Sắc màu chợ Trung thu phố cổ

GN - Suốt nửa đầu tháng Tám âm lịch, khắp khu phố cổ Hà Nội rộn rã đủ sắc màu của chợ Trung thu truyền thống, người dân thủ đô và du khách bốn phương nườm nượp đổ về.

Bạt ngàn đồ chơi dân gian, với những đèn ông sao, đèn kéo quân, đầu sư tử, trống bỏi, mặt nạ… được bày bán giăng kín các phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Giấy.

DSCN8623.JPG
Sắc màu trung thu 2015 trên phố Hàng Mã và chợ Đồng Xuân


Đã thành truyền thống từ xa xưa đến tận ngày nay, phố Hàng Mã vốn thường nhật chuyên bán các đồ vàng mã, hương nến thì cứ đến những ngày giáp Tết Trung thu như được thay mình màu áo mới, bởi các quầy hàng đều đồng loạt bày bán các loại đồ chơi dành cho trẻ em.

Những năm trước, Trung thu trên phố Hàng Mã, người ta chỉ thấy bạt ngàn đồ chơi bằng nhựa, với hàng nghìn chủng loại. Đồ chơi dân gian truyền thống bị lép vế vì không thể cạnh tranh với những mẫu hàng Trung Quốc có mẫu mã bắt mắt hơn nhiều.

Những thanh kiếm nhựa, gậy ánh sáng, đinh ba Trư Bát Giới đủ màu sắc, đèn cù, đèn lồng nhựa giá rẻ nhưng tinh xảo lấn át những đầu sư tử, mặt nạ chú Tễu bồi bằng giấy cứng của các nghệ nhân trong nước… Khi ấy, các bậc phụ huynh muốn tìm cho con những đồ chơi dân gian cũng đành ngán ngẩm vì không thể tìm ra sản phẩm vừa ý, dẫu có mua được thì những sản phẩm truyền thống cũng rất đơn điệu, sản xuất cẩu thả với mẫu mã và chất lượng quá kém, không đủ sức thu hút.

Nhận thấy nhu cầu của người dân đến mua sắm đồ chơi ở phố Hàng Mã rất lớn, từ năm ngoái UBND quận Hoàn Kiếm đã quyết định tổ chức chợ Trung thu thường niên phố cổ với tâm điểm là phố Hàng Mã và mở rộng ra nhiều phố xung quanh. Qua lần đầu cho thấy ý tưởng đó đã thành công ngoài mong đợi, chính quyền quận và các xã phường cổ vũ, khuyến khích các quầy hàng, cơ sở sản xuất đồ chơi chú trọng sản xuất và kinh doanh những mặt hàng dân gian truyền thống để phục vụ nhu cầu của người dân.

Đến chợ Trung thu năm nay, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy các loại đồ chơi hiện đại, sản phẩm xuất xứ Trung Quốc gần như biến mất tại "thủ phủ" của đồ chơi cho trẻ em vào dịp này. Trong khi đồ chơi cổ truyền thuần Việt đã lên ngôi.

Dạo các con phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can, Hàng Ngang, Hàng Đào thấy giăng mắc những đèn ông sao, đèn kéo quân, ông tiến sỹ, đèn con cá… treo rực rỡ ở hầu khắp các cửa hàng. Đây đều là những đồ chơi Trung thu truyền thống, do các doanh nghiệp, nghệ nhân ở các làng nghề thủ công Việt Nam sản xuất.

Một trong những mặt hàng chiếm ưu thế nổi bật của đồ chơi Trung thu năm nay là đèn kéo quân. Các doanh nghiệp trong nước đã sáng tạo và tung ra thị trường hàng trăm mẫu đèn đẹp, chất liệu để làm đèn cũng rất phong phú. Có loại bằng giấy màu, loại bằng giấy bóng kính, bằng nhựa… Đặc biệt, thị trường đèn kéo quân năm nay trở nên sôi động hơn, khi xuất hiện nhiều mẫu mang trên mình những thông điệp về tình yêu quê hương, đất nước, chủ quyền biển đảo, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Có hàng chục mẫu đèn kéo quân in hình các anh hùng dân tộc như Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Thánh Gióng. Nhiều mẫu đèn  in những hình ảnh về ngư dân, biển đảo, cảnh sát biển, biểu tượng Trường Sa, Hoàng Sa… với những thông điệp hướng về biển đảo in trên mặt đèn. Ngoài ra, còn có những đèn kéo quân in thêm hình các con vật mang đậm sắc thái quê hương, gần gũi với người dân Việt Nam như con ong, con mèo, cá chép, con bướm,…  Giá cả của các đèn kéo quân không đắt, chỉ từ 80.000 đồng trở lên tùy mẫu mã, với 150 nghìn đồng là có một chiếc đèn kéo quân cỡ vừa rất đẹp.

Sản phẩm đầu sư tử, đầu lân, mặt nạ năm nay cũng được các cơ sở sản xuất trong nước đưa ra nhiều mẫu mã bắt mắt, giá bán không đắt nên nhận được sự tin tưởng của các bậc cha mẹ mua làm quà cho con cái. Đầu sư tử có giá từ 55.000 đồng đến 200.000 đồng/chiếc, thậm chí có những đầu sư tử có giá cả triệu đồng, tùy kích cỡ, mẫu mã cũng như chất lượng. Đầu lân cũng có giá tương tự, một chiếc đầu lân loại nhỏ giá từ 120.000 đồng. Sản phẩm mặt nạ với nhiều nhân vật đặc trưng của Việt Nam như Chú Tễu, thằng hề… giá bán từ 30.000 đồng đến 80.000 đồng.

Chủng loại đồ chơi đơn giản, rẻ tiền hơn cũng vô cùng phong phú với đèn ông sao, đèn lồng, trống bỏi… Đèn ông sao là loại đồ chơi thông dụng nhất, có giá bán khoảng 10.000 đồng. Những chiếc đèn lồng xếp giấy hình cá chép, gà trống cũng như các nhân vật hoạt hình tùy kích cỡ có giá từ 15.000 đồng-35.000 đồng/chiếc. Đi kèm với những chiếc đèn lồng xếp giấy là loại đèn pin nhỏ phát sáng có giá 5.000 đồng/chiếc rất tiện dụng, tránh bị cháy đèn do dùng nến như mọi năm. Trống tay có giá 50.000 đến 120.000 đồng/chiếc, trống nhỏ có giá chỉ 15.000 - 20.000 đồng.

Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, những năm gần đây nhiều phương tiện thông tin phản ánh về sự độc hại của nhiều loại đồ chơi hiện đại, nên phụ huynh muốn mua cho con những đồ chơi dân gian truyền thống có xuất xứ trong nước, hạn chế chọn đồ chơi Trung Quốc. Bởi vậy, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã tăng cường kiểm tra hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em; kiểm soát gắt gao những đồ chơi bạo lực, đồ chơi kích thích.

Trước Trung thu năm nay, quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra phát hiện 53 vụ hộ kinh doanh vi phạm, tịch thu và tiêu hủy 51.300 sản phẩm đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồ chơi mang tính bạo lực. Bởi vậy, năm nay đồ chơi bạo lực đã giảm đáng kể, đảm bảo một thị trường “sạch” cho các cháu thiếu nhi. 

Cùng với chợ Trung thu, năm nay UBND quận Hoàn Kiếm còn tổ chức "Lễ hội Trung thu phố cổ Hà Nội", từ ngày 13 đến 26 tháng 9 năm 2015. Những ngày này, hoạt động vui chơi, giải trí diễn ra xung quanh các tuyến phố Hàng Mã, chợ Đồng Xuân, phố Hàng Đào, Hàng Giấy và một số di tích trong khu phố cổ Hà Nội.

Các hoạt động dành cho thiếu nhi được tổ chức phong phú để các em được trải nghiệm các trò chơi Trung thu truyền thống như: giới thiệu tư liệu về hình ảnh Trung thu cổ truyền, hướng dẫn làm các loại đồ chơi dân gian, tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống cho thiếu nhi; tổ chức các gian hàng, quầy hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm phục vụ Trung thu, đồ chơi thiếu nhi…

Đêm hội trò chơi dân gian đã diễn ra vào tối 18-9, tại khu vực cửa chợ Đồng Xuân với các hoạt động giới thiệu, tổ chức và hướng dẫn cho thiếu nhi chơi các trò chơi dân gian truyền thống của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung. Liên hoan múa lân và sư tử với sự tham gia của các đội múa lân, sư tử của những phường trong khu phố cổ diễn ra vào tối 19-9.

Đặc biệt, Đêm hội rằm Trung thu phố cổ với hoạt động thi bày cỗ Trung thu, thi rước đèn, vui phá cỗ trông trăng, các trò chơi dân gian, hoạt động văn nghệ, võ thuật dành cho thiếu nhi sẽ diễn ra vào tối ngày 26-9 (tức ngày 14-8 âm lịch) tại trước cửa chợ Đồng Xuân. Ngoài ra, tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây trong những ngày này có các hoạt động vui Trung thu, như trưng bày, giới thiệu hình ảnh về vui Trung thu tại khu phố cổ Hà Nội; tổ chức hướng dẫn làm các đồ chơi dân gian như đèn ông sao, đèn kéo quân, ông đánh gậy, diều, tò he, mặt nạ…

Từ nhiều năm nay, lễ hội Trung thu phố cổ Hà Nội được coi là “đặc sản” của thủ đô, là nét văn hóa truyền thống được tổ chức thường niên với nhiều hoạt động vui chơi thiết thực, đậm màu sắc truyền thống. Hoạt động này thu hút sự quan tâm của người Hà Nội và rất nhiều du khách trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày