Rừng đa cổ thụ ở A-ting

GN - Tây Giang là một trong nhiều huyện miền núi, giáp biên giới với nước bạn Lào, vùng sâu xa nhất của tỉnh Quảng Nam. Vùng đất này là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào Cơ-tu, bên cạnh di sản thiên nhiên hùng vĩ.

Cây đa thiêng ngàn năm tuổi

Huyện Tây Giang cách trung tâm thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) khoảng 190km, và cách thành phố Đà Nẵng gần 150km. Ở làng A-ting (xã Ga ry, huyện Tây Giang) có một rừng cây đa cổ thụ vẽ lên muôn hình vạn trạng giữa núi rừng thâm u kỳ vỹ.

Già làng A-ting - Ríah Nhoót khi dẫn chúng tôi cùng những trai làng vào rừng đa, già vừa đi vừa kể chuyện, thủ thỉ như đang nói chuyện với rừng. Già Nhoót như trở về với những hoang dã xa xôi của miền biên viễn này: “Đã trên 70 năm rồi đấy, mình già đi, chứ những ‘cụ’ đa này không thay đổi gì nhiều. Lúc còn nhỏ, già đã thấy những cây lim to như thế này, giờ đã lên lão rồi mà vẫn thấy như thế”.

ANHZH (1).JPG
Các "cụ đa" là nơi nương tựa tâm linh, gần gũi với cộng đồng làng

Theo lời già Ríah Nhoót, trong cánh rừng bạt ngàn và âm u này có tới hơn 2 cây đa cổ thụ. Rừng cây đa cổ thụ tại thôn A-ting được người dân phát hiện từ rất lâu, nằm trên một ngọn đồi có tên là Hơ-rê (có nghĩa là cây đa) có diện tích khoảng 20ha, cách làng A-ting tầm 5km, cách đường quốc phòng mới mở tầm 400m.

Tổng số cây đa có đường kính trên một mét có độ tuổi từ 200 năm tuổi trở lên là 9 cây, trong đó có một cây có hình thù rất đẹp, đứng ở xa xa trông giống như hình một con voi, đường kính của cây đa này là 13m, độ phủ của rễ cây tính từ trên cành cắm xuống đất là 35m, độ che phủ của lá 6.400m2. Theo lời kể của các cụ già trong làng, cây này có độ tuổi hơn 1.000 năm.

Tức là nếu giả thuyết này đúng, thì rừng đa cổ thụ ở đây cũng đã có cả ngàn năm tuổi. Tuy không biết chính xác số tuổi những rừng đa trong làng, nhưng điều đặc biệt là không ai dám tự ý chặt phá, hay chỉ bẻ một nhành nhỏ. Bão tố, cây nào đổ, không ai dám tự động vào “xẻ thịt” mang về làm của riêng, mà đợi họp dân, họp làng.

Già Ríah Nhoót bảo, với người làng thì những cây đa này giống như báu vật của làng. Một điểm nữa khiến rừng đa này quý giá đó là sự trường tồn mãnh liệt với sự phát triển của dân làng. Dù có hạn hán, mưa bão, lụt lội thì rừng đa vẫn cứ sừng sững xanh tươi.

Già Ríah Nhoót bộc bạch: “Rừng đa này trong tiếng Cơ-tu gọi là Bha’lâng Ri’rêy, cũng là loại cây sống lâu năm, linh thiêng, gần gũi với cộng đồng làng. Dân làng khi phát hiện rừng đa cổ thụ, không ai dám đến gần, nhất là các ‘cụ’ đa có hình thù như con voi, vì họ sợ làm hại cây, cây sẽ làm người dân ốm đau và  dịch bệnh”.

Tại ngôi làng này, người dân vẫn gọi những cây đa bằng “cụ”. Có những “cụ” đa độc thân, bơ vơ một mình ven sườn dốc, có những “cụ” đa đã “thượng thọ” đến hàng trăm năm tuổi, con đàn cháu đống, kết thành những tán rừng xum xuê, xanh ngắt.

Nơi chúng tôi tiếp cận “cụ” đa cổ thụ bậc nhất vùng này có độ che phủ rộng lớn, bàn chân như được phủ kín bởi lớp mùn dày đặc. Dưới rừng cây rậm rạp, những tia nắng xuyên qua tán lá chi chít những sắc vàng lung linh, huyền ảo. Rừng thiêng mang trong mình vẻ đẹp vô cùng kỳ bí.

Hơn 13m đường kính, với độ phủ rộng của rễ được tính từ cành cây cắm thẳng xuống mặt đất khoảng hơn 35m, cụ “cây đa voi” - theo cách đặt của người dân địa phương, có tuổi đời ước hơn 1.000 năm. Những “cụ” đa khác, độ lớn cũng không thua kém, cao chót vót, vươn mình đón nắng.

Cho màu xanh di sản

Rừng đa này là cánh rừng bí hiểm thứ 3 được đồng bào Cơ-tu ở huyện biên giới Tây Giang phát hiện, sau quần thể pơmu và đỗ quyên. Vì thế, gần như nơi này rất ít bàn chân con người qua lại.

Với người làng, thì việc cấm xâm hại đến mẹ rừng là điều tối trọng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng thiêng là nơi có nhiều cây gỗ quý như cây đa, cây pơmu, dổi, lim xanh…

Đây là triết lý và cách ứng xử rất văn minh của người Cơ-tu đối với mẹ rừng, với môi trường tự nhiên. Họ xem rừng, xem những cây cổ thụ lâu năm như vị thần sống, gắn lên nó những câu chuyện huyền bí về các vị thần giúp dân làng có môi trường sống trong lành, có nguồn mạch nước ngọt trong vắt để uống, có sản động - thực vật phong phú để sinh tồn và phát triển.

Điều đặc biệt tại ngôi làng này là nhiều gia đình sống ngay dưới những gốc cây lim có giá trị kinh tế cao, nhưng tuyệt nhiên không ai dám đụng đến.

ANHZH (3).JPG

Những “cụ” đa cao chót vót, vươn mình đón nắng

Anh Ríah Nhóp, Bí thư Đảng ủy xã Ga-ry kể, với rừng đa này, cộng đồng người Cơ-tu không chỉ ở trong làng, mà cả xã A-ting này quyết tâm giữ rừng, hướng đến hình thành điểm du lịch trải nghiệm cho du khách với những cây đa cổ thụ có bộ thân, bộ rễ đan bện vào nhau như bức tường thành chắc chắn.

Nhiều năm trở lại đây, để bảo vệ rừng đa này, dù không công nhưng những thanh niên trong làng, trong xã vẫn phối hợp với cán bộ kiểm lâm làm nhiệm vụ túc trực, tuần tra rừng. Hàng ngày Ríah Nhóp cùng người làng lên rừng làm việc, vừa để tuần tra, bảo vệ những cây đa của làng. Mấy chục năm trôi qua, hầu như ngày nào anh và người làng cũng có mặt tại rừng, nhiều khi cũng chỉ để ngắm những cụ đa cổ thụ mà làng mình đang giữ. Đó cũng là điểm tựa tâm linh của người làng.

Anh Ríah Nhóp bảo: “Ở trên miền núi cao tít tắp biên giới Việt - Lào còn hiếm khi tồn tại được những cây đa cổ thụ như thế này chứ chưa nói đến cả khu rừng đa bạt ngàn như vậy. Là người dân nơi đây, tôi cảm thấy rất tự hào về điều này. Chúng tôi chăm sóc và bảo vệ rừng đa để gìn giữ, bảo vệ những giá trị lớn lao mà ông cha đã để lại”.

Cùng với di sản văn hóa của đồng bào Cơ-tu, di sản thiên nhiên đã làm cho huyện Tây Giang có cơ duyên kết nối các giá trị độc đáo, quý báu của những sản phẩm do con người tạo ra.

 Minh Ngọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có nhóm ăn chay cũng dùng trứng (công nghiệp) được - Ảnh minh họa

Ăn chay trường dùng trứng, sữa được không?

GNO - Tôi là Phật tử ăn chay trường đã lâu. Vì công việc và sức khỏe nên tôi có dùng các thức uống như sữa, nước yến, mật ong. Có người nói rằng đã ăn chay trường thì không nên dùng các thức uống đó. Vậy tôi nên làm thế nào? Mong được quý Báo hướng dẫn.
Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

GNO - Tôi thường viếng các chùa và nhận thấy rằng các chú tiểu nhỏ (khoảng độ tuổi mẫu giáo và cấp 1) thường để ba chỏm tóc, còn các chú tiểu lớn hơn (khoảng độ tuổi thiếu niên, cấp 2, 3) thì để một chỏm tóc dài rồi vén bên tai. Quý Báo cho tôi biết nhà chùa chừa các chỏm tóc này cho các chú tiểu có ý nghĩa gì?

Thông tin hàng ngày