Giác Ngộ - Gió thốc tháo. Gió tràn vào nhà từ cửa sổ, những bức thư pháp bay lộn ngược lộn xuôi. Những em cây bé bỏng trong khu vườn nơi tịnh thất đón gió đến rũ rượi…
Sài Gòn gió chướng, chướng thật. Lại thêm một “khoảnh khắc” lạ của thời tiết Sài thành? Hơi lạ, vì chưa bao giờ đón gió ở Sài Gòn (gió mạnh mẽ) như thế này, giống như gió Lào ở quê nhà miền Trung!
Sài Gòn và nhiều nơi đã có gió lạ, gió nổi bất thường, gió cuốn phăng những bình yên nơi lòng người, như sáng nay đọc tin gió lốc, mưa đá ở Hải Phòng, Yên Bái, Nghệ An gây chết và bị thương nhiều người, hàng trăm ngôi nhà tốc mái.
Cuồng phong - Ảnh minh họa
Gió chướng ở Sài Gòn cho mình cảm giác của sự đổi thay, của những bất thường của thiên nhiên nơi đất phương nam vốn yên bình này. Rồi thì những con đập mọc lên, những công trình thủy điện ở dòng Mê-Kông sẽ tiếp tục phá đi những “dấu cũ” của đất-nước-và người.
Tất nhiên, vì cái lợi trước mắt và vân vân những lý do đại loại như là “cần thiết cho phát triển” người ta sẵn sàng “đứng trên dư luận” (cũng có nghĩa là đạp lên trên sự sống còn của số đông con người nghèo khổ, sống nhờ vào dòng sông bao đời nay, nhất là nơi hạ nguồn đổ về biển, nơi dòng nước mang tên Cửu Long như ở Việt Nam). Cứ thế, những công trình mọc ra giết chết những dòng sông, làm cho hệ sinh thái đổi thay…
Sài Gòn gió chướng, đón gió “lạ” mà thấy lòng không an, đương nhiên. Vì “đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. Vì cảnh ấy có thể là những dự báo cho những điều bất an có thể đến với nhiều người.
Ngày xưa, trong lý thuyết trị vì của vua chúa, đôi khi đất trời thịnh nộ, tinh tú có những hiện tượng lạ là những nhà chiêm tinh, vua quan bắt đầu có những suy nghĩ để “phản quan tự kỷ”. Và đó là một cách để sửa mình, bởi rất có thể những quyết sách của “Thiên tử” đã động lòng trời, đi ngược lại mong muốn của lòng người, tổn hại lòng dân… Cách trị vì ấy đáng học hỏi!
Con người ngày xưa chưa tác động nhiều vào tự nhiên, chưa khám phá tự nhiên như bây giờ nên còn tôn trọng, còn sống hài hòa với tự nhiên. Và con người ngày xưa hiểu rằng, họ sống trong trời đất, nên chắc chắn cũng bị sự chi phối của đất trời.
Trân quý tự nhiên - Ảnh: Internet
Tôi ngờ rằng, khi con người ta khám phá ra nhiều thứ thì con người không còn tôn trọng tự nhiên, tự cao tự đại với những gì mình có và hưởng thụ đến kiệt cùng sức lực của thiên nhiên. Ngờ điều này bởi tôi nghiệm từ tình yêu, ngày xưa, ông bà mình yêu nhau, tôn trọng nhau dữ lắm nên ăn đời ở kiếp. Còn bây giờ, yêu nhau kiểu chớp nhoáng, chụp giựt, sét đánh rồi “sống thử” đủ hết… Và họ không còn tôn trọng người thương, cũng là thiếu tôn trọng chính mình!
Sài Gòn mùa gió chướng, chướng thật. Nhưng gió “lạ” ở Sài Gòn cùng những cơn lốc xoáy ở đó đây trên quê hương Việt kịp nhắc mình nhớ về những dự báo của những nhà khoa học, về sự biến đổi khí hậu, về những “báo động đỏ” từ tự nhiên như nhiệt độ trái đất tăng, hiệu ứng nhà kính, nước biển dâng…
Vậy là gió chướng Sài thành cũng cho mình suy nghiệm một vài điều, lan man!