽ, tinh tươm có thể được cắm vào bình và dâng lên Phật ngay. 

ap_20110308070027975.jpg

Hoa phượng cúng

Mẹ nói ở quê mùa này phượng cúng nở rộ lắm, đẹp lắm. Nghe mẹ kể cũng thấy vui vui vì nét đẹp của loài hoa ấy đã trở thành thứ chất liệu mang tên “ký ức” nuôi dưỡng tâm hồn mình trên những nẻo đường ngược xuôi xa xứ. Hồi nhỏ mình đi chùa theo mẹ cũng lon ton xin mẹ mấy ngàn mua hoa phượng cúng gieo duyên với Phật…

3. Tháng Giêng ở quê nhà, người đi chùa như trẩy hội nhưng không gặp sư giả đứng “khất thực” từ ngoài cổng bởi quê nghèo heo hút, cả huyện chỉ có một thầy nên có muốn giả cũng không dễ!

Có người bạn nghe tôi nói điều đó đã nghĩ thêm một ý khác: “Mà giả sư ở quê chắc cũng “đi không về không”, Phật tử ở quê đến chùa vì tấm lòng kính Phật trọng Tăng và mỗi năm chỉ có thể tiết kiệm để cúng chùa 50.000 đồng là cùng, đó đã là số tiền lớn…”. Nghe cũng có lý, mà nghĩ sâu hơn lại thương cho Phật tử ở quê mình còn nghèo quá đỗi. Và nghĩ về một xã hội vật chất phát triển cũng có mặt trái đáng buồn - là cơ hội cho những ý niệm xấu phát sinh, nhất là khi người ta không hề biết nhân quả là gì, cứ mặc kệ, sống sao cho sung sướng bản thân mình là được rồi.

Ở quê nhà, từ nhỏ mình đã nghe bà kể chuyện cô Tiên, ông Bụt cứu người tốt, cổ tích bà kể mỗi đêm là chuyện người ác thì kết thúc luôn bị quả báo xấu nên cái ý niệm nhân quả đã có từ bài học “Gieo gió gặt bão”…

Rằm tháng Giêng ở quê nhà, là những ký ức như thế, được chắp nối, so sánh, suy nghiệm để rồi vẫn thấy quê nhà mình thật tuyệt vời… Cảm ơn chốn quê tuy nghèo nhưng đã dưỡng nuôi tâm hồn mình một cách khéo léo, để có đi đâu, có làm gì thì những lúc như thế này (rằm tháng Giêng) là một lần mình nhớ và thấy an yên với những ký ức ngọt ngào!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày