“Sầu nữ” & trái tim người mẹ

GN - Hơn 70 năm gắn bó với sân khấu cải lương, NSƯT Út Bạch Lan được khán giả mộ điệu phong tặng cho nhiều mỹ danh thể hiện tài nghệ và giọng ca đầy day dứt, bi ai vượt thời gian như: Nữ hoàng vọng cổ, Đệ nhất đào thương, Nữ hoàng sầu mộng, Sầu nữ liêu trai, Vương nữ sương chiều, Sầu nữ Út Bạch Lan…

Như vai diễn đào thương trên sân khấu, cuộc đời thực của “Sầu nữ” là một tấn bi kịch bất hạnh và đầy nước mắt. Ở đó, dù nếm trải trăm ngàn đắng cay, tủi phận nhưng cuộc đời “Sầu nữ” vẫn lung linh trái tim bao la tình thương - trái tim của một người mẹ: một trái tim lúc nào cũng rộng mở, bao dung, dành cho con, cho cháu tất cả tình thương, dù bà chưa một lần sinh nở…

NSƯT Út Bạch Lan còn được biết đến là một Phật tử với hơn 20 năm trường chay…

Hát rong nuôi mẹ

Sinh ra tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, Đức Hòa, Long An, là con một nhưng bé Út được một người tốt bụng có tới 14 người con nhận nuôi nên bé Hai trở thành bé Út. Được hai năm thì cha nuôi mất, hai mẹ con bé Út lang thang đi làm thuê, làm mướn quanh khu vực Chợ Lớn Mới (chợ Bình Tây hiện giờ) sinh sống qua ngày, tối về ngủ trên thớt thịt ở chợ.

Cùng cảnh ngộ với hai mẹ con Út còn có hai mẹ con của Văn Vĩ, hai mẹ kết nghĩa, sống chung. Văn Vĩ bị mù từ nhỏ nhưng có ngón đàn guitare phím lõm tài tình, bé Út được Văn Vĩ tập ca. Vì mê cải lương, bé Út lúc đó mới 10 tuổi nhưng thuộc rất nhiều bài vọng cổ từ băng đĩa…

ANH BAO T (3).jpg

Nghệ sĩ Út Bạch Lan thời trẻ - Ảnh: TL

Thương mẹ vất vả mưu sinh, thấy người ta đi hát có nhiều tiền nên hai anh em xin hai mẹ đi hát rong. Cặp đờn ca nhỏ tuổi đi hát đến đâu cũng được lòng mến mộ của bà con xóm chợ, từ vỉa hè Chợ Lớn Mới đến chợ Bàu Sen, bùng binh Sài Gòn rồi ra đến chợ Bến Thành - Sài Gòn… đâu đâu cũng nghe nức nở, rưng rưng bởi tiếng hát sâu lắng, thiết tha của bé Út hát dạo kiếm tiền nuôi hai mẹ.

Rồi, một người tốt bụng thương, đưa hai mẹ của Văn Vĩ và Út về cất chái cho ở nhờ bên hiên nhà gần chợ Bàu Sen. Văn Vĩ và bé Út trở thành “thầy” dạy vọng cổ cho hàng chục đứa trẻ cùng trang lứa. Tài cầm kỳ của Văn Vĩ và tiếng hát của bé Út đã đồn đến tai cô Năm Cần Thơ - là một trong những tên tuổi nghệ sĩ cải lương đầu tiên ở miền Nam lúc bấy giờ tìm đến… Từ hát rong ở vỉa hè, bé Út được Đài Phát thanh Pháp Á mời thâu âm “Trọng Thủy - Mỹ Châu” và sau đó chính thức được đi hát có lương. Với nghệ danh Út Bạch Lan, cuộc đời hát rong của bé Út sang trang…

Mẹ không rứt ruột sinh con, nhưng…

Cùng với nghệ sĩ Thành Được, Út Bạch Lan làm nên tên tuổi đỉnh cao trên sân khấu Thanh Minh, Kim Chưởng những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Từ một đào con, Út Bạch Lan không ngừng sáng tạo trên các sân khấu của các đoàn hát rồi dần trở thành đào chánh, giọng hát của bà trưởng thành, lắng sâu trong lòng người mộ điệu, với tài sắc vẹn toàn… bà trở thành hiện tượng, giọng ca vàng của sân khấu cải lương và các hãng đĩa lúc bấy giờ.

Các vở tuồng ở sân khấu Thanh Minh, Kim Chưởng giúp Út Bạch Lan thành danh: Nửa đời hương phấn, Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca, Người đẹp thành Bát Đa, Dưới hàng phượng vĩ, Nước mắt kẻ sang Tần, Tình cô gái Huế…

Giọng ca vàng của bà được lên đỉnh cao khi Út Bạch Lan hát với kép chánh - nghệ sĩ đào hoa Thành Được. Không những tạo ấn tượng trên sân khấu, cặp đôi trở thành vợ chồng ngoài đời thực. Hai người được nghệ sĩ Phùng Há và bầu Kim Chưởng đứng ra tác hôn, đám cưới của họ rỡ ràng với hàng trăm ký giả đưa tin... Để hát cùng nhau, họ thành lập sân khấu riêng.

ANH BAO T (1).jpg

NSƯT Út Bạch Lan cùng các nghệ sĩ biểu diễn vỡ Mẹ vẫn mai bên đời con - Ảnh: T.Hiệp

Thế nhưng, như một tấn tuồng đầy nước mắt, cuộc đời thực của Út Bạch Lan trải qua bi kịch, bất hạnh. Chồng là nghệ sĩ đào hoa, nhiều phụ nữ theo đuổi, “ông ấy lại thương nhiều người” nên cuộc sống vợ chồng chẳng bao lâu đã phải chia tay, sân khấu chung cũng tan gánh. Vai diễn đào thương với các số phận truân chuyên, bị vùi dập trên sân khấu vận vào đời bà như nghiệp dĩ không dứt ra được. Và, nỗi niềm riêng của bà ngày càng chất chứa trong từng làn hơi, câu hát trở thành giọng ca thấm đẫm niềm sầu muộn, đầy day dứt, bi ai đặc biệt không thể lẫn lộn.

Thời gian sống cùng nghệ sĩ Thành Được, để yên ấm gia đình, Út Bạch Lan vừa nuôi mẹ ruột vừa nuôi mẹ chồng và bà đã nhận nuôi hai con rơi của chồng. Sau khi chia tay, bà tiếp tục nhận thêm hai con rơi của nghệ sĩ Thành Được. 4 con riêng của Thành Được từ 4 bà mẹ ở các vùng miền khác nhau, trong đó, 3 người con do Út Bạch Lan đứng tên khai sinh làm mẹ. Ngoài đứa con đầu đến với bà lúc 4,5 tuổi, một đứa được bà thuê nhà nuôi mẹ đứa trẻ khi đang mang thai, hai đứa còn lại đến với bà lúc còn đỏ hỏn.

Nhớ lại quãng thời gian này, bà nói vì thương phận đàn bà với nhau và thương những đứa trẻ bơ vơ, ít ra bà biết nó cũng là con của chồng, của đồng nghiệp. Vì chữ thương, Út Bạch Lan không thấy hận, không buồn mà sống rất nhẹ nhàng, để cho con có mẹ, gần cha và an ủi chính mình… Dù không rứt ruột sinh con nhưng bà đã nuôi 4 người con rơi của chồng không quản khó nhọc như đó là con ruột của chính mình, lo ăn học, dựng vợ gả chồng, lo cho con đoàn tụ với mẹ ruột…

Số phận lại đưa đẩy khi em trai cùng mẹ khác cha của Út Bạch Lan chết trẻ để lại 4 đứa con thơ, bằng trái tim đôn hậu, tình thương của một người mẹ, một lần nữa Út Bạch Lan lại tiếp tục nuôi cháu. Đêm đêm, Út Bạch Lan khóc thương thân phận người phụ nữ truân chuyên trên sâu khấu, ngày ngày bà vui với cuộc sống vừa được làm mẹ, vừa làm cha, nuôi lũ trẻ lớn khôn…

Nói về cuộc đời của “Sầu nữ”, soạn giả Viễn Châu đã viết riêng cho bà bài vọng cổ buồn Hoa Lan Trắng với “Bao nhiêu mưa gió ngập trời/ Hỏi ai còn nhớ một người tên Lan?" như cuộc đời thầm lặng phía sau bức màn nhung đầy gian truân của bà.

“Phật pháp cho tôi niềm vui sống…”

Là thế hệ kế tiếp nghệ sĩ Phùng Há, NSƯT Út Bạch Lan là người còn giữ lửa của “cải lương chi bảo” và được các thế hệ đàn em quý trọng. Hơn 70 năm sống trên sân khấu, sắm không biết bao nhiêu vai diễn người phụ nữ có số phận truân chuyên, đau khổ, người mẹ mất con…, “Sầu nữ” nói, bà cảm nhận cuộc đời nghệ sĩ là không hạnh phúc dù được khán giả mộ điệu thương mến, ưu ái rất nhiều.

Những vai diễn đào thương đã vận vào đời người nên bà cố gắng sống bằng trái tim luôn đầy ắp tình thương, rộng mở, bao dung của một người mẹ, thương nhiều và cho đi rất nhiều.

ANH BAO T (2).jpg

NSƯT Út Bạch Lan đã tìm thấy an lạc - Ảnh: Bảo Toàn

NSƯT Út Bạch Lan tin vào Phật pháp từ rất lâu, khi còn theo bà ngoại, theo mẹ đi chùa Ấn Quang. Cách đây hơn 20 năm, NSƯT Út Bạch Lan chính thức trở thành một Phật tử với pháp danh Giác Nhã và chừng ấy năm giữ trường chay. Bà quên đi quá khứ buồn khổ, quên sự hào nhoáng của ánh đèn sân khấu và tìm thấy rất nhiều niềm vui.

Bà luôn nương vào lời Đức Phật dạy, lấy từ bi, hỷ xả và hoan hỷ làm cứu cánh để sống. Hiện tại, dù tuổi cao, NSƯT Út Bạch Lan vẫn cùng các anh em nghệ sĩ trẻ lập nhóm chuyên hát ở chùa để lập quỹ từ thiện. Bà hát các trích đoạn cải lương về Đức Phật, ca ngợi gia đình, lòng yêu thương, hiếu thảo… “Đó là cách tôi đem lời ca, tiếng hát của mình giáo dục giới trẻ hôm nay biết yêu thương, biết làm việc thiện lành, có trách nhiệm và hiếu thảo với cha mẹ…” - NSƯT Út Bạch Lan tâm sự.

Nhìn lên bàn thờ ấm cúng, nơi tôn trí Đức Phật Bổn Sư, Đức Quán Thế Âm, bên dưới là di ảnh của Sư phụ (TT.Thích Minh Phát - chùa Ấn Quang - NV) và di ảnh mẹ ruột được tôn trí trang nghiêm tại căn hộ nhỏ của một chung cư cũ ở quận 1, bà thấy lòng mình thật sự thảnh thơi. Mỗi mùa Vu lan - Báo hiếu đến, NSƯT Út Bạch Lan bùi ngùi nhớ mẹ, người đã vất vả mưu sinh cả đời để con theo đuổi nghiệp hát.

Nhưng, bà cũng thấy rất vui, hoan hỷ vì lẽ các cháu rất hiếu thảo và luôn chăm sóc bà. Cuối đời, bà cảm thấy rất an lạc vì cuộc đời có vay, có trả. Bà đã sống với cuộc đời và trả nợ cuộc đời bằng tình thương. Vì lẽ đó, bà hạnh phúc được đi hát ở nhiều chùa, được các thầy, Phật tử, giới mộ điệu còn rất nhiều thương mến.

Ở vào tuổi 81, NSƯT Út Bạch Lan bảo, bà muốn sống thêm. Vì lẽ, cuộc sống hiện tại rất nhẹ nhàng, an lạc, thảnh thơi bên các cháu, được tiếp tục đi hát trên sân khấu ở chùa và có Đức Phật gia hộ…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày